[Tin tức] Bài phỏng vấn đầy đủ, độc quyền của Báo Tuổi Trẻ với tác giả Yuval Noah Harari về Nexus và AI
Omega Plus Books
Thứ Tư,
02/04/2025
25 phút đọc
Nội dung bài viết
Mới đây, báo Tuổi trẻ đã có cơ hội phỏng vấn độc quyền với tác giả Yuval Noah Harari – tác giả cuốn sách “Nexus: Lược sử của những mạng lưới thông tin từ Thời đại Đồ đá đến Trí tuệ Nhân tạo” về suy nghĩ của ông đối với trí tuệ nhân tạo (AI) và sự thay đổi, cách thích nghi với công nghệ trong thế kỷ 21.
Bài phỏng vấn dưới đây là bản đầy đủ của báo Tuổi trẻ với tác giả Yuval Noah Harari, một phần của bài viết đã được đăng trên website của báo Tuổi trẻ (https://tuoitre.vn/) vào ngày 30/03/2025 vừa qua.
Yuval Noah Harari - Tác giả cuốn Nexus: Lược sử những mạng lưới thông tin từ Thời đại Đồ đá đến Trí tuệ nhân tạo
PV: Sau Sapiens, Homo Deus nhận được cả sự đón nhận và tranh cãi, điều gì thôi thúc ông tiếp tục khám phá hành trình phát triển của nhân loại thông qua Nexus?
Yuval Noah Harari: Sapiens chủ yếu nói về quá khứ, giải thích cách một loài vượn tầm thường từ châu Phi trở thành người cai trị Trái đất.
Homo Deus nói về tương lai xa, khám phá cách kỹ thuật di truyền, AI và các công nghệ khác có thể thay đổi hoặc thay thế loài người trong nhiều thế kỷ tới. Trong cả hai cuốn sách này, con người là tác nhân chính.
Ngược lại, trong Nexus, điểm cốt lõi là thông tin. Tôi muốn cung cấp cho độc giả góc nhìn lịch sử về cuộc cách mạng AI hiện tại qua việc khám phá tác động của các cuộc cách mạng thông tin trước đây. Tôi chỉ ra cách phát minh ra sách dẫn đến Kinh thánh, Cơ đốc giáo, cách phát minh ra máy in dẫn đến các cuộc săn phù thủy và chiến tranh tôn giáo ở châu Âu thế kỷ 16, cách công nghệ thông tin hiện đại dẫn đến sự trỗi dậy của cả nền dân chủ và chế độ toàn trị hiện đại. Khi xem lại những điều này, mục tiêu của tôi là khám phá sự tương tác giữa công nghệ thông tin và con người. Các chuyên gia AI thường thấy khó đánh giá cách một công nghệ thông tin mới sẽ ảnh hưởng đến tôn giáo, văn hóa và chính trị. Các chuyên gia máy tính có xu hướng giữ quan điểm ngây thơ về lịch sử. Khi Internet xuất hiện, những gã khổng lồ công nghệ đã hứa rằng nó sẽ truyền bá sự thật, tự do. Điều đó đã không xảy ra.
PV: Nexus mang đến cho độc giả góc nhìn nào về nhân loại khác với cách Sapiens và Homo Deus?
Yuval Noah Harari: Trong những cuốn sách trước đó, tôi tập trung vào năng lực chủ động của con người, và cách con người sử dụng ngôn ngữ cùng các câu chuyện để sáng tạo nên những mạng lưới liên kết hùng mạnh trên toàn cầu. Trong Nexus, tôi nhấn mạnh vào năng lực chủ động của trí tuệ nhân tạo (AI). AI là công nghệ mạnh mẽ nhất mà loài người từng tạo ra, vì đây là công nghệ đầu tiên có khả năng tự đưa ra quyết định và sáng tạo ra những ý tưởng mới. Một quả bom nguyên tử không thể tự chọn mục tiêu để tấn công, cũng không thể tự nghĩ ra các loại bom mới hay chiến lược quân sự mới. Trong khi đó, AI có thể tự mình quyết định tấn công một mục tiêu cụ thể, đồng thời nghĩ ra những loại vũ khí, chiến lược và thậm chí cả các AI mới. Nó cũng có thể sáng chế ra thuốc mới, bản nhạc mới và cả thơ mới. Điều quan trọng nhất cần hiểu về AI là: nó không còn đơn thuần là một công cụ trong tay chúng ta – mà là một tác tử tự chủ, hành động theo những cách ta không lường trước được, và phát minh ra những điều mà bản thân ta chưa từng nghĩ tới. Điều gì sẽ xảy ra với nhân loại khi hàng triệu tác tử phi nhân tính bắt đầu đưa ra quyết định thay cho chúng ta và sáng tạo ra mọi thứ – từ thuốc men đến vũ khí, từ các văn bản tôn giáo mới đến những loại tiền tệ hoàn toàn mới?
Hàng nghìn năm qua, con người sống trong giấc mơ của chính đồng loại mình. Chúng ta thờ phụng các vị thần, theo đuổi lý tưởng về cái đẹp và dâng hiến cuộc đời mình cho những lý tưởng xuất phát từ trí tưởng tượng của một vị tiên tri, thi sĩ hay chính trị gia nào đó. Trong những thập niên tới, rất có thể chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong giấc mơ của một trí tuệ phi nhân.
PV: Trong phần giới thiệu về Nexus, ông nói: "Chúng ta đang sống trong cuộc cách mạng thông tin sâu sắc nhất của lịch sử loài người". Vậy trong thế kỷ 21, với cuộc cách mạng này, cuộc sống con người đang thay đổi thế nào?
Yuval Noah Harari: Thay đổi lớn nhất chính là tốc độ thay đổi. Thế giới đang trở nên khó dự đoán hơn. Từ cuộc cách mạng nông nghiệp, con người khá chắc chắn rằng những công việc cha mẹ đã làm vẫn sẽ là điều mà ta cần phải làm trong tương lai. Ta có thể theo học nghề của cha mẹ như chăn nuôi hay trồng lúa. Giờ đây không ai biết trong 20 năm nữa con người sẽ tiếp tục làm gì. Nhiều trực giác của ta có thể gây hiểu lầm. Ví dụ, bác sĩ thường được cho là quan trọng hơn y tá, ít nhất là nếu đánh giá dựa trên mức lương và địa vị xã hội của họ.
Nhưng có lẽ AI sẽ dễ thay thế bác sĩ hơn y tá. Tại sao?
Vì công việc của nhiều bác sĩ chủ yếu là phân tích dữ liệu về các triệu chứng, tiền sử bệnh án của bệnh nhân để chẩn đoán bệnh, đề xuất giải pháp điều trị. Phân tích dữ liệu là loại công việc mà AI sẽ sớm làm tốt hơn nhiều so với con người. Y tá thì không chỉ phân tích dữ liệu. Họ cần các kỹ năng vận động, xã hội tốt để thay tã hoặc tiêm vắc xin cho một đứa trẻ đang khóc chẳng hạn. Đó là điều khó tự động hóa hơn nhiều. Vì vậy chúng ta có thể sẽ có bác sĩ AI từ rất lâu trước khi có y tá robot.
Chúng ta đang chứng kiến sự đảo ngược cuộc sống về thời trước khi có nông nghiệp, khi con người du mục và phải thích nghi với môi trường liên tục thay đổi. Công nghệ đang thay đổi thế giới ngay cả khi ta vẫn đứng yên và ta phải trở nên linh hoạt hơn nhiều để đối phó với những thay đổi đó.
PV: Trong cuốn sách, ông đề cập rằng thông tin không phải là nguyên liệu thô tạo nên sự thật, cũng không chỉ đơn thuần là một loại vũ khí. Vậy, nói ngắn gọn thì thông tin là gì? Và nó quyền lực đến mức nào?
Yuval Noah Harari: Thông tin là một thuật ngữ kỹ thuật được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Với tư cách một nhà sử học, tôi xem thông tin là bất kỳ điều gì có thể kết nối các yếu tố riêng biệt lại thành một mạng lưới. Bạn có thể quan sát điều này trong sinh học. Ban đầu, chỉ có các sinh vật đơn bào. Phải mất khoảng hai tỷ năm để tiến hóa thành sinh vật đa bào đầu tiên. Và mất thêm khoảng hai tỷ năm nữa để tạo nên những sinh vật lớn và phức tạp như voi hay cá voi. Để tạo ra sinh vật đa bào phức tạp, sự sống phải tìm ra cách chia sẻ thông tin giữa các tế bào khác nhau và tạo lập một mạng lưới. Mạng lưới đó cho phép các bộ phận khác nhau của cơ thể phối hợp với nhau để đạt mục tiêu chung. Quan trọng là, thông tin giúp các tế bào liên kết lại không phải là sự thật. DNA, hormone và các loại thông tin sinh học khác giúp cơ thể gắn kết không phản ánh chân thực thế giới. Thay vì tái hiện thế giới như nó vốn có, thông tin sinh học tạo nên một thế giới hoàn toàn mới.
Điều này cũng tương tự trong các thiết chế xã hội của loài người. Dù bạn nói đến nhà nước, tôn giáo hay doanh nghiệp, câu hỏi lớn đặt ra là: làm sao để khiến hàng triệu con người hợp tác như thể là một thực thể thống nhất? Lịch sử đưa ra câu trả lời – chúng ta sử dụng thông tin được mã hóa trong những câu chuyện và luật pháp để tạo lập các mạng lưới mới.
Đó chính là chức năng của thông tin, và cũng là lý do vì sao nó quyền năng đến vậy. Nó là chất keo kết dính các mạng lưới lại với nhau. Tuy nhiên, cũng cần gạt bỏ một số quan niệm sai lầm về thông tin. Như đã đề cập, có một sự khác biệt lớn giữa thông tin và sự thật. Người ta từng tin rằng, đặc biệt trong những ngày đầu của Internet, công nghệ thông tin càng tinh vi thì càng lan truyền sự thật và làm cho con người hiểu biết hơn về thế giới. Tuy nhiên, việc sản xuất ra thông tin chân thực rất tốn kém. Bạn phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức cho nghiên cứu. Hơn nữa, sự thật thường phức tạp và đau đớn. Đó là lý do vì sao con người phải trải qua nhiều năm trị liệu tâm lý hoặc thiền định mới có thể hiểu được sự thật về chính bản thân mình. Ở cấp độ tập thể, việc hiểu điều gì đã định hình nên lịch sử và chính trị của một quốc gia còn phức tạp hơn nữa, và người ta rất ngần ngại thừa nhận những khuyết điểm hay tội ác mà dân tộc mình từng gây ra.
Trái lại, việc tạo ra hư cấu và ảo tưởng thì rẻ hơn rất nhiều, và bạn có thể khiến chúng đơn giản và hấp dẫn tùy ý. Cách dễ nhất để kết nối mọi người là kể cho họ nghe những huyền thoại làm họ hài lòng. Kết quả là, phần lớn thông tin trên thế giới không phải là sự thật. Cuốn sách thành công nhất mọi thời đại là Kinh Thánh – chứa đầy những huyền thoại an ủi, nhưng không có nhiều sự thật. Trên Internet cũng vậy, phần lớn thông tin không phải là sự thật. Khi Internet mới phổ biến, người ta gọi nó là “mạng lưới” (web). Nhưng tôi nghĩ một phép ẩn dụ chính xác hơn là “cái kén”. Thay vì được kết nối trong một mạng lưới kỹ thuật số, con người lại đang bị bao bọc bởi các AI trong những chiếc kén thông tin riêng biệt. AI chọn lọc những câu chuyện bạn đọc, và ngày càng chính nó viết ra những câu chuyện đó. Bạn có thể tranh luận cả ngày trên Internet mà không thực sự tương tác với con người – chỉ là những bot giả dạng con người. Nếu chúng ta không cẩn trọng, chúng ta sẽ sớm rơi vào một kiểu mạng lưới hậu nhân loại, bị chi phối bởi các thực thể kỹ thuật số giả tạo.
PV: Theo ông, trí tuệ nhân tạo sẽ là cơ hội hay mối đe dọa đối với những người làm việc trong ngành công nghiệp văn hóa (âm nhạc, điện ảnh) và xuất bản hiện nay? AI sẽ tác động ra sao đến những ngành này?
Yuval Noah Harari: Điều quan trọng cần ghi nhớ ở đây là: AI không có cảm xúc. Khi AlphaGo chiến thắng trong trò chơi cờ vây, nó không cảm nhận được niềm vui chiến thắng. Và khi AlphaFold dự đoán chính xác cấu trúc của một loại protein, nó cũng không cảm nhận được niềm vui khám phá. Trí tuệ là khả năng giải quyết vấn đề, còn ý thức là khả năng cảm nhận những điều như niềm vui, nỗi buồn, khoái cảm hay đau đớn. Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy máy tính đang tiến đến việc phát triển ý thức. Cũng giống như máy bay có thể bay nhanh hơn chim mà không cần có lông vũ, máy tính có thể giải quyết một số vấn đề giỏi hơn con người mà không cần cảm xúc.
Dù AI chơi cờ vây giỏi hơn bất kỳ con người nào, người ta vẫn yêu thích trò chơi này và vẫn có những kỳ thủ chuyên nghiệp. Điều đã thay đổi là cách chơi: AI giúp người chơi nghĩ ra các nước đi và chiến lược mới. Trong lĩnh vực văn hóa, chắc chắn sẽ có những AI có thể sáng tác phim và âm nhạc không khác gì con người. Nhưng tôi tin rằng AI cũng sẽ truyền cảm hứng cho con người sáng tạo nên những loại hình nghệ thuật khác biệt.
Khó mà dự đoán chính xác những ngành này sẽ thay đổi như thế nào, nhưng điều tôi có thể khẳng định là: con người vẫn sẽ muốn thể hiện bản thân. Ví dụ, con người vẫn sẽ thấy niềm vui khi chơi nhạc, kể cả khi AI trở thành nhạc sĩ hàng đầu thế giới. Vẫn sẽ có người muốn biểu diễn tại các buổi hòa nhạc trực tiếp, và vẫn sẽ có người muốn tham dự những buổi biểu diễn đó.
PV: Theo ông, cần làm gì để vượt qua “góc nhìn ngây ngô” về thông tin và thực sự đạt được trí tuệ trong việc vận hành các mạng lưới thông tin?
Yuval Noah Harari: Góc nhìn ngây ngô về thông tin là cho rằng càng nhiều thông tin thì sẽ càng đến gần sự thật và trí tuệ. Nhưng nếu khảo sát các cuộc cách mạng thông tin trong lịch sử, bạn sẽ thấy điều đó không đúng chút nào. Ngay khi một loại hình truyền thông mới xuất hiện, nó lập tức bị sử dụng để lan truyền tin giả, thuyết âm mưu và tuyên truyền. Nếu bạn nhìn vào châu Âu sau cuộc cách mạng in ấn, bạn sẽ khó mà thấy được sự gia tăng trí tuệ – nhưng lại dễ dàng nhận thấy sự bùng nổ các cuộc săn phù thủy và xung đột tôn giáo.
Vì vậy, để đạt được trí tuệ, rõ ràng không thể chỉ đơn giản là phát tán thêm thông tin. Phần lớn thông tin là rác. Sự thật là một dạng thông tin quý hiếm và đắt đỏ. Để tìm ra những hạt nhân của sự thật trong đống rác thông tin, chúng ta cần xây dựng các thiết chế tận tâm với giá trị của sự thật – như các trường đại học và trung tâm nghiên cứu học thuật. Dĩ nhiên, không dễ để biết nên tin tưởng thiết chế nào. Có thể một tổ chức tuyên bố tìm kiếm sự thật, nhưng thực chất lại theo đuổi quyền lực. Ví dụ, các tổ chức tôn giáo cũng tuyên bố đi tìm chân lý.
Để biết có nên tin một tổ chức hay không, bạn nên xem xét cơ chế tự điều chỉnh của nó. Liệu tổ chức đó có cơ chế trung thực nào để phát hiện và sửa chữa sai lầm của chính mình không? Nếu bạn hỏi tổ chức đó về những sai lầm trong quá khứ, họ sẽ liệt kê ra hay sẽ tuyên bố rằng họ chưa từng sai lầm? Các tổ chức tôn giáo không đáng tin, vì họ từ chối thừa nhận sai lầm. Họ tuyên bố mình không bao giờ sai. Đừng bao giờ tin vào một tổ chức tự cho là không thể sai. Ngược lại, các thiết chế khoa học thường xuyên thừa nhận sai lầm. Ví dụ, các tạp chí khoa học chỉ công bố những điều chỉnh đối với các lý thuyết khoa học trước đó. Nếu bạn viết một bài khẳng định Einstein đúng, chẳng có tạp chí vật lý nào thèm đăng. Nhưng nếu bạn viết bài chứng minh Einstein sai, và có bằng chứng thuyết phục cho thấy lý thuyết tương đối của ông có sai sót hoặc lỗ hổng, bạn sẽ được đăng trên tạp chí vật lý hàng đầu – và thậm chí có thể giành được giải Nobel vật lý. Các thiết chế khoa học đáng tin hơn các thiết chế tôn giáo, chính vì chúng chấp nhận sai lầm và luôn cố gắng sửa chữa.
NEXUS - Lược sử những mạng lưới thông tin từ Thời đại Đồ đá đến Trí tuệ nhân tạo
PV: Ngoài những lợi ích, AI cũng mang lại nhiều rủi ro cho cá nhân, doanh nghiệp như: tạo nội dung giả, xâm phạm quyền riêng tư, tấn công mạng thông tin... Vậy cần làm gì để có thể tự bảo vệ mình?
Yuval Noah Harari: Chúng ta có thể học hỏi các quy định truyền thống về tài chính. Từ khi có tiền xu, tiền giấy, về mặt kỹ thuật, chúng luôn có thể bị làm giả.
Điều này gây ra mối nguy hiểm hiện hữu cho hệ thống tài chính vì làm xói mòn lòng tin vào tiền bạc. Nếu tiền giả tràn ngập thị trường, hệ thống tài chính sẽ sụp đổ. Tuy nhiên luật chống làm giả đã được ban hành để bảo vệ lòng tin vào tiền bạc. Những gì đã đúng với việc làm giả tiền thì giờ đây cũng đúng với việc làm giả con người. Trước khi AI xuất hiện, hành vi giả mạo người khác sẽ bị xã hội trừng phạt. Nhưng việc tạo ra "người giả" không bị cấm vì công nghệ để làm như vậy vẫn chưa tồn tại.
Giờ đây AI và bot (robot mạng) có thể tự mạo danh mình là con người. Ví dụ, khi một con bot phát tán tin giả trên mạng xã hội, nó giả vờ là con người. Nếu không, sẽ chẳng có ai chú ý đến những gì con bot nói. Những "con người giả" này đe dọa phá hủy lòng tin giữa những con người thực sự. Do đó nên cấm những "con người giả" một cách quyết liệt như từng cấm tiền giả. Nếu bất kỳ ai phàn nàn rằng các biện pháp nghiêm ngặt như vậy vi phạm quyền tự do ngôn luận, họ nên biết rằng bot không có quyền tự do ngôn luận.
Điều này không có nghĩa là phải cấm tất cả các bot, thuật toán và AI tham gia vào bất kỳ cuộc thảo luận nào. Các tác nhân kỹ thuật số được chào đón, miễn chúng không giả vờ là con người.
PV: Nếu ông có cơ hội nói chuyện trực tiếp với các doanh nghiệp đang tạo ra AI và làm việc với AI, ông sẽ nói gì với họ?
Yuval Noah Harari: AI có tiềm năng to lớn, cả tích cực lẫn tiêu cực. Vấn đề là ta chọn làm gì với nó. Một cách khôn ngoan, ta phải phát triển trí tuệ con người nhiều như phát triển AI. Với mỗi đô la chi cho việc phát triển AI nên chi thêm 1 đô la để phát triển trí tuệ con người, nếu không ta sẽ không biết sử dụng AI một cách khôn ngoan. AI vẫn đang trong giai đoạn đầu, nhân loại cũng có rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Và sẽ thật bi thảm nếu đánh mất điều ấy mà thậm chí không nhận ra nó tồn tại.
Hãy nỗ lực để giúp con người trở nên đồng cảm và sáng tạo hơn như cách ta hiện đang dành để phát triển AI có khả năng gây nguy hiểm.
PV: Sau Nexus, liệu ông sẽ có một cuốn sách dự đoán xu hướng phát triển của nhân loại sau kỷ nguyên AI?
Yuval Noah Harari: Tôi đang hoàn thành một bộ sách cho trẻ em là Unstoppable US (Không thể dừng bước) với mục đích chuẩn bị cho chúng bước vào thế kỷ 21 bằng cách kể toàn bộ lịch sử của nhân loại, từ thời kỳ đồ đá đến AI, để giúp chúng hiểu mình là ai. Mọi đứa trẻ đều hỏi:
"Tôi là ai? Tôi đến từ đâu?". Để giải đáp, chúng cần biết lịch sử của toàn thế giới.
Nhà viết kịch cổ đại Terence từng nói: "Tôi là con người và không có gì của con người là xa lạ với tôi". Điều này hoàn toàn đúng. Mỗi cá nhân đều là người thừa kế toàn bộ sáng tạo của người đi trước. Nhưng bản chất của chúng ta còn sâu xa hơn thế nữa. Tất cả những phát minh, ý tưởng của con người trong vài ngàn năm qua chỉ là lớp vỏ bên ngoài. Sâu thẳm trong cơ thể và tâm trí, chúng ta chứa đựng những thứ đã tiến hóa trong hàng triệu năm, từ rất lâu trước khi con người xuất hiện. Tình yêu giữa cha mẹ và con cái hay nỗi sợ quái vật vào ban đêm không phải do con người phát minh ra. Những thứ này được tạo ra qua hàng triệu năm tiến hóa. Vậy nên Unstoppable US (Không thể dừng bước) có mục tiêu kết nối trẻ em với bản sắc sâu sắc của chúng trong tư cách là con người thừa kế hàng triệu năm tiến hóa. Hiểu được bản sắc của mình sẽ giúp trẻ em điều hướng thế giới mới do AI tạo ra.
PV: Với tư cách là một tác giả, ông có áp dụng trí tuệ nhân tạo vào việc viết lách của mình không? Nếu có thì như thế nào?
Yuval Noah Harari: Một tính năng AI mà tôi thường xuyên sử dụng là dịch thuật tự động các ngôn ngữ. Tôi thực sự kinh ngạc trước mức độ chính xác của nó hiện nay. Nhờ những công cụ này, tôi có thể tiếp cận với vô số nguồn tài liệu mà bình thường tôi không thể đọc được.
Nguyên tắc dẫn đường của tôi là sử dụng công nghệ phục vụ mục đích của mình, nhưng cố gắng không để công nghệ lợi dụng mình cho mục đích của nó. Thuật toán và mạng xã hội đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống cá nhân của tôi. Ví dụ, chính nhờ mạng xã hội mà tôi kết nối được với người bạn đời của mình. Tôi gặp anh ấy trên một trong những nền tảng mạng xã hội LGBTQ đầu tiên vào năm 2002. Mạng xã hội đã mang lại lợi ích to lớn cho những cộng đồng thiểu số phân tán như LGBTQ. Rất ít cậu bé đồng tính sinh ra trong một gia đình đồng tính, ở một khu phố đồng tính, và trước thời kỳ Internet, việc đơn giản là tìm được nhau đã là một thách thức lớn – trừ khi bạn chuyển đến một đô thị khoan dung hiếm hoi có tiểu văn hóa đồng tính. Lớn lên ở một thị trấn nhỏ kỳ thị đồng tính tại Israel vào những năm 1980 và đầu 1990, tôi không biết một người đàn ông đồng tính công khai nào. Mạng xã hội vào cuối thập niên 1990 và đầu 2000 đã mang lại một cách kết nối kỳ diệu và chưa từng có cho cộng đồng LGBTQ phân tán.
Vì thế, tôi hoàn toàn không phản đối công nghệ thông tin. Nhưng tôi cố gắng thận trọng khi sử dụng nó. Nó giống như thái độ đúng đắn với thức ăn. Cách đây 100 năm, thực phẩm còn khan hiếm. Con người ăn bất cứ thứ gì họ tìm được, và đặc biệt thích thức ăn nhiều mỡ và đường – vì cung cấp nhiều năng lượng. Ngày nay thực phẩm dồi dào, và chúng ta bị ngập trong đồ ăn vặt nhân tạo có hàm lượng mỡ và đường rất cao. Nếu tiếp tục ăn mọi thứ mình tìm thấy – nhất là đồ ăn vặt – con người sẽ lâm bệnh. Điều tương tự cũng xảy ra với thông tin – là thức ăn cho tâm trí. Trước kia, thông tin khan hiếm, nên chúng ta tiếp nhận mọi thứ có được. Nhưng nay, chúng ta bị bủa vây bởi quá nhiều thông tin – và rất nhiều trong đó là rác. Thông tin rác chứa đầy tham lam, thù hận và sợ hãi – những thứ thu hút sự chú ý của ta. Tất cả thông tin rác này làm tâm trí chúng ta nhiễm bệnh.
Để bảo vệ sức khỏe tinh thần và xã hội, chúng ta cần áp dụng chế độ ăn kiêng thông tin – giống như nhiều người áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh. Bước đầu tiên là giới hạn lượng thông tin tiêu thụ. Bước thứ hai là tránh xa thông tin rác – những thứ nhân tạo chứa đầy lòng tham, hận thù và sợ hãi. Cuối cùng, việc nhịn ăn thông tin theo định kỳ cũng rất tốt. Cá nhân tôi tham gia các khóa thiền định kéo dài hàng năm. Tôi thực hành thiền Vipassana (http://www.vn.dhamma.org/), và trong thời gian đó tôi hoàn toàn ngắt kết nối: không xem tin tức, không đọc email, không đọc hay viết sách – chỉ thiền. Tôi dành thời gian tiêu hóa những gì tâm trí mình đã hấp thu, thay vì nhồi nhét thêm. Vài tuần có thể quá nhiều đối với hầu hết mọi người. Nhưng nhịn thông tin một hoặc hai ngày thỉnh thoảng sẽ có ích cho tất cả chúng ta. Bạn không cần phải đi thiền. Chỉ cần đi bộ đường dài và bật chế độ “không làm phiền” trên điện thoại cũng rất hữu ích.
PV: Cảm ơn ông vì những chia sẻ rất quý giá trên!