Khuyến Học

0 Đặt hàng

Đây là một trong những tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng nhất với người dân Nhật Bản.Trong cuốn sách này, Fukuzawa Yukichi đề cập tinh thần cơ bản của con người và mục đích thực thụ của học vấn. Với các chương viết về sự bình đẳng, quyền con người, ý nghĩa của nền văn học mới, trách nhiệm của nhân dân và chính phủ trong một quốc gia pháp trị khuyến học đã làm lay chuyển tâm lý người Nhật Bản dưới thời Minh Trị. 

#
Còn hàng
129,000 

Mô tả

KHUYẾN HỌC

Fukuzawa Yukichi

BTV Quân Đặng

NỘI DUNG CHÍNH

Đây là một trong những tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng nhất với người dân Nhật Bản. 

Trong cuốn sách này, Fukuzawa Yukichi đề cập tinh thần cơ bản của con người và mục đích thực thụ của học vấn. Với các chương viết về sự bình đẳng, quyền con người, ý nghĩa của nền văn học mới, trách nhiệm của nhân dân và chính phủ trong một quốc gia pháp trị khuyến học đã làm lay chuyển tâm lý người Nhật Bản dưới thời Minh Trị. 

Với tuyên ngôn “Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người”, Fukuzawa Yukichi đã gây kinh ngạc và bàng hoàng – như “không tin vào tai mình” – cho đa số người Nhật Bản vốn bị trói buộc bởi đẳng cấp, thân phận, quen phục tùng phó mặc và e sợ quan quyền suốt hàng trăm năm dưới chính thể phong kiến Mạc phủ. Ông khẳng định mọi người sinh ra đều bình đẳng và nếu có khác biệt là do trình độ học vấn.

Với độc giả Việt Nam hiện nay, nhiều tư tưởng của Fukuzawa Yukichi trong “Khuyến học” có lẽ không còn là điều mới mẻ gây chấn động lòng người như đối với người dân Nhật Bạn ở thời Minh Trị. Tuy nhiên, cách đặt vấn đề của ông thì vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự đối với những quốc gia đang trên con đường hiện đại hoá. 

Ngoài ra cuốn sách gối đầu giường của người Nhật này cũng sẽ giúp độc giả Việt Nam hiểu rõ hơn những đặc điểm về tính cách và tinh thần của người Nhật Bản hiện đại, những người từ thân phận nông nô “ăn nhờ ở đậu” nhờ có sự khai sáng của những con người như Fukuzawa Yukichi mà đã trở thành “quốc dân” của một đất nước Nhật Bản hiện đại và văn minh như ngày nay.

ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIA

  • Khuyến học của Fukuzawa Yukichi chính là một tác phẩm mà tất cả các bạn trẻ đều cần để tạo dựng ý thức tinh thần công dân, phát xuất là công dân quốc gia và tột cùng là công dân toàn cầu._ Nhà sáng lập – Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ
  • Đây là quyển sách mà mọi người Việt Nam đều nên đọc. Đọc để biết họ đã xây dựng đất nước Nhật Bản như thế nào. Đọc để biết sự học nên là một quá trình của cả đời người. Đọc để biết hổ thẹn và phấn đấu xây dựng đất nước ngang bằng láng giềng và sánh vai với phương Tây._Rosie Nguyễn (nhận xét trên Goodreads)
  • Tôi rất mong “Khuyến học” với bản dịch mới này sẽ được bạn đọc trong nước đón nhận và phổ biến để người Việt Nam chúng ta vượt qua được trở ngại ngàn năm, biến được ít thành nhiều, biến được đặc thù thành phổ quát, biến tư tưởng tiến bộ thành ý chí, hành động, thực tiễn…_Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương

TRÍCH ĐOẠN HAY

  • Nội dung được đề cập, bàn luận trong 17 phần của cuốn sách rất rộng lớn và bao trùm mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, lịch sử, luân lý, ngoại giao… Đây là điều dễ hiểu vì Fukuzawa là nhà Tây học có tầm nhìn rộng lớn, kiến văn sâu rộng và nước Nhật khi đó đang ở trong quá trình chuyển mình toàn diện. Tuy nhiên tựu trung lại có thể thấy nội dung cơ bản nhất, mối bận tâm lớn nhất của ông thể hiện trong Khuyến học là làm thế nào để quốc gia – dân tộc Nhật Bản trở thành một quốc gia – dân tộc văn minh, có vị thế ngang bằng, cạnh tranh được, tồn tại bình đẳng được với các quốc gia phương Tây. Câu trả lời mà ông đưa ra nếu nhìn bằng nhãn quan của người hiểu biết ở thời đại ngày nay thật đơn giản: Phải học! Nhật Bản cần phải chân thành, tích cực học hỏi phương Tây đồng thời nghiêm khắc nhìn lại chính mình để trở nên hùng cường, giàu mạnh. Không chỉ nhà nước mà cả trí thức trung lưu, người dân thường cũng phải học. Nhờ học, từng người dân sẽ trở nên độc lập trong đời sống và tư duy, và kết quả tất yếu là quốc gia được trở nên độc lập.

 

  • Cổ nhân có câu: “Trời không tạo ra người đứng trên người, cũng không tạo ra người đứng dưới người.” Nghĩa là con người do trời sinh ra, muôn người đều ngang hàng với nhau, lúc mới sinh ra con người vốn không có sự phân biệt sang hèn, trên dưới. Con người là loài tối linh trong muôn vật, dựa vào hoạt động của chân tay và trí óc để biến mọi thứ trên thế gian thành thứ hữu ích, để thỏa mãn nhu cầu ăn mặc ngủ nghỉ của bản thân. Mọi người được tự do tự tại sống theo ý mình, không cản trở cuộc sống của người khác, và ai nấy đều vui vẻ sống ở trên đời. Đó là ý của trời khi tạo ra con người.

 

  • Tục ngữ có câu: “Trời không ban cho con người giàu sang phú quý, mà con người phải lao động để tạo ra giàu sang phú quý.” Như tôi đã đề cập ở trên, con người khi sinh ra vốn không chia giàu nghèo, sang hèn. Chỉ những người chuyên tâm cầu học tri thức, thông hiểu muôn việc mới trở thành người sang, người giàu, còn những kẻ không chuộng học hành sẽ trở thành người hèn, người nghèo.

 

  • Nếu người dân đã là chủ của đất nước thì việc chi trả mọi phí tổn giúp bảo vệ quốc gia chính là chức trách của quốc dân, người dân nộp những chi phí này với sự tình nguyện chứ không phải nộp với thái độ bất mãn, không hài lòng. Vì bảo vệ đất nước nên phải trả lương cho chính phủ, phải trả chi phí cho hải quân, lục quân, chi phí cho tòa án, chi phí cho quan chức địa phương…
    Nếu chia tổng thu nhập với dân số của đất nước Nhật Bản thì mỗi người chỉ phải nộp một vài yên mà thôi. Chỉ phải trả một vài yên trong một năm để được chính phủ bảo vệ, không phải lo lắng chuyện kẻ trộm đột nhập vào ban đêm, không phải lo lắng sơn tặc khi đi du lịch một mình, được sống trong bình yên, ổn định, như thế chẳng phải quá thuận tiện hay sao?
  • Khi bàn bạc việc gì đó, nếu chỉ dựa vào tin đồn và thông tin không chính thống thì chẳng thể giải quyết được vấn đề gì, mà cần thẳng thắn trao đổi trực tiếp với nhau để tìm ra cách giải quyết tốt nhất. Hay như khi nghe tin đồn ai đó nói thế này thế kia, nhưng khi trực tiếp trao đổi với nhau lại hoàn toàn không phải như vậy. Ấy là do bản tính tự nhiên của con người luôn có lòng khoan dung độ lượng. Khi lòng khoan dung nảy sinh, sẽ có thể hiệp thông với đức tính thành thực, lập tức xua tan ý niệm oán hận, ghen ghét và đố kỵ.

 

  • Như việc cứu giúp dân nghèo trong xã hội chẳng hạn, không cần hỏi xem tính nết họ tốt hay xấu, chẳng tìm nguyên nhân xem vì sao họ lại nghèo đói, mà cứ trông thấy ai có bộ dạng đói nghèo là cho tiền, cấp gạo. Với những người sống cô độc, như người chồng mất vợ, người vợ mất chồng, con trẻ mồ côi, người già neo đơn, thực sự không có nơi nương tựa, vốn là những người rất cần nhận được sự giúp đỡ, thế nhưng trong số đó lại có kẻ vừa nhận được năm đấu gạo cứu tế liền đem ba đấu đi đổi rượu về uống. Ấy là không ra lệnh cấm rượu mà lại điềm nhiên phát gạo, không chỉ dạy người ta mà lại bảo vệ quá mức. Ngay ở những nước hiện đại như Anh Quốc, trong luật cứu trợ người nghèo, họ cũng gặp phải vấn đề nan giải tương tự.

 

 

CÂU QUOTE HAY

  • “Người không học sẽ không có tri thức, kẻ không có tri thức là kẻ ngu đần.” Thế nên sự khác biệt giữa người thông minh và kẻ ngu đần kỳ thực cũng chỉ ở chỗ có học hay không học mà ra.
  • Người dân là người đứng đầu, là người làm chủ. Chính phủ là người đại diện, là người lãnh đạo.
  • Đã là người sinh ra trên đời thì đều phải có lòng yêu nước, bất kể là quan chức hay dân thường đều nên vun bồi, mưu cầu cho bản thân tinh thần độc lập, sau đó nếu có thể hãy giúp người khác có được tinh thần độc lập.
  • Oán hận là “nguồn cơn của muôn điều xấu xa”, mọi chuyện xấu xa của con người đều phát sinh từ lòng oán hận.

THÔNG TIN THÊM

Dịch theo bản Fukuzawa Yukichi soạn, Tomita Masafumi giới thiệu (学問のすすめ, Gakumon no susume), Nihon Hyoronsha [Nhật Bản bình luận xã], Tokyo, xuất bản năm 1941. Đây cũng là bản nằm trong bộ sách Meiji bunka sosho [明治文化叢書, Minh Trị văn hóa tùng thư]. Có tham khảo bản dịch tiếng Trung và tiếng Anh.

Dịch giả trong quá trình dịch có đối chiếu với bản tiếng Anh và tiếng Trung, bổ sung thêm một số phần làm rõ nghĩa, một số hình ảnh minh họa và hệ thống chú thích (Xem thêm “Quy cách biên dịch” trong sách để nắm được các điểm khác biệt trong bản dịch).

Ý nghĩa bìa sách:

  1. Lấy cảm hứng từ tranh Bustling Port of Kobe, Settsū Province (Sesshū Kobe kaigan han’ei no zu), vẽ năm 1871, của Hasegawa Sadanobu II (1848-1941) tái hiện bối cảnh giao thương nhộn nhịp ở cảng Kobe, tỉnh Settsū trong thế kỷ 19, thời kỳ đầu của Minh Trị Duy Tân.
    https://www.codart.nl/guide/agenda/japan-envisions-the-west-16th-19th-century-japanese-art-from-kobe-city-museum/
  2. Các chi tiết đáng chú ý:
  • Bến cảng và bối cảnh giao thương, tàu bè tấp nập thể hiện tinh thần cởi mở, sẵn sàng hội nhập, học hỏi những tiến bộ của phương Tây theo đúng những gì tác giả muốn khích lệ người dân Nhật Bản phấn đấu lúc bấy giờ.
  • Người sinh hoạt trên bến cảng có trang phục, nghề nghiệp, hoạt động đa dạng, tái hiện rõ rệt sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông – Tây, biểu trưng cho một nước Nhật mới trên con đường tiến tới văn minh, hiện đại.
  • Mặt trời và những rặng núi ở phía xa trong khung cảnh bình minh hé rạng thể hiện cho sức sống, hi vọng và niềm tin kiên định vào tinh thần học tập khi được thúc đẩy sẽ giúp cho nước Nhật ngày càng khởi sắc.
  • Tranh được thể hiện theo phong cách vẽ trên giấy washi, một loại giấy vẽ rất đặc trưng trong văn hóa Nhật Bản.

Top