Nexus – Lược sử của những mạng lưới thông tin từ Thời đại Đồ đá đến Trí tuệ nhân tạo (Bìa cứng)

7 Đặt hàng
"Nexus - Lược sử của những mạng lưới thông tin từ Thời đại Đồ đá đến Trí tuệ nhân tạo" cuốn sách mới nhất của tác giả nổi tiếng toàn thế giới Yuval Noah Harari. Đây là câu chuyện về cách những mạng lưới thông tin đã kiến tạo và phá hủy thế giới, từ tác giả cuốn sách “Sapiens: Lược sử loài người”.
#
Còn hàng
568,000 

Mô tả

ISBN: 978-604-77-3859-5 Giá bìa: 568.000VNĐ
Barcode: 8935270704896 Trọng lượng:
Số trang: 552 NXB: Thế giới
Khổ: 16×24 Năm XB: 2024
Loại bìa: bìa cứng, áo ôm In ấn đặc biệt:

  • Bìa cứng được gia công nhũ tên sách trên gáy và in phủ UV hình chim bồ câu. 
  • Bìa áo ôm in nhũ tên sách trên trang bìa và được dập nổi, phủ UV hình chim bồ câu. 
  • Ngoài ra, tờ gác được in bằng giấy mỹ thuật

Số lượng in 1.000 cuốn

NỘI DUNG CHÍNH

Nexus – cuốn sách mới nhất của tác giả nổi tiếng toàn thế giới Yuval Noah Harari.

Yuval Noah Harari trở lại với cuốn sách mới đầy thú vị về cuộc hành trình của con người vào Kỷ nguyên thông tin, và những lựa chọn cấp bách mà chúng ta phải đưa ra để tồn tại – và phát triển.

Đây là câu chuyện về cách những mạng lưới thông tin đã kiến tạo và phá hủy thế giới, từ tác giả cuốn sách “Sapiens: Lược sử loài người”.

Trong 100.000 năm qua, loài Sapiens đã tích lũy được sức mạnh to lớn. Song bất chấp mọi khám phá, phát minh và chinh phục, giờ đây chúng ta thấy mình đang ở trong một cuộc khủng hoảng hiện sinh. Thế giới đang trên bờ vực sụp đổ sinh thái. Căng thẳng chính trị đang gia tăng. Thông tin sai lệch tràn lan. Và chúng ta đang bước vào kỷ nguyên của AI – một mạng lưới thông tin hoàn toàn mới.

“Nexus” nhìn lịch sử loài người qua lăng kính dài để xem xét dòng chảy thông tin đã đưa chúng ta đến ngày nay như thế nào. Từ thời Đồ đá qua quá trình điển hóa Kinh Thánh, rồi phát minh ra in ấn, sự trỗi dậy của phương tiện truyền thông đại chúng và sự nổi lên gần đây của chủ nghĩa dân túy, Yuval Noah Harari đã xem xét mối quan hệ phức tạp giữa thông tin và sự thật, quan liêu và huyền thoại, trí tuệ và quyền lực. Ông khám phá cách các hệ thống như Đế chế La Mã, Giáo hội Công giáo sử dụng thông tin để đạt được mục tiêu, dù tốt hay xấu. Ông cũng đề cập đến những lựa chọn cấp bách mà chúng ta phải đối mặt khi AI xuất hiện.

Thông tin không phải là nguyên liệu thô của sự thật, nó cũng không chỉ là một thứ vũ khí. “Nexus” tìm hiểu điểm trung gian giữa hai thái cực này, từ đó tái tìm hiểu bản chất chung của nhân loại.

Yuval Noah Harari chia sẻ:

“Chúng ta đang sống trong cuộc cách mạng thông tin sâu sắc nhất trong lịch sử loài người, nhưng chúng ta không thể hiểu được nó, trừ khi chúng ta hiểu những gì đã xảy ra trước đó. Rốt cuộc, lịch sử không phải là nghiên cứu về quá khứ – mà là nghiên cứu về sự thay đổi. Nó dạy chúng ta những gì vẫn giữ nguyên, những gì thay đổi và mọi thứ thay đổi như thế nào. Tuy nhiên, lịch sử không phải là tất định luận, và NEXUS không cho rằng hiểu được quá khứ cho phép chúng ta dự đoán được tương lai. Mục tiêu của tôi là chỉ ra rằng: bằng cách đưa ra những lựa chọn sáng suốt, chúng ta vẫn có thể ngăn chặn những kết quả tồi tệ nhất. Bởi vì nếu chúng ta không thể thay đổi tương lai, thì tại sao lại lãng phí thời gian thảo luận về nó?”.

BỐ CỤC GỒM 3 PHẦN CHÍNH:

PHẦN I. NHỮNG MẠNG LƯỚI CỦA CON NGƯỜI

PHẦN II. MẠNG LƯỚI VÔ CƠ

PHẦN III. NỀN CHÍNH TRỊ MÁY TÍNH

Trong phần 1 cuốn sách, tác giả sẽ đưa ra định nghĩa về thông tin, trình bày về các hình thức tồn tại của thông tin, cách con người sử dụng thông tin, phân tích kĩ về hai mô hình thể chế đã sử dụng thông tin như thế nào, mô hình nền dân chủ và mô hình nền độc tài.

Chuyển sang phần 2 và phần 3, tác giả trình bày về một phương tiện thông tin mới là máy tính và những công nghệ liên quan như thuật toán mạng xã hội, camera giám sát. Nền dân chủ và nền độc tài sẽ có cách thức riêng để khai thác những phương tiện này, thậm chí dưới hình thức phát tán tin giả. Tác giả bày tỏ e ngại khi những công ty công nghệ nắm toàn quyền lưu trữ và chi phối thông tin (như về sở thích, sức khỏe…), giờ đây được xem là loại tài sản mới cực kỳ có giá trị.

Cùng với đó là sự phát triển của AI đã tiến bộ vượt xa tưởng tượng. AI có thể suy nghĩ chủ động, tự tạo ra thông tin, ý tưởng mới, tác động đến toàn xã hội. Thông qua nhiều ví dụ, tác giả muốn nói AI là thế lực vô cùng hùng mạnh mà con người chưa hiểu tường tận và cũng chưa có cơ chế kiểm soát tốt đối với chủ của AI như Google.

Ý NGHĨA BÌA SÁCH: 

Tại sao lại là chim bồ câu? Chim bồ câu đại diện cho hoà bình, nhưng trong sách có những câu chuyện sử dụng bồ câu như một công cụ quân sự để đưa thư hay câu chuyện về Noah trong trận hồng thuỷ trong Kinh Thánh, bồ câu báo tin về. Và chúng ta, có lẽ, cũng đang bị nhấn chìm trong một mớ thông tin mà nó đang có nguy cơ phá huỷ thế giới. Liệu sẽ có một con chim bồ câu báo tin cho chúng ta về trận lụt này sẽ qua và chúng ta có thể ra ngoài?

Sách thuộc Tủ sách Lịch sử thế giới của Omega+.

THÔNG TIN TÁC GIẢ: 

Yuval Noah Harari 

Nhà sử học, một triết gia và là tác giả bán chạy nhất của Sapiens: Lược sử loài người, Homo Deus: Lược sử tương lai, 21 bài học cho thế kỷ 21, v.v.. Ông được xem là một trong những trí giả đại chúng có ảnh hưởng nhất thế giới hiện nay.

Sinh ra tại Israel năm 1976, Harari nhận bằng tiến sĩ từ Đại học Oxford năm 2002. Hiện ông là giảng viên Khoa Lịch sử, Đại học Hebrew Jerusalem và là nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Rủi ro Hiện sinh Đại học Cambridge.

Cùng với chồng mình, Itzik Yahav, ông đồng sáng lập công ty Sapienship, tập trung vào giáo dục và truyền thông tác động xã hội.

THÔNG TIN DỊCH GIẢ: 

  • Bùi Thị Hồng Ninh, Thạc sĩ Luật (University of Bangor, Vương quốc Anh), chuyên môn: Sở hữu trí tuệ/Luật dân sự
  • Nguyễn Quốc Tấn Trung, Tiến sĩ Luật (University of Victoria, Canada), thông tin về các nghiên cứu đã xuất bản [https://orcid.org/0000-0001-7293-1822], chuyên môn: Công pháp Quốc tế/Khoa học Chính trị.

ĐÁNH GIÁ/ NHẬN XÉT CỦA CHUYÊN GIA:

“Harari có khả năng độc đáo trong việc kết hợp cả những chi tiết tinh tế nhất của lịch sử và những xu hướng lớn nhất trong một góc nhìn duy nhất. Cuốn sách vô cùng quan trọng này ra đời vào thời điểm quan trọng khi tất cả chúng ta đều suy nghĩ về những hàm ý của AI”

“Tuyệt vời”

– MUSTAFA SULEYMAN –

“Tuyệt vời, khơi gợi suy nghĩ và lý luận rất hay. Harari cho chúng ta thấy viễn cảnh về một tương lai đang đến gần, vừa ly kỳ vừa rùng rợn. Nếu có một cuốn sách mà tôi muốn thúc giục mọi người đọc – đặc biệt là các nhà lãnh đạo chính trị, doanh nghiệp và văn hóa của chúng ta – thì đó chính là Nexus”

– STEPHEN FRY –

“Yuval là một trong những trí tuệ đáng chú ý nhất của thế hệ chúng ta – táo bạo, độc đáo, uyên bác, khiêu khích và hấp dẫn. Cuốn sách mới nhất của ông tái hiện mọi thứ từ khả năng đọc viết đến AI và – giống như tất cả các cuốn sách của ông – về cơ bản thay đổi cách nhìn của một người về thế giới”

– RORY STEWART –

“Trong một chiến công ấn tượng về khả năng bắn tỉa thời gian, một nhà sử học có các lập luận có quy mô hàng thiên niên kỷ đã nắm bắt được tinh thần thời đại một cách hoàn hảo”

“Hoàn toàn mới lạ”

– THE ECONOMIST –

“Cho dù bạn có đồng ý với cách Harari đóng khung AI theo lịch sử hay không, thì cũng khó mà không ấn tượng trước cách ông xây dựng nó một cách tỉ mỉ, rải rác những gì có thể là một phân tích khá khô khan với những ví dụ sống động:

– THE GUARDIAN –

“Tôi thực sự khuyên bạn nên đọc. Nó cung cấp cho bạn RẤT NHIỀU điều để suy ngẫm!”

– KRISTALINA GEORGIEVA (Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế) –

“Đối mặt với sự bùng nổ của các cuốn sách về triển vọng của AI, độc giả nên bắt đầu với cuốn sách này”

– KIRKUS (đánh giá có sao) –

“Một cuốn sách quan trọng và kịp thời phải đọc vì sự sống còn của chúng ta phụ thuộc vào thông tin”

– BOOKLIST (đánh giá có sao) –

TRÍCH ĐOẠN/ CÂU QUOTE HAY

“Tầm quan trọng của những câu chuyện tiết lộ điều cơ bản về sức mạnh của loài người chúng ta, và nó cũng lý giải vì sao sức mạnh không phải lúc nào cũng đi đôi với sự khôn ngoan. Góc nhìn ngây ngô về thông tin nói rằng thông tin dẫn đến sự thật, và biết sự thật giúp mọi người đạt được cả quyền năng lẫn sự thông tuệ. Nghe có vẻ thật vững vàng. Nó ngụ ý rằng những kẻ phớt lờ sự thật sẽ khó mà đạt uy quyền, trong khi những người tôn trọng sự thật luôn có thể, và uy quyền của những người tôn trọng sự thật thì lại đã được trui rèn nhờ sự thông tuệ. Niềm tin này giả dụ rằng những kẻ khinh thị sự thật về sinh học của con người có thể là những kẻ phân biệt chủng tộc nhưng lại không đủ khả năng sản xuất các loại thuốc có tầm ảnh hưởng hay chế tạo các loại vũ khí sinh học tàn ác, trong khi những người hiểu biết về sinh học sẽ có năng lực sản xuất các sản phẩm nói trên nhưng họ lại không sử dụng chúng để phục vụ các hệ tư tưởng phân biệt chủng tộc. Nếu đó là sự thật, chúng ta có thể ngủ một giấc thật sâu, tin rằng các vị tổng thống, giáo chủ, và CEO sẽ luôn minh triết, chân thành. Một chính trị gia, một phong trào, hoặc một đất nước có thể vượt trội ở đâu đó với sự giúp đỡ của những lời nói dối và sự lọc lừa, nhưng về lâu dài nó cũng chỉ là một chiến lược khéo quá hóa vụng mà thôi.”

  • Trích trang 67

“Mỗi ngày, hàng tỉ người trong chúng ta thực hiện một số lượng khổng lồ các giao dịch với những gã khổng lồ công nghệ, nhưng người ta không bao giờ đoán được điều đó khi nhìn vào tài khoản ngân hàng của chúng ta, vì hầu như không có món tiền nào đang dịch chuyển. Chúng ta có thông tin từ những gã khổng lồ công nghệ và chúng ta thanh toán cho họ bằng thông tin. Khi nhiều giao dịch đi theo mô hình thông tin đổi thông tin này, nền kinh tế thông tin phát triển với phí tổn là nền kinh tế tiền tệ, cho đến khi chính khái niệm tiền tệ trở nên đáng ngờ.

Tiền được cho là thước đo giá trị có tính phổ quát, chứ không phải là một cái thẻ tượng trưng chỉ được sử dụng trong bối cảnh nhất định. Nhưng khi càng nhiều thứ được định giá bằng thông tin, tuy “miễn phí” về mặt tiền bạc, đến một lúc nào đó thì việc đánh giá sự giàu có của những cá nhân và tập đoàn qua số lượng đô-la hoặc peso mà họ sở hữu trở nên sai lầm. Một cá nhân hoặc tập đoàn có ít tiền trong ngân hàng nhưng sở hữu riêng một ngân hàng thông tin dữ liệu khổng lồ có thể là thực thể giàu có nhất hoặc quyền lực nhất tại một đất nước. Về lý thuyết, việc định lượng giá trị thông tin dưới dạng tiền tệ vẫn khả thi, nhưng họ thậm chí không bao giờ chuyển đổi thông tin sang đô-la hoặc peso. Tại sao họ cần đô-la, nếu họ có thể đạt được những gì họ muốn với thông tin?

Điều này có những hàm ý sâu xa cho hệ thống thuế vụ. Mục tiêu của thuế là phân phối lại của cải. Nó lấy đi một phần từ những cá nhân và tập đoàn giàu có nhất, từ đó cung ứng và phân bổ lại cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, một hệ thống thuế chỉ biết đánh thuế trên tiền tệ sẽ sớm trở nên lỗi thời vì nhiều giao dịch không còn dính dáng đến tiền bạc nữa. Trong một nền kinh tế dựa trên dữ liệu, nơi giá trị được lưu trữ dưới dạng dữ liệu chứ không phải là đô-la, việc chỉ đánh thuế bằng tiền tệ sẽ bóp méo bức tranh kinh tế và chính trị. Một số thực thể giàu có nhất tại một đất nước có thể chỉ cần trả 0 đồng tiền thuế, vì sự giàu có của họ bao gồm các petabit dữ liệu chứ không phải là hàng tỉ đô-la.”

  • Trích trang 276

“Để hiểu nền chính trị máy tính mới, chúng ta cần thấu hiểu có gì mới về máy tính. Trong chương này, chúng ta đã lưu ý rằng không giống như máy in và những công cụ khác trước đây, máy tính có thể tự quyết và tự kiến tạo ý tưởng. Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Điều thực sự mới về máy tính là cách chúng tự quyết và tự kiến tạo ý tưởng. Nếu làm theo cách tương tự như con người, thì máy tính sẽ trở thành một kiểu “con người mới.” Đó là một kịch bản thường được khám phá trong khoa học viễn tưởng: máy tính trở nên có ý thức, phát triển cảm xúc, có tình yêu với một con người và trở nên giống hệt như chúng ta. Nhưng thực tế thì lại rất khác, và đáng lo ngại hơn như vậy nhiều.”

  • Trích trang 284

“Tin tốt là nếu kìm hãm được cả thói tự mãn lẫn sự u ám tuyệt vọng, chúng ta có khả năng tạo ra những mạng lưới thông tin cân bằng có thể giữ quyền năng của chính chúng trong tầm kiểm soát. Làm được như vậy không phải là vấn đề phát minh ra một công nghệ kỳ diệu khác hoặc bắt được một số ý tưởng tuyệt vời mà các thế hệ trước chưa từng nghĩ tới. Thay vào đó, để tạo ra những mạng lưới sáng suốt hơn, chúng ta phải từ bỏ cả góc nhìn ngây ngô và dân túy về thông tin, gạt sang một bên những ảo mộng về tính bất khả ngộ của AI, và tự thân cố gắng với công việc khó khăn và có phần tẻ nhạt trong xây dựng các định chế với những cơ chế tu chính mạnh mẽ. Đó có lẽ là điều quan trọng nhất rút ra được từ cuốn sách này.

Điều thông thái này còn lâu đời hơn nhiều so với lịch sử loài người. Nó là căn bản, là nền tảng của sự sống hữu cơ. Những sinh vật đầu tiên không do một bậc kỳ tài hay một vị thần bất khả ngộ sinh ra. Chúng xuất hiện thông qua một quá trình thử–sai vô cùng phức tạp. Qua hơn bốn tỉ năm, những cơ chế đột biến và tự điều chỉnh phức tạp hơn bao giờ hết đã dẫn đến sự tiến hóa của cây cối, khủng long, những khu rừng rậm và cuối cùng là con người. Bây giờ chúng ta lại triệu hồi một thứ trí tuệ vô cơ khác lạ, có khả năng thoát khỏi sự kiểm soát của chính chúng ta và gây nguy hiểm không chỉ cho chính loài người mà còn cho vô số thể dạng sống khác. Những quyết định mà tất cả chúng ta đưa ra trong những năm tới đây sẽ định đoạt liệu rằng việc triệu hồi thứ trí tuệ khác lạ này là một sai lầm vô cùng tận, hay là trang khởi đầu của một chương mới đầy hi vọng trong quá trình tiến hóa của sự sống.”

  • Trích trang 476

Từ khóa

Top