Người Ê Đê: Một Xã Hội Mẫu Quyền

2 Đặt hàng

Người Ê Đê: Một xã hội mẫu quyền ban đầu là một công trình nghiên cứu dân tộc học được nhà nghiên cứu Anne de Hauteclocque thực hiện vào năm 1962 về thiết chế xã hội của người Ê Đê, đặc biệt nhấn mạnh vào lý giải sự ràng buộc giữa các thành phần dân cư trong một xã hội “mẫu quyền”. Công trình của bà gây dấu ấn tiêu biểu ở khía cạnh thực địa, điều tra và thống kê, cũng như tham khảo kỹ lưỡng các hồ sơ luật tục, để từ các dẫn liệu thực tế tái dựng lại mô hình thiết chế sự hình thành các mối quan hệ nội tại thuộc xã hội mẫu quyền của người Ê Đê ở Đắc Lắc.

#
Còn hàng
175,000 

Mô tả

THÔNG TIN MÔ TẢ

Công ty phát hành Omega Plus
Tác giả Anne de Hauteclocque-Howe 
Số trang 416
Loại bìa Bìa mềm, tay gập
Khổ sách 16 x 20.5 cm

 

NGƯỜI Ê ĐÊ

Một xã hội mẫu quyền

| NỘI DUNG CHÍNH |

Người Ê Đê : Một xã hội mẫu quyền ban đầu là một công trình nghiên cứu dân tộc học được nhà nghiên cứu Anne de Hauteclocque thực hiện vào năm 1962 về thiết chế xã hội của người Ê Đê, đặc biệt nhấn mạnh vào lý giải sự ràng buộc giữa các thành phần dân cư trong một xã hội “mẫu quyền”. Công trình của bà gây dấu ấn tiêu biểu ở khía cạnh thực địa, điều tra và thống kê, cũng như tham khảo kỹ lưỡng các hồ sơ luật tục, để từ các dẫn liệu thực tế tái dựng lại mô hình thiết chế sự hình thành các mối quan hệ nội tại thuộc xã hội mẫu quyền của người Ê Đê ở Đắc Lắc. 

“Công trình này là kết quả của 14 tháng (từ tháng Tư năm 1961 đến tháng Sáu năm 1962) sống ở Đắc Lắc, một tỉnh cao nguyên miền Nam Việt Nam, phần lớn là nơi cư trú của người Ê Đê. Mục đích cuộc điều tra là, qua sinh hoạt của một làng, nghiên cứu tổ chức xã hội và gia đình của người Ê Đê, một xã hội thuộc ngữ hệ Nam Á, quan sát quy tắc huyết thống mẫu hệ cùng cách ở rể. Sau hai tháng ở Buôn Mê Thuột, thủ phủ của tỉnh, cuộc khảo sát đã diễn ra một năm ở Buôn Pôk, một làng khoảng 500 cư dân cách thủ phủ 22 cây số. Phần lớn tư liệu được thu thập trực tiếp tại đây bằng tiếng Ê Đê. Về những khía cạnh của tổ chức xã hội vượt quá khuôn khổ của làng, những cuộc thăm viếng ngắn ngủi ở khoảng hai mươi làng khác đã mang lại một phần bổ sung thông tin cùng những phần ghi âm và ghi chép văn học truyền miệng. Một phần tư liệu quan trọng khác được cung cấp bởi phòng lưu trữ của Tòa án luật tục mà ông Y Bhiư Enuôl, lúc ấy là lục sự, đã có nhã ý cho tôi [tác giả] sử dụng lúc tôi ở Buôn Mê Thuột.”

| ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIA |

Một nhà nghiên cứu dân tộc học pháp lý sẽ phải tham khảo tác phẩm này, bởi những trường hợp cụ thể mà tác giả xem xét đã soi sáng tinh thần pháp lý sâu sắc của xã hội này vốn có một bộ luật tục có thể so sánh với các adat của những xã hội Nam Á khác. Bộ luật tục này đã được Sabatier phát hiện và Antomarchi dịch, nhưng trong tác phẩm này ta thấy nó sống thực như thế nào. 

[…]

Việc quyết định tham gia vào đời sống hằng ngày của nhóm người bất chấp hiểm nguy theo một cách nào đó đã làm tăng giá trị của vốn sống. Chính vốn sống đó đã khoác lên các chi tiết chuyên môn nhất một hương vị quá thường vắng mặt trong rất nhiều tác phẩm. Trong quyển sách này, Anne de Hauteclocque đã biết kết hợp tính chặt chẽ khoa học với một lối viết thượng thừa và phục hồi chất máu thịt của đời sống cho những sơ đồ tri thức.

GEORGES CONDOMINAS

Người Ê Đê: Một xã hội mẫu quyền là một cuốn sách quý. Có thể coi đây là công trình nghiên cứu cơ bản nhất cho đến nay về xã hội Ê Đê, một xã hội mẫu quyền vừa điển hình vừa độc đáo (với thiết chế ngoài các thị tộc, lại có hai bào tộc, chỉ tìm thấy ở xã hội này). Súc tích mà toàn diện, chặt chẽ, cặn kẽ, rất nghiêm túc khoa học, rất kỹ càng, thận trọng, tinh tế trong cái nhìn và phân tích, đồng thời lại thật sinh động đến mức cho ta cảm giác được tiếp xúc với một cơ thể xã hội đang thật sự sống và chuyển động…

Nguyên Ngọc

| TRÍCH ĐOẠN HAY |

[Trích Lời nói đầu]

[…] “mẫu quyền” là quy tắc điều hòa chủ đạo của xã hội này; trong khi ở mọi nơi khác trong các cấu trúc sơ đẳng, việc trao đổi phụ nữ là cốt lõi của hệ thống thì ở người Ê Đê chính việc đổi chác đàn ông đóng vai trò này. Để châm biếm thái độ kiêu căng của các vị lãnh đạo truyền thống của họ cùng các công chức (thời bấy giờ hầu hết thuộc bộ lạc trội nhất của Đắc Lắc), những người Mnông Gar, dẫu cũng theo chế độ mẫu hệ và ở rể, chỉ cần nhắc nhở như một biệt lệ rằng ở người anak Êđê chính phụ nữ là người “mua” (ruah) đàn ông. Chính sự dị biệt sâu xa này giữa hai tộc người có một hệ thống hài hòa cùng một định hướng đã giúp tôi phân biệt được các cấp độ, coi hệ thống của người Ê Đê là thuộc cấp độ “mạnh”. Việc tập họp quần thể các thị tộc thành hai bào tộc ngoại hôn càng làm đậm hơn đặc tính này.

[Trích tác phẩm]

“Chính cái nồi nấu cơm – cũng cái “bếp lửa” (foyer) trong tiếng Pháp – đã được dùng để chỉ nhóm những người cùng chia nhau thức ăn, tức gia đình thu gọn. Đó là tế bào cơ bản của xã hội Ê Đê. Thông thường hơn cả, nó gồm một cặp vợ chồng, những người con trai độc thân, những người con gái đã có chồng hay chưa và con cái của họ, đôi khi cộng thêm một bà tổ đơn chiếc, là bà cô hay bà chị góa chồng hay độc thân, hay cả một người cậu góa vợ. Dù cấu tạo của gŏ êsei có khác nhau thế nào đi nữa, thì người chị cả trong số những người phụ nữ ở đây đóng vai trò người mẹ trong khi chồng bà là chủ gia đình và nếu người chị cả là một bà góa đã già, thì thông thường người con gái cả của bà thay mặt bà giữ quyền người mẹ, vẫn không quên tham khảo ý kiến bà trong những quyết định quan trọng, như việc chia gia tài hay chia của hồi môn.

Tuy gŏ êsei là đơn vị sản xuất và tiêu thụ – nó cùng canh tác một hay nhiều rẫy, sản phẩm thu được sẽ nhập kho và sử dụng chung – các gia đình của những người con gái cùng bếp ăn với bố mẹ đôi khi có thể vẫn duy trì một mức độ tự trị kinh tế nhất định trong lòng của nhóm, sự tự trị kinh tế này luôn tùy thuộc vào sự ưng thuận của người chủ gia đình.”

“Về một vấn đề quan trọng khác – và nó đã đi đến chỗ hình thành nên tiêu điểm của nghiên cứu này – ta chỉ có thể cung cấp một bản tổng kết tạm thời: đó là vấn đề vị trí của người đàn ông trong xã hội Ê Đê, vốn là mẫu quyền, được xác định trong quan hệ về quyền lực và về trách nhiệm trên các bình diện kinh tế và xã hội, mà không quên yếu tố tâm lý bao giờ cũng quan trọng. Một số yếu tố lịch sử và truyền thuyết mà chúng tôi có được chứng tỏ rằng vị trí này đã tiến triển theo bối cảnh kinh tế – xã hội của cuộc sống ở Đắc Lắc, đặc biệt từ sau cuộc can thiệp của Pháp hồi đầu thế kỷ; chính bối cảnh ấy cũng đang trên đường biến đổi gia tốc và không thể đảo ngược vào thời kỳ tiến hành cuộc khảo sát và hoàn toàn có thể tin rằng những thay đổi này sẽ có những tác động dội lại đến vị trí của người đàn ông trong xã hội chắc hẳn năm 1984 không còn như năm 1962. Vị trí này dựa trên một sự cân bằng thường rất tế nhị giữa các vị trí của người đàn ông trong dòng họ mẹ của mình và trong dòng họ vợ, và chính điều đó tạo nên cùng một lúc sức mạnh và sự mong manh của nó; ngoài ra vị trí này còn được củng cố bằng sự đoàn kết giữa những người đàn ông cùng một bào tộc ở cấp độ dòng họ hay ngôi nhà. Và chính tính mềm dẻo tương đối này của vị trí của người đàn ông khiến cho nó trở thành một yếu tố quan trọng, và có thể là trung tâm, của một sự biến đổi của xã hội.”

Omega+ trân trọng giới thiệu tới quý độc giả!

Top