100 câu hỏi về lịch sử chữ quốc ngữ

0 Đặt hàng
Với mong muốn giới thiệu lịch sử chữ quốc ngữ một cách bình dị, dễ hiểu nhất, cuốn sách “100 câu hỏi về lịch sử chữ quốc ngữ” được trình bày dưới dạng hỏi đáp nhằm kích thích trí tò mò của độc giả. Qua trả lời cho 100 câu hỏi trong sách, tác giả đã giải thích được hoàn cảnh ra đời của chữ quốc ngữ, quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện của lối viết này đối với tiếng Việt. Điều đó không chỉ có giá trị đối với người nghiên cứu mà còn rất hữu ích cho đông đảo bạn đọc quan tâm đến vấn đề này. 
#
Còn hàng
135,000 

Mô tả

THÔNG TIN XUẤT BẢN

ISBN: 978-604-364-289-6 Giá bìa: 135.000VNĐ
Barcode: 8935270704827 Trọng lượng: 300 gram
Số trang: 256 NXB: Khoa học Xã hội
Khổ: 16×19 cm Năm XB: 2024
Loại bìa: Bìa mềm, tay gấp Quà tặng đi kèm/ In ấn đặc biệt 

NỘI DUNG CHÍNH

Bản tóm tắt hành trình thăng trầm của chữ quốc ngữ dưới dạng 100 câu hỏi – đáp

Lịch sử chữ quốc ngữ không chỉ là nan đề nghiên cứu của một nhóm các nhà nghiên cứu, mà còn là lịch sử gắn với tất cả người dân Việt Nam, bởi đó là chữ viết mà người Việt chúng ta dùng hằng ngày, tuy nhiên, lại ít được đề cập đến trong chương trình giáo dục ở bậc phổ thông.

Với mong muốn giới thiệu lịch sử chữ quốc ngữ một cách bình dị, dễ hiểu nhất, cuốn sách “100 câu hỏi về lịch sử chữ quốc ngữ” được trình bày dưới dạng hỏi đáp nhằm kích thích trí tò mò của độc giả. Qua trả lời cho 100 câu hỏi trong sách, tác giả đã giải thích được hoàn cảnh ra đời của chữ quốc ngữ, quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện của lối viết này đối với tiếng Việt. Điều đó không chỉ có giá trị đối với người nghiên cứu mà còn rất hữu ích cho đông đảo bạn đọc quan tâm đến vấn đề này. 

Nhờ thu lượm tối đa các văn bản viết tay nguyên bản mà tác giả Phạm Thị Kiều Ly đã phục dựng lại được khá chi tiết thời kỳ đầu tạo ra chữ quốc ngữ. Hơn nữa, tác giả cũng cho thấy những mốc thời gian quan trọng như “hội nghị” đầu tiên về chữ quốc ngữ của các thừa sai ở Ma Cao (Trung Hoa) năm 1630, hay vai trò quan trọng của linh mục António de Fontes trong việc làm cầu nối của lối viết La-tinh từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài.

Tác giả cuốn sách bắt đầu công trình của mình với những tò mò và những câu hỏi trong hành trình đi tìm chân lý khoa học và tri thức. Với nỗ lực phổ biến công trình hàn lâm về lịch sử chữ quốc ngữ bằng cách tiếp cận dưới dạng hỏi đáp, Phạm Thị Kiều Ly đặt mình vào vị trí độc giả như cách thức của Galilée trong cuốn Đối thoại về hai hệ thống chính yếu của thế giới (1632): “Để xem nếu tôi ở vị trí của độc giả, tôi sẽ hỏi gì?”

Đó có thể là câu hỏi của một người Việt trước cổng Văn miếu Quốc Tử Giám: “Vì sao trước đây người Việt lại dùng chữ Hán, chữ Nôm, mà giờ đây chúng ta lại dùng chữ viết hệ La-tinh?” Đó có thể là câu hỏi của các nhà nghiên cứu về mối liên hệ giữa chữ viết và văn hiến. Và cũng có thể là câu hỏi của một em học sinh dành cho thầy cô hoặc cha mẹ: Vì sao ta lại viết cái ca, kinh kệ trong khi âm đầu cùng là âm /k/?… 

Với “100 câu hỏi về lịch sử chữ quốc ngữ”, độc giả có thể đọc lần lượt từng câu theo thứ tự hoặc đọc bất kỳ nội dung câu hỏi nào vẫn có thể nắm bắt được nội dung một cách ngắn gọn nhưng rõ ràng và đầy đủ.

Các câu trả lời trong cuốn sách cũng đi kèm theo hình ảnh tư liệu về chữ quốc ngữ để minh họa. Ngoài ra, cuối sách có bảng từ vựng, thuật ngữ.

Ý NGHĨA BÌA SÁCH

Bìa sách phác họa hình tượng một số vị thừa sai/linh mục có đóng góp lớn đối với sự hình thành chữ quốc ngữ ở Việt Nam bên cạnh các thế hệ người Việt trong ngữ cảnh đối thoại về 5 câu hỏi lớn liên quan đến lịch sử chữ quốc ngữ.

Với nội dung, cách trình bày rõ ràng, dễ hiểu, “100 câu hỏi về lịch sử chữ quốc ngữ” không chỉ là nguồn tài liệu hữu ích với các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, sinh viên ngành ngôn ngữ học, lịch sử, di sản… mà còn phù hợp với độc giả phổ thông ở mọi lứa tuổi quan tâm đến lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ,,,

Cuốn sách thuộc Tủ sách Lịch sử Văn hóa của Omega Plus.

THÔNG TIN TÁC GIẢ: 

Phạm Thị Kiều Ly

  1. Phạm Thị Kiều Ly là Giảng viên Trường Khoa học liên ngành và nghệ thuật – Đại học Quốc gia Hà Nội. Chị là thành viên Viện Nghiên cứu lịch sử các lý thuyết ngôn ngữ – Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp.

Phạm Thị Kiều Ly bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Đại học Sorbonne Nouvelle (Pháp) năm 2018 về lịch sử chữ quốc ngữ, lịch sử ngữ pháp tiếng Việt và ngữ học truyền giáo. Cô cũng quan tâm nghiên cứu lịch sử chữ viết của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam cũng như ngôn ngữ của các dân tộc đang có nguy cơ biến mất. 

Ngoài việc chuyên tâm đi sưu tầm tư liệu về Việt Nam tại châu Âu, cô cũng rất quan tâm tới việc phổ biến kiến thức khoa học tới đại chúng bên cạnh việc xuất bản các công trình nghiên cứu chuyên khảo trên các tạp chí quốc tế và trong nước. 

Các tác phẩm chính: 

Histoire de l’écriture romanisée du vietnamien (1615-1919), 2022

Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ, đồng tác giả, 2023

Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919), 2024  

THÔNG TIN DỊCH GIẢ/ HIỆU ĐÍNH/ MINH HOẠ: 

Minh họa: Họa sĩ Tạ Huy Long

Tạ Huy Long (1974) là họa sĩ truyện tranh đương đại hàng đầu Việt Nam, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Ngoài các triển lãm ‘Ngày xưa tôi là…’, ‘Tôi vẽ tôi’, anh có triển lãm tại Pháp đồng thời là tác giả những dự án lớn như: Tủ sách tranh truyện dân gian Việt Nam, Tủ sách tranh truyện lịch sử và mới đây nhất là tập ‘Lược sử nước Việt’ bằng tranh. Hiện tại anh đang làm việc tại Nhà xuất bản Kim Đồng. 

Họa sĩ Tạ Huy Long là đồng tác giả cuốn sách Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ, đồng thời là họa sĩ vẽ bìa cho cuốn sách Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919).

ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIA 

“Tập sách nhỏ này là một bản tóm tắt hành trình thăng trầm của chữ quốc ngữ, thứ chữ viết mà các nhà nho ở thế kỷ 19 khinh rẻ quy chụp là công cụ của thực dân Pháp, khiến cho người Việt Nam quay lưng lại với truyền thống của cha ông. Nhưng đồng thời đây cũng là chữ viết khai trí cho dân tộc ta thông qua các phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục ở thế kỷ 20.”

PGS Trần Quốc Anh 

“Cuốn sách 100 câu hỏi về lịch sử chữ quốc ngữ mà chúng ta đang có được coi như bản tóm gọn luận án tiến sĩ dày 640 trang, đồng thời cũng là bản tóm gọn cuốn sách Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919) mà chị Kiều Ly là đồng tác giả nhưng được trình bày dưới dạng hỏi đáp nhằm kích thích trí tò mò của độc giả. Qua trả lời cho 100 câu hỏi này, tác giả đã giải thích được hoàn cảnh ra đời của chữ quốc ngữ, quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện của lối viết này đối với tiếng Việt. Điều đó không chỉ có giá trị đối với người nghiên cứu mà còn rất hữu ích cho đông đảo bạn đọc quan tâm đến vấn đề này.”

GS Trần Trí Dõi

TRÍCH ĐOẠN/ CÂU QUOTE HAY 

Trích các câu hỏi thú vị:

  1. Vì sao mẫu tự La-tinh lại du nhập vào Việt Nam?

Nhìn vào các nước trong khu vực cùng chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa như Nhật Bản, Hàn Quốc, có thể thấy việc người Việt dùng chữ viết hệ La-tinh là một hiện tượng đơn lẻ. Việc mẫu tự La-tinh du nhập vào Việt Nam gắn với quá trình truyền đạo Ki-tô vào nước ta, khi các thừa sai (nhà truyền giáo) dòng Tên đến Ðàng Trong từ năm 1615, rồi sau đó là Ðàng Ngoài từ năm 1626.

Quá trình ghi tiếng Việt bằng mẫu tự La-tinh nằm trong trào lưu chung của ngữ học truyền giáo; tức là khi các linh mục người châu Âu được cử đi truyền giáo tại các châu lục Mỹ, Á, Phi, do nhu cầu cần học tiếng bản xứ, họ đã biên soạn ngữ pháp và ghi các âm của các ngôn ngữ đó bằng ký tự La-tinh. Biết rằng, các vị thừa sai đã soạn ngữ pháp và tạo chữ viết hệ La-tinh cho hàng trăm ngôn ngữ trên thế giới. 

Trong lịch sử các tôn giáo, Ki-tô giáo không phải là tôn giáo duy nhất có tín đồ đến những miền xa xôi truyền đạo. Nhưng chỉ mình Ki-tô giáo mới yêu cầu các thừa sai cần soạn ngữ pháp và miêu tả ngôn ngữ bản xứ. Theo lý giải của Nicholas Ostler, sở dĩ các thừa sai của Ki-tô giáo thực hiện công việc này vì họ đều có kinh nghiệm học một ngoại ngữ mới dựa trên sách vở, họ biết rằng đó là một công cụ hữu hiệu. Thực vậy, sau khi đế chế La Mã sụp đổ vào thế kỷ thứ 4, tiếng La-tinh trở thành tử ngữ. Muốn học được tiếng La-tinh thì cần phải có văn phạm tiếng La-tinh. Người châu Âu học ngôn ngữ này theo bản ngữ pháp Ars Donati Grammatici Urbis Romae (Ngữ pháp tiếng thành Roma) của Donatus soạn vào những năm 350-360 hoặc bản Institutiones Grammaticae (Cấu trúc ngữ pháp) của Priscian, soạn vào khoảng năm 526-527. Trước khi được cử đi truyền giáo, các thừa sai người châu Âu được đào tạo tại trường Dòng và đều thông thạo tiếng La-tinh. Ngoài ra, họ cũng có thể nói được một số ngôn ngữ khác như tiếng Ý, tiếng Bồ Ðào Nha, tiếng Hy Lạp. Khi đến miền đất mới, thời kỳ đầu các thừa sai phải nhờ đến phiên dịch, nhưng dịch thuật thường không chính xác, cho nên thế hệ các thừa sai tiên khởi mới dạy ngôn ngữ của mình cho người bản xứ, đồng thời cũng yêu cầu người bản xứ dạy lại ngôn ngữ của họ cho các linh mục. Hơn nữa, theo quan niệm của Ki-tô giáo, linh mục là người đại diện của Chúa Trời nên phải truyền trực tiếp lời nói của Chúa đến lương dân. 

Khi những thừa sai đầu tiên đến Cửa Hàn (Tourane, thuộc Ðà Nẵng ngày nay) và rồi tới Hội An sinh sống, họ áp dụng phương pháp nêu trên để học tiếng Việt: các thừa sai học với người Việt, ngoài ra họ còn ghi tiếng Việt bằng mẫu tự La-tinh để dễ bề học cách phát âm. Lối viết này được hoàn thiện nhờ nhiều thế hệ thừa sai và sự chung tay của các thầy giảng và giáo dân Việt Nam.

Từ khóa

Top