Bộ Danh Họa Thế Giới (6 Cuốn)
Bộ sách nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của những danh họa nổi tiếng hàng đầu, thuộc Tủ sách Nghệ Thuật của Omega+ và được mua bản quyền từ NXB Larousse danh tiếng của Pháp
6 tác phẩm mở hàng trong bộ sách về những họa sĩ có tầm ảnh hưởng đến nền hội họa thế giới.
Mô tả
BỘ DANH HỌA THẾ GIỚI
Nơi tụ hội của những kiệt tác trường phái Ấn Tượng, Hậu Ấn Tượng
Đứng trước một tác phẩm hội họa, người thưởng thức cái đẹp luôn ngập ngừng trước nhiều câu hỏi:
- Tại sao hoạ sĩ vẽ? Ngụ ý của tác giả ẩn dấu sau những hình vẽ này là gì?
- Điều gì khiến một bức tranh cuốn hút chúng ta?
- Bí ẩn đằng sau bức tranh này là gì? Giá trị của tác phẩm nằm ở đâu?
- Để trả lời được, hãy đến với thế giới của của những người nghệ sĩ.
Bộ sách nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của những danh họa nổi tiếng hàng đầu, thuộc tủ sách nghệ thuật của Omega+ và được mua bản quyền từ NXB Larousse danh tiếng của Pháp
6 tác phẩm mở hàng trong bộ sách về những họa sĩ có tầm ảnh hưởng đến nền hội họa thế giới bao gồm:
VINCENT VAN GOGH (Gérard Denizeau)
NỘI DUNG CHÍNH:
Bị chứng thần kinh giày vò, Vincent Van Gogh đã tự kết liễu đời mình ở tuổi 37, điều góp phần tạo nên huyền thoại về ông: con người mà khi còn sống không được đánh giá đúng, nhưng ngày nay lại là một trong những danh họa vĩ đại nhất thế kỷ XIX. Qua phân tích và giải mã lý thú 45 kiệt tác nổi bật nhất của Vincent Van Gogh, chúng ta sẽ thấy ông là một nhà tiên phong thực sự và là một nghệ sĩ phi thường như thế nào.
Cuốn sách sẽ dành cho những ai yêu thích danh họa Van Gogh muốn tìm hiểu, tra cứu thông tin nhanh chóng về cuộc đời ông, cùng 45 kiệt tác mà ông đã để lại.
NHỮNG TRÍCH ĐOẠN NỔI BẬT:
“Đối với hậu bối, Van Gogh là biểu tượng của một nghệ sĩ bị nguyền rủa, bất hạnh vào thời đại của mình, bị người đương thời chế nhạo, nhưng lại được phục hồi danh dự một cách vinh quang sau khi mất. Sự khác biệt giữa cuộc sống khiêm tốn và khối tài sản không tưởng của ông sau khi qua đời chắc chắn là đáng ngạc nhiên. Nhưng thành công rực rỡ trong nghệ thuật cũng nhắc ta nhớ rằng ông đã luôn tin vào thiên hướng của mình, rằng ông đã làm việc không ngừng trên khoảng 2.000 bức tranh để sáng tạo nên một thứ “ánh sáng mới” cho “những người anh em” của mình.”
“Ẩn dưới vẻ ngoài rời rạc, thiếu liên kết, qua những câu chữ trong thư, ông bộc bạch nỗi khát khao về cái tuyệt đối, điều đã dẫn dắt nghệ sĩ tới chỗ lựa chọn cuộc đối đầu bi thảm với cái hư vô thay vì thỏa hiệp: “Thế đấy! Anh mạo hiểm cả cuộc sống của mình vì sự nghiệp, và lý trí của anh vì nó mà chỉ còn một nửa, nhưng em không ở trong số những tay buôn mà anh biết, và anh thấy em có thể chọn hành động rất người, nhưng em muốn gì?”
“Một lần nữa, họa sĩ tự vẽ mình già hơn thực tế, tuổi trẻ của ông đã hoàn toàn bị bệnh tật phá hủy. Mệt mỏi và yếu ớt, cho dù cái nhìn rất quả quyết, họa sĩ không tự vuốt ve mà cũng không tự bêu xấu. Đối với ông, tính hiện thực của các đường nét không quan trọng, điều đáng kể chính là sự biểu đạt mạnh mẽ những nỗi đau đớn.”
PAUL GAUGUIN (Laure-Caroline Semmer)
Nghệ thuật từ một nhà du hành đích thực
NỘI DUNG CHÍNH:
Là một nhà du hành đích thực, Paul Gauguin ghi tên mình vào danh sách các họa sĩ Pháp vĩ đại nhất thế kỷ XIX như người mở đường cho nghệ thuật hiện đại. Ở Gauguin, ta thấy dấu vết của trường phái Tượng trưng, trường phái Ấn tượng, phong cách Điểm màu, nhưng trên hết, ông không hoàn toàn đi theo trào lưu nào trong số đó. Nổi tiếng với những bức chân dung phụ nữ Tahiti hay Breton sặc sỡ, khoa trương, Gauguin khám phá gần như mọi ngóc ngách của nghệ thuật: vẽ, in khắc lõm, điêu khắc, gốm sứ… suốt hành trình làm mới liên tục để tạo ra bảng màu độc đáo cho bản thân, khía cạnh mà ông vừa là nhà tiên phong vừa là một bậc thầy.
Từ góc nhìn mới mẻ đó, cuốn sách sẽ làm sáng tỏ những hành trình qua lại của Gauguin giữa nước Pháp và vùng Tahiti, mang đến những phân tích chặt chẽ mà qua đó, người đọc sẽ có thể hiểu trí tưởng tượng cùng những giấc mơ của Gauguin đã đưa ông đến đâu trong sự nghiệp nghệ thuật.
NHỮNG TRÍCH ĐOẠN NỔI BẬT:
“Từ mong muốn truyền tải và giải thích ban đầu, người họa sĩ dần làm việc theo lối mang tính chính trị và chiến lược nhiều hơn. Lo lắng khi nghĩ về những gì người khác sẽ nói về mình, ông thích tự tạo ra huyền thoại cho riêng mình, ngay cả khi nó mang nghĩa phóng đại, thực hiện một chân dung tự họa với các đường nét rõ ràng, nhưng rồi nó không gây được ấn tượng gì”
“Nếu phải định nghĩa ngắn gọn về nghệ thuật, cha sẽ gọi nó là sự tái tạo những gì mà giác quan cảm nhận được trong tự nhiên qua bức màn tâm hồn.”
“Ông luôn tự mô tả mình là người cho phép những nghệ sĩ khác nói về bản thân. Chẳng hạn, nếu ông nhấn mạnh vào sự chín chắn của mình vốn đối lập với sự nhẹ nhàng, sự vô tư thuần khiết của Van Gogh thì cũng là vì ông sợ một điều: bị hiểu nhầm là người theo gót ai đó, là kẻ bắt chước, và bị lãng quên. Hiện nay, hậu thế cho thấy một cách hoàn hảo rằng, ông đã truyền cảm hứng rất lớn, nhưng ông cũng không hề bắt chước, hay hoàn thiện để được đặt bên cạnh các cá tính nghệ thuật có liên quan đến tên gọi “chủ nghĩa” và các phong trào.”
Đôi nét về tác giả Laure-Caroline Semmer:
Laure-Caroline Semmer sinh năm 1976Giảng viên môn lịch sử nghệ thuật tại Paris, đặc biệt tại trường Đại học Paris I – Pantheon-Sorbonne; tác giả của một luận án viết về các tác phẩm của danh họa Cézanne.
Các tác phẩm của Semmer do Larousse ấn hành:
1. Lire la peinture de Cézanne [Tìm hiểu tranh Cézanne] (2006)
2. Les oeuvres-clés de l’impressionnisme [Từ khóa để hiểu Chủ nghĩa Ấn tượng] (2007)
3. L’Art abstrait [Nghệ thuật Trừu tượng] (2010)
4. Paul Gauguin (2017)
CLAUDE MONET (Gérard Denizeau)
Cha đẻ của trường phái hội họa ấn tượng
NỘI DUNG CHÍNH:
Không một nghệ sĩ thế kỷ XX nào không dành lòng kính trọng và tôn vinh tới Claude Monet, nhà tiên phong, người dẫn dắt phong trào nghệ thuật lớn nhất thời đại của mình – hội họa Ấn tượng. Qua những phân tích và minh họa về 45 kiệt tác lớn nhất của Claude Monet, chúng ta sẽ hiểu vì sao cho đến tận ngày nay, ông vẫn nằm trong số các danh họa được công chúng yêu thích nhất.
NHỮNG TRÍCH ĐOẠN NỔI BẬT:
“Một giai thoại nổi tiếng kể rằng vào một buổi sáng cuối hè đẹp trời năm 1890, họa sĩ nhờ Blanche Hoschedé mau tìm cho ông một tấm vải mới do ánh sáng ở đống cỏ khô mà ông đang vẽ đã thay đổi, vì vậy đã thay đổi cả màu sắc. Trong những năm cuối đời, bản thân họa sĩ vẫn giữ gìn sự diễn giải thi vị này. Một lá thư Monet gửi cho Gustave Geffroy ngày 7 tháng 10 năm 1890 đưa ra một bằng chứng còn rõ ràng hơn: “Tôi cố gắng rất nhiều, tôi kiên trì tạo ra một loạt các hiệu ứng khác nhau (của các đống cỏ khô), nhưng tại thời điểm đó, Mặt Trời lặn rất nhanh đến nỗi tôi không thể bắt kịp… Tôi trở nên chậm chạp, điều này khiến tôi thất vọng, nhưng càng đi tôi càng thấy mình cần nỗ lực rất nhiều để thể hiện được cái tôi đang tìm kiếm: sự tức thời, đặc biệt là không khí bao trùm, cùng một thứ ánh sáng lan tỏa khắp nơi”
“Tôi nhìn thấy màu xanh da trời, nhưng tôi không thể nhìn thấy màu đỏ, không thể nhìn thấy màu vàng nữa; nó làm tôi khó chịu khủng khiếp vì tôi biết rằng những màu này tồn tại; bởi vì tôi biết rằng trên bảng màu của tôi có màu đỏ, vàng, có một màu xanh lá cây đặc biệt, một màu tím nhất định; tôi không còn nhìn thấy chúng như khi tôi đã thấy chúng ngày trước nữa, mặc dù tôi nhớ rất rõ màu sắc mà chúng mang lại”
JOHANNES VERMEER (Johann Protais, Éloi Rousseau)
Một trong những họa sĩ vĩ đại nhất của Thời kì vàng kim Hà Lan
NỘI DUNG CHÍNH:
Hội họa Hà Lan giai đoạn đỉnh cao có rất nhiều họa sĩ thành danh và ghi dấu ấn trong lịch sử nghệ thuật. Nổi bật trong thời kỳ Hoàng kim của hội họa Hà Lan là Vermeer. Ông đã để lại cho chúng ta những tác phẩm đặc sắc về thể loại, phong cách, kỹ thuật vẽ cũng như sự phúng dụ ẩn sau tác phẩm.
Ngoài Vermeer, thông qua cuốn sách chúng ta cũng được tiếp cận với nhiều danh họa tài năng khác của Hà Lan như Rembrandt, Gerard Dou, Jan Steen, Gerard Ter Borch,… Khi đặt những tác phẩm cạnh nhau, có thể thấy sự giống nhau và nét đặc sắc phân biệt giữa Vermeer và các danh họa trên. Hiểu về hội họa cũng là cách chúng ta hiểu về xã hội đời sống con người Hà Lan thế kỷ XVII.
NHỮNG TRÍCH ĐOẠN NỔI BẬT:
“Nêu nhận định rõ ràng về cuộc đời của Vermeer và phác thảo tiểu sử sự nghiệp của ông là điều rất khó. Ta có thể dựa vào những con số chắc chắn như: số lượng tranh được cho là của ông khoảng tầm 30 bức. Các chuyên gia ước tính có khoảng 20 bức bị thất lạc hoặc bị mất, vậy di sản mà ông để lại không nhiều. Ðiều này lý giải cho việc họa sĩ từng gặp nhiều khó khăn về tài chính. Tuy vậy ta vẫn nên lưu ý hai điều. Gia đình bên vợ ông rất khá giả. Như rất nhiều danh họa đương thời, ông cũng tham gia vào việc buôn bán tranh và thậm chí còn là chuyên gia về hội họa Ý cho một hoàng thân Ðức quốc giàu mạnh lúc đó, một tuyển đế hầu xứ Brandebourg. Lại một lần nữa, ta thử suy đoán theo giả thuyết: với số lượng các tác phẩm ít ỏi như thế, hẳn Vermeer đã dành nhiều thời gian để vươn tới sự hoàn hảo cần thiết hòng cạnh tranh với các nghệ sĩ cùng thời, những người được gọi là “họa sĩ cao quý”. Có thể ông đã nhắm tới đối tượng khách hàng giàu có ưa chuộng các cảnh vẽ tinh tế, một nhóm những người sành sỏi nghệ thuật.
PAUL CÉZANNE (Gérard Denizeau)
Cây cầu nối giữa trường phái ấn tượng thế kỷ XIX tới trường phái lập thể thế kỷ XX
NỘI DUNG CHÍNH:
Liệu có người yêu nghệ thuật nào thoạt nhìn không thể nhận ra tranh của Paul Cézanne? Loạt tranh tĩnh vật nổi tiếng với táo và cam, những người đi tắm hoặc quang cảnh núi Sainte-Victoire… không chỉ ghi dấu ấn trong lịch sử nghệ thuật thế kỷ XIX mà còn tiếp tục mê hoặc những du khách hiện đại đến các bảo tàng trên thế giới.
Tự gọi mình là “con người sơ khai của nghệ thuật mới”, Paul Cézanne đã gia nhập đội ngũ những nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất, vượt ra ngoài khuôn khổ các lý thuyết của trường phái Ấn tượng. Các nhà sử học nghệ thuật thậm chí còn coi ông là một trong những cha đẻ của nghệ thuật hiện đại. Một sức mạnh chân chính, một chất trữ tình Địa Trung Hải, một kỷ luật nghiêm khắc, một sự thanh lịch kín đáo, một ý chí sáng tạo bậc thầy, tất cả đều được thể hiện và phân tích trong cuốn sách chứa một lượng phong phú các kiệt tác này.
NHỮNG TRÍCH DẪN NỔI BẬT:
- Quả là lịch sử – và không chỉ riênglịch sử nghệ thuật – chỉ tiến triển bằng nhữngbước đi khó ngờ mà nguồn gốc của chúng vềsau mới được khám phá. (tr.22)
- Đây là bằng chứng cho thấy đốivới kẻ cô đơn cùng cực này, tình bạn chưa baogiờ là hai chữ vô nghĩa, rằng câu chuyện về
mối quan hệ phức tạp giữa hai tư tưởng lớn này, cả hai đều lưu danh hậu thế, sẽ luôn có những vùng tối mãi mãi không thể chạm tới. (tr.27) – về tình bạn của Cézanne với nhà văn Zola. - “Nghệ thuật là sự hài hòasong hành cùng thiên nhiên. Chẳng hiểu nhữngkẻ ngốc nghếch nghĩ gì khi nói với các anh: hộihọa luôn thấp kém hơn thiên nhiên! [Với tôi,]hội họa luôn song hành với thiên nhiên”. (tr.29) – Cézanne nói với Joachim Gasquet
HOKUSAI (Johann Protais, Éloi Rousseau)
Người chế tạo máy in khắc gỗ trong thời kỳ Edo
NỘI DUNG CHÍNH:
Sinh ở Edo năm 1760, bậc thầy tranh in Nhật Bản Hokusai đã để lại một số lượng đồ sộ các tác phẩm hết sức đa dạng. Bên cạnh những bức tranh sinh hoạt thường ngày được thể hiện với khiếu hài hước, Hokusai cũng nổi tiếng với các bức tranh phong cảnh hùng vĩ đẹp như mơ với độ chính xác tuyệt hảo. Các tác phẩm tranh in khổ lớn vẽ chim, hoa, bức Sóng lừng, loạt tranh Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ đã được giới thiệu đến Pháp, là đại diện cho nghệ thuật Nhật Bản, và có ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều nghệ sĩ như Monet, Van Gogh và Gauguin.
Trong phần đầu của cuốn sách, Protais và Rousseau mang đến một cái nhìn mới về các tác phẩm của Hokusai bằng cách giải thích kỹ thuật và chìa khóa để hiểu từng bản in, minh họa cho các nội dung đó là một số lượng phong phú các tác phẩm dọc theo hành trình sáng tạo của nghệ sĩ nổi tiếng nhất Nhật Bản này. Phần còn lại là 100 tác phẩm đẹp nhất của ông.
TRÍCH ĐOẠN HAY:
- Hokusai đã theo học tại xưởng của Katsukawa Shunsho, một trong những đại diện chính của nghệ thuật tranh phù thế (ukiyo-e), trường phái gắn bó với việc vẽ những đề tài được cho là “hình ảnh của thế giới phù hoa”. […] Ông làm nhiều tranh khắc gỗ về các diễn viên kịch kabuki theo phong cách của trường phái ông đang theo học: luôn cố định các tư thế và nhấn vào sắc thái khuôn mặt, tương tự các tư thế của diễn viên trong những khoảnh khắc cao trào của vở kịch. Hokusai cũng học hỏi các kỹ thuật mà người phương Tây mang đến Nhật Bản. Nhờ đó, ông tạo ra các bức tranh khắc gỗ theo quy luật phối cảnh, được gọi là ukie.
- Dẫu cái tên “Hokusai” xuất hiện lần đầu từ năm 1796, phải đến năm 1799 ông mới bắt đầu ký cái tên này vào các tác phẩm của mình. Việc thay đổi tên luôn là biểu tượng cho một sự khởi đầu mới. […] Hokusai sử dụng không dưới 120 cái tên khác nhau. Người châu Á có thói quen lấy tên mới ở mỗi thời điểm trọng đại của cuộc đời mình. Nhưng Hokusai hơi lạm dụng việc thay đổi tên như để thể hiện tất cả các bước phát triển về phong cách vẽ cũng như tư duy của mình. […] Việc thay đổi tên gọi còn thể hiện một cuộc tìm kiếm đậm dấu ấn cá nhân hơn.
Omega+ trân trọng giới thiệu đến độc giả.
Thông tin bổ sung
Combo 6 cuốn | – VINCENT VAN GOGH (Gérard Denizeau) |
---|