Lãnh đạo: 6 chiến lược gia kiệt xuất định hình thế giới
Mô tả
Số trang: 588 |
NXB: Tri thức |
Khổ: 16×24 cm | Năm XB: 2024 |
Loại bìa bìa cứng áo ôm | Quà tặng đi kèm/ In ấn đặc biệt |
NỘI DUNG CHÍNH
Henry Kissinger, chính sách và nhà ngoại giao tài ba, đã xem xét chiến lược của sáu nhà lãnh đạo vĩ đại của thế kỷ XX và đưa ra một lý thuyết về lãnh đạo và ngoại giao trong cuốn sách cuối cùng của ông “Lãnh đạo: 6 chiến lược gia kiệt xuất định hình thế giới”.
Cuốn sách này đã ngay lập tức trở thành cuốn sách bestseller trên New York Times khi vừa ra mắt.
Trong cuốn “Lãnh đạo: 6 chiến lược gia kiệt xuất định hình thế giới”, Kissinger đã lựa chọn để dựng nên chân dung 6 nhân vật có sức ảnh hưởng lớn đến cục diện thế giới trong thế kỷ 20: “Adenauer với tính chính trực và bền bỉ, de Gaulle với quyết tâm và tầm nhìn lịch sử, Nixon với hiểu biết về tình hình quốc tế đa phương và sức mạnh trong việc ra quyết định, Sadat với nhận thức tinh thần cao cả mà với nó ông đã tiến nhanh tới hòa bình, Lý Quang Diệu với trí tưởng tượng trong việc xây dựng một xã hội đa dân tộc mới, Thatcher với phong cách lãnh đạo nguyên tắc và sự ngoan cường. Tất cả đều thể hiện sự dũng cảm phi thường”.
Bố cục các phần:
Giới thiệu: Các trục lãnh đạo
01 Konrad Adenauer: Chiến lược nhún nhường
02 Charles de Gaulle: Chiến lược của ý chí
03 Richard Nixon: Chiến lược cân bằng
04 Anwar Sadat: Chiến lược siêu việt..
05 Lý Quang Diệu: Chiến lược ưu tú
06 Margaret Thatcher: Chiến lược vững tin
Kết luận: Tiến trình của lãnh đạo
Kissinger không đơn thuần là lựa chọn 6 nhân vật có sức ảnh hưởng lớn đến cục diện thế giới trong thế kỷ XX để phân tích, trình bày điều kiện để trở thành một nhà lãnh đạo vĩ đại và lý do tại sao các nhân vật được chọn lại vĩ đại; mà đây đều là những nhân vật ông đã tiếp xúc khi họ đang thời kỳ đỉnh cao, có hiểu biết sâu sắc về cá tính và tư duy chiến lược của họ, …, giúp ông đưa ra những nhận định, mà như nhiều người nhận xét, là chỉ Kissinger mới có thể. Qua đó, phần nào bức chân dung về Kissinger cũng hiện lên rõ rệt.
Hơn thế nữa, trước và sau 6 phân tích cụ thể, tác giả còn có phần Mở đầu và Kết luận mang tính lý luận, mở rộng về vấn đề Lãnh đạo. Phần Mở đầu, Kissinger đưa ra vai trò không thế thiếu của vị trí lãnh đạo, bản chất của quyết định lãnh đạo, các kiểu mẫu lãnh đạo, trình bày bối cảnh lịch sử của 6 nhà lãnh đạo dược mô tả trong sách này… làm tiền đề lý luận vững chắc cho các phân tích cụ thể từng nhân vật sau đó. Ở phần kết luận, tác giả bàn về tiến trình của “lãnh đạo”, cũng như lãnh đạo với trật tự thế giới, và tương lai của “lãnh đạo”. Đây là hai phần đặc biệt quan trọng đúc kết những tư tưởng, tầm nhìn của Kissinger về lãnh đạo trong suốt gần một đời hoạt động chính trị của mình.
Nhưng bức tranh chung ông đặt ra còn rộng lớn hơn thế: “… liệu các màn trình diễn tương tự có thể được tái hiện hay không. Liệu các nhà lãnh đạo có xuất hiện với tính cách, trí tuệ và sự cứng rắn cần thiết để đáp ứng những thách thức mà trật tự thế giới đang phải đối mặt?” – vẫn là một câu hỏi lớn chưa có hồi đáp.
Cuốn sách phù hợp cho những ai quan tâm đến các chiến lược gia cụ thể được mô tả trong sách này, bối cảnh lịch sử, chính trị của đất nước họ cũng như của thế giới sau Thế chiến II, mở rộng ra là địa chính trị và trật tự thế giới nói chung.
Sách thuộc Tủ sách nhân vật và chính trị của Omega+.
THÔNG TIN TÁC GIẢ:
Henry Kissinger (1923-2023)
Là Cố vấn An ninh quốc gia và Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời các tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford, đồng thời đã cố vấn cho nhiều tổng thống Mỹ khác về chính sách đối ngoại.
Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách và bài báo về chính sách đối ngoại và ngoại giao, trong đó Omega Plus đã xuất bản:
-
- Về Trung Quốc (On China, 2011)
- Trật tự thế giới (World Order, 2014)
- Lãnh đạo: 6 chiến lược gia kiệt xuất định hình thế giới (Leadership: Six Studies in World Strategy, 2022)
ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIA (Nếu có, có thể trích trong lời giới thiệu)
“[Một cuốn sách] nên đọc. . . . [Kissinger] tiếp tục đóng góp cho sự hiểu biết của chúng ta về thế giới. Những cuốn sách của ông – bao gồm cả cuốn sách này – hy vọng sẽ được đón nhận nồng nhiệt trong tương lai. Chúng là những cuốn sách vượt thời gian”.
– New York Journal of Books
TRÍCH ĐOẠN/ CÂU QUOTE HAY (Có thể ghi chú trang nào, phần nào)
- Bất kỳ xã hội nào, dù sở hữu hệ thống chính trị ra sao, đều luôn chuyển dịch giữa một quá khứ đã định hình nên ký ức và một tầm nhìn về tương lai đóng vai trò truyền cảm hứng cho sự phát triển của nó. Dọc theo hành trình này, không thể thiếu vắng vị trí lãnh đạo: ra quyết định, tạo dựng niềm tin, thực hiện lời hứa hẹn, trù định con đường phát triển. Trong các thể chế của loài người – nhà nước, tôn giáo, quân đội, công ty, trường học – lãnh đạo là cần thiết để giúp tập thể đi từ điểm hiện tại đến nơi họ chưa tới bao giờ và đôi khi, là nơi họ khó có thể hình dung là mình đang tới. Nếu không có vị trí lãnh đạo, các thể chế sẽ trôi dạt, các quốc gia sẽ ngày càng rệu rã, và cuối cùng sẽ rơi vào thảm họa.
Các nhà lãnh đạo suy nghĩ và hành động tại giao điểm của hai trục: thứ nhất, giữa quá khứ và tương lai; thứ hai, giữa các giá trị đã trường tồn và khát vọng của tập thể mà họ dẫn dắt. Thách thức đầu tiên của họ là phân tích, bắt đầu bằng một đánh giá thực tế về xã hội dựa trên lịch sử, tập quán và năng lực của xã hội ấy. Sau đó, họ phải có sự cân bằng giữa những gì họ biết – vốn nhất thiết phải được đúc kết từ quá khứ – với những gì họ trực cảm về tương lai, vốn mang tính phỏng đoán và không chắc chắn. Chính khả năng nắm bắt định hướng mang tính trực giác này cho phép các nhà lãnh đạo thiết lập mục tiêu và đưa ra chiến lược.
(Giới thiệu – Các trục lãnh đạo)
- Do tính phức tạp của thực tế, sự thật trong lịch sử khác với sự thật trong khoa học. Nhà khoa học tìm kiếm kết quả có thể xác minh; nhà lãnh đạo chiến lược am hiểu lịch sử cố gắng chắt lọc tri thức có thể biến thành hành động từ sự mơ hồ cố hữu. Các thí nghiệm khoa học ủng hộ hoặc hoài nghi về những kết quả trước đó, tạo cơ hội cho nhà khoa học sửa đổi các biến và lặp lại thử nghiệm. Chiến lược gia thường chỉ được phép thực hiện một bài kiểm tra; quyết định của họ thường không thể thu hồi. Do đó, nhà khoa học tìm hiểu sự thật căn cứ theo thực nghiệm hoặc toán học; nhà chiến lược suy luận ít nhất một phần dựa theo phép loại suy với quá khứ – trước tiên xác định những sự kiện nào tương đồng và những kết luận nào trước đó vẫn còn phù hợp. Ngay cả khi đó, chiến lược gia phải lựa chọn phép loại suy một cách cẩn thận, vì không ai có thể, theo bất cứ khía cạnh thực tế nào, trải nghiệm được quá khứ; người ta chỉ có thể hình dung nó “dưới ánh trăng của ký ức” như cách dùng từ của sử gia Hà Lan Johan Huizinga.
- Chính sự kết hợp nhân vật với bối cảnh đã tạo nên lịch sử, và sáu nhà lãnh trong cuốn sách này – Konrad Adenauer, Charles de Gaulle, Richard Nixon, Anwar Sadat, Lý Quang Diệu và Margaret Thatcher – tất cả đều được định hình bởi bối cảnh lịch sử đầy kịch tính của họ. Tất cả họ đều trở thành kiến trúc sư của công cuộc phát triển đất nước họ thời hậu chiến và cả trật tự quốc tế. Tôi may mắn được gặp cả sáu người vào thời kỳ mà tầm ảnh hưởng của họ đang ở đỉnh cao và đã sát cánh làm việc với Richard Nixon. Kế thừa một thế giới mà tính chắc chắn đã bị chiến tranh làm tiêu tan, họ tái xác lập các mục đích quốc gia, mở ra những chân trời mới và đóng góp một cấu trúc mới cho thế giới đang trong quá trình chuyển dịch.
(đọc thêm: Sáu nhà lãnh đạo trong bối cảnh của họ, trang 9)
- Đọc thêm về Các kiểu mẫu lãnh đạo: Chính khác và nhà tiên tri, trang 14
- Bất kể đặc điểm cá nhân hay phương thức hành động của họ là gì, các nhà lãnh đạo chắc chắn phải đối mặt với một thách thức khốc liệt: làm sao để tương lai không bị nhấn chìm trong những yêu cầu của hiện tại. Các lãnh đạo thông thường tìm cách điều tiết trạng thái trung gian; những người vĩ đại nỗ lực nâng xã hội của họ tới tầm nhìn đã định. Kể từ khi nhân loại xem xét mối quan hệ giữa ý muốn và việc bất khả kháng, thì câu hỏi làm sao đối phó với thách thức này đã được mang ra tranh luận.
[…]
Các cá nhân có quan trọng trong lịch sử không? […] Cuốn sách này đề cập đến các nhà lãnh đạo, trong cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ giữa ý chí và việc bất khả kháng, hiểu rằng những điều tưởng chừng bất khả kháng là do con người gây ra. Họ có vai trò quan trọng vì đã vượt khỏi bối cảnh mà họ được kế thừa, từ đó đưa xã hội của họ đến ranh giới của những điều khả dĩ. (trang 19)
- Konrad Adenauer: Chiến lược nhún nhường
[…]
Tới khi trưởng thành, Adenauer đã trải qua ba mô hình hậu Bismarck của nước Đức thống nhất: sự tàn bạo dưới thời Kaiseri, những biến động trong nước thời Cộng hòa Weimar và chủ nghĩa phiêu lưu thời Hitler, mà đỉnh điểm là sự tự hủy diệt và tan rã. Trong nỗ lực tái thiết một vị trí cho đất nước mình trong trật tự chính thống thời hậu chiến, Adenauer đã phải đối mặt với di sản là sự phẫn nộ toàn cầu và trong nước là sự mất phương hướng của dân chúng sau khi bị đánh gục bởi một chuỗi dài cách mạng, chiến tranh thế giới, diệt chủng, thất bại, phân chia, sụp đổ kinh tế và mất đi tính toàn vẹn đạo đức. Ông đã chọn một lộ trình vừa khiêm tốn vừa táo bạo: thú nhận tội ác của Đức; chấp nhận các hình phạt dành cho kẻ chiến bại, bao gồm cả sự chia cắt đất nước; cho phép dỡ bỏ nền tảng công nghiệp quốc gia xem như bồi thường chiến tranh; quy thuận để xây dựng cấu trúc châu Âu mới mà Đức có thể trở thành một đối tác đáng tin cậy. Ông hy vọng Đức sẽ trở thành một quốc gia bình thường, dù ông biết nó sẽ luôn luôn gắn với một ký ức bất thường.
- Trong nhiệm kỳ của mình, Adenauer đã đạt được mục tiêu đưa nền dân chủ vào Đức và định hình một châu Âu mà trong đó Đức có vai trò quan trọng.
- Charles de Gaulle: Chiến lược của ý chí
Trong bối cảnh thông thường, với kinh nghiệm chiến trường, mang hàm thiếu tướng cùng trí tuệ xuất sắc, de Gaulle có lẽ đã khao khát vị trí chỉ huy hàng đầu trong quân đội và sau chừng một thập niên phục vụ, có lẽ là một vị trí trong nội các Pháp. Thay vào đó, việc ông nổi lên như một biểu tượng của chính nước Pháp thì khó có thể tưởng tượng được.
Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo làm thay đổi lịch sử hiếm khi xuất hiện như là điểm cuối của một con đường tuyến tính. Chúng ta có thể cho rằng một thiếu tướng tuyên bố thành lập phong trào kháng chiến trong bối cảnh hỗn loạn khi Pháp đầu hàng Đức Quốc xã sẽ bị chôn vùi trong dòng lịch sử như một diễn viên phụ trong một tương lai được những người chiến thắng cuối cùng viết nên. Tuy nhiên, khi đến London chỉ với bộ quân phục và tiếng nói của mình, de Gaulle đã tự tạo bệ phóng đưa bản thân ra khỏi bóng tối và gia nhập hàng ngũ chính khách thế giới. Trong một tiểu luận viết từ hơn 50 năm trước, tôi đã mô tả ông như một ảo thuật gia.16 Đầu tiên với tư cách là nhà lãnh đạo Pháp quốc Tự do trong chiến tranh, sau đó là người sáng lập và tổng thống của Đệ ngũ Cộng hòa, ông đã gợi lên những viễn cảnh vượt trên hiện thực khách quan, trong khi thuyết phục khán giả của mình xem đó chính là hiện thực. Với de Gaulle, chính trị không phải là nghệ thuật của cái khả dĩ mà là nghệ thuật của ý chí. (p. 89-90)
- De Gaulle thường được người Mỹ ngày nay nhớ đến, nếu có, như một hình tượng biếm họa: nhà lãnh đạo Pháp tự cao tự đại với những ảo tưởng về sự vĩ đại, lúc nào cũng phiền muộn vì những điều nhỏ nhặt có thực hoặc tưởng tượng. Ông thường xuyên khiến các đồng cấp khó chịu. Churchill thỉnh thoảng nổi cơn thịnh nộ vì ông. Roosevelt âm mưu gạt ông ra ngoài lề. Những năm 1960, chính quyền Kennedy và Johnson liên tục bất đồng với ông, tin rằng chính sách của ông là sự phản đối mãn tính với các mục tiêu của Mỹ.
Những lời chỉ trích không phải là không có cơ sở. De Gaulle có thể kiêu căng, lạnh lùng, thô lỗ và nhỏ mọn. Là một nhà lãnh đạo, ông tỏa ra sự huyền bí chứ không ấm áp. Là một người bình thường, ông khiến người khác ngưỡng mộ, thậm chí kinh sợ, nhưng hiếm khi cảm mến. Tuy nhiên, về năng lực chính trị, de Gaulle vẫn là ngoại lệ phi thường. Không nhà lãnh đạo nào ở thế kỷ 20 có trực giác xuất sắc hơn ông. Trong mỗi vấn đề chiến lược lớn Pháp và châu Âu phải đối mặt trong tầm ba thập niên, de Gaulle luôn đánh giá chính xác, bất chấp đi ngược sự đồng thuận áp đảo. Khả năng tiên đoán phi thường của ông đi đôi với lòng can đảm để hành động theo trực giác, ngay cả khi hậu quả dường như là tự sát chính trị. Sự nghiệp của ông đã xác nhận câu châm ngôn La Mã rằng vận may đứng về phía những người can đảm.
- Khả năng chính trị của de Gaulle rất đặc biệt. Không ngừng cam kết với lợi ích quốc gia Pháp, siêu việt trong di sản, sự nghiệp của ông tạo ra rất ít bài học chính thức trong việc hoạch định chính sách và không có chỉ dẫn chi tiết nào để làm theo trong các bối cảnh cụ thể. Nhưng di sản của sự nghiệp lãnh đạo phải truyền cảm hứng, chứ không chỉ là học thuyết. De Gaulle đã lãnh đạo và truyền cảm hứng cho những người kế tục bằng cách làm gương, chứ không phải bằng lời nói. Hơn nửa thế kỷ sau khi ông qua đời, chính sách đối ngoại của Pháp vẫn có thể được mô tả phù hợp là “chủ nghĩa de Gaulle”. Cuộc đời ông là một nghiên cứu điển hình về cách các nhà lãnh đạo vĩ đại có thể làm chủ hoàn cảnh và tạo dựng lịch sử. (p.162)
- Sáu nhà lãnh đạo này đã phát triển các phẩm chất song song bất chấp khác biệt xã hội sâu sắc: khả năng hiểu tình huống mà xã hội của họ đang gặp phải, cẩn trọng đưa ra một chiến lược để quản lý hiện tại và định hình tương lai, kỹ năng đưa xã hội của họ hướng tới các mục đích cao cả và sẵn sàng khắc phục các thiếu sót. Đối với họ, niềm tin vào tương lai là điều không thể thiếu và vẫn là như vậy. Không xã hội nào có thể duy trì sự vĩ đại nếu mất đi niềm tin vào chính mình hoặc hoài nghi một cách có hệ thống về những gì mình tự nhận thức về bản thân. Trên tất cả, điều này đặt sự sẵn sàng mở rộng phạm vi quan tâm từ bản thân đến xã hội và gợi lên sự hào phóng của tinh thần công chúng có tác dụng truyền cảm hứng cho hy sinh và phục vụ. Khả năng lãnh đạo tuyệt vời là kết quả do va chạm giữa những thứ vô hình với những gì có thể uốn nắn, từ những gì được đưa ra và những gì được thực hiện. Vẫn còn không gian cho nỗ lực cá nhân – để làm sâu sắc thêm hiểu biết lịch sử, mài sắc chiến lược và cải thiện tính cách. Triết gia khắc kỷ Epictetus từ lâu đã viết: “Chúng ta không thể lựa chọn hoàn cảnh bên ngoài, nhưng luôn có thể lựa chọn cách chúng ta phản ứng với chúng”.27 Vai trò của các nhà lãnh đạo là dẫn đường cho quá trình lựa chọn đó và truyền cảm hứng cho người dân của họ trong việc thực hiện nó. (p.534)
CÂU QUOTE HAY
- Các nhà lãnh đạo có thể được tôn vinh – hay bị hạ bệ – bởi phẩm chất của những người xung quanh.
- Lãnh đạo vĩ đại không chỉ gợi lên niềm hân hoan nhất thời; nó đòi hỏi khả năng truyền cảm hứng và duy trì tầm nhìn theo thời gian. (p. 72)
- Về phần mình, Konrad Adenauer không vương vấn phán xét của hậu thế. Khi được hỏi muốn được nhớ đến như thế nào, ông trả lời đơn giản: “Ông ta đã hoàn thành nghĩa vụ của mình”. (p.77)
- Với de Gaulle, chính trị không phải là nghệ thuật của cái khả dĩ mà là nghệ thuật của ý chí.
- “Triết gia khắc kỷ Epictetus từ lâu đã viết: ‘Chúng ta không thể lựa chọn hoàn cảnh bên ngoài, nhưng luôn có thể lựa chọn cách chúng ta phản ứng với chúng’. Vai trò của các nhà lãnh đạo là dẫn đường cho quá trình lựa chọn đó và truyền cảm hứng cho người dân của họ trong việc thực hiện nó”.