Lawrence Xứ Ả-Rập: Chiến Tranh, Thủ Đoạn, Sự Điên Rồ Của Đế Quốc Và Qúa Trình Hình Thành Trung Đông Hiện Đại
“Lawrence xứ Ả-Rập" là tác phẩm của nhà văn và phóng viên chiến trường người Mỹ Scott Anderson, sẽ góp phần làm sáng tỏ câu chuyện về sự hình thành của Trung Đông hiện đại, và từ cái nhìn sâu vào quá trình đó giúp ta hiểu được những vấn đề hiện tại họ đang đối mặt.
Mô tả
THÔNG TIN XUẤT BẢN
Khổ: 16×24
Bìa mềm, tay gấp
Số trang: 800
Giá bìa: 449.000
Nhà Xuất bản Lao Động
LAWRENCE XỨ Ả-RẬP:
CHIẾN TRANH, THỦ ĐOẠN, SỰ ĐIÊN RỒ CỦA ĐẾ QUỐC
VÀ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH TRUNG ĐÔNG HIỆN ĐẠI
I. NỘI DUNG CHÍNH
“Lawrence xứ Ả-Rập: Chiến tranh, thủ đoạn, sự điên rồ của đế quốc và quá trình hình thành Trung Đông hiện đại” là tác phẩm của nhà văn và phóng viên chiến trường người Mỹ Scott Anderson, sẽ góp phần làm sáng tỏ câu chuyện về sự hình thành của Trung Đông hiện đại, và từ cái nhìn sâu vào quá trình đó giúp ta hiểu được những vấn đề hiện tại họ đang đối mặt.
Thomas Edward Lawrence hay ”Lawrence xứ Ả-rập” là một sĩ quan Quân đội Anh nổi tiếng với vai trò trong Cuộc nổi dậy của Ả-rập chống sự thống trị của Đế quốc Ottoman – Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm 1916 – 1918. Lawrence vừa là chứng nhân vừa là người tham dự trong một số sự kiện quan trọng nhất dẫn đến việc hình thành Trung Đông hiện đại.
Cuốn sách “Lawrence xứ Ả-Rập” của Anderson sẽ tập trung vào T.E. Lawrence trong câu chuyện giữa anh và ba nhân vật khác, những người đại diện cho các thế lực ở Trung Đông trong Thế chiến I.
- Một nhà khảo cổ được quân đội Anh tuyển mộ;
- Một quý tộc thất thế, sĩ quan tình báo duy nhất của Mỹ ở Trung Đông trong Thế chiến I;
- Một học giả trẻ người Đức ngụy trang dưới vỏ bọc Ả-rập đề phát động chiến tranh;
- Một nhà khoa học Do Thái với mục tiêu thiết lập mạng lưới gián điệp chống Ottoman.
Bốn nhân vật lịch sử trên sẽ lần lượt tham gia vào những trò chơi ngầm phức tạp và các cuộc đối đầu tay đôi, từ đó giúp kiến tạo Trung Đông hiện đại, định hình nên thế giới mà chúng ta đang sống ngày nay. Phạm vi rộng hơn này cũng cho phép Anderson truy tìm nguồn gốc của những rạn nứt chính trị ngày nay, bao gồm xung đột Ả-rập – Do Thái, chủ nghĩa Hồi giáo và vai trò của ngành dầu khí ở Trung Đông.
“Lawrence xứ Ả-Rập” là một trong những cuốn sách lịch sử khách quan, toàn diện, dễ đọc và có ảnh hưởng nhất về lịch sử Trung Đông; một tài liệu tham khảo thiết thực cho sinh viên, các nhà nghiên cứu và những độc giả quan tâm đến lịch sử Trung Đông nói riêng, lịch sử thế giới nói chung. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên mở đầu cho Tủ sách Lịch sử Trung Đông của Omega Plus.
II. ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ:
Scott Anderson (sn. 1959) là một tiểu thuyết gia, tác giả phi hư cấu và phóng viên chiến trường kỳ cựu người Mỹ. Bên cạnh Lawrence xứ Ả Rập, các tác phẩm tiêu biểu của ông còn có The Man Who tried to Save the World, War Zones cùng hai cuốn tiểu thuyết Triage và Moonlight Hotel. Ông cũng thường xuyên viết bài cho New York Times Magazine, GQ, Esquire, Men’s Journal, Vanity Fair… đồng thời từng đưa tin từ Lebanon, Israel, Ai Cập, Bắc Ireland, Chechnya, Sudan, Bosnia, El Salvador cùng nhiều quốc gia xung đột khác.
III. ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIA
– “Thật hấp dẫn … Anderson thể hiện hiểu biết tuyệt vời về tình hình chính trị của khu vực, cùng một sự đánh giá kỹ lưỡng về bản thân Lawrence… Một đóng góp giàu chất xám cho kho tài liệu về Lawrence” _Max Hastings, Sunday Times
-“Lawrence xứ Ả Rập là một cuốn sách hấp dẫn. Đây là tác phẩm hay nhất về lịch sử quân sự gần đây và một phân tích mang tính khai sáng về các vấn đề vẫn còn tồn tại ngày nay.”_ New York Times
-“Anderson đã làm nên một kiệt tác độc nhất về một chủ đề không dễ được hoan nghênh và biến nó thành một tác phẩm đầy mê hoặc.”_Jan Morris, Daily Telegraph
IV. TRÍCH ĐOẠN HAY
“Lịch sử thường là chuyện phóng đại về những khoảnh khắc nhỏ – các cuộc gặp gỡ tình cờ, các quyết định ngẫu nhiên hoặc đơn giản chỉ là sự trùng hợp – ban đầu tường như không quan trọng, nhưng bằng cách nào đó đã hợp nhất với những khoảnh khắc nhỏ bé khác để tạo ra một sự kiện quan trọng, hay như người ta thường nói, cơn cuồng phong khởi nguồn từ một lần vỗ cánh bé nhỏ của con bướm.”
“Điều đó hóa ra lại rất hợp ý Aaron Aaronsohn vì việc ông ta “bị bắt giữ” tại Kirkwall là một canh bạc trá hình phức tạp. Ông ta là một gián điệp, hoặc ở ít nhất là rất muốn trở thành gián điệp, nhưng là cho phía bên kia của cuộc xung đột (phe Hiệp ước), và việc bị bắt trên Oskar II một cách ồn ào – họ bắt giữ ông trước mắt công chúng, thông báo công khai về những gì đã được tìm thấy trong hành lý của ông – được thiết kế để cắt đuôi các điệp viên phản gián Đức và Türkiye và bảo vệ mạng lưới gián điệp của ông ta ở Palestine. Điều này không thể đạt được chỉ với việc Aaronsohn không bị “lộ tẩy.” Thay vào đó, ông ta cần Đức và Türkiye “biết” rằng ý định của mình là đến Mỹ, rằng người Anh đã bắt giữ “gián điệp nguy hiểm của Türkiye” trên boong tàu Oskar II một cách tình cờ. Đến hồi cuối, bức chân dung của ông ta đăng trên tờ Evening Post trở thành một nét chấm phá. Như Aaronsohn đã ghi lại trong nhật ký của mình vào đêm đó trong phòng khách sạn Kirkwall: “Trò chơi đã bắt đầu.”
“Trước sự phân vân của nhiều cư dân, sáng ngày 31 tháng 5 năm 1916, một máy bay chiến đấu của Đức đã xuất hiện trên bầu trời Jerusalem và thực hiện một loạt các đường bay vòng ở phía tây của khu Thành Cổ có tường bao. Cuối cùng, một vật có trọng lượng nhỏ được ném khỏi máy bay và đáp xuống con phố ngay phía trước khách sạn Fast, quán rượu ưu thích của các sĩ quan Đức ở Jerusalem. Khi kiểm tra kỹ hơn, bưu kiện được tìm thấy là một lá cờ Đức được đóng gói với một ghi chú bên trong từ Curt Prüfer. Anh đã trở về thành phố vào tối hôm đó, ghi chú giải thích, và muốn đầu bếp chuẩn bị một “bữa tối ngon lành” cho mình. Đó là một kiểu hành động hào nhoáng mà Prüfer có lẽ sẽ không bao giờ có thể thực hiện trong “kiếp” điệp viên trưởng trước đây, nhưng hành động này cũng để chạy theo những hành vi phô trương của những người đồng đội mới, những hoa tiêu, các xạ thủ máy và các “át chủ bài” không quân của Fliegertruppen Đức, hay Quân đoàn Bay.”