Lịch Sử Hội Sách Frankfurt
Đây là cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam viết về lịch sử hội sách Frankfurt – Hội chợ sách quốc tế lớn nhất thế giới. Thông qua cuốn sách, chúng ta không những được tìm hiểu về lịch sử 600 năm thăng trầm của hội sách Frankfurt mà còn là lịch sử châu Âu và sự phát triển văn minh xã hội từ thế kỷ 15 đến thời kỳ hiện đại.
Mô tả
|THÔNG TIN XUẤT BẢN|
Số trang: 300
Bìa mềm
Khổ: 16×24 cm
Trọng lượng:
Giá: 259.000 VNĐ
NXB: Thế giới
Năm XB: 2023
LỊCH SỬ HỘI SÁCH FRANKFURT
BTV: Ngô Anh Tuấn
NỘI DUNG CHÍNH
Đây là cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam viết về lịch sử hội sách Frankfurt – Hội chợ sách quốc tế lớn nhất thế giới.
Thông qua cuốn sách, chúng ta không những được tìm hiểu về lịch sử 600 năm thăng trầm của hội sách Frankfurt mà còn là lịch sử châu Âu và sự phát triển văn minh xã hội từ thế kỷ 15 đến thời kỳ hiện đại.
Cuốn sách tái hiện và mô tả lịch sử của Hội sách Frankfurt từ khi bắt đầu đến thời hiện đại, qua đó độc giả như được sống lại không khí từ buổi bắt đầu văn minh in ấn phương Tây và choáng ngợp với sự phát triển trong thời hoàng kim của in ấn và cũng chứng kiến bao thăng trầm của Hội sách Frankfurt, hay nhìn rộng hơn chính là sự phát triển văn minh, với 3 phần chính (25 chương):
- Giai đoạn 1 (1454 -1764): Hội sách Frankfurt thuở sơ khai, từ lúc mới bắt đầu có công nghệ in Gutenberg. Tác giả có trích dẫn những tư liệu cho thấy hình ảnh sinh động về hội sách. Các đầu sách nào được quan tâm ở thời kỳ đó, việc buôn bán, vận chuyển sách diễn ra thế nào… Hội sách cứ thế phát triển, nhưng những biến động tôn giáo-chính trị, sự đối đầu giữa Công giáo-Kháng cách Luther, đã dẫn tới việc kiểm duyệt và tịch thu sách, khiến cho hội sách dần thoái trào.
- Giai đoạn 2 (1764-1861): Hội sách ở Leipzig phát triển thay thế cho Hội sách Frankfurt.
- Giai đoạn 3 (từ thế kỷ 20): Một loạt những nỗ lực nhằm khôi phục hội sách Frankfurt. Sau thế chiến II, hội sách ngày càng đạt được nhiều thành công, với sự tham gia của rất nhiều đơn vị, quốc gia. Nhiều hoạt động với chủ đề mới mẻ, giới thiệu các vùng đất, các nền văn hóa được tổ chức định kỳ đã thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng. Tác giả cũng bày tỏ sự quan tâm tới các xu hướng xuất bản mới, dưới nhiều hình thức khác ngoài sách vở.
Hình ảnh trên bìa là Quảng trường Romer, nơi gắn liền với việc tổ chức hội sách Frankfurt.
THÔNG TIN TÁC GIẢ
Peter Weidhaas – Nguyên là giám đốc hội sách Frankfurt từ thập niên 1970 tới khi nghỉ hưu. Ông đã góp phần thúc đẩy các hoạt động quảng bá văn học từ châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latin, tổ chức các sự kiện xuất bản mang tính đổi mới.
ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIA
- “Xuất bản luôn là một mô hình thu nhỏ của xã hội mà nó là một phần trong đó, đồng thời phản ánh xu hướng phát triển của xã hội ấy. Tuy nhiên, ở một mức độ nhất định, xuất bản cũng định hình cách suy nghĩ và mở rộng tư tưởng của xã hội …” – André Schiffin, Giám đốc NXB Pantheon
- “Nhìn vào bức tranh lịch sử của Hội sách Frankfurt – điểm hội tụ, giao lưu của nhiều “bộ óc” làm nên thời đại, người ta có thể lý giải vì sao châu Âu đã và đang là một phần quan trọng của trung tâm tri thức thế giới.” – Ông Nguyễn Nguyên, Hội Xuất bản Việt Nam
- “Cuốn sách ghi lại lịch sử 600 năm đầy thăng trầm của Hội sách Frankfurt, đồng thời ít nhiều cũng cho thấy những biến động lớn về kinh tế, chính trị của nước Đức, của châu Âu cũng như toàn thế giới trong giai đoạn này.” – Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT Omega Plus.
- “Đọc cuốn sách này, bạn không chỉ biết về một hội sách quốc tế quy mô lớn nhất và quan trọng bậc nhất. Hơn thế rất nhiều, bạn biết về lịch sử khái quát của toàn bộ ngành xuất bản, in ấn và phát hành thế giới kể từ nửa cuối thế kỷ XV.” – Ông Vũ Trọng Đại, CEO TIMES, nguyên CEO Omega Plus.
TRÍCH ĐOẠN HAY
“Bất chấp mọi trở ngại, việc kinh doanh sách vẫn sinh lời. Trong mọi trường hợp, giá sách tiếp tục tăng do lượng độc giả ngày càng đông. Một ví dụ về chi phí tương đối với một người mua tiềm năng là mức giá yêu cầu đối với bản in September Testament (Kinh tháng 9) của Martin Luther năm 1522. Bản dịch tiếng Đức Tân ước của Luther có giá 1,5 florin khi mua từ Melchior Lotter, một nhà in ở Leipzig. Vào thời điểm đó, với giá của một cuốn Kinh Thánh, bạn có thể mua được 2 con bê, 6 con cừu, 15 con ngỗng, 220 con cá trích, 1.200 viên gạch nung hoặc 1.300 quả trứng. Số tiền ngang với tiền công cả năm của một hầu gái.”
“Khi đến, chẳng ai chào đón bạn, dường như sợ rằng họ đang tìm kiếm khách trọ, điều mà dân ở đây coi là hạ mình vì nó mang lại tai tiếng cho sự nhạy cảm của người Đức. Sau khi bạn đã đứng trước tòa nhà một khoảng thời gian, thông báo về sự hiện diện của mình bằng một giọng nói lớn, cuối cùng một cái đầu cũng xuất hiện, giống như một con rùa, từ một ô cửa sổ nhỏ xíu. Sau đó, phận sự của bạn là phải hỏi người kia xem họ còn chỗ ở hay không. Nếu anh ta không từ chối, bạn có thể kết luận rằng họ có phòng cho bạn.
Câu hỏi về chuồng ngựa của bạn được trả lời bằng một cái chỉ tay. Sau đó, bạn phải tự chăm sóc ngựa vì sẽ chẳng có người hầu nào xuất hiện. Một khi lo xong việc này, bạn bước vào phòng khách, vẫn với một bộ dạng như cũ, với giày ống, hành lý và bụi đất. Căn phòng được sưởi ấm đó là dành cho tất cả các khách trọ. Không có phòng riêng để thay đồ, giặt giũ, sưởi ấm và nghỉ ngơi. Và vì vậy, hoàn toàn có thể xảy ra cảnh 80 hay 90 người bị nhồi nhét trong một phòng: khách bộ hành, thương nhân, nông dân, các cậu bé, phụ nữ, người khỏe và người bệnh. Ở đây, có người đang chải đầu; có ai đó đang lau mồ hôi trên trán; còn một người khác đang lau giày và giày ống du lịch của mình. Đó là dấu hiệu của một nhà trọ Đức được quản lý tốt, nơi tất cả khách trọ đều ướt sũng mồ hôi. Nếu có ai đó, chưa quen với đám người bốc mùi ấy, dám mở hé cửa sổ, thì lập tức sẽ có tiếng kêu đòi phải đóng lại ngay.
Cuối cùng, rượu vang, thường là kém chất lượng, được đem ra phục vụ cho những du khách mệt mỏi. Giả sử có người yêu cầu loại rượu hảo hạng, chủ quán thoạt đầu tỏ ra không nghe thấy, nhưng sẽ ném ánh mắt giết người về phía kẻ tự phụ kia. Nếu người đó nhắc lại yêu cầu, lời đáp sẽ là: “Nhiều công tước và lãnh chúa thường xuyên lui tới quán trọ này và không ai phàn nàn về rượu cả. Nếu anh không hài lòng thì hãy đi tìm quán trọ khác,” bởi vì người Đức cho rằng chỉ giới quý tộc có chức tước của đất nước họ mới là những người đáng được phục vụ và tôn trọng…
Chẳng bao lâu, với sự phô trương thái quá, các món ăn được đưa lên. Món đầu tiên hầu như luôn là những lát bánh mì với nước luộc thịt, sau đó là một số loại thịt được hâm nóng, thịt muối hoặc cá muối. Chỉ khi đó, một loại rượu ngon hơn mới được đem ra.
Thật ngạc nhiên khi cảnh tượng huyên náo khủng khiếp bắt đầu xuất hiện khi những cái đầu được rượu làm nóng. Sự khác biệt về quan điểm nhanh chóng bày ra trước mắt. Thường thì việc những kẻ pha trò và đám phá bĩnh hòa vào cuộc hỗn loạn phần nhiều sẽ làm người Đức thích thú, họ dường như say sưa với cảnh ồn ào sau đó. Với căn phòng đầy những chuyện tầm phào và tiếng la hét, ẩu đả và cãi lộn, có vẻ như nó đe dọa người ta phải nhượng bộ.
Nếu có vị khách nào, kiệt sức vì hành trình của mình, muốn đi ngủ ngay sau bữa ăn, anh ta được thông báo rằng phải đợi cho đến khi những người khác quyết định dừng lại và quay vào. Sau đó, mỗi người được chỉ chỗ chiếc giường của mình; chẳng có gì khác ngoài một cái giường cứng để ngả lưng. Còn về ga trải giường, chúng đã được giặt cách đây sáu tháng.”