Lịch Sử Israel

4 Đặt hàng

Cuốn sách viết cô đọng, khách quan và đi sâu vào phân tích những dấu mốc, sự kiện, vấn đề lớn của người Do Thái nói chung và đất nước Israel nói riêng, từ khi có những ý tưởng manh nha về việc phục quốc đến khi họ thực sự tập hợp lại ở cố hương Jerusalem.

#
Còn hàng
389,000 

Mô tả

LỊCH SỬ ISRAEL – CÂU CHUYỆN VỀ SỰ HỒI SINH CỦA MỘT DÂN TỘC

Những trang sử đau thương nhưng sáng ngời niềm tự hào của một dân tộc bị đọa đày qua hàng nghìn năm

———————–

Trong các sắc dân trên thế giới, có lẽ hiếm có dân tộc nào chịu số phận bị đày ải, miệt thị và áp bức như dân tộc Do Thái với hai lần thiên di, lần thứ nhất bắt đầu vào năm 722 và lần thứ hai bắt đầu vào năm 135 trước công nguyên (TCN). 

Trải qua 21 thế kỷ lưu vong, tứ tán khắp nơi và đến năm 1948 người Do Thái mới thực hiện được ước mơ “Phục quốc” (Zionism), vốn được một nhà báo Do Thái gốc Áo – Hung khởi xướng tại châu Âu từ năm 1896. Trong cùng cảnh ngộ tương tự, nhiều sắc tộc, dân tộc khác trong cùng khu vực Lưỡng Hà đã bị tiêu vong hoặc đồng hóa từ lâu. Nhưng ngược lại, mặc dù chịu những đau khổ, mất mát (như nạn diệt chủng Holocaust của Đức Quốc xã rồi nạn lưu đày, trại tập trung) nhưng người Do Thái không chỉ duy trì được tôn giáo, văn hóa, nòi giống, bản sắc của mình, mà có những ảnh hưởng vượt trội trong cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đóng góp vào sự tiến bộ chung của nhân loại.

Cuốn sách này sẽ là tập tài liệu về lịch sử hình thành dân tộc Do Thái và nhà nước Israel hấp dẫn nhất. Dù ưu tiên các thông tin lịch sử, nhưng Daniel Gordis đã khéo léo kết hợp nguồn tri thức bách khoa khô khan đó bằng văn phong của một tiểu thuyết gia. Điều đó khiến cho việc tiếp nhận nguồn thông tin dày đặc từ cuốn sách trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIA

Giống như chính Israel, cuốn sách của Daniel Gordis thật táo bạo, sâu sắc và độc đáo. Nó kể câu chuyện đầy ngoạn mục về khối cộng đồng thứ ba của người Do Thái từ thuở sơ khai cho đến ngày nay. Bất kỳ ai quan tâm đến lịch sử của chủ nghĩa phục quốc Do Thái sẽ tìm thấy lượng thông tin vô giá và sự hiểu thấu đầy sâu sắc trong cuốn sách rất cần thiết, công bằng và cân bằng này“.  Ari Shavit, tác giả cuốn sách Miền đất hứa của tôi. 

Daniel Gordis đã viết nên lịch sử chói lọi kể về câu chuyện của Israel, không chỉ thông qua các chính khách và chiến binh mà còn thông qua các nghệ sĩ, nhà văn và nhà thơ của đất nước này. Gordis chỉ ra cho chúng ta linh hồn của Israel, và giúp giải thích lý do tại sao đất nước bị thù ghét nhất hành tinh này cũng là một trong số những quốc gia được yêu mến nhất’“. – Yossi Klein Halevi, tác giả cuốn sách Like Dreamers: The Story of the Israeli Paratroopers Who Reunited Jerusalem and Divided a Nation.

TRÍCH ĐOẠN HAY

TRONG CỘNG ĐỒNG TÔN GIÁO, nỗi tuyệt vọng về sự chia cắt của Jerusalem đặc biệt sâu sắc. Người Do Thái đang bị cấm đi đến Bức tường phía Tây – phần còn lại duy nhất của đền thờ cổ đại tại Jerusalem. Trong hai nghìn năm, người Do Thái đã cầu nguyện ở đó, mặc dù với số lượng ít. Bây giờ, bởi Israel đã mất Thành cổ Jerusalem trong Chiến tranh giành độc lập, và bởi Hebron và các địa điểm truyền thống thiêng liêng khác của người Do Thái cũng nằm trong tay kẻ thù, nên thật trớ trêu khi nhà nước Do Thái không có chủ quyền đối với những địa điểm thiêng liêng truyền thống của dân tộc mình.

Chỉ một ngày trước khi bài hát của Naomi Shemer phát sóng, Giáo sĩ Zvi Yehuda Kook (con trai của người xây dựng cây cầu thần bí, Giáo sĩ Abraham Isaac Kook) đã nói với các môn đồ về trải nghiệm của chính ông trong ngày bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc 19 năm về trước. Giống như David Ben-Gurion và Menachem Begin, ông cũng đã không thể ăn mừng, nhưng vì lý do khác:

Cả nước đổ ra đường ăn mừng với những cảm xúc hân hoan… [Nhưng] tôi không thể ra ngoài và tham gia. Tôi ngồi một mình, và cảm thấy thật nặng nề. Trong những giờ đầu tiên đó, tôi không thể bình tâm nổi với những gì đã xảy ra, với tin tức khủng khiếp rằng lời Chúa trong sách về các vị tiên tri đã không được ứng nghiệm: ‘Họ chia cắt đất nước tôi!’… Hebron của chúng ta đâu rồi? Chúng ta đã quên nó rồi sao? Và Shechem [Nablus] của chúng ta đâu rồi – chúng ta đã quên nó rồi sao? Và Jericho của chúng ta đâu rồi – chúng ta đã quên nó rồi sao? Và bờ bên kia của sông Jordan đâu rồi? Mọi mảnh đất đâu rồi? Mỗi mảnh đất của Chúa đâu rồi? Phải chăng chúng ta có quyền nhượng lại dù chỉ một tấc đất? Chúa cấm điều đó!… Trong  tình trạng đấy, toàn thân tôi choáng váng, bị thương và đứt lìa thành nhiều mảnh. Tôi không thể ăn mừng. ‘Họ chia cắt quê hương tôi!’. Họ đã chia cắt mảnh đất của Chúa!… Tôi không thể ra ngoài để nhảy múa và vui mừng. Đó là tình cảnh của 19 năm trước’.

Theo những người có mặt, phản ứng là ‘sự im lặng hoàn toàn. Các sinh viên chưa bao giờ nghe thấy sự đau buồn, phẫn nộ như vậy, từ vị giáo sĩ’. Họ thắc mắc không biết ông đang muốn nói gì với họ?”

MẶT TRẬN NGOẠI GIAO giờ trở thành thứ quan trọng nhất. Người đóng vai trò trung tâm của các nỗ lực quốc tế của Israel là Abba Eban. Sinh ra tại Cape Town năm 1915, Eban cùng gia đình chuyển đến London khi ông còn sơ sinh. Sau đó, ông theo học tại Khoa nghiên cứu Hy Lạp – La Mã và ngôn ngữ phương Đông tại Đại học Cambridge. Vào thời điểm đó, ông hoạt động rất tích cực trong Liên đoàn Thanh niên Phục quốc Do Thái và biên tập tạp chí của tổ chức này. Vào đầu Thế chiến II, Eban bắt đầu sự nghiệp của mình bằng cách làm việc với Chaim Weizmann tại Tổ chức Phục quốc Do Thái thế giới. Sau đó, ông phục vụ như một sĩ quan tình báo của Quân đội Anh, ở cả Ai Cập và Palestine.

Đến năm 1947, Eban được bổ nhiệm làm liên lạc viên của Ủy ban đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Palestine (UNSCOP), tại thời điểm đó ông đã đổi tên thành Abba. Sau đó, ông vừa là đại sứ của Israel tại Hoa Kỳ, vừa là đại sứ của Israel tại Liên Hợp Quốc. Ông trở lại Israel vào năm 1959 và được bầu vào Quốc hội Israel. Năm 1966, ông bắt đầu làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong suốt tám năm.”

ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ

DANIEL GORDIS (1959) là Phó chủ tịch cấp cao và là giảng viên xuất sắc tại Trường Cao đẳng Shalem ở Jerusalem, đồng thời là nhà báo phụ trách chuyên mục của Jerusalem Post và Bloomberg View. Lớn lên và học tập tại Hoa Kỳ, ông sống tại Israel từ năm 1998. Là tác giả của nhiều cuốn sách về tư tưởng Do Thái và các trào lưu chính trị tại Israel, đồng thời là người giành Giải thưởng Sách Do Thái Quốc gia, Goddis góp phần thành lập Trường Cao đẳng Shalem, trường cao đẳng khai phóng đầu tiên của Israel, vào năm 2007. Ông hiện sống tại Jerusalem.

AI PHÙ HỢP VỚI CUỐN SÁCH

Những độc giả quan tâm tới lịch sử lập quốc của Israel và văn hóa-xã hội của người Do Thái.

ĐIỂM NỔI BẬT CỦA CUỐN SÁCH

Cuốn sách viết cô đọng, khách quan và đi sâu vào phân tích những dấu mốc, sự kiện, vấn đề lớn của người Do Thái nói chung và đất nước Israel nói riêng, từ khi có những ý tưởng manh nha về việc phục quốc đến khi họ thực sự tập hợp lại ở cố hương Jerusalem.

CÁC GIẢI THƯỞNG

Giải thưởng sách Do Thái của năm.

OMEGA+ HÂN HẠNH GIỚI THIỆU TỚI BẠN ĐỌC!

Top