Truyện Kiều
Mô tả
TRUYỆN KIỀU
———————–
Đoạn trường tân thanh, thường được biết đến với tên Truyện Kiều, là một truyện thơ của đại thi hào Nguyễn Du. Đây được xem là truyện thơ nổi tiếng nhất và xét vào hàng kinh điển trong văn học Việt Nam, tác phẩm được viết bằng chữ Nôm theo thể lục bát, gồm 3.254 câu. Câu chuyện dựa theo tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, một thi sĩ thời nhà Minh, Trung Quốc.
Vương Thúy Kiều là người con gái tài sắc vẹn toàn. Nàng xuất thân từ một gia đình trung lưu, dưới Kiều còn hai em là Thúy Vân và Vương Quan. Trong Tết Thanh minh, Kiều cùng hai em đi tảo mộ. Trong dịp này nàng gặp Kim Trọng – một chàng trai “Phong tư tài mạo tót vời / Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”. Hai người vừa gặp nhau “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Cũng trong dịp này, Kiều gặp nấm mồ vô cùng hiu quạnh, nàng cảm cảnh mà khóc than cho số phận của người kỹ nữ ấy. Trở về nhà, nàng được linh hồn Đạm Tiên báo trước cho những giông bão đời mình.
Sau khi gặp Thuý Kiều ớ buổi Thanh minh, Kim Trọng dò la tin tức của nàng rồi dọn nhà đến gần nhà Kiều và tìm cách làm quen. Nhân buổi cha mẹ vắng nhà, Kiều sang nhà Kim Trọng tâm tình. Mối tình giữa hai người nảy nở tốt đẹp, họ vừa yêu vừa trọng nhau rất mực. Họ đã thề nguyền và trao vật đính ước với nhau.
Gia đình Kim Trọng có tang, chàng phải về quê chịu tang. Trong khi đó, cha Kiều bị thằng bán tơ vu oan. Gia đình Kiều tan nát, Vương ông và Vương Quan bị tra khảo. Kiều phải bán mình để chuộc cha. Trước khi theo Mã Giám Sinh, nàng đã nhờ Thúy Vân nối duyên với Kim Trọng đế không phụ tình chàng. Nhưng bi kịch chưa dừng lại ở đó. Hóa ra, Mã Giám Sinh với Tú Bà đều là những kẻ buôn thịt bán người. Ở lầu xanh, nàng đã toan tự sát nhưng không thành. Sau đó, Kiều tiếp tục bị Sở Khanh lừa tình, nàng cay đắng chấp nhận cuộc sống đầy tủi nhục. Tại đây, ít lâu sau, Kiều được Thúc Sinh cứu thoát. Nhưng Thúc Sinh đã có vợ là Hoạn Thư ở quê nhà. Biết chuyện của chồng, Hoạn Thư đã ngấm ngầm sai người đến bắt cóc Thuý Kiều về làm con ở rồi làm ra cảnh bắt Kiều hầu hạ hai vợ chồng mình trong tiệc rượu hàn huyên. Bị đánh ghen một cách tàn nhẫn, Kiều bỏ trốn đến nương nhờ cửa Phật. Chẳng may sư trụ trì vô tình gửi nàng cho Bạc Hạnh – một kẻ cùng nghề với Tú Bà, Kiều lại bị rơi vào lầu xanh một lần nữa. Tại đây, Kiều gặp Từ Hải – một đấng nam nhi đầu đội trời chân đạp đất. Từ Hải cứu Kiều khỏi lầu xanh rồi giúp nàng báo ân báo oán. Vì một chút sơ sẩy, Kiều bị Hồ Tôn Hiến, một mệnh quan triều đình lừa nên đã hại Từ Hải chết đứng giữa trận tiền. Nàng còn bị Hồ Tôn Hiến ép hầu rượu suốt đêm rồi đem gả cho một gã thổ quan. Trên đường ngồi kiệu hoa, nàng đã trầm mình xuống sông Tiền Đường. May sao, nàng được vãi Giác Duyên cứu vớt.
Tuy kết duyên với Thuý Vân, Kim Trọng vẫn nhớ thương Kiều, chàng đã cất công đi tìm nàng. May mắn thay, chàng gặp được vãi Giác Duyên. Gia đình Kiều được đoàn tụ. Chiều ý mọi người, Thuý Kiều nối lại duyên với Kim Trọng nhưng cả hai cùng nguyện ước “lấy tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ”.
ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CỦA CHUYÊN GIA
– Nằm trong danh sách “100 Essential Penguin Classics”
– Cuốn sách duy nhất trên thế giới tạo ra quanh nó cả một loạt những loại hình văn hóa – gọi là Văn hóa Kiều – với các hình thức thật phong phú như: bình Kiều vịnh Kiều, bói Kiều, tập Kiều, đố Kiều, câu đối Kiều, hát nói tập Kiều, phú – văn tế Kiều, án Kim Vân Kiều, giai thoại quanh Truyện Kiều…
– Nhà thơ người Pháp René Crayssac: “Truyện Kiều của Nguyễn Du là một kiệt tác có thể so sánh với những kiệt tác của bất cứ quốc gia và thời đại nào”
– Dịch giả người Nhật Komatsu Kiyoshi: “Đây là một tác phẩm thơ trữ tình trường thiên chứa đựng rất nhiều tinh thần và văn hóa của người An Nam”
– GS. TS người Đức Johan Dichman: “Với tác phẩm này, độc giả Đức tìm thấy một thế giới văn học mà cho tới nay họ chưa từng biết tới: trước mắt họ, thấm nhuần trong Truyện Kiều là cả một kho tàng nhân văn, đỉnh cao tuyệt vời của nền văn hoá dân tộc Việt Nam”
– Tại Hàn Quốc, theo PGS Lê Thu Yến, Truyện Kiều được độc giả tại đây xem trọng tới mức họ gọi tác phẩm Xuân Hương truyện của mình bằng cụm từ “Truyện Kiều của Hàn Quốc”. (Xuân Hương truyện cũng nói về một phụ nữ tài sắc, dù rơi xuống địa vị xã hội thấp kém nhưng vẫn giữ vẹn nhân cách).
Tại Trung Quốc, nhiều nhà nghiên cứu đã gọi Truyện Kiều bằng cụm từ “Việt Nam đệ nhất văn nghệ kỳ thư”. Thậm chí, 2 nhà nghiên cứu Lưu Thế Đức và Lý Tu Chương còn công nhận rằng Truyện Kiều của Việt Nam nổi tiếng và được lưu truyền rộng rãi hơn so với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài nhân ở Trung Quốc…
THÔNG TIN THÊM
Về bản gốc:
– Ngữ gốc: Chữ Nôm
– Năm xuất bản đầu tiên: 1820
– Gồm 3.254 câu thơ lục bát
Điểm đặc biệt: Ấn phẩm sử dụng bản chú giải và khảo dị của PGS. Vũ Ngọc Khánh, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam với nhiều công trình nghiên cứu văn hóa dân gian nổi bật. Ngoài ra, ấn phẩm còn được kết hợp với tranh minh họa đặc sắc của họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh được vẽ và khắc gỗ mộc trong bản in Kim – Vân – Kiều của nhà xuất bản Alexandre de Rhodes, 1942.
OMEGA+ HÂN HẠNH GIỚI THIỆU TỚI BẠN ĐỌC