Giao thương là một hoạt động dựa trên nhu cầu thiết yếu của con người, qua thời gian những hoạt động này đã biến đổi từ hình thức này sang hình thức khác, từ phương tiện cho đến vật trao đổi, ảnh hướng rất nhiều đến hoạt động sinh sống của con người. Tất cả những điểm này có thể tìm thấy trong ấn bản mới của Công ty CP Sách Omega Việt Nam: “Lịch sử giao thương – Thương mại định hình thế giới như thế nào?”
Cuốn sách “Lịch sử giao thương – Thương mại định hình thế giới như thế nào?” tường thuật toàn diện về lịch sử thương mại thế giới – từ Mesopotamia vào năm 3.000 TCN tới cơn bão toàn cầu hóa ngày nay – mô tả về quá khứ giao thương phong phú nhưng cũng đầy bất đồng, đồng thời cho mang đến những phân tích sắc sảo về tương lai của thương mại quốc tế. Toàn cầu hóa như thường được nghe thấy, hóa ra không phải là một hay thậm chí là một chuỗi sự kiện; mà đó là tiến trình diễn ra chậm rãi trong một thời gian rất, rất dài.
Thế giới không đột nhiên trở nên “phẳng” với phát kiến về Internet, và thương mại không bất ngờ bị các tập đoàn lớn tầm cỡ toàn cầu chi phối vào cuối thế kỉ XX. Khởi đầu bằng hàng hóa giá trị cao được ghi nhận trong lịch sử, sau đó từ từ mở rộng sang các mặt hàng ít quý giá hơn, cồng kềnh và dễ hư hỏng hơn, những thị trường của Cựu Thế giới dần tiến đến hợp nhất.
Trong Lịch sử giao thương, W. J. Bernstein kể câu chuyện của thương mại toàn cầu từ cội nguồn tiền sử cho tới vô số những mâu thuẫn xung quanh nó hiện nay. Ông bắt đầu câu chuyện ở vùng Mesopotamia cổ đại, ở đó những thương nhân thời kì đầu buôn bán lúa mạch, đồng và ngà voi trên hai con sông Tigris và Euphrates; sau đó ông tiếp nối mạch câu chuyện với người Hy Lạp: chính những hoạt động kinh doanh ngũ cốc của họ đã nhóm lên ngọn lửa của cuộc Chiến tranh Peloponnese. Ông đưa độc giả lên những con thuyển chở lụa từ Trung Quốc tới Rome vào thế kỉ II, rồi sự hưng thịnh và sụp đổ của thế độc quyền gia vị của người Bồ Đào Nha trong thế kỉ XVI; từ cơn sốt đường đã khiến người Anh đến Jamaica vào năm 1655 cho tới những cuộc chiến thương mại của người Mỹ vào đầu thế kỉ XX; từ những phát minh quan trọng như máy hơi nước, thép và bảo quản đông lạnh cho tới kỉ nguyên hiện đại của ti vi của Đài Loan, rau diếp của Mexico và áo phông của Trung Quốc.
Với hành trình đầu tiên của người châu Âu tới Tân Thế giới, quá trình hội nhập toàn cầu diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Hôm nay, các tàu container đồ sộ, máy bay phản lực, Internet, cùng mạng lưới cung ứng và sản xuất ngày càng được toàn cầu hóa chỉ là những bước tiến xa hơn của một quá trình đã diễn ra suốt 5.000 năm qua. Nếu chúng ta muốn biết về những mô hình thương mại toàn cầu đang chuyển dịch nhanh chóng ngày nay, cách thực sự hữu ích là tìm hiểu những gì đã xảy ra trước đây.
Thông qua những câu chuyện và ý tưởng được chọn lọc kỹ càng, tác giả đã cung cấp thông tin và thách thức các nhận định ở cả hai góc độ tư tưởng lớn trong vấn đề tự do thương mại: “tự do thương mại tạo ra những sự khích lệ và cơ hội ngang bằng giúp nâng cao phúc lợi nói chung cho con người đồng thời làm gia tăng chênh lệch giàu nghèo với ảnh hưởng xấu về mặt xã hội.”
Biên tập viên của tạp chí The Economist cho rằng, cuốn sách là lời nhắc nhở rằng thương mại không chỉ là một trong những bản năng lâu đời nhất của con người mà còn là nguyên nhân của những cột mốc phát triển trong lịch sử nhân loại… Đối với bất cứ ai muốn hiểu ý tưởng của Adam Smith, David Ricardo, hoặc các nhà kinh tế học gần đây như Paul Samuelson thì đây là cuốn sách phải đọc.
William J. Bernstein (sinh năm 1948), tác giả của cuốn sách đồng thời là nhà lý thuyết tài chính học người Mỹ. Ông cũng là tác giả của những cuốn sách nổi tiếng như : Cuộc trao đổi huy hoàng (A Splendid exchange) , Khởi sinh của sung túc (The birth of plenty).
Cũng nhân dịp này, ngày 28/10 tại Hà Nội, Công ty CP Sách Omega Việt Nam (Omega Plus) kết hợp cùng với Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu chính sách và kinh tế – VEPR (VCES) tổ chức buổi tọa đàm “Trung Quốc-Hoa Kỳ-EU: Ai sẽ dẫn dắt thương mại toàn cầu?”. Thế giới hiện đã định hình thành những nền kinh tế lớn, sự thay đổi trong chính sách thương mại của họ đã chi phối hoạt động kinh tế chung của toàn thế giới. Đặc biệt trong thời gian gần đây, thế giới chứng kiến không ít thay đổi trong chính sách thương mại của các nền kinh tế hàng đầu này. Trung Quốc nhấn mạnh thúc đẩy tự do hóa thương mại toàn cầu theo kiểu Trung Quốc, hướng đến ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do châu Á – Thái Bình dương (APFTA). Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra khẩu hiệu “nước Mỹ trước tiên’’, chủ trương đàm phán lại các thoả thuận thương mại theo hướng “thương mại công bằng”. Còn EU lại hướng đến những Hiệp định FTA toàn diện, chất lượng cao. Những bối cảnh này đã được một số chuyên gia kinh tế phân tích, làm rõ tại tọa đàm cũng như đưa ra các hàm ý chính sách với Việt Nam để thích ứng với cuộc chơi mới của thương mại thế giới.
Nguồn: Báo Công Thương