Tác giả Walter Isaacson cảm ơn độc giả Việt, và nói về các vỹ nhân Benjamin Franklin, Albert Einstein, Steve Jobs, Leonardo da Vinci như những bậc thầy sáng tạo.
Leonardo da Vinci của Walter Isaacson ra mắt quý 3 năm 2017. Mùa hè 2018, Bill Gates – người nổi tiếng về việc đọc nhiều – đã đưa ra danh sách 5 cuốn sách nên đọc trong năm. Trong đó, ông chủ của Microsoft cho rằng Leonardo da Vinci là cuốn sách nên đọc nhất. Đích thân tác giả Walter Isaacson viết lời tựa cho phiên bản tiếng Việt cuốn sách.
Bài viết có tên “Những bậc thầy sáng tạo” được mở đầu bằng lời cảm ơn bạn đọc Việt: “Tôi muốn cảm ơn các độc giả của cuốn sách này tại Việt Nam. Tôi đã từng đến đất nước của các bạn, tới Hà Nội, Huế rồi TP.HCM, và tôi thấy đây là một xứ sở tuyệt đẹp, hòa quyện trong nó tình yêu sâu thẳm với cả nghệ thuật lẫn khoa học. Khả năng kết hợp giữa sự yêu chuộng cái đẹp với kỹ thuật điêu luyện luôn là chủ đề trong các cuốn sách của tôi. Tôi tin rằng đó cũng là một lý do khiến Việt Nam trở thành một xã hội thật sáng tạo“.
Thông minh thôi chưa đủ
Walter Isaacson là một nhà viết tiểu sử nổi tiếng, tác giả của các cuốn sách ăn khách như: Benjamin Franklin, Albert Einstein, Steve Jobs. Với ông, Leonardo da Vinci là cuốn đỉnh cao nhất trong loạt sách tiểu sử của mình.
Tất cả những con người mà Walter Isaacson viết tiểu sử đều rất thông minh. Nhưng rốt cuộc, tác giả nhận ra rằng, đó không phải điểm mấu chốt. Có vô số những người thông minh trên thế giới, nhưng thường thì điều đó không nói lên được gì nhiều. Thứ đo đếm được – thứ khiến cho ai đó đích thực là một thiên tài sáng tạo – là trí tưởng tượng, là khả năng “suy nghĩ khác biệt” (think different) như dụng ngôn của Steve Jobs, và như Einstein đã nói: “Trí tưởng tượng còn quan trọng hơn cả kiến thức”.
Ví dụ, Benjamin Franklin không phải là người có học vấn uyên thâm nhất trong số những nhà sáng lập nước Mỹ. Những kiểu vinh danh như vậy có lẽ sẽ được dành cho Jefferson và Madison. Ông cũng chẳng phải là người có tài trí nổi trội. Đó sẽ là Sam Adams và người cháu của ông, John. Nhưng Franklin là người sáng tạo nhất.
Ông thả một con diều để chứng minh sét là điện, và rồi phát minh ra cột thu lôi để thuần phục nó. Ông sáng chế ra kính hai tròng và lò sưởi, xác định hải lưu Gulf Stream và các lý thuyết về bản chất lây lan của bệnh cảm lạnh. Ông triển khai nhiều chương trình cải cách dân sự khác nhau, chẳng hạn thư viện cho mượn sách, lực lượng chữa cháy tự nguyện, hiệp hội bảo hiểm và hoạt động gây quỹ từ thiện. Và ông cũng góp phần tạo ra lối hài hước dung dị và chủ nghĩa thực dụng rất riêng của nước Mỹ.
Tinh thần đổi mới của ông, giống như nhiều thiên tài sáng tạo khác, xuất phát từ mối quan tâm trải rộng trên tất cả các lĩnh vực, từ nghệ thuật đến khoa học nhân văn cho tới khoa học và kỹ thuật.
Ông tò mò về hết thảy mọi thứ, nó giúp ông nhận ra các mẫu hình ẩn giấu khắp trong tự nhiên. Phát hiện của ông về lý thuyết dòng điện và kiến thức của ông về cơ học Newton giúp ông có cảm nhận về sự cân bằng quyền lực và về sự kiểm soát và cân bằng trong nhà nước.
Tình yêu khoa học của Franklin khiến Walter Isaacson muốn viết tiểu sử của Einstein, người đã xây dựng bộ đôi lý thuyết của kỷ nguyên chúng ta: thuyết tương đối và thuyết cơ học lượng tử. Sự sáng tạo của Einstein, giống như Franklin, một phần bắt nguồn từ sự kết hợp của rất nhiều lĩnh vực.
Ông thấy được vẻ đẹp của cả âm nhạc lẫn toán học. Mỗi khi lúng túng trước những phương trình của thuyết tương đối tổng quát, ông sẽ lấy cây đàn violin ra và kéo nhạc Mozart. “Âm nhạc của Mozart trong trẻo và đẹp đẽ quá, tới nỗi tôi thấy nó như phản chiếu cả vẻ đẹp bên trong của vũ trụ này,” ông đã viết cho một người bạn của mình như vậy.
Sự sáng tạo mà Einstein có được cũng là bởi ông không bao giờ thôi hiếu kỳ và tò mò như trẻ nhỏ. Lúc cuối đời, ông viết cho một người bạn: “Những người như anh và tôi sẽ chẳng bao giờ già đi”. “Chúng ta sẽ mãi là những đứa trẻ tò mò đứng trước những bí ẩn vỹ đại mà chúng ta đã được sinh ra trong đó”.
Điều đó khiến ông luôn tự vấn những điều mà hầu hết chúng ta, một khi đã qua tuổi thiếu thời, sẽ chẳng còn bận tâm: Tại sao bầu trời xanh? Tại sao kim la bàn luôn chỉ về hướng bắc? Một sóng ánh sáng trông sẽ thế nào nếu ta có thể bắt kịp và song hành với nó?
Sau khi viết tiểu sử Franklin và Einstein, Walter Isaacson nhận được cuộc gọi của Steve Jobs: “Tiếp đến là tôi nhé”. Nhà viết tiểu sử khẽ bật cười. Franklin, Einstein, rồi Steve Jobs ư? “Tôi nói với anh ấy là chúng ta nên đợi vài thập kỷ nữa, cho đến khi anh về hưu đã. Nhưng sau đó tôi được biết anh ấy bị ung thư, và tôi nhận ra rằng mình không thể chờ đợi lâu thêm nữa”, Walter Isaacson kể.
Được tiếp cận với nhà đổi mới sáng tạo nhất của thời đại chúng ta là cơ hội hiếm hoi cho một nhà viết tiểu sử. Niềm đam mê đối với sự hoàn hảo và động lực bạo liệt của Steve Jobs đã tạo nên cuộc cách mạng trên bảy lĩnh vực: máy tính cá nhân, phim hoạt hình, âm nhạc, điện thoại, máy tính bảng, xuất bản công nghệ số và cửa hàng bán lẻ.
Jobs lưu ý rằng các nhân vật trước đây của Walter Isaacson đều là những người luôn đứng ở nút giao giữa nghệ thuật, nhân văn và khoa học, và ông giải thích rằng đó cũng chính là chủ đề xuyên suốt cuộc đời ông. Cho nên ông đã có thể thành công chính là bởi ông biết cái đẹp có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Công nghệ phải kết nối với chúng ta qua cảm xúc.
“Về điểm này, ông rất giống Ada Lovelace, người mở đầu cho chương kết cuốn sách tiếp theo của tôi, cuốn Những nhà tiên phong. Là con gái của nhà thơ thế kỷ XIX, Lord Byron, cô có được sự nhạy cảm nghệ thuật của cha mình. Nhưng mẹ của cô, đã ly thân với Lord Byron, lại chủ yếu dạy Ada học toán, những mong rằng đó là cách cứu cô con gái khỏi những thứ lãng mạn, mây gió”, Walter Isaacson viết.
Nhưng phương thuốc của người mẹ đã hoàn toàn vô hiệu. Ada trở nên say sưa với thứ mà cô gọi là khoa học thơ ca, một sự hòa trộn giữa nghệ thuật và khoa học. Cô đi khắp vùng trung du nước Anh và bị những chiếc thẻ bấm lỗ mê hoặc khi chứng kiến chúng hướng dẫn cho những chiếc khung cửi cơ giới mới thêu dệt nên những mẫu hoa văn.
Cha cô là người chủ trương phản đối cơ giới hóa. Đúng theo nghĩa đen của từ này. Bài phát biểu duy nhất của ông ở thượng viện là để bảo vệ cho nhóm Ned Ludd, tức là những người đập phá máy dệt vì tin rằng chúng sẽ làm họ mất việc làm. Ada, trái lại, tin tưởng rằng công nghệ sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn là gây ra thất nghiệp.
Cô còn nhận ra rằng, những chiếc thẻ bấm lỗ cũng có thể được áp dụng cho chiếc máy làm tính mà người bạn của cô là Charles Babbage đang thiết kế. Trong một bài đăng trên tạp chí khoa học (điều không thường thấy ở một phụ nữ Anh vào những năm 1840), cô miêu tả cách những chiếc thẻ bấm lỗ có thể cho phép chiếc máy của Babbage xử lý không chỉ các con số mà cả bất kỳ thứ gì có thể ghi lại bằng các biểu tượng, chẳng hạn như từ ngữ hay âm nhạc, các thiết kế hay hình ảnh. Nói cách khác, cô đã nêu ra khái niệm về một chiếc máy tính đa năng.
Hình mẫu xác đáng về con người gắn kết nghệ thuật và khoa học
Tất cả những nhân vật kể trên đều dẫn Walter Isaacson tới với Leonardo da Vinci. Theo ông, Leonardo là hình mẫu xác đáng nhất về một con người đã gắn kết được cả nghệ thuật và khoa học, nhân văn và công nghệ.
Biểu tượng vĩ đại của sự giao thoa này chính là Người Vitruvius -một bức vẽ của Leonardo da Vinci thể hiện sự chính xác hoàn hảo về giải phẫu cơ thể người, vẻ đẹp choáng ngợp cùng mối liên kết tinh thần sâu sắc.
Leonardo tò mò về mọi thứ. Ông nhận ra cái đẹp trong cả câu đố toán học cổ đại về phép cầu phương hình tròn lẫn khi kiếm tìm những dấu vết của cảm xúc qua nụ cười thấp thoáng của một người phụ nữ.
“Và đó chính là điều khiến ông một cách tự nhiên trở thành đỉnh cao tột bậc trong sự nghiệp khám phá những thiên tài sáng tạo của tôi. Tôi hy vọng rằng câu chuyện cuộc đời Lenonardo da Vinci sẽ là nguồn cảm hứng cho độc giả Việt Nam”, Walter Isaacson viết.