Combo Luận cương Người Liên bang & Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?
1. “Luận cương Người Liên bang”
“Luận cương Người Liên bang” là tuyển tập gồm 85 bài luận được Alexander Hamilton, James Madison và John Jay viết chung dưới bút danh “Publius”. Mục đích chính là để vận động phê chuẩn Hiến pháp Hoa Kỳ, thay thế cho các điều khoản hợp bang trước đó. Dưới bút danh chung Publius, ba người đã viết 85 bài luận, được đăng trên các tờ báo tại New York từ tháng Mười năm 1787 đến tháng Năm năm 1788, sau đó tập hợp thành tác phẩm Luận cương Người Liên bang. Tác phẩm này không chỉ nhằm vận động phê chuẩn Hiến pháp mà còn trở thành một tuyên ngôn trí tuệ về nguyên tắc dân chủ đại diện, nhà nước pháp quyền, kiểm soát và đối trọng quyền lực – những nền tảng sống còn của một nền Cộng hòa Tự do. Dù chưa chắc đã xoay chuyển trực tiếp tình hình chính trị tại New York, nhưng về lâu dài, “Luận cương Người Liên bang” đã trở thành bản luận giải sâu sắc và bền vững nhất về Hiến pháp Mỹ, được so sánh với những kiệt tác tư tưởng chính trị như “Cộng hòa” của Plato, “Chính trị học” của Aristotle hay “Leviathan” của Hobbes.
“Luận cương Người Liên bang” này không chỉ có giá trị trong bối cảnh nước Mỹ thế kỷ XVIII, mà còn vượt thời gian và không gian. Nó là một kho tàng tư tưởng về tổ chức quyền lực nhà nước, thiết kế thể chế, vai trò của pháp luật, cơ chế kiểm soát và cân bằng giữa các nhánh quyền lực – và đặc biệt là lý tưởng xây dựng một liên bang nơi công dân là trung tâm.
“Luận cương Người Liên bang” là một kiệt tác tư tưởng lập hiến, là sự kết tinh các tư tưởng của triết học chính trị cổ điển (Locke, Rousseau, Montesquieu), Cộng hòa Hy Lạp và La Mã cổ đại, và thực tiễn Cách mạng Mỹ. Bộ sách tiếp tục được Tòa án Tối cao Hoa Kỳ viện dẫn cho đến ngày nay như một nguồn diễn giải ý định gốc của Hiến pháp.
Đây không chỉ là một cuốn sách để đọc, mà còn là một công trình học thuật-lý luận-chính trị có thể mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới cho các nhà tư tưởng, nhà quản lý, và những ai thực sự quan tâm đến tương lai của đất nước.
THÔNG TIN TÁC GIẢ
Alexander Hamilton (1755/57-1804)
Sĩ quan quân đội, luật sư, nhà lâp quốc Hoa Kỳ và là Bộ trưởng Ngân khổ đầu tiên, người đã thiết lập hệ thống tài chính-ngân hang, đặt nền móng cho nền kinh tế Mỹ;
James Madison (1751-1836)
Cha đẻ Hiến pháp Hoa Kỳ, tác giả Tuyên ngôn Nhân quyền Mỹ, nhà lập quốc và là Tổng thống Hoa Kỳ thứ tư (1809-1817). Cùng Thomas Jefferson sáng lập Đảng Dân chủ-Cộng hòa;
John Jay (1745-1829)
Chính khách, nhà ngoại giao, người ủng hộ phong trào bãi nô, và là một trong những thành viên của nhóm lập quốc Hoa Kỳ;
2. Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?
Một cuốn sách phải đọc để hiểu về nước Mỹ
Đây là ấn bản “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?” tái bản kỷ niệm 20 năm xuất bản lần đầu tiên. Phiên bản này không chỉ thay đổi hình thức bìa, hình thức dàn trang trong sách, mà còn bổ sung thêm Lời giới thiệu cho ấn bản mới, Lời cảm ơn của tác giả Nguyễn Cảnh Bình và phần đánh giá của các chuyên gia và độc giả.
“Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?” đã cung cấp một bức tranh toàn cảnh về sự ra đời của Hiến pháp Mỹ, như một lời lý giải cho rất nhiều người có cùng mối băn khoăn. Vậy Hiến pháp Mỹ đã được làm ra như thế nào? Nó được làm ra trong những cuộc tranh luận nảy lửa tưởng như không có lối thoát và những mối bất đồng sâu sắc, bởi những bộ óc vĩ đại có một không hai trong lịch sử, và bằng một tinh thần mà người ta khó có thể tìm một tính từ nào thay thế ngoài cách gọi - “tinh thần Mỹ”. Đó là sự tôn trọng đặc biệt lẫn nhau, thừa nhận những quan điểm hoàn toàn khác biệt, chấp nhận và cùng thỏa hiệp để đi tới lợi ích chung cuối cùng
Nội dung cuốn “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?” bao gồm những mẩu chuyện hấp dẫn về quá trình soạn thảo Hiến pháp, về những cuộc tranh luận cực kỳ gay go và nan giải trong quá trình soạn thảo bản Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787, những bức thư đầy tính nhân bản và trách nhiệm của những người tham dự Hội nghị lập hiến.
Đặc điểm của cuốn sách này là không chỉ trình bày những luận điểm hậu thuẫn cho việc thành lập ra Nhà nước Liên bang với tên gọi Hợp chúng quốc Hoa Kỳ như hiện nay mà cả những luận điểm chống lại sự hình thành này, đó là những điều chúng ta chưa hoặc là rất ít có điều kiện biết đến. Có thể nói bản Hiến pháp Hoa Kỳ được xây dựng như ngày nay cũng một phần nhờ những chống đối đó, điển hình là Tuyên ngôn Nhân quyền. Do đó, cuốn “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?” có cách tiếp cận về lịch sử lập hiến khá toàn diện, không chỉ góp phần giải thích ý nghĩa của bản Hiến pháp Mỹ mà còn giúp người đọc hiểu được quá trình xây dựng một đạo luật.
Cuốn sách phù hợp với mọi đối tượng độc giả, không giới hạn độ tuổi, đặc biệt là những độc giả có niềm yêu thích lịch sử, pháp luật, và hiến pháp.
Cuốn sách nằm trong Tủ sách về Mỹ của Omega+.
THÔNG TIN TÁC GIẢ:
Nguyễn Cảnh Bình
Nguyễn Cảnh Bình, một tác giả và nhà nghiên cứu có uy tín, đã dành nhiều năm nghiên cứu về lịch sử và chính trị Mỹ. Với phong cách viết dễ hiểu nhưng không kém phần sâu sắc, ông đã tạo ra một tác phẩm không chỉ có giá trị học thuật cao mà còn thu hút đông đảo bạn đọc yêu thích tìm hiểu về lịch sử và chính trị.