Ở Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, Đạo Thiên Chúa không phải là rường cột của đời sống văn hóa-xã hội và không ăn sâu bén rễ trong văn học-nghệ thuật hay đời sống tín ngưỡng-tinh thần như ở các nước phương Tây. Đọc Kinh Thánh cũng không phải một tiêu chuẩn trong xã hội hay một việc đáng được khuyến khích hay biểu dương, dù về phẩm giá hay học thức. Thánh Phao-lô – tông đồ của Giêsu – không yêu cầu người nghe ông giảng Phúc âm phải tin lời của ông; thay vào đó, ông khuyến khích họ nên đọc lại ‘lời Chúa’ và tự chứng nghiệm. Ông cũng không yêu cầu ai PHẢI đọc Kinh Thánh.
Bởi vì, không phải ai cũng tin (cần phải tin) có một Đấng Sáng Thế tồn tại, cũng không phải ai cũng còn tin vào thứ ‘phép màu’ mà khoa học đã và đang vạch trần. Ta như thể phải hà khắc với mọi lời, mọi lô-gic trong Kinh Thánh, bài bác, phủ định một số lý giải vì nó trái ngược với đức tin của ta, và đôi khi phủ định luôn cả những giá trị mà bộ sách này mang lại.
Vì không phải ai cũng có xu hướng lấy việc thuộc Kinh Thánh ra để trưng trổ tri thức, và không phải ai – ngay với cả một tín đồ đạo Thiên Chúa – cũng coi đọc Kinh Thánh là tiêu chuẩn bắt buộc hay một việc đáng biểu dương. Câu nói ‘Bất cứ ai, dù có niềm tin hay không, nếu không quen thuộc với các giá trị và giáo huấn của Kinh Thánh, sẽ trở nên dốt nát về văn hoá’ (Emerging Trends, Tháng 11 1994, tr. 4) không có ý nghĩa nhiều với một người bình thường ở một đất nước mà Công giáo không phải là tôn giáo chủ lưu, như ở Việt Nam nói riêng.
Và đúng là Kinh Thánh không thể trả lời mọi câu hỏi, nhưng có lẽ Kinh Thánh có thể đưa đáp án cho một số những sự chiêm nghiêm hay phản tư quan trọng nhất – ngay cả với những người không theo Thiên Chúa giáo. Bởi, vượt trên quan niệm rằng Kinh Thánh chỉ là một cuốn sách Tôn Giáo, ‘lời Chúa’ với mọi người, bộ sách này không chỉ là một kho tàng trí tuệ Cổ đại, mà còn là những lời răn dạy, sấm truyền và tiên tri – những tri thức đã được truyền tụng, đứng vững và có sức ảnh hưởng sâu rộng trong hàng ngàn, hàng vạn năm; nó dẫn dắt ta qua những câu chuyện, qua những mảnh đời bi kịch, qua chiến thắng, qua mọi vui, buồn, giận, ghét, khổ, yêu của thế gian mà chẳng có một câu trả lời cụ thể nào ngoài việc chỉ hướng cho con người vươn tới trí tuệ và một chân lý duy nhất soi rọi tinh thần của Chúa Ki-tô: biết ‘yêu mình’ và ‘yêu người.’
Vậy nên, để tự trả lời liệu chúng ta có cần/phải/nên tìm đọc Kinh Thánh không, hãy cân nhắc xem ta có MUỐN hiểu hơn về cuộc đời không. Nếu như các Ki tô hữu đọc và nghiên cứu Kinh Thánh bởi đó là Lời Chúa, nghĩa đen là “được Đức Chúa Trời soi dẫn”, thì ta – với tư cách con người vô thần hay ngoại đạo thuần tuý – hãy tiếp cận nó như cách các triết gia luôn tự đặt ra những câu hỏi đã được Kinh Thánh trả lời: Ý nghĩa của cuộc sống là gì? Chúng ta đến từ đâu? Có đời sống sau khi chết không? Tại sao thế giới tràn ngập sự dữ? Tại sao tôi làm việc thiện lại khó khăn đến thế?… Ngoài những câu hỏi lớn, ta còn có thể đi tìm trong Kinh Thánh lời khuyên thiết thực để gỡ rối cho những mối bận tâm trong đời sống hằng ngày: từ chọn bạn đời và xây dựng hôn nhân hạnh phúc, tình bạn hay vai trò làm cha mẹ, đến cách đạt được thành công, cách biến cải bản thân và cuộc đời, cách để tìm ra điều gì quan trọng trong cuộc sống, làm thế nào để sống không hối tiếc, làm thế nào để sống trong sự thật và chân lý, làm sao sống đẹp với lương thức, làm thế nào để đối phó với những điều bất công và bất hạnh.
Chúng ta nên đọc và nghiên cứu Kinh Thánh bởi những quy luật không thay đổi và bản chất con người cũng không thay đổi. Thông điệp của Kinh Thánh phù hợp với chúng ta ngày nay cũng như khi nó được viết ra. Công nghệ phát triển, chứ không phải tự nhiên và mong muốn của con người. Kinh Thánh vẫn soi tỏ cho thân phận con người. Kinh Thánh vẫn điềm nhiên nói với chúng ta, từ đời này qua đời khác, về tội lỗi, về si mê, về tham ái, về ân sủng-khổ hình, về sự hy sinh-cứu chuộc, về sự mầu nhiệm và về tình yêu thương bác ái. Đọc Kinh thánh, chúng ta sẽ khám phá ra rằng, đối với các mối quan hệ cá nhân và xã hội có liên quan, “không có gì mới dưới mặt trời”.
Kinh Thánh dẫn dắt ta qua những câu chuyện, những mảnh đời bi kịch, qua chiến thắng, qua cảm giác giận dữ, tuyệt vọng, qua những cảnh gia đình độc hại, qua thứ tha và qua hy vọng. Bằng cách quan sát cuộc đời của các nhân vật trong Cựu ước, chúng ta tìm thấy được những hướng dẫn cho chính cuộc đời mình: được khích lệ để giữ vững niềm tin, để học cách không sợ hãi trong mọi hoàn cảnh, hiểu giá trị của sự ăn năn thống hối thay vì đổ lỗi, học được sự bác ái, hiểu được sự công chính, tình yêu. Họ còn giúp chúng ta hiểu về những luân lý và đưa ra giải pháp hữu hiệu cho các vấn đề về tội ác, đói kém, ô nhiễm, thoái hóa, biến chất, suy đồi, mục rữa… trong thế giới ngày nay. Kinh thánh không đề cập đến triết lý, mà đưa ra những luật lệ cho con người chiêm ngẫm và thực thi. Khi bắt đầu với những lời dạy của Giêsu (trong bốn sách phúc âm), ta có thể nhận được rất nhiều lợi ích từ những lời dạy này, bởi chúng cho ta thấy một khía cạnh của Thiên Chúa giáo mà trước đây có thể chưa ai từng chỉ ra cho ta. Kinh thánh có thể thay đổi cuộc đời ta, khiến cho ta động lòng, và rơi lệ. Và, Kinh Thánh cũng có thể như một bậc cao niên thông thái và tuệ mẫn đối thoại cùng chúng ta. Dù đúng dù sai, dù phù hợp hay không, đây vẫn là thông tin tham chiếu quý giá và có ích.
Và giờ đây, khi mầu nhiệm của Thiên Chúa không phải lúc nào cũng hiển hiện giữa đời, con người cũng không còn được ân điển ‘thấy mà tin’; khi không phải ai cũng được ân sủng, được khai thị, nhận tiên báo, hay đón nhận phép mầu từ Đấng toàn năng, khi đôi mắt con người trần tục, qua những kính thiên văn, qua những vệ tinh ngoài vũ trụ vẫn chưa tìm thấy được Nước Chúa ‘ngự ở trên trời’, thì một khi ta mong muốn tìm kiếm sự thật hay bất cứ điều gì bổ ích cho bản thân trong Kinh Thánh, tâm thế là điều quan trọng. Chúng ta chỉ hiểu được kinh thánh bằng trí tuệ vượt ngoài ngôn ngữ hay tính thần thoại của nó, chứ không phải bằng tâm thế vô thần ngạo nghễ, phủ định và soi xét. Bất kể ta là tín hữu Kitô giáo, hay vô thần, hoặc tin vào một tôn giáo khác, thì khi đọc Kinh Thánh ta khó lòng tránh khỏi tự cho rằng mình nhìn thấy những chi tiết mâu thuẫn, phản cảm, phi lí… trong Kinh Thánh, đi ngược lại nền tảng văn hóa hay đức tin hay lý tưởng của chúng ta. Nhưng bất cứ cái gì gọi là ‘mâu thuẫn’ đều đáng được nghiên cứu kỹ lưỡng, trên cơ sở vận dụng nhiều kiến thức. Chúng ta cần thời gian và một tâm thế nhu nhuyến, chứ không phải sự cứng lòng, để có thể thấu hiểu và cảm được kinh thánh một cách đúng đắn và có trí tuệ. Tất cả những cầu kì, loằng ngoằng, rối ren đó đều nhằm mục đích cuối cùng là chúng ta hiểu và học được cách yêu mình và yêu người. Bởi vì Thiên Chúa giáo là đạo của Tình Yêu. Đạo công giáo dạy dựa trên những lời chứng về cuộc đời của Giê-su: yêu người lân cận và yêu Chúa, tìm kiếm sự thật, sự phục sinh, sự bất tử của linh hồn, hòa bình giữa con người.
Và nếu có cơ duyên, hãy đọc Kinh Thánh như một tổng thể: đọc Tân Ước và Cựu Ước; đọc Sáng thế đến Khải huyền; đọc Giao ước Cũ (Cựu ước) và Giao ước mới (Tân ước). Bởi không có Tân ước thì Cựu ước là một câu chuyện không hồi kết, một bí ẩn không lời giải. Không có Cựu ước thì Tân ước sẽ trở nên không trọn vẹn và thấu đáo. Và nếu Cựu ước là lời mời gọi ban đầu của Tình Yêu, thì Tân ước chính là đỉnh điểm của Tình yêu nơi Thiên Chúa.
20/05/2023
Phạm Diệu Hương