Những thời khắc then chốt của nghệ thuật
Mô tả
“Những thời khắc then chốt của nghệ thuật” của tác giả Lee Cheshire nằm trong bộ sách công cụ giúp hiểu nghệ thuật trong tầm tay của Omega+, được mua bản quyền từ nhà xuất bản Thames & Hudson, một trong những nhà xuất bản nghệ thuật có danh tiếng lâu đời trên thế giới.
Bộ sách bao gồm 3 cuốn: “Những thời khắc then chốt của nghệ thuật” – Lee Cheshire; “Để hiểu nghệ thuật” – Janetta Rebold Benton; và “Xem tranh” – Susan Woodford.
Cuốn sách “Những thời khắc then chốt của nghệ thuật” được in màu toàn bộ trên giấy C120, với nhiều tranh ảnh, tái khám phá 50 ngày, tức 50 thời khắc quan trọng bậc nhất, tác động mạnh mẽ đến dòng chảy của lịch sử nghệ thuật, làm thay đổi vận mệnh của cả nghệ thuật phương Tây, trong suốt khoảng 500 năm qua từ thời Phục Hưng cho đến nay.
Tác giả đã thuật lại và phân tích những thời khắc khi những tác phẩm nổi tiếng thế giới ngày nay – như tượng David của Michelangelo hay cái bồn tiểu của Marcel Duchamp – được tiết lộ lần đầu; khi những cuộc tao ngộ thúc đẩy các nghệ sĩ tạo ra nhiều phong cách mới đầy hứng khởi, chẳng hạn Ấn tượng hay Lập thể; khi những tác phẩm trình diễn bước ngoặt xảy ra, hoặc những triển lãm có tính cách mạng được mở.
Cuốn sách cũng tái hiện lại những vụ trộm và các cuộc đấu đá, kiện cáo, đấu giá căng thẳng – từ lúc Mona Lisa bị đánh cắp tới khi Chân dung bác sĩ Gachet của Vincent van Gogh trở thành bức tranh đắt nhất từng được bán.
Những sự kiện được chọn lọc và trình bày trong cuốn sách theo trình tự thời gian, với nội dung tinh gọn, súc tích được chia thành năm phần chính theo các thời kỳ:
- Phục hưng
- Hiện đại sơ kỳ
- Thế kỷ XIX
- Đầu thế kỷ XX
- Hậu chiến
Thông qua những câu chuyện tuyệt vời, với lối kể chuyện vừa giải trí vừa dễ nhớ, có chú giải ở cuối mỗi sự kiện, “Những thời khắc then chốt của nghệ thuật” của Lee Cheshire sẽ đưa bạn đọc một chỉ dẫn biên niên rút gọn về những con người và nơi chốn đã định hình vận mệnh nghệ thuật phương Tây, qua đó trải nghiệm con đường mà nghệ thuật phương Tây đã đi cho đến ngày hôm nay, đồng thời phần nào củng cố định nghĩa về cái gọi là nghệ thuật.
Cuốn sách nhập môn phù hợp với những độc giả đại chúng quan tâm đến nghệ thuật, có mong muốn tìm hiểu thêm về lịch sử nghệ thuật một cách nhanh chóng.
Tranh trên bìa: Tác phẩm “Cầu bắc qua ao hoa súng” của Claude Monet – bức tranh thể hiện một trong những thời khắc quan trọng, là bước ngoặt trong tiến trình phát triển của nghệ thuật phương Tây.
THÔNG TIN TÁC GIẢ:
Lee Cheshire
Cây bút và biên tập viên cao cấp của chuỗi bảo tàng Tate với hơn 10 năm kinh nghiệm, chuyên môn về nghệ thuật thị giác. Anh tham gia viết bài cho tạp chí nghệ thuật Tate Etc. và biên soạn một ấn bản tạp chí đặc biệt đánh dấu sự mở rộng của Tate Modern. Anh cũng sở hữu hai cuốn sách về lịch sử nghệ thuật được độc giả nhiệt tình đón nhận.
THÔNG TIN DỊCH GIẢ:
Phạm Út Quyên:
- Có chuyên ngành về Báo chí – truyền thông và Hội họa. Là tác giả, dịch giả, người tổ chức nghệ thuật và văn hóa độc lập tại Hà Nội. Chị đồng thời là quản lý chương trình tại Heritage Space – không gian văn hóa nghệ thuật độc lập tại Hà Nội, nhà phát triển nội dung cho VCAD (Vietnam Contemporary Art Database – Kho dữ liệu Nghệ thuật Đương đại Việt Nam), và tham gia dự án với nhiều trung tâm nghệ thuật khác. Hiện chị đang theo học chương trình thạc sĩ tại Đại học Nghệ thuật Quốc lập Đài Bắc (Đài Loan).
- Dịch giả cuốn “Michelangelo – Sáu kiệt tác cuộc đời” của Omega Plus.
ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIA
“[Cuốn sách] đưa độc giả bước vào thế giới nghệ thuật một cách vô cùng đơn giản… bạn không cần trang bị bất cứ thứ gì ngoài sự tò mò.” – Matthew Collings (nhà phê bình nghệ thuật)
TRÍCH ĐOẠN HAY
- Về tượng David và họa sĩ – điêu khắc gia Michelangelo:
David đã khẳng định vị thế của Michelangelo như một siêu tài năng nghệ thuật và người đàn ông Phục Hưng tinh hoa, từ đó củng cố vị thế thống trị của Florence và nước Ý trong thế giới nghệ thuật thế kỷ XVI. Sau này ông còn được giao phó thêm nhiều tác phẩm quan trọng nữa, trong đó có bích họa trên trần Nhà nguyện Sistine và việc xây lại Vương cung thánh đường Thánh Peter, cả hai công trình đều ở Rome. Các nghệ sĩ khác khó có thể cạnh tranh với kỹ thuật bậc cao đạt được trong những bức tượng của Michelangelo, nhưng những bức họa sống động và ngập tràn xúc cảm của ông mới là thứ dẫn đường cho sự phát triển của một phong cách nghệ thuật mới có tên là Trường phái Kiểu cách.
- Về vụ trộm bức tranh Mona Lisa:
Mona Lisa vốn đã rất được hâm mộ, nhưng sự ầm ĩ xung quanh vụ trộm biến nó trở thành một biểu tượng thực sự khi hình ảnh của nó được in lại hàng triệu lần trên báo chí, lúc ấy mới bắt đầu thường xuyên xuất hiện ảnh in. Đây có lẽ là tác phẩm nghệ thuật đầu tiên đi vào văn hóa đại chúng và khởi đầu kỷ nguyên tái sản xuất tranh hàng loạt.
- Về sự ra đời của tuýp sơn có thể cuộn lại được:
Nhóm các họa sĩ Pháp được biết đến với tên gọi các nhà Ấn tượng tận dụng nhiệt tình kỹ thuật mới này, thứ đã hỗ trợ phong cách vẽ tươi sáng, ngẫu nhiên mà họ bênh vực. Nghệ sĩ Auguste Renoir nói: “Không có màu đựng trong tuýp, sẽ không có Cézanne, Monet, Pissarro, cũng chẳng có Ấn tượng”.
- Về Picasso, George Braque và trường phái Lập thể
Dù là hai nghệ sĩ được nhận diện nhiều nhất với trào lưu Lập thể, Picasso và Braque không thích thuật ngữ này nhưng cuối cùng vẫn buộc phải dùng. Các tác phẩm họ cùng sáng tác trong những năm tiếp theo gần như không phân biệt nổi. Những bức tranh của họ vỡ vụn thành vô số hình khối và góc độ, với đối tượng – một người phụ nữ, một đĩa hoa quả, một cây vĩ cầm – khó có thể nhận ra. Thay vì cố gắng tái hiện một trải nghiệm thị giác đơn lẻ, điều đã được các nghệ sĩ nỗ lực thực hiện từ thời Phục Hưng, họ muốn đồng hiện nhiều điểm nhìn.
- Braque nói về quan hệ hợp tác giữa ông với Picasso:
Những điều mà Picasso và tôi nói với nhau trong những năm ấy sẽ không bao giờ được lặp lại, và dù có lặp lại, không ai còn có thể hiểu chúng nữa. Giống như [chúng tôi] bị buộc vào nhau trên một ngọn núi vậy.