phat-hanh-ba-cuon-sach-cua-nha-nghien-cuu-van-hoa-phan-ngoc

Phát hành ba cuốn sách của nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc

Ba cuốn sách: “Một thức nhận về văn hóa Việt Nam”, “Sự tiếp xúc văn hóa Việt Nam với Pháp” và “Thần thoại Hy Lạp” của nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam Phan Ngọc vừa được Công ty CP Sách Omega Việt Nam phát hành trong tháng 5-2018.

Một thức nhận về văn hóa Việt Nam là một cuốn sách có giá trị trong việc “thức nhận” về văn hóa Việt Nam của nhà nghiên cứu Phan Ngọc có mục đích giới thiệu một cách hiểu về văn hóa Việt Nam, để giúp người đọc đổi mới văn hóa sao cho phù hợp với yêu cầu của chính Việt Nam trong thời đại ngày nay.

Tác giả đề cập đến việc tiếp nhận văn hóa một cách rất khác so với cách nhận thức quen thuộc trước nay. Dựa vào cơ sở lý luận về Tổ quốc luận, tác giả đã đưa ra được những phân tích thấu đáo về nét văn hóa riêng của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, không hề bị trộn lẫn với các nền văn hóa khác.

Tác giả giới thiệu một cách hiểu về văn hóa Việt Nam, phân tích mọi vấn đề ở mặt quan hệ và cắt nghĩa tại sao có những cách giải quyết khác nhau ở các nền văn hóa trong những vấn đề có tính chất toàn nhân loại. Tác giả hy vọng có thể góp phần nhỏ bé vào giai đoạn của Việt Nam trong một thế giới chuyển từ đối đầu sang đối thoại, để có thế chấp nhận nhau và giúp đỡ nhau.

Tác phẩm vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị văn hóa, giúp người đọc có cái nhìn bao quát, thấu hiểu đường lối của Đảng, tư tưởng Bác Hồ trong lịch sử-hiện tại, từ đó đổi mới, nâng cao văn hóa ở từng cá nhân phù hợp với hoàn cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Sự tiếp xúc của văn hóa Việt Nam với Pháp: Việt Nam và các nước trên thế giới đã bước vào một giai đoạn mới trong lịch sử, giai đoạn tìm hiểu về nhau để cùng phát triển. Có những vấn đề trước kia có tầm ảnh hưởng rất lớn, giờ đã và đang thuộc về quá khứ. Lại có những vấn đề mới đặt ra, nhưng sẽ thu hút toàn thể nhân loại, như vấn đề giao lưu văn hóa giữa các nền văn hóa khác nhau để cùng chung sống hòa bình, cùng phát triển trong hòa bình.

Tác giả Phan Ngọc chọn giai đoạn tiếp xúc với Pháp vì ông là người được trực tiếp chứng kiến và tham gia công cuộc giao thoa này. Đây là công trình được ông thai nghén và nghiên cứu, thu nhập tư liệu bản thảo từ những năm 1960.

Gói gọn trong tám chương sách, tác giả nhìn nhận văn hóa và tiếp xúc văn hóa qua lăng kính mới: lăng kính về những mặt ưu việt của các nền văn hóa Trung Hoa, Pháp, Anh, Mỹ, Đông – Nam Á,…

Thần thoại Hy Lạp: Cuốn sách bao gồm những chuyện có tính chất hoang đường về nguồn gốc vũ trụ, loài người, giải thích các hiện tượng tự nhiên, xã hội, lịch sử các thành bang và bộ tộc Hy Lạp, đồng thời kể lại những sự tích về các anh hùng cổ xưa của đất nước Hy Lạp.

Nó là cơ sở của tôn giáo, là nền tảng của văn học, nghệ thuật Hy Lạp, đồng thời là một bộ phận không thể thiếu được của văn hóa châu Âu. Sự hiểu biết thần thoại Hy Lạp rất cần cho những người muốn làm quen với văn học, vì từ lâu thần thoại Hy Lạp đã trở thành nguồn cảm hứng bất tuyệt của các nhà văn phương Tây, một nguồn văn liệu dồi dào, một di sản vô giá đối với văn học và nghệ thuật thế giới.

Chỉ xét riêng về giá trị văn học, thần thoại Hy Lạp cũng rất đặc sắc. Đó là những chuyện hết sức hấp dẫn về các vị thần và các anh hùng, với những tình cảm, những khát vọng, ngay cả những khuyết điểm của con người. Đằng sau cái vẻ cổ xưa của thần thoại, hiện ra những vấn đề triết học làm rung cảm con người ở mọi thời đại. Không phải ngẫu nhiên mà mãi cho đến nay vô số chủ đề của thơ, kịch, tiểu thuyết châu Âu đã lấy đề tài trong thần thoại Hy Lạp.

Trong cuốn sách này, soạn giả chỉ trình bày những thần thoại Hy Lạp đã được người La Mã tiếp thu và phát triển. Để tiện cho việc theo dõi, sách chia ra các mục về các thần, các anh hùng và các truyền thuyết liên hoàn. Lần in lại này có bổ sung nhiều chuyện, mỗi chuyện thêm nhiều chi tiết lấy ở trong các tác phẩm nổi tiếng của văn học Hy Lạp, La Mã, đầy đủ để có thể gần gũi hơn với những nguyên tác.

Tác giả Phan Ngọc sinh năm 1925 trong một gia đình có truyền thống Nho học tại Yên Thành, Nghệ An. Tuy chỉ có bằng tú tài thời Pháp thuộc song với vốn kiến thức do tự học là chủ yếu, ông đã trở thành dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Ông là Tổ trưởng đầu tiên của Tổ Ngôn ngữ học, nay là Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Cụm công trình về văn hóa Việt Nam của ông gồm Văn hóa Việt Nam, cách tiếp cận mới (1994) và Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1985) đã được Nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2000.

Nguồn: Báo Nhân dân đưa tin ngày 23/5/2018

Bài viết liên quan

Top