hieu-thanh-cat-tu-han-qua-trang-sach-giao-su-my

Hiểu Thành Cát Tư Hãn qua trang sách giáo sư Mỹ

Đế chế của Thành Cát Tư Hãn có một đặc trưng quan trọng và cấp tiến: quyền tự do tuyệt đối trong tôn giáo, ngôn ngữ, và sắc tộc.

Cái tên Thành Cát Tư Hãn và sức mạnh một thời của quân Mông Cổ hẳn ai cũng đã từng nghe tới: “Vó ngựa Mông Nguyên đi tới đâu, cỏ xanh không mọc được tới đó”. Thế nhưng, không nhiều người biết Thành Cát Tư Hãn là người như thế nào: ông là ai và ông đã làm thế nào để biến một tộc người du mục nhỏ bé vô danh trên bản đồ thế giới thành một đế chế lớn hùng mạnh, thách thức các giới hạn của trí tưởng tượng và mọi phương pháp lý giải hàn lâm?

Bìa sách “Thành Cát Tư Hãn và sự hình thành thế giới hiện đại”.

Lịch sử phương Tây coi thường Thành Cát Tư Hãn, gọi ông là kẻ mọi rợ tàn bạo và khát máu – đối nghịch với xã hội phương Tây được cho là văn minh và nhân đạo hơn. Trong ngành nhân chủng học có một nguyên tắc căn bản gọi là “cultural relativism”, tạm dịch là “thuyết tương đối văn hóa”. Nguyên tắc này yêu cầu người A phải hiểu được lối suy nghĩ và hành động của người B theo văn hóa của người B chứ không phải theo tiêu chuẩn người A áp đặt. Giáo sư Weatherford – tác giả sách – đã áp dụng xuất sắc nguyên tắc này khi nghiên cứu nhằm có cái nhìn khách quan nhất có thể về Thành Cát Tư Hãn.

Trước khi dịch cuốn sách, tôi không biết gì nhiều về cả Thành Cát Tư Hãn và đất nước Mông Cổ hiện đại. Công việc dịch thuật giúp tôi hiểu thêm về lịch sử một vùng đất châu Á giờ đây ít được nhắc tới. Tác giả sách từng là giáo sư Nhân chủng học tại Đại học Macalester ở Minnesota, Mỹ – nơi tôi đã theo học. Sách tương đối dày và chứa khối lượng thông tin khá lớn về Thành Cát Tư Hãn, bắt đầu từ trước khi cậu bé Thiết Mộc Chân (tên thật của ông) ra đời cho tới hậu duệ cuối cùng của ông bị phế truất vào năm 1920, chính thức đặt dấu chấm hết cho đế chế Mông Cổ. Do vậy, sách không chỉ tập trung vào cuộc đời và chiến công của Thành Cát Tư Hãn, mà còn vào các hậu duệ và di sản ông để lại.

Dù đây là loại sách lịch sử hàn lâm, tôi vẫn thấy sách dễ đọc. Thay vì đơn thuần thuật lại các sự kiện theo trình tự thời gian một cách khô khan, hay đi sâu vào các phân tích nặng tính chuyên môn, giáo sư Weatherford dùng lối dẫn chuyện đơn giản nhưng hấp dẫn, kết hợp với vốn hiểu biết sâu sắc về văn hóa và lịch sử Mông Cổ và thế giới. Sách còn cung cấp nhiều nguồn tài liệu đa dạng để đưa cái nhìn đa chiều về quân đội và người dân Mông Cổ.

Thành tựu của Thành Cát Tư Hãn trong Bí sử người Mông Cổ được đan xen với nhận xét về con người ông từ một nhà ghi chép đương thời người Ba Tư, miêu tả cuộc chinh phục châu Âu của nhà Nguyên. Đồng thời, hình tượng Thành Cát Tư Hãn cũng được nhìn bằng một con mắt khác qua các tác phẩm kịch và văn học của những cây bút nổi tiếng ở Anh và Pháp. Nhờ vậy, việc đọc và dịch cuốn sách không những trở nên dễ dàng và thú vị hơn, mà người đọc cũng cảm nhận được rõ rằng tầm ảnh hưởng phi thường của Thành Cát Tư Hãn và đế chế Mông Cổ vượt xa khỏi biên giới quốc gia thông thường.

Một điểm đặc trưng khác của cuốn sách mà người đọc dễ dàng nhận thấy là tình yêu và niềm trân trọng của giáo sư Weatherford với lịch sử và văn hóa Mông Cổ. Tác giả kể lại chặng đường nghiên cứu của ông với nhiều học giả khác ngay từ những trang đầu tiên, vì từ lâu phương Tây đã có cái nhìn không mấy thiện cảm về Thành Cát Tư Hãn nói riêng và quân Nguyên Mông nói chung. Những giai thoại và lời đồn không kiểm chứng về sự khát máu và dục vọng của ông tới nay vẫn được lan truyền.

Tại Mỹ, tôi vẫn thường thấy các bộ phim hay trò chơi điện tử mặc nhiên coi Thành Cát Tư Hãn là một kẻ độc tài xấu xa – giống như Hitler hay Mussolini, thậm chí còn không văn minh bằng. Tư tưởng phổ biến này, cộng với việc tác giả bắt tay vào nghiên cứu về Mông Cổ khá muộn (trước đó ông nghiên cứu nhiều lĩnh vực khác như thổ dân châu Mỹ và lịch sử tiền tệ), khiến tôi khâm phục công sức ông xây dựng một hình ảnh Thành Cát Tư Hãn toàn diện hơn, trung lập hơn với nhân vật lịch sử nhiều tranh cãi này.

Dù vậy, nhiều bạn vẫn sẽ thắc mắc đọc cuốn sách này để làm gì nếu bạn không phải là một nhà sử học hay nhà nhân chủng học với hứng thú đặc biệt về Mông Cổ và Thành Cát Tư Hãn – người đã qua đời bảy thế kỷ trước và thời hoàng kim của đế chế Mông Cổ đã qua từ lâu. Thêm nữa, hiện nay đất nước Mông Cổ hiện đại, sau khi trải qua nhiều thăng trầm, đã không còn đóng vai trò quan trọng trên trường thế giới.

Theo tôi, bên cạnh lợi ích có thêm kiến thức, đế chế của Thành Cát Tư Hãn có một đặc trưng rất quan trọng và cấp tiến: quyền tự do tuyệt đối trong tôn giáo, ngôn ngữ, và sắc tộc. Nghe có vẻ khó tin, nhưng cuốn sách dẫn ra nhiều bằng chứng cho thấy đây là những quyền căn bản được tôn trọng xuyên suốt đế chế Mông Cổ đương thời. Trong thời buổi thế giới liên tục căng thẳng vì các chia rẽ do khác biệt màu da, tư tưởng, hay quốc tịch, các nguyên tắc Thành Cát Tư Hãn đã đặt ra từ 700 năm trước trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Nguồn: Giải trí/Vnexpress

Bài viết liên quan

Top