Theo nghiên cứu của tác giả Karen Amstrong, tại Mỹ có đến 99% dân số tự nhận tin vào Thượng Đế. Nhưng họ theo Thượng Đế nào?
Theo bà, Thượng Đế của đạo Do Thái, Ki-tô giáo và Hồi giáo là một Đấng – theo cách nhất định – phán truyền. Lời của ngài là căn bản trong cả ba đức tin. Do đó, đối với người dân theo các tôn giáo này, phải quyết định liệu “Thượng Đế” có ý nghĩa gì cho mình ngày hôm nay không.
Bằng những khảo cứu chuyên sâu về lịch sử tôn giáo, trong cuốn Lịch sử Thượng Đế, nữ tác giả người Anh gốc Ireland đã ngược lại hành trình 4.000 năm lịch sử của Do Thái giáo, Ki-tô giáo và Hồi giáo để tìm ra câu trả lời: Thượng Đế đến từ đâu.
Karen Armstrong cho rằng từ xa xưa, các nền văn hóa đều khá tương đồng, đều sử dụng lễ nghi, nghi thức bí truyền, kịch, múa, trầm mặc tư tưởng để giúp con người vượt qua bể trầm luân. Tôn giáo do đó là vấn đề về thực hành, và có thể được so sánh với hội họa hay âm nhạc.
Từ khởi đầu, con người đã tạo ra một Thượng Đế là nguyên nhân đầu tiên của vạn vật, là đấng cai trị trên trời và dưới đất. Tuy nhiên, do đấng ấy quá cao nên đã phai mờ khỏi tiềm thức của con người và dần dần trở nên xa vắng đến mức họ không cần đến Ngài nữa.
Từ nghiên cứu đó, bà tiếp tục lý giải câu hỏi: Vì sao có sự tồn tại của Chúa Trời? Ba tôn giáo độc thần chủ đạo – Do Thái giáo, Ki-tô giáo và Hồi giáo – đã định hình và thay đổi khái niệm Chúa Trời như thế nào? Ba tôn giáo này có sự ảnh hưởng lẫn nhau ra sao?
Bà dẫn những nghiên cứu của các nhà khoa học, triết học và thích thú nhận ra rằng, nhà toán học, vật lý và thần học Blaise Pascal (1623-1662) là người đầu tiên thừa nhận rằng, trong thế giới mới táo tợn thời ông sống, niềm tin vào Chúa chỉ có thể là vấn đề lựa chọn cá nhân mà thôi. “Từ trước đến nay, chưa từng có ai nghiêm tục chất vấn sự hiện hữu của Thượng Đế. Trong ý nghĩ này, Pascal là người hiện đại đầu tiên”, Amstrong khẳng định.
Bà cũng lần lại lịch sử quá trình nam giới và phụ nữ nhận thức và trải nghiệm liên quan tới Chúa Trời, từ thời Tổ phụ Abraham cho tới hiện tại. Do khởi đầu, Thượng Đế được coi là vị thần có nam tính rõ rệt, các tín đồ độc thần thường gọi vị thần đó là “ông ta”. Nhưng những năm gần đây, phái nữ quyền đã phản đối điều này. Điều thú vị là trong tiếng Ả rập, alLah – tên tối cao để gọi Thượng Đế – là giống đực về mặt văn phạm, nhưng từ để chỉ sự thiêng liêng và bản chất bí hiểm của Thượng Đế – al-Dhat – lại là giống cái.
Từ nghiên cứu sâu về Thượng Đế của ba tôn giáo trên, cùng với việc đối chiếu với tôn giáo cổ Hy Lạp, Phật Giáo, tìm hiểu Thượng Đế của các triết gia, các nhà thần bí, các nhà cải cách, bà kết luận: Mỗi thế hệ phải tạo ra một hình ảnh về Thượng Đế có ích cho họ.
Công trình của bà là một tổng hợp ngồn ngộn thông tin nhưng đã làm sáng tỏ và hài lòng những con người thế tục. Cuốn sách cũng được thể hiện hấp dẫn và dễ tiếp cận, do nữ tác giả đã tổ hợp một chủ đề phức tạp thành những nguyên tắc cơ bản mà không quá tối giản chúng.
Karen Amstrong sinh năm 1944, là tác giả nổi tiếng với các cuốn sách về tôn giáo so sánh. Bà từng là một nữ tu, tốt nghiệp trường St Anne’s College, Oxford, Anh, sau đó rời tu viện năm 1969.
Bà từng là Đại sứ của Liên minh các nền Văn minh Liên hợp quốc (UNAOC). Tác phẩm của bà đã được dịch ra 45 thứ tiếng.
Là người bị mắc chứng động kinh, nên trong các nghiên cứu của mình, bà cũng đã nỗ lực tìm hiểu những thị kiến và trạng thái xuất thần của các vị thánh có phải cũng đơn thuần là một dị biệt về tâm thần?
Cuốn sách Lịch sử Thượng đế: Hành trình 4.000 năm Do Thái giáo, Ki-tô giáo và Hồi giáo (History of God: The 4.000 Year Quest of Judaism, Christianity and Islam) của bà ra đời lần đầu năm 1993, đã nhận được sự chú ý đặc biệt của giới nghiên cứu và những người muốn tìm hiểu về tôn giáo. Tác giả A.N. Wilson của cuốn Jesus: A Life cho rằng: “Đây là công trình nghiên cứu hấp dẫn, giàu thông tin về cuộc chinh phục vô vọng nhất trong lịch sử – công cuộc tìm kiếm Thượng Đế“.
Cuốn sách vừa được xuất bản tại Việt Nam với bản dịch của nhóm Nguyễn Minh Quang, do NXB Hồng Đức phát hành.
Nguồn New.Zing
Omega Plus hân hạnh chia sẻ cùng bạn đọc!