Phan Thanh Giản – Nhà ái quốc, người mở đường cho nước Việt Nam hiện đại: Những năm cuối đời (1862-1867)

0 Đặt hàng
Trong tiến trình lịch sử Việt Nam đi từ chế độ quân chủ đến thì hiện đại, có lẽ Phan Thanh Giản là một trong những nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất, thu hút nhiều cái nhìn suy xét của giới nghiên cứu sử cũng như người Việt Nam nói riêng, nhưng hầu như mọi tranh luận đều chưa thể đi đến bước ngã ngũ được. Ở mỗi thời đoạn, hầu như hễ có tiếng nói luận tội ông thì thể nào cũng sẽ xuất hiện những lời nói, cử chỉ biểu lộ sự bênh vực, và ngược lại… Vòng lặp này nối tiếp tưởng như bất tận, từ thời Tự Đức cho đến ngày nay (“Phần thứ hai” và “Phần thứ ba-A” của cuốn sách). Qua tác phẩm này, các tác giả muốn góp thêm nhiều tài liệu để hậu thế chúng ta có thêm dữ liệu và căn cứ xem xét thời kỳ gây tranh cãi nhất trong cuộc đời Phan Thanh Giản, vị đại thần triều Nguyễn có liên quan mật thiết đến bối cảnh thời cuộc vô cùng quan trọng trong lịch sử Việt Nam.
#
Hết hàng
Liên hệ

Hết hàng

Mô tả

Trong tiến trình lịch sử Việt Nam đi từ chế độ quân chủ đến thì hiện đại, có lẽ Phan Thanh Giản là một trong những nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất, thu hút nhiều cái nhìn suy xét của giới nghiên cứu sử cũng như người Việt Nam nói riêng, nhưng hầu như mọi tranh luận đều chưa thể đi đến bước ngã ngũ được. Ở mỗi thời đoạn, hầu như hễ có tiếng nói luận tội ông thì thể nào cũng sẽ xuất hiện những lời nói, cử chỉ biểu lộ sự bênh vực, và ngược lại… Vòng lặp này nối tiếp tưởng như bất tận, từ thời Tự Đức cho đến ngày nay (“Phần thứ hai” và “Phần thứ ba-A” của cuốn sách).

Vì lẽ đó, Omega Plus mong đóng góp thêm một công trình nghiên cứu của hai đồng tác giả Phan Thị Minh Lễ và Pierre Ph. Chanfreau, có tên tiếng Việt là Phan Thanh Giản Nhà ái quốc, người mở đường cho nước Việt Nam hiện đại: Những năm cuối đời (1862-1867) (Phan Thanh Giản – Patriote et Précurseur du Vietnam moderne: ses dernières années 1862-1867). Qua tác phẩm này, các tác giả muốn góp thêm nhiều tài liệu để hậu thế chúng ta có thêm dữ liệu và căn cứ xem xét thời kỳ gây tranh cãi nhất trong cuộc đời Phan Thanh Giản, vị đại thần triều Nguyễn có liên quan mật thiết đến bối cảnh thời cuộc vô cùng quan trọng trong lịch sử Việt Nam.

 

Về mặt bố cục, cuốn sách được chia thành 3 phần chính:

– Phần đầu mô tả các sự kiện liên quan cuộc đời Phan Thanh Giản giữa năm 1862 và năm 1867, những sự kiện theo như những gì chúng ta vẫn thường hay nghe được.

– Phần thứ hai xem xét lại tất cả các công kích nhắm vào Phan Thanh Giản.

– Phần thứ ba trình bày tất cả các lập luận cho phép phục hồi toàn diện con người Phan Thanh Giản dưới ánh sáng của các tài liệu, phần ít được chú ý đến trong các tranh luận; trong đó hai nhóm tài liệu tham khảo quan trọng là Châu bản triều Tự Đức (1848-1883) và các thư từ trao đổi cá nhân của Phó đô đốc de La Grandière.

 

Có thể nói, “cho đến năm 1862, cuộc đời Phan Thanh Giản trôi qua một cách minh bạch. Khoảng đời từ năm 1862 đến năm 1867, các nhà sử học và nhà văn tìm thấy chất liệu trái ngược ở những tranh cãi bất tận về con người ông…”, đây là lý do thúc đẩy các tác giả “xem xét càng nhiều tài liệu càng tốt về giai đoạn này”, cả về các bước thăm trầm trong hoạn lộ của riêng Phan Thanh Giản và hiện trạng Đại Nam bấy giờ, đối chứng với nội dung các thư từ trao đổi nội bộ của Pháp để làm rõ mối quan hệ Pháp-Đại Nam trong giai đoạn này. Như vậy, có thể nói, nhóm tác giả chọn cách hiểu một con người lịch sử không chỉ qua những diễn biến trong cuộc đời con người đó mà còn phải thông qua bối cảnh thời cuộc, thông qua cái nhìn của những bên liên quan.

 

  • Về cuộc đời của Phan Thanh Gian trong giai đoạn 1862-1867, tài liệu ghi chép khá phong phú, từ Đại Nam thực lục đến Đại Nam chính biên liệt truyện đến các bài viết trên BAVH
  • Về tình hình nước ta bấy giờ, nhóm tài liệu tham khảo quan trọng nhất là Châu bản triều Tự Đức (1848-1883) Đại Nam thực lục, tức những ghi chép của chính triều Nguyễn. Qua đó, chúng ta thấy được tình trạng đất nước bấy giờ, cùng một số chính sách liên quan đến ngoại giao, tôn giáo, chống ngoại xâm của triều đình nhà Nguyễn, vấn đề chênh lệch lực lượng quân sự Pháp-Đại Nam… Không những vậy, các tài liệu còn giúp chúng ta nắm rõ được quá trình luận công-tội của Phan Thanh Giản (chẳng hạn, trong việc luận tội để mất toàn bộ Nam Kỳ lục tỉnh, thực ra chỉ có một mình Phan Thanh Giản phải gánh tội nặng hay triều đình Huế đã luận tội của một loạt đại thần?), xét theo cái nhìn của những người trong cuộc đồng thời.
  • Tìm hiểu cái nhìn của Pháp về Đại Nam bấy giờ, nhóm tài liệu được các tác giả sử dụng là Văn khố Bộ Ngoại giao (Pháp, phần liên quan đến châu Á) –  viết tắt  là “M.D. Asie”, và đặc biệt là các thư từ cá nhân của Phó đô đốc de La Grandière được chính hậu duệ của ông trao tận tay cho các tác giả. Các tài liệu sẽ giúp chúng ta hình dung được bấy giờ, Pháp quốc đánh giá Đại Nam ra sao, có vai trò thế nào đối với viễn cảnh lớn của họ của châu Á và thế giới? Từ đó giúp chúng ta hiểu được động cơ “tiếp cận” nước ta của một trong những đế quốc phương Tây lớn thời bấy giờ.

 

Ngoài các tài liệu tham khảo kể trên, chúng ta cũng cần phải kể đến các tác phẩm/bài nghiên cứu:

  • Daudin Pierre và Lê Văn Phúc, Phan Thanh Giản (1796-1867) et sa famille d’après quelques documents annamites (Phan Thanh Giản (1796-1867) và gia quyến theo một vài tài liệu của An Nam), Nguyễn Văn Của ấn hành, Sài Gòn, 1941, 121 trang.
  • Gernet Jacques, Le Monde Chinois (Thế giới Trung Hoa), Armand Colin, Paris, 1972, 765 trang.
  • Paulin Vial, Les premières années de la Cochinchine, colonie française (Những năm đầu tiên của Nam Kỳ, thuộc địa của Pháp), Challamel Aîné, Paris, 1874, 2 tập.
  • Nam Xuân Thọ, Phan Thanh Giản (1796-1867), Tân Việt, Sài Gòn, 1950, 119 trang.
  • Tập san Sử Địa, Đặc khảo về Phan Thanh Giản (số 7-8), Sài Gòn, 1967.
  • Cùng nhiều tài liệu khác.

 

Trong lời bộc bạch ở cuối sách, đồng tác giả Phan Thị Minh Lễ và Pierre Ph. Chanfreau bày tỏ:

 

“Đây thực sự là một giai đoạn [1862-1867] rất phức tạp về quan hệ quốc tế… Trong quan hệ với Pháp, các mục tiêu thực dân đã thay thế những chiêu bài nhân đạo ban đầu được viện dẫn… Lực lượng đôi bên vào năm 1862 quá không cân xứng, sự lạc hậu về công nghệ [của Đại Nam] chỉ có thể nhanh chóng được san bằng qua việc học hỏi phương Tây…

Với tất cả tấm lòng, chúng tôi hy vọng những tài liệu mới mà chúng tôi mang đến đây chắc chắn sẽ làm câm lặng những lời gièm pha về Phan Thanh Giản. Chúng tôi hy vọng đã góp phần khai phục một trong những con người vĩ đại nhất là cội nguồn của Việt Nam hiện tại, được đa số người dân Việt Nam công nhận.”

 

Với lượng tài liệu dồi dào, với thái độ cẩn trọng và nghiêm túc trong tra cứu, nỗ lực nhìn nhận công-tội của Phan Thanh Giản một cách thật công tâm… của hai tác giả, mong rằng Phan Thanh Giản Nhà ái quốc, người mở đường cho nước Việt Nam hiện đại: Những năm cuối đời (1862-1867) có thể giúp bạn đọc Việt Nam thời hiện đại hiểu thấu giai đoạn hệ trọng trong cuộc đời của một cố đại thần triều Nguyễn, từ đó gián tiếp nhận rõ được bối cảnh thời cuộc bấy giờ, cũng như hoàn cảnh đất nước của một thời đã ở cách chúng ta rất xa. Xét cho cùng, nắm được dữ kiện trong một sự trình bày đầy đủ, minh bạch, công tâm… chúng ta mới có thể đi đến sự hiểu biết về lịch sử – những gì đã xảy ra; và chỉ có đi từ hiểu, chúng ta mới có thể dần dà tiếp cận được cái gọi là sự thật.

Thông tin bổ sung

Số trang

544

Tác Giả

Phan Thị Minh Lễ & Pierre Ph. Chanfreau

Dịch giả

Phan Tín Dụng

Bìa

Bìa mềm tay gập

Từ khóa

Top