“Xuất bản sách về nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng ở Việt Nam đang có những khoảng trống. Bởi vậy, chúng tôi muốn đóng góp vào sự phát triển nghệ thuật ở Việt Nam bằng cách xuất bản những cuốn sách của các tác giả hàng đầu, giới thiệu một cách có hệ thống để người yêu nghệ thuật có thể tiếp cận”…
Đó là chia sẻ của Ông Vũ Trọng Đại – Giám đốc Công ty Sách Omega Việt Nam tại tọa đàm ra mắt bản dịch tác phẩm đồ sộ “The Story of Art – Câu chuyện nghệ thuật” của NXB Phaidon tại Việt Nam, diễn ra sáng 7.11, tại Hà Nội.
Tấm bản đồ bước vào thế giới nghệ thuật
“Quyển sách này được viết ra với mong muốn dành tặng những ai muốn bắt đầu khám phá một lĩnh vực cực kỳ lạ lẫm và lôi cuốn. Cuốn sách sẽ giúp những người ngoại đạo thấy được đường hướng phát triển của câu chuyện mà không bối rối với vô vàn tiểu tiết, đưa độc giả đến một trật tự dễ hiểu với phong phú những cái tên, những thời kỳ và phong cách vốn ngập tràn trong các tác phẩm đầy tham vọng, nhằm trang bị cho quá trình tiếp cận các tác phẩm chuyên ngành sau đó dễ dàng hơn”…
Đó là mục tiêu mà tác giả Ernst Gombrich (1909 – 2001) – một trong những nhà sử học nghệ thuật lỗi lạc nhất nửa sau thế kỷ XX đặt ra khi viết “Câu chuyện nghệ thuật”. Và ông đã thực hiện điều đó bằng việc hạn chế tối đa sử dụng các thuật ngữ chuyên môn của giới sử học nghệ thuật, phân tích các tác phẩm với hình minh họa kèm theo, tập trung vào những tác phẩm nghệ thuật thực sự, đã được chọn lọc qua thời gian, hơn là chạy theo thị hiếu hay xu hướng nhất thời…
“Câu chuyện nghệ thuật” kể về lịch sử nghệ thuật châu Âu từ thời cổ đại đến hiện đại, được tác giả khảo sát và đánh giá trong các lĩnh vực khác nhau như hội họa, điêu khắc, kiến trúc… song hành với những chuyển biến và giao thoa của các nền văn hóa, chính trị, và tôn giáo. Nguồn tư liệu phong phú về các tác phẩm đáng chú ý, những tên tuổi tài năng, những trường phái, phong cách đặc sắc trong dòng chảy nghệ thuật.
Điều đặc biệt là tác phẩm được Gombrich kể theo một dòng chảy liên kết và tiếp nối không ngừng nghỉ của những nghệ nhân, họa sĩ và nghệ sĩ. Ngôn từ giàu hình ảnh và chất thơ của Gombrich khơi gợi độc giả bước vào thế giới của nghệ thuật. Theo dịch giả, họa sĩ Trịnh Lữ: “Tác phẩm được viết dễ hiểu, không xa vời và câu chữ phức tạp, và được kể như một câu chuyện với những mâu thuẫn, cao trào… chứ không phải cuốn sách giáo khoa lịch sử nghệ thuật”.
Lịch sử rộng lớn, đồ sộ và đa dạng của nghệ thuật, qua lời kể của Gombrich được xâu chuỗi lại, mà sợi chỉ dẫn dắt là mạch nguồn kết nối các sáng tạo nghệ thuật của con người qua từng thời kỳ, trong sự kế tiếp, biến chuyển, thay đổi và đột phá, như chính ông đã mô tả “một câu chyện về sự đan xen và thay đổi liên tục của các truyền thống, trong đó mỗi tác phẩm đều dựa vào quá khứ và hướng đến tương lai”, “một sợi dây truyền thống kết nối nghệ thuật của chúng ta ngày nay với nghệ thuật từ thời kim tự tháp ra đời”… Ông đã trao cho độc giả tấm bản đồ của vùng đất vĩ đại, giúp họ dấn thân vào hành trình khám phá này mà không hề sợ hãi, choáng ngợp.
Họa sĩ, nhà giáo dục nghệ thuật Vũ Đỗ cho rằng, hiện có khoảng cách lớn giữa người làm nghệ thuật và người thưởng thức, và cuốn sách này kéo gần khoảng cách này lại. Không chỉ công chúng, những người làm nghề có thể học từ cuốn sách về hình ảnh, bố cục, phần chú thích diễn giải những câu chuyện nhỏ… Đây là tác phẩm chính thống, xứng đáng ở trong thư viện chuyên ngành, là tài liệu cho những người làm nghề và có thể đến với đông đảo công chúng.
Đưa sách nghệ thuật tới độc giả Việt
“Câu chuyện nghệ thuật” là một trong những cuốn sách lịch sử nghệ thuật nổi tiếng và phổ cập nhất từ trước tới nay. Trong suốt 70 năm qua, cuốn sách đã giữ vị trí vững chắc không thể thay thế trong việc giới thiệu lịch sử nghệ thuật từ thời kỳ hang động cho đến những thử nghiệm hiện đại ngày nay. Tác phẩm đã được dịch ra gần 30 thứ tiếng và hơn 8 triệu bản đã được bán ra trên toàn thế giới…
Tiếp cận tác phẩm nghệ thuật bán chạy nhất mọi thời đại và là tác phẩm nhập môn nghệ thuật thị giác cho vô số thế hệ độc giả này, dù trải qua nhiều khó khăn trong việc thương thảo bản quyền, chuyển ngữ, xuất bản… Công ty Sách Omega Việt Nam vẫn quyết tâm dịch và ấn hành tác phẩm. Theo ông Vũ Trọng Đại: “Từ 2017, chúng tôi đã lựa chọn cuốn sách để chuyển ngữ, đưa vào tủ sách Hội họa, tuy vậy, quá trình này kéo dài trong 3 năm mới tới tay bạn đọc Việt Nam”.
Đây là tác phẩm được Omega đầu tư lớn, trong khi sách nghệ thuật ở Việt Nam còn khá kén khán giả, lượng người đọc hạn chế. Nhiều đơn vị xuất bản cho biết, sách thiên về lý thuyết nghệ thuật in lần đầu 500 bản đã là nhiều, và 2 – 3 năm sau mới tái bản. Tuy nhiên, với “Câu chuyện nghệ thuật”, NXB Phaidon đặt ra yêu cầu là in lần đầu tối thiểu 5.000 bản sách, một con số không nhỏ ngay cả với sách thông thường.
“Chúng tôi cân nhắc nhiều trước khi quyết định ấn hành tác phẩm, bởi với sách nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc, yêu cầu về in ấn, chất lượng giấy cao hơn nhiều so với sách thông thường, chi phí cho tác phẩm cũng rất lớn. Cuối cùng chúng tôi quyết định bằng mọi giá sẽ dịch và đưa sách đến độc giả trong nước” – ông Vũ Trọng Đại chia sẻ.
Trước đó, Omega đã cho ra mắt tác phẩm “Leonardo da Vinci” của tác giả Walter Isaacson, in 2.000 bản lần đầu, với giá hơn 700.000 đồng. Theo ông Vũ Trọng Đại: cộng tiền bản quyền, dịch, ấn bản… giá như vậy chúng tôi vẫn lỗ. Nếu bán được 4.000 bản mới bù lại chi phí đầu tư. Nhưng tới giờ, Omega đã tái bản lần 3, in được 7.000 bản, cả bìa cứng và bìa mềm. Điều đó cho thấy sách nghệ thuật được làm chất lượng vẫn có độc giả nhất định.
Tủ sách Hội họa của Omega bên cách tác phẩm về lịch sử nghệ thuật, còn có danh họa qua các tác phẩm, và tiểu sử nghệ sĩ nổi tiếng. “Sách nghệ thuật ở Việt Nam được dịch và giới thiệu rải rác trong các thời kỳ, chúng tôi đang hệ thống, xâu chuỗi để người yêu nghệ thuật tiếp cận. Hy vọng từ chuyên gia, giám tuyển, công chúng đều tìm thấy giá trị trong các cuốn sách” – ông Vũ Trọng Đại nói.