Israel Đã Hồi Sinh Như Thế Nào?

Hai yếu tố quan trọng gắn kết người Do Thái suốt lịch sử là bản sắc tôn giáo vững bền và truyền thống hiếu học.

Câu chuyện viết nên từ dòng lịch sử nhiều biến cố của nhà nước Israel là một vấn đề được bàn luận nhiều trong thời hiện đại. Cuốn sách Lịch sử Israel: Câu chuyện về sự hồi sinh của một dân tộc (Israel: A concise history of a nation reborn) của tác giả Daniel Gordis tổng hợp chi tiết quá trình hồi sinh của nhà nước Israel với nhiều bài học mà các dân tộc đều có thể tham khảo.

Trong cuốn sách này, tác giả Daniel Gordis đã cô đọng, khái quát lịch sử hình thành nhà nước Do Thái, cùng những hào quang, những đau đớn, bi thương của họ. Sau đó, cuốn sách đi sâu vào những thăng trầm của nhà nước Israel trong quá trình kiến tạo xã hội hiện đại, những bước đi hướng tới tương lai.

Tham dự buổi ra mắt sách ngày 10/7 tại Hà Nội, ông Vũ Trọng Đại, chủ tịch Omega+ chia sẻ ông muốn thực hiện cuốn sách, cung cấp thêm thông tin cho độc giả Việt Nam.

Ông Nadav Eshcar – Đại sứ Israel tại Việt Nam – cho rằng mỗi quốc gia đều có một lịch sử rất khác biệt. Nhưng Israel và Việt Nam chia sẻ những điểm chung trong lịch sử, kết nối mối quan hệ hai nước. Cả hai quốc gia đều phải chiến đấu rất nhiều để bảo vệ đất nước. Còn ông Nadav Eshcar cho rằng tính ham học hỏi chính là một điểm chung giữa dân tộc Việt Nam và dân tộc Do Thái.

Lich su Israel anh 1
Từ trái qua: Ông Vũ Trọng Đại, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Đại sứ Nadav Eshcar tại tòa đàm hôm 10/7. Ảnh: O.P.

Quá trình kiến tạo nhà nước Israel hiện đại

Bàn về quá trình hình thành từ chủ nghĩa phục quốc Do Thái cho đến nhà nước Israel hiện đại, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn nhận định: “Những quốc gia phát triển cùng nền tôn giáo là những quốc gia rất đặc biệt”.

Theo ngài Nadav Eshcar, cách đây khoảng 2.000 năm, dân tộc Do Thái mất nhà nước vào tay người La Mã. Sau đó, người Do Thái đã phải tha hương khắp thuộc địa La Mã khi ấy. Người Do Thái giữ được bản sắc vì có niềm tin tôn giáo đặc biệt. “Dù bị đế quốc La Mã xua đuổi khắp nơi, nhưng chúng tôi giữ vững bản sắc bằng cách cầu nguyện hàng sáng”, ngài đại sứ cho biết.

Suốt 2.000 năm, mọi người Do Thái tha hương trên thế giới truyền câu nguyện “Năm sau gặp lại Jerusalem” cho con trai, con gái mình. Lời cầu nguyện khiến họ trở nên đặc biệt so với các dân tộc khác. Đó là niềm tin mãnh liệt rằng một ngày, họ sẽ xây dựng lại đất nước.

Vào thế kỷ XIX, khi chủ nghĩa dân tộc nổi lên, phong trào phục quốc Do Thái cũng được công nhận. Nhiều nhà hoạt động xã hội nghĩ rằng “Tại sao lại phải năm sau mới về Jerusalem? Tại sao ko về cố hương luôn?”.

Người Do Thái quyết định sẽ tự mình biến ước nguyện thành sự thật.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người không đồng tình với ý tưởng ấy, cho rằng đó là ý tưởng điên rồ khi từ bỏ cuộc sống yên ổn đang có để trở về vùng đất mà khi ấy chỉ toàn sa mạc.

Nhưng vì là một dân tộc thiểu số, sống rải rác khắp các quốc gia. Người Do Thái phải chịu những định kiến cho rằng họ là những người rất khôn ngoan, láu cá và do thế là một mối nguy. Chủ nghĩa bài Do Thái bắt đầu nhen nhóm.

Vào những năm 1940, Đức Quốc Xã thực hiện cuộc diệt chủng người Do Thái, thảm sát tới 1/3 dân số người Do Thái. Người Do Thái tin rằng chỉ khi nào họ sống trên mảnh đất của riêng họ, họ mới an toàn. Nhờ đó, nhà nước Israel hồi sinh, khôi phục lại không gian sinh tồn độc lập cho dân tộc Do Thái phát triển với những giá trị văn hóa, tín ngưỡng truyền thống, đảm bảo tương lai cho thế hệ sau.

Lich su Israel anh 2
Sách Lịch sử Israel: Câu chuyện về sự hồi sinh của một dân tộc. Ảnh: O.P.

Yếu tố kết nối cộng đồng người Do Thái
Dù lưu lạc khắp nơi, người Do Thái vẫn trường tồn. Để rồi sau bao chia rẽ, hàng trăm nghìn người từ khắp nơi trở về hội nhập, xây dựng nhà nước Israel hiện đại.

Trong Lịch sử Israel: Câu chuyện về sự hồi sinh của một dân tộc, tác giả Daniel Gordis nêu quan điểm rằng có 2 yếu tố quan trọng gắn kết người Do Thái suốt 2.000 năm. Một là bản sắc tôn giáo vững bền; hai là truyền thống thần thánh hóa việc học tập, gắn liền với học Kinh Thánh, trong đó, quy định tôn giáo cho rằng họ phải cho con cái đến trường, tạo nền tảng học vấn, bồi đắp vốn hiểu biết.

Vào thời kỳ tha hương, người Do Thái có thể sống nghèo khổ, nhưng họ luôn dành tiền cho giáo dục. Và dù đi đâu, về đâu, họ cũng luôn cầm theo một cuốn Kinh Thánh. Đại sứ Nadav Eshcar kể thời ông còn nhỏ, các gia đình Do Thái dù không nhiều tiền, họ luôn dùng một nửa để trả cho giáo viên, số còn lại dùng mua thực phẩm.

Đến cuối thế kỷ XIX, nhiều người Do Thái chiếm những vị trí rất cao trong lĩnh vực kinh tế và chính trị.

Chính những đức tính ấy đã giúp người Do Thái làm nên điều phi thường, vượt lên đàn áp, giữ trọn bản sắc dân tộc và về lại cố hương Jerusalem.

“Tôn giáo và tập tục độc đáo của người Do Thái là lý do khiến họ bảo tồn bản sắc và giúp họ tồn tại như một quốc gia trong suốt lịch sử”, trích lời Đại sứ Nadav Eshcar.

Minh Hùng | Zingnews. vn

 

Bài viết liên quan

Top