Đồng thời, tác giả cũng cho biết trật tự thế giới thay đổi ra sao trong 500 năm qua, tính từ khi hình thành “những nền quân chủ mới” ở Tây Âu (thế kỷ 16) và sự khởi đầu của hệ thống các quốc gia có tầm vóc xuyên đại dương và toàn cầu.
Giai đoạn chưa có cường quốc nào vượt lên dẫn đầu
Ra đời từ năm 1987, cuốn Sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc của Paul Kennedy không hoàn toàn là một tác phẩm viết về lịch sử quân sự, dù nó đề cập khá nhiều về những cuộc chiến tranh, những cuộc xung đột lớn, kéo dài giữa liên minh cường quốc vốn tác động đến trật tự thế giới.
Cuốn sách cũng không hoàn toàn là một công trình lịch sử bàn về kinh tế, dù nó cũng bàn về những thay đổi diễn ra trong các cán cân kinh tế toàn cầu từ năm 1500. Vấn đề cuốn sách tập trung vào là sự tương tác giữa kinh tế học và chiến lược. Điều này phù hợp với xu thế các quốc gia hàng đầu trong hệ thống quốc tế hiện nay. Họ nỗ lực gia tăng sự giàu có và sức mạnh quân sự đáng kể của mình để trở thành (hay duy trì) cả hai khía cạnh.
Luận điểm bao trùm toàn bộ cuốn Sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc là: Thứ nhất, sức mạnh của một cường quốc chỉ có thể được đong đếm trong tương quan với các nước khác. Thứ hai, uy thế về lâu về dài hoặc trong một xung đột cụ thể của một cường quốc có mối tương liên chặt chẽ với các nguồn lực sẵn có và tính bền vững của nền kinh tế quốc gia.
Theo Paul Kennedy, thế giới khoảng năm 1500 có các “trung tâm quyền lực” sau: Nhà Minh ở Trung Hoa, Đế chế Ottoman và Đế chế Mogul, một nhánh Hồi giáo của nó ở Ấn Độ, Đại công quốc Muscovy, nước Nhật thời Tokugawa, và nhóm các quốc gia ở vùng Tây và Trung Âu.
Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ 16, không có trung tâm nào kể trên vượt lên dẫn đầu. Dù ở châu Âu liên tục có những cải tiến quân sự, kỹ thuật, thương mại và bắt đầu có sự xuất hiện môi trường cạnh tranh của các doanh nghiệp. Ngược lại những đế chế hùng mạnh ở phương Đông lại bị kìm hãm phát triển do hệ quả của chính sách trung ương tập quyền.
Dẫu vậy, sự thay đổi về công nghệ và cạnh tranh quân sự đã giúp châu Âu phát triển theo lối đa nguyên, cạnh tranh thông thường, vẫn có khả năng một trong những nước tranh đua giành được những nguồn tài nguyên lớn để vượt qua những nước khác để thống trị lục địa.
Khoảng năm 1650, một khối vương quyền – tôn giáo thuộc dòng họ Habsburg Tây Ban Nha và Áo đã nắm trong tay những nguồn tài nguyên lớn. Tuy nhiên, những cuộc đối kháng liên tục khiến họ tuy đứng đầu về mặt quân sự, nhưng lại chông chênh do nền tảng kinh tế suy yếu.
Từ năm 1650 đến năm 1815, diễn ra những trận chiến giữa các cường quốc như một cuộc tranh đua giữa khối các quốc gia/nhà nước có vị thế giữa các đối thủ. Chính ở giai đoạn phức tạp này, một vài cường quốc cũ như Tây Ban Nha và Hà Lan rơi xuống hạng hai, và 5 quốc gia chính yếu nổi lên (Anh, Pháp, Nga, Áo, Phổ) nắm quyền thống trị trên mặt trận ngoại giao và chiến tranh châu Âu thế kỷ 18. Các quốc gia này cũng tham gia một loạt cuộc chiến tranh liên minh.
Đây là thời đại mà nước Pháp, trước là dưới triều đại Louis XIV và sau là thời Napoleon, tiến gần đến vị trí thống trị châu Âu nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, những nỗ lực này luôn bị các cường quốc khác liên kết kìm hãm.
Cách mạng công nghiệp và sự vươn lên của các cường quốc ở châu Âu
Đầu thế kỷ 18, do chi phí dành cho quân đội thường trực và các hạm đội quốc gia lớn khủng khiếp, nên nước nào tạo ra được hệ thống ngân hàng và tín dụng tiên tiến (như nước Anh đã làm) sẽ hưởng nhiều thuận lợi hơn các đối thủ lạc hậu về tài chính. Ngoài ra, yếu tố địa lý cũng đóng vai trò quan trọng đối với việc quyết định vận mệnh của các cường quốc trong nhiều cuộc đối đầu vốn thường xuyên biến đổi. Điều này giải thích vì sao Anh và Nga, hai quốc gia “vùng rìa”, lại trở nên quan trọng hơn hẳn.
Vào các thập niên cuối của thế kỷ 18, cuộc cách mạng công nghiệp khởi phát từ nước Anh, giúp nước này mở rộng thuộc địa ở hải ngoại và vô hiệu hóa tham vọng làm chủ châu Âu của Napoleon.
Trong suốt một thế kỷ sau năm 1815, gần như không còn những cuộc chiến tranh liên minh nào kéo dài nữa. Một sự cân bằng chiến lược được duy trì giữa các cường quốc hàng đầu châu Âu. Bối cảnh quốc tế tương đối ổn định cho phép Đế quốc Anh vươn lên như một cường quốc toàn cầu về hải quân, thuộc địa và thương mại, cùng thế độc quyền về sản phẩm công nghiệp vận hành bằng máy hơi nước.
Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ 19, công nghiệp hóa lan rộng sang các khu vực khác khiến cán cân quyền lực quốc tế vốn đang nghiêng về các quốc gia dẫn đầu xưa cũ chuyển sang các nước có tài nguyên và đầu óc tổ chức để khai thác những phương tiện sản xuất và công nghệ mới hơn.
Tiến đến gần thế kỷ 20, nhịp độ thay đổi về công nghệ và tốc độ tăng trưởng không đồng đều đã khiến hệ thống quốc tế trở nên bất ổn và phức tạp hơn. Điều này được thể hiện rõ sau năm 1880, các cường quốc tranh giành thuộc địa ở châu Phi, châu Á, Thái Bình Dương, một phần vì tham vọng một phần vì lấn át. Những cuộc chạy đua vũ trang ngày càng gia tăng, các liên minh quân sự được thành lập – do các chính phủ muốn tìm kiếm đồng minh cho một cuộc chiến có khả năng xảy ra trong tương lai.
Trước năm 1914, một số cường quốc châu Âu truyền thống như Pháp, Italy, Áo – Hung, kể cả Anh không còn duy trì được vị thế như trước. Trong số các nước Tây Âu chỉ có Đức mới đủ sức vượt qua chướng ngại để lọt vào top các cường quốc thế giới tương lai chọn lọc. Ngược lại, các quốc gia khổng lồ, rộng lớn bằng cả lục địa là Mỹ và Nga tiến lên hàng đầu, dù đế chế của Sa hoàng vẫn còn yếu kém. Ở Đông Á, Nhật Bản nhắm vào vị trí thống trị nhưng chưa đi xa hơn.
Trật tự thế giới lưỡng cực
Thế chiến thứ nhất xảy ra ở trung tâm châu Âu. Các nước tham chiến đều kiệt quệ. Cán cân quyền lực quốc tế thay đổi. Đế quốc Áo – Hung tan thành bọt nước. Nga tiến hành cách mạng. Đức bị đánh bại, song phe Pháp, Italy và Anh bị tổn thất nặng nề dù là bên chiến thắng. Mỹ nghiễm nhiên trở thành cường quốc hùng mạnh nhất thế giới từ năm 1918.
Sau năm 1919 là sự xuất hiện của một thế giới lưỡng cực với hệ quả là cuộc khủng hoảng đối với các cường quốc hạng trung. Anh và Pháp vẫn nắm vị trí trung tâm trên vũ đài ngoại giao, nhưng đến thập niên 1930, vị trí của họ bị đe dọa bởi các nước theo chủ nghĩa quân phiệt xét lại là Đức, Italy, Nhật. Nước Mỹ vẫn ngấm ngầm là một quốc gia công nghiệp hùng mạnh trên thế giới và nước Nga cũng đang nhanh chóng trở thành một siêu cường công nghiệp.
Trước sự lớn mạnh của hai cường quốc trên, các cường quốc hạng trung rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan và lo sợ suy yếu. Thế chiến thứ hai đã chứng thực điều này. Phe Trục đã làm lu mờ nước Pháp và làm suy yếu nước Anh, trước khi bị trấn áp bởi một lực lượng có sức mạnh vượt trội.
Đến năm 1943, dự báo về một thế giới lưỡng cực cuối cùng thành hiện thực. Từ năm 1943 đến 1980 là những năm tháng thế giới lưỡng cực tồn tại trên bình diện kinh tế, quân sự và ý thức hệ, được phản ánh ở nhiều cấp độ trong Chiến tranh lạnh. Vị trí cường quốc của Mỹ và Liên Xô, vốn đã ở đẳng cấp riêng, càng được củng cố bởi sự ra đời của vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, tiến trình trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc vẫn chưa dừng lại, nếu xét về những khác biệt về tốc độ phát triển và thay đổi công nghệ, dẫn đến các thay đổi trong cán cân kinh tế toàn cầu, rồi đến lượt nó lại tác động lên cán cân chính trị và quân sự.
Trong cuốn sách, Paul Kennedy đã đưa ra dự báo về vị thế của một số quốc gia vào thời điểm cuối thế kỷ 20. Đáng chú ý trong đó là dự báo Trung Quốc sẽ tham gia vào đội ngũ các siêu cường dù còn một chặng đường dài, nhưng nước này đang trên đà phát triển nhanh nhất.
Báo Zing|Minh Châu|