Hoàng Hậu Đỏ – Tình dục và sự tiến hóa của bản tính con người

 Bằng những công cụ sắc bén của bộ môn sinh học xã hội, trong cuốn sách “Hoàng Hậu Đỏ”, tác giả Matthew White Ridley đã dẫn dắt người đọc đi sâu tìm hiểu bản chất của bản tính người. Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được chính mình nếu chúng ta không hiểu bản tính người đã tiến hóa ra sao, và không thể hiểu nó tiến hóa ra sao nếu không hiểu tình dục ở loài người đã phát triển như thế nào.
Hoàng Hậu Đỏ - Tình dục và sự tiến hóa của bản tính con người

Tại sao lại là Hoàng Hậu Đỏ? Khái niệm này được tác giả dựa theo tên một quân cờ mà Alice gặp trong truyện Thế giới trong gương. Hoàng Hậu Đỏ là nhân vật cứ chạy mải miết không nghỉ mà vẫn không tiến được bao xa vì cảnh vật xung quanh cũng di chuyển cùng với nó. Đây là một ý tưởng ngày càng có ảnh hưởng trong thuyết tiến hóa và ta sẽ gặp lại nó nhiều lần xuyên suốt cuốn sách này. Bạn chạy càng nhanh, thế giới chuyển động cùng bạn càng nhanh và tiến bộ mà bạn đạt được càng ít. Cuộc đời là một cuộc thi đấu cờ mà nếu bạn thắng ván này thì đến ván sau bạn phải chấp đối thủ một con tốt.

Trong thế giới của Hoàng hậu Đỏ, bất kỳ quá trình tiến hóa nào cũng chỉ mang tính tương đối chừng nào kẻ thù của bạn còn sống và hoạt động và phụ thuộc nhiều vào bạn hoặc bị tác động nặng nề nếu bạn tiến lên, giống chuyện hải cẩu và gấu trắng.

Quy tắc Hoàng Hậu Đỏ sẽ thể hiện hết sức rõ rệt trong quan hệ giữa thú săn mồi và con mồi, giữa những vật ký sinh và vật chủ, giữa con đực và con cái của cùng một loài. Mọi sinh vật trên Trái Đất đều tham gia vào cuộc thi đấu cờ theo quy tắc Hoàng Hậu Đỏ với những vật ký sinh (hay vật chủ) của mình, với những con thú săn mồi (hay con mồi) của mình, và trên hết, với bạn tình của mình.

Cuốn sách “Hoàng Hậu Đỏ” gồm 10 chương, chia nội dung làm 2 phần tiến hóa và bản tính người: Ba phần đầu tiên của cuốn sách này là nói về tiến hóa, vì hiểu biết nền tảng về tiến hóa là quan trọng.

Đi sâu vào những chủ đề căn cốt, các phần sau giải đáp hàng tá các thắc mắc rất thực tế trong xã hội về bản tính người. Rất nhiều điều chúng ta xem là hiển nhiên và không hề bận tâm suy nghĩ lại được lý giải một cách hấp dẫn dựa trên kiến thức sinh học tiến hóa như: Về sự khác biệt giữa giới tính nam và nữ; Bản chất tình dục ở loài người, tình dục đồng giới; Bản tính đàn ông và chế độ đa thê; Bản tính nữ và chế độ một vợ một chồng; Hay tại sao đàn ông giàu có lại kết hôn với phụ nữ xinh đẹp? Tại sao con người không sinh sản vô tính?

Tại sao vòng eo lại quan trọng?

Câu trả lời cho câu hỏi này có thể nằm trong nghiên cứu của nhà tâm lý học người Ấn Độ tên là Dev Singh, hiện đang làm việc tại Đại học Texas ở Austin. Ông quan sát thấy cơ thể phụ nữ, không giống như đàn ông, trải qua hai lần thay đổi đáng chú ý giữa tuổi dậy thì và trung niên. Mười tuổi, một cô bé có dáng người không khác với dáng người cô có ở tuổi 40. Sau đó, đột nhiên các con số về số đo quan trọng của cô bị thay đổi: Tỉ lệ số đo vòng eo so với vòng ngực và hông của cô giảm đi nhanh chóng. Sau tuổi 30, nó lại tăng lên khi ngực cô mất đi sự săn chắc và vòng eo mất đi sự thon thả. Tỉ lệ của vòng eo so với ngực và hông không chỉ là những con số quan trọng mà còn là đặc điểm mà thời trang luôn nhấn mạnh đến. Áo lót, áo nịt ngực, vòng làm phồng váy, khung lót áo và váy phồng tồn tại để làm cho vòng eo trông nhỏ hơn so với ngực và mông. Áo ngực, miếng ghép độn ngực, miếng đệm vai (làm cho vòng eo trông nhỏ hơn) và thắt lưng bó sát ngày nay cũng có nhiệm vụ tương tự.

Singh nhận thấy rằng mặc dù cân nặng của các cô gái Playboy đã thay đổi, có một đặc điểm thì không: tỉ lệ giữa vòng eo và vòng hông của họ. Hãy nhớ lại rằng Bobbi Low tại Đại học Michigan cho rằng mỡ ở ngực và mông bắt chước xương hông rộng và lượng mô vú cao, trong khi vòng eo gầy chỉ ra rằng những đặc điểm đó không thể là do mỡ gây ra. Lý thuyết của Singh hơi khác biệt nhưng cũng tương đồng một cách thú vị. Ông lập luận rằng, đàn ông sẽ thấy phụ nữ với gần như cân nặng nào cũng hấp dẫn miễn là vòng eo của cô ấy nhỏ hơn nhiều so với hông.

Nếu thấy điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn, hãy xem xét kết quả thí nghiệm của Singh. Đầu tiên, ông cho những người đàn ông xem bốn phiên bản của cùng một bức ảnh về phần giữa cơ thể của một phụ nữ trẻ mặc quần short. Mỗi bức ảnh được thay đổi chút ít tỉ lệ giữa eo và hông: 0:6; 0:7; 0:8 và 0:9. Lần nào cũng vậy, họ đã chọn phiên bản hấp dẫn nhất là phiên bản có tỉvòng eo nhỏ nhất. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng ông đã thấy một sự nhất quán đáng chú ý giữa các đối tượng nghiên cứu của mình. Tiếp theo, ông cho các đối tượng nghiên cứu xem một loạt các hình vẽ phụ nữ, thay đổi theo cân nặng và theo tỉ lệ giữa eo và hông. Ông thấy rằng một người phụ nữ nặng cân với tỉ lệ eo và hông thấp được ưa thích hơn một phụ nữ gầy với tỉ lệ eo và hông cao. Hình mẫu lý tưởng là người có tỉ lệ eo và hông nhỏ nhất chứ không phải là người có thân hình gầy nhất.

Mối quan tâm của Singh là về chứng chán ăn, những kẻ bắt nạt và phụ nữ bị ám ảnh bởi việc giảm cân ngay cả khi họ gầy. Ông tin rằng vì việc ăn kiêng của phụ nữ gầy không có tác dụng gì đối với tỉ lệ vòng eo và hông – nếu có thì nó làm cho tỉ lệ này lớn hơn vì hông bị thu nhỏ lại – họ bất hạnh vì không bao giờ cảm thấy mình hấp dẫn hơn.

Hoàng Hậu Đỏ – Matthew White Ridley

Cuốn sách này còn đưa bạn đến một thuyết đáng ngạc nhiên là bản thân trí tuệ con người cũng là một sản phẩm của chọn lọc hữu tính thay vì chọn lọc tự nhiên, vì hầu hết các nhà nhân học tiến hóa giờ đây cho rằng bộ não lớn đóng góp vào thành công sinh sản hoặc bằng cách giúp cho đàn ông khôn ngoan hơn và mưu mô hơn những người đàn ông khác (và phụ nữ khôn ngoan hơn và mưu mô hơn những người phụ nữ khác), hoặc bởi vì bộ não lớn ban đầu được dùng để ve vãn và quyến rũ các thành viên của giới kia.

Được viết nhằm cung cấp kiến thức đến phổ thông đại chúng nên không cần phải là người có chuyên môn về sinh học hay di truyền học mới có thể tác phẩm này. Về cơ bản, nếu bạn yêu thích khoa học, sinh học và di truyền học, đây là một cuốn sáchh thú vị dành cho bạn.

Nguồn: Ngày nay

Không có từ khóa

Bài viết liên quan

Top