Chúng ta đã hiểu sai Machiavelli.
Omega Plus Books
Thứ Sáu,
18/07/2025
3 phút đọc
Nội dung bài viết
Lần đầu tôi đọc The Prince là hồi học cấp ba ở Thuỵ Điển. Mượn được cuốn sách mỏng tang từ thư viện, tôi cứ nghĩ mình sắp bước vào thế giới của một kẻ chuyên xúi giục đầy thủ đoạn và tàn nhẫn. Vì cái tên Machiavelli, trong đầu tôi lúc đó đồng nghĩa với mưu mô, máu lạnh, chính trị kiểu "đâm sau lưng".
Nhưng càng đọc, càng lớn, càng sống và chiêm nghiệm nhiều, tôi càng nhận ra: chúng ta đã hiểu sai vị triết gia này. Machiavelli chưa bao giờ khuyến khích cái ác. Ông chỉ là một trong số rất ít người dám nhìn thẳng vào sự thật của đời sống chính trị, không tô vẽ, không nói đạo lý suông.
Ông không nói ta nên tàn nhẫn, mà nói rằng nếu buộc phải ra tay thì hãy làm dứt khoát, một lần, rồi chấm dứt, vì kéo dài nỗi đau chỉ làm người ta thù dai. Ông không dạy ta lừa lọc, nhưng nhắc rằng thiện chí không đủ để sống sót trong một thế giới mà người khác có thể không chơi đẹp. Và ông không phủ nhận các giá trị đạo đức, chỉ nhắc ta rằng đạo đức không có nghĩa lý gì nếu không có quyền lực để thực thi và đảm bảo nó được tôn trọng.
Đọc kỹ hơn sẽ thấy Machiavelli là người thấu hiểu tâm lý con người: sự ám ảnh của nỗi sợ, sự mong manh của danh tiếng, tầm quan trọng của bề ngoài, và cái giá của sự ngây thơ. Ông dạy người ta rằng:
– Trong chính trị (và đôi khi trong đời sống), cảm nhận của người khác về bạn quan trọng hơn con người thật của bạn.
– Thành ý không bảo vệ được bạn, chỉ có năng lực và chiến lược mới làm được điều đó.
– Nếu bạn đang muốn thay đổi trật tự sẵn có, hãy chuẩn bị kỹ, ra tay thật nhanh và quyết đoán, vì những người đang hưởng lợi từ cái chế độ cũ sẽ chống cự quyết liệt.
- Nếu vừa được yêu mến, vừa được kính sợ thì hoàn hảo. Nhưng nếu buộc phải chọn 1 trong 2, thì để người khác phải kính sợ mình là lựa chọn an toàn hơn cả.
Tôi nghĩ Machiavelli hứng chịu sự căm ghét vì ông nói ra những điều đa số hiểu trong lòng nhưng không muốn nghe, không muốn chấp nhận. Và dĩ nhiên ông không phải là thần tượng của những người muốn tin rằng “cứ sống tốt thì mọi thứ sẽ ổn”.
Nhưng cuộc đời sớm muộn sẽ chứng minh rằng: không phải người tốt hơn, tử tế hơn lúc nào cũng thắng, mà là người nắm rõ quy luật của trò chơi quyền lực, thấu hiểu bản chất con người, và hành động quyết đoán đúng lúc. Lòng tốt cần đi kèm vài phần sắc sảo.
Machiavelli viết cuốn Quân Vương không phải để dạy ta chơi "dơ". Ông chỉ muốn chúng ta bớt ngây thơ đi. Và nếu hiểu đúng, sẽ thấy đọc Machiavelli không khiến ta xấu đi mà chỉ giúp mình bớt bị tổn thương khi đặt kỳ vọng vào nhầm chỗ. Và tôi thì luôn tin rằng người ít bị tổn thương sẽ hiếm khi gây tổn thương cho những người xung quanh. Vậy là thế giới sẽ tươi đẹp hơn!
-Ngô Di Lân-