Cuộc chiến kim loại hiếm - Nỗi trăn trở của người trong cuộc
Omega Plus Books
Thứ Hai,
07/07/2025
4 phút đọc
Nội dung bài viết
Một quyển sách chạm đến niềm trăn trở vì bản thân là người đang làm việc về môi trường.
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: "Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là lựa chọn bắt buộc, con đường duy nhất để đưa đất nước phát triển." Câu nói này không chỉ nhấn mạnh vai trò then chốt của khoa học – công nghệ mà còn gợi mở một yếu tố nền tảng phía sau: đó là phát triển và làm chủ công nghệ lõi, muốn như vậy thì cần nguồn cung nguyên liệu thiết yếu, đặc biệt là kim loại hiếm – "mạch máu" của công nghệ hiện đại.
Kim loại hiếm, hay còn gọi là đất hiếm, là nhóm nguyên tố hóa học như lanthanum, cerium, neodymium, europium… Tuy tên là "hiếm", nhưng thực ra chúng không quá hiếm trong vỏ Trái đất. Điều khiến chúng trở nên đặc biệt hay hiếm chính là việc khai thác, tinh chế chúng thường khó khăn, phức tạp, tốn kém và tính ứng dụng rộng rãi và không thể thay thế trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao – từ sản xuất điện thoại, laptop, ô tô điện, pin mặt trời cho đến các thiết bị quốc phòng.
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, khi mọi thứ đều hướng đến công nghệ số và năng lượng sạch, nhu cầu về kim loại hiếm tăng cao chưa từng có. Quốc gia nào nắm giữ được nguồn cung ổn định, quốc gia đó có cơ hội vươn lên mạnh mẽ cả về kinh tế lẫn vị thế toàn cầu.
Tuy nhiên, cuộc đua giành quyền kiểm soát kim loại hiếm đang ngày càng khốc liệt. Hiện nay, Trung Quốc là nước chiếm ưu thế tuyệt đối trong khai thác và cung ứng đất hiếm. Điều này khiến nhiều nước khác lo ngại và phải gấp rút tìm giải pháp thay thế – từ phát triển công nghệ tái chế đến tìm kiếm mỏ mới ở các quốc gia khác. Mỹ, Nhật Bản và EU đang đầu tư rất mạnh vào lĩnh vực này nhằm giảm phụ thuộc vào một nguồn duy nhất.
Mặt khác, việc khai thác kim loại hiếm cũng đặt ra không ít vấn đề về môi trường và xã hội. Quy trình khai thác thường gây ô nhiễm đất, nước và không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân địa phương. Do đó, phát triển ngành công nghiệp đất hiếm một cách bền vững, có trách nhiệm và thân thiện với môi trường là điều vô cùng quan trọng.
Kim loại hiếm không chỉ là nguồn tài nguyên quan trọng, mà còn là "chìa khóa" mở ra cánh cửa phát triển cho cả nền kinh tế và công nghệ quốc gia. Muốn bứt phá trong kỷ nguyên mới, Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu, khai thác và ứng dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này, đồng thời đảm bảo yếu tố bền vững trong mọi khâu.
Chốt lại, ai cũng hiểu rằng năng lượng hóa thạch chỉ là giải pháp ngắn hạn và gây ô nhiễm môi trường. Việc thay thế bằng năng lượng được gọi là "xanh" thì liệu có thật sự "xanh" hay chỉ "giả xanh"?
Ai cũng được nghe túi giấy, ống hút giấy sẽ thân thiện với môi trường nhưng đâu phải ai cũng biết để tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường đó thì đã phát thải ra những gì?
Ta thường nghe xe điện bảo vệ môi trường do động cơ điện không xả thải như động cơ nhiên liệu lỏng. Nhưng để sản xuất ra một chiếc xe điện với nhiều công nghệ hiện đại thì mặt trái của nó là gì?
Lợi ích trước mắt ai cũng thấy do nó được làm nổi bật, còn mặt trái thì ít ai đề cập đến. Tất cả sẽ có trong quyển sách này mọi người ơiiiiii
- Đoàn Long Hồ-