Khi Sông Đà kể chuyện: Lịch sử, quyền lực và những lãnh chúa vùng cao
Omega Plus Books
Thứ Tư,
23/07/2025
8 phút đọc
Nội dung bài viết
“... Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại, réo to mãi lên. Tiếng thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng.”
Nếu bạn đã từng thuộc lòng đoạn văn kinh điển này của Nguyễn Tuân trong Người lái đò sông Đà, chắc hẳn trong bạn cũng từng có những rung động khó quên về con sông dữ dội, hùng vĩ và thiêng liêng ấy. Cũng như tôi, có lẽ bạn từng tự hỏi: Bên ngoài văn chương, Sông Đà còn ẩn chứa những câu chuyện lịch sử nào chưa được kể hết?
Câu trả lời phần nào được giải mã trong cuốn sách Sông Đà – Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam, bản dịch tiếng Việt từ công trình nghiên cứu đồ sộ của nhà sử học người Pháp Philippe Le Failler (La Rivière Noire: L’intégration d’une marche frontière au Vietnam), do OMEGA+ và NXB Hồng Đức ấn hành.
Ngay trong phần mở đầu, tác giả đã khẳng định quan điểm làm sử rất hiện đại khi dẫn lại lời nhà Đông phương học Paul Mus: “Lịch sử phải được khai sinh từ những quan điểm đầy rẫy thông tin mâu thuẫn”. Đây không phải là một cuốn sách kể chuyện lịch sử thông thường, mà là một chuyên khảo – nơi người đọc sẽ theo chân tác giả như một cuộc khám phá địa lý chính trị, xã hội, tộc người đầy gay cấn và nhiều tầng lớp.
Điểm hấp dẫn đầu tiên chính là cách tác giả "nhân cách hóa" dòng sông – để sông Đà trở thành người dẫn chuyện, soi chiếu quá trình hình thành, biến chuyển và hòa nhập của một vùng đất từng là “biên cảnh” – nơi mà những mô hình chính quyền ở đồng bằng không thể vươn tới. Ở đó, ta gặp những "vương quốc" sơn cước thu nhỏ, những "thị tộc lãnh chúa" tồn tại dai dẳng như một cách ứng xử đặc thù với địa hình hiểm trở và lịch sử xung đột.
Trong số các nhân vật lịch sử, nổi bật nhất là chân dung đầy tranh cãi của Đèo Văn Trì – thủ lĩnh người Thái Trắng. Vừa là một “chúa Thái” với ảnh hưởng sâu rộng, vừa là một “lãnh chúa biên viễn” từng bắt tay với thực dân Pháp, ông là biểu tượng cho sự giao thoa – thậm chí giằng xé – giữa truyền thống bản địa và các thế lực chính trị thời cận đại. Những chi tiết như ông “không biết đọc tiếng Thái” hay dinh thự mang phong cách Trung Hoa gợi lên nhiều suy nghĩ về căn tính, sự lai ghép và quyền lực văn hóa.
Một điểm đặc sắc nữa của tác phẩm là sự hòa quyện của ba dòng sử liệu chính: (1) các ghi chép của Auguste Pavie – nhà thám hiểm người Pháp từ hướng Lào, (2) các cuộc khảo sát dọc sông Hồng trong quá trình chinh phục thuộc địa, và (3) những nghiên cứu về biên giới với Trung Quốc. Như ba nhánh sông gặp nhau ở hạ lưu, các dòng tư liệu này hợp thành một bản đồ lịch sử sinh động và nhiều lớp lang.
“Sông Đà – Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam” không đơn thuần là một công trình nghiên cứu. Nó là lời mời gọi độc giả bước vào một không gian lịch sử giàu chất sử thi, nơi những dòng sông chảy tràn ký ức, nơi các dân tộc, quyền lực và biên giới hòa quyện vào nhau để làm nên bản sắc vùng cao phía Bắc – một phần máu thịt của đất nước Việt Nam.
Nếu bạn yêu thích sử Việt, đam mê tìm hiểu về các tộc người, hoặc đơn giản chỉ muốn đi xa hơn những gì văn học đã mô tả về sông Đà – đây là cuốn sách dành cho bạn.
- Nguyễn Trần Hải Đăng -