"Lịch sử Mỹ thuật Trung Hoa" - cánh cửa mở ra thế giới mỹ thuật Á Đông
Omega Plus Books
Thứ Tư,
25/06/2025
14 phút đọc
Nội dung bài viết
Tình cờ lần đầu mở trang sách Lịch sử Mỹ thuật Trung Hoa của tác giả Dường Kỳ, do Nguyễn Tuệ Minh dịch, tôi bị cuốn hút ngay bởi câu chuyện về Trịnh Tư Tiêu, một họa sĩ thời Nguyên với nỗi lòng đau đáu trước cảnh nước mất nhà tan. Ông gửi gắm nỗi buồn và niềm phẫn uất vào những bức tranh hoa lan vẽ bằng mực – "mặc lan". Những bông lan của ông không có rễ, không có đất, như một ẩn dụ cho sự mất gốc, mất nước. Khi được hỏi: "Đất trồng lan đâu rồi?", ông lạnh lùng đáp: "Đất bị kẻ ngoại bang cướp mất, ông không biết sao?". Câu chuyện ấy không chỉ là nỗi lòng của một nghệ sĩ, mà còn là tinh thần bất khuất của văn nhân quân tử trước thời cuộc.
Lôi cuốn như một thuật chú huyền bí, tôi nhận ra mỹ thuật Trung Hoa không đơn thuần là những nét vẽ, mà là sự kết tinh của triết lý phương Đông sâu sắc. Từ "hình tự" (hình dáng bề ngoài) đến "thần tự" (tinh thần bên trong), rồi "tâm họa" (nội tâm người nghệ sĩ), mỗi thời kỳ đều mang dấu ấn riêng, nhưng đều thấm đẫm tư tưởng Nho - Phật - Đạo. Dưới đây là những thời kỳ khiến tôi ấn tượng nhất:
1. Thời Tần với tham vọng thâu tóm tri thức
Thời Tần (221 – 206 TCN) đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử Trung Hoa khi Tần Thủy Hoàng thống nhất sáu nước, thiết lập đế chế phong kiến tập quyền đầu tiên. Nghệ thuật thời kỳ này không đơn thuần là sáng tạo thẩm mỹ, mà trở thành công cụ khẳng định quyền uy tối thượng của hoàng đế, đồng thời thể hiện khát vọng vĩnh hằng của con người trước cái chết.
Một trong những chi tiết đặc biệt được nhắc đến là thói quen của Tần Thủy Hoàng khi ông cho di dời và tái dựng các cung điện của những nước bị chinh phạt về kinh đô Hàm Dương, nối dài cung A Phòng tráng lệ. Hành động này, thoạt nghe có vẻ chỉ là sự phô trương quyền lực, nhưng khi suy xét kỹ hơn, nó lại mang một ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều trong bối cảnh lịch sử mỹ thuật và văn hóa.
Trong lịch sử phương Tây, khái niệm "cabinet of curiosities" (tủ kỳ vật) xuất hiện từ thời Phục Hưng, là nơi các nhà sưu tầm quý tộc trưng bày những vật phẩm độc đáo, kỳ lạ từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả các tác phẩm nghệ thuật, hiện vật tự nhiên và các công cụ khoa học. Những tủ kỳ vật này được coi là tiền thân của các bảo tàng hiện đại, nơi tri thức và vẻ đẹp được tập hợp và phân loại để nghiên cứu, chiêm ngưỡng. Quay trở lại thời Tần, hành động của Tần Thủy Hoàng, dù không mang mục đích học thuật thuần túy như những tủ kỳ vật phương Tây, lại có những nét tương đồng đáng kinh ngạc. Ông tập hợp những kiến trúc tiêu biểu, những biểu tượng quyền lực và vẻ đẹp của các nước chư hầu về một mối, biến chúng thành một phần của kiến đô Hàm Dương. Đây không chỉ là sự tái tạo vật lý mà còn là một hình thức "tập hợp bảo tàng" theo kiểu đế quốc, nơi những tinh hoa văn hóa của các nền văn minh khác được "thu nạp" vào trung tâm quyền lực mới.
Từ một góc độ, việc tái hiện lại những kiến trúc biểu tượng của các vùng đất đã bị chinh phục không chỉ thể hiện sự xâm chiếm toàn vẹn về mặt lãnh thổ mà còn phô bày tham vọng thâu tóm tri thức, văn hóa và sức mạnh sáng tạo của cả thiên hạ. Đó là một cách thức đặc biệt để khẳng định uy quyền tuyệt đối, biến những tinh hoa của các quốc gia bại trận thành một phần của đế chế hùng mạnh, và đồng thời, giữ gìn một cách độc đáo những di sản kiến trúc, dù là dưới hình thức tái tạo. Mỗi cung điện được xây dựng lại là một lời tuyên bố về sự chiến thắng, về việc Tần Thủy Hoàng không chỉ chinh phục đất đai mà còn kiểm soát cả di sản văn hóa và tinh thần của các đối thủ. Tần Thủy Hoàng còn đi xa hơn khi biến cung điện của mình thành một vũ trụ thu nhỏ: cầu bắc qua sông Vị được ví như dải Ngân Hà, các cung điện tương ứng với chòm sao trên trời – một cách "áp đặt trật tự" lên cả vũ trụ.
Ngoài ra, việc tập trung nguồn lực khổng lồ để xây dựng các công trình kiến trúc đồ sộ như cung A Phòng hay Lăng mộ Tần Thủy Hoàng với đội quân đất nung không chỉ thể hiện khả năng tổ chức và sức lao động phi thường của thời đại mà còn là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của kỹ thuật và nghệ thuật điêu khắc. Những bức tượng binh lính, ngựa, và các vật phẩm tùy táng trong lăng mộ không chỉ chân thực về hình dáng mà còn thể hiện một trình độ thẩm mỹ cao, mỗi khuôn mặt mang một biểu cảm riêng, thể hiện sự chú trọng đến từng chi tiết nhỏ nhất.
Như vậy, thời Tần không chỉ là giai đoạn của những cuộc chiến tranh thống nhất mà còn là thời kỳ của sự bùng nổ trong lĩnh vực kiến trúc và điêu khắc, nơi tham vọng của một vị hoàng đế đã thúc đẩy sự sáng tạo nghệ thuật đến một tầm cao mới, đồng thời tạo ra những tiền đề cho sự phát triển của mỹ thuật Trung Hoa trong các triều đại sau này. Cuốn sách đã thành công trong việc khắc họa rõ nét bức tranh ấy, khiến người đọc không khỏi kinh ngạc trước sự vĩ đại và cũng đầy bí ẩn của thời đại này.
2. Thời Đường với sơn thủy họa và công bút hoa điểu họa
Sau thời Tần đầy tham vọng và uy quyền, và những biến động của các triều đại Hán, Ngụy, Tấn, Nam Bắc Triều, mỹ thuật Trung Hoa bước vào kỷ nguyên vàng son dưới thời Đường. Đây là giai đoạn mà sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội đạt đến đỉnh cao, tạo tiền đề vững chắc cho một nền mỹ thuật rực rỡ, đặc biệt là sự thăng hoa của sơn thủy họa và công bút hoa điểu họa, phản ánh triết lý nhân sinh sâu sắc về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên.
Sơn thuỷ họa (tranh phong cảnh) dưới thời Đường không còn là những bức vẽ phong cảnh đơn thuần nhằm mục đích trang trí hay ghi lại khung cảnh tự nhiên. Nó đã vươn lên trở thành một thể loại nghệ thuật mang tính triết lý sâu sắc, phản ánh quan niệm của người Trung Hoa về vũ trụ, về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Các họa sĩ sơn thủy không chỉ vẽ núi non, sông nước, cây cối, mà còn gửi gắm vào đó những tư tưởng của Đạo giáo và Nho giáo. Vương Duy, thi nhân kiêm họa sĩ tài hoa, là người tiên phong đưa thủy mặc (tranh mực nước) vào nghệ thuật, tạo nên phong cách đậm chất thiền. Những bức tranh của ông không đơn thuần miêu tả cảnh vật mà còn gửi gắm tâm tư, như tác phẩm Giang Can tuyết tễ đồ – nơi những ngọn núi phủ tuyết hòa quyện với sông nước mênh mông, gợi lên sự tĩnh lặng vĩnh hằng.
Cùng với sơn thủy họa, công bút hoa điểu họa cũng được định hình dưới thời Đường. Khác với sơn thủy tập trung vào đại cảnh, hoa điểu họa lại chú trọng vào những chi tiết nhỏ bé nhưng tinh tế của thế giới tự nhiên: từng cánh hoa, chiếc lá, lông chim, hay ánh mắt của loài vật. "Công bút" thể hiện sự tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng nét vẽ, từng mảng màu, đòi hỏi kỹ thuật bậc thầy và sự quan sát tinh tường của người họa sĩ.
Mỗi bông hoa, mỗi loài chim trong công bút hoa điểu hoạ không chỉ đơn thuần là tái hiện vẻ đẹp tự nhiên mà còn mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc. Hoa mẫu đơn tượng trưng cho sự phú quý, chim hạc tượng trưng cho sự trường thọ, hoa sen tượng trưng cho sự thanh khiết. Các họa sĩ không chỉ vẽ lại hình dáng mà còn truyền tải cái "thần" của chúng – cái linh hồn và tính cách đặc trưng của mỗi loài. Kỹ thuật chồng lớp màu, phác thảo chi tiết, và tạo độ sâu cho từng vật thể đã tạo nên những tác phẩm sống động, có hồn, khiến người xem như có thể cảm nhận được hương thơm của hoa hay tiếng hót của chim.
Hàn Cán, danh họa nổi tiếng với tranh ngựa, từng tuyên bố: "Con ngựa trong chuồng ngựa của bệ hạ chính là thầy của thần", nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học hỏi từ đời sống. Những bức tranh như Chiếu Dạ Bạch đồ của ông không chỉ chân thực đến từng sợi lông mà còn lột tả được thần thái dũng mãnh của loài vật – một minh chứng cho triết lý "truyền thần"(tả được cái hồn của đối tượng).
Điều làm nên sự độc đáo của nghệ thuật thời Đường chính là cách nó phản ánh tinh thần của thời đại. Đây là giai đoạn Trung Hoa mở cửa giao lưu với thế giới bên ngoài, tiếp thu nhiều yếu tố văn hóa từ Ba Tư, Ấn Độ, qua đó tạo nên một phong cách nghệ thuật vừa uyển chuyển vừa phóng khoáng. Tranh tượng Phật giáo tại hang đá Đôn Hoàng với những đường nét mềm mại và sắc màu rực rỡ là ví dụ điển hình cho sự giao thoa này.
3. Thời Nguyên - Tiếng lòng của kẻ sĩ trong bóng tối ngoại bang
Sau sự huy hoàng của nhà Đường và những biến động của Ngũ Đại Thập Quốc, nhà Tống với sự phát triển mạnh mẽ về văn hóa và triết học, mỹ thuật Trung Hoa lại bước vào một chương mới đầy bi thương dưới sự cai trị của triều Nguyên (1271 – 1368). Dưới ách thống trị của chế độ ngoại bang, giới trí thức Hán tộc đứng trước nghịch cảnh bi hùng: vừa muốn bảo tồn văn hóa dân tộc, vừa phải tìm cách tồn tại. Chính trong hoàn cảnh ấy, tả ý hoa điểu họa – dòng tranh dùng nét bút phóng khoáng để gửi gắm tâm sự – đã trở thành vũ khí tinh thần của tầng lớp Nho sĩ.
Các họa sĩ tả ý hoa điểu thường chọn những đối tượng mang tính biểu tượng như lan, trúc, cúc, mai – tứ quân tử. Trịnh Tư Tiêu, cựu thần nhà Tống, vẽ những bông lan không rễ lơ lửng giữa không trung – ẩn dụ cho thân phận lưu vong của mình. Còn Vương Miện thì chọn hoa mai – loài hoa nở giữa mùa đông giá rét – làm biểu tượng cho khí tiết. Trong bức Mặc mai đồ, ông viết: "Chỉ lưu thanh khí mãn càn khôn" (Giữ trọn khí thiêng khắp trời đất), biến bức tranh thành tuyên ngôn về lòng trung kiên. Trúc tượng trưng cho khí tiết thanh cao, bất khuất; cúc tượng trưng cho sự ẩn dật, không màng danh lợi. Cứ thế, những hình ảnh này không chỉ là cây cối, hoa lá đơn thuần, mà là hóa thân của tinh thần bất phục, của nỗi buồn ly loạn và khao khát độc lập của giới trí thức. Những nét bút nhanh, mạnh, mực đậm nhạt biến hóa linh hoạt đã lột tả được cái "thần" của đối tượng, đồng thời phơi bày tâm trạng chất chứa của người vẽ.
Kỹ thuật "mặc đạm" (mực nhạt) trở thành đặc trưng, như cách Ngạc Ước miêu tả: "Vẽ núi không cần màu, để mây trắng làm hồn tranh". Những bức tranh chỉ với vài nét chấm phá nhưng gợi được cái thần thái siêu thoát, như bức Phú Xuân sơn cư đồ của Hoàng Công Vọng – nơi người xem thấy cả một trời tâm sự qua khoảng trống mênh mông giữa núi và nước.
Sự sáng tạo này không tồn tại lâu. Khi nhà Minh lên nắm quyền, Chu Nguyên Chương thẳng tay đàn áp phong cách nghệ thuật thời Nguyên, coi đó là biểu hiện của tư tưởng phản kháng. Nhiều kiệt tác bị thiêu hủy, các họa sĩ như Vương Mông bị xử tử. Nhưng chính sự khắc nghiệt ấy lại khiến nghệ thuật thời Nguyên trở thành bản anh hùng ca thầm lặng – minh chứng cho sức mạnh của cái đẹp trong những thời khắc đen tối nhất lịch sử.
Thời Nguyên để lại một di sản nghệ thuật độc nhất vô nhị: đó không phải là những tác phẩm ca ngợi quyền lực, mà là tiếng nói của những con người dám dùng cọ vẽ để bảo vệ phẩm giá dân tộc. Như câu thơ của Vương Miện: "Bất yếu nhân khoa hảo nhan sắc" (Không cần người khen sắc đẹp) – giá trị đích thực của nghệ thuật nằm ở chỗ nó chất chứa tâm hồn người sáng tạo, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Thay lời kết
Cuốn sách Lịch sử Mỹ thuật Trung Hoa: Truyền thống thẩm mỹ và di sản nghệ thuật qua 5000 năm không chỉ là câu chuyện về nghệ thuật, mà còn là tấm gương phản chiếu tư tưởng và thời cuộc. Mỗi thời kỳ đều có những nghệ sĩ dùng cọ vẽ để thể hiện "thần" (tinh thần) và "tâm" (nội tâm), từ Cố Khải Chi đời Đông Tấn hay Tô Thức thời Tống, cho đến các nghệ sĩ thời nhà Nguyên “không còn nước để yêu, không còn vua để trung thành, cuộc sống khốn khổ, tinh thần bi quan, tương lai vô vọng”, nhưng các tác phẩm hội họa “hoàn toàn không có giết hại, không có chết chóc, không có đồ máu, mà chỉ có trăng thanh gió mát, nước non hữu tình, mai lan trúc cúc.”
Cuốn sách này xứng đáng là cánh cửa mở ra thế giới mỹ thuật Á Đông, nơi mỗi nét bút đều ẩn chứa triết lý sống. Dù bạn là người yêu hội họa, lịch sử, hay triết học, Lịch sử Mỹ thuật Trung Hoa đều mang đến những trải nghiệm sâu sắc và đầy cảm xúc. Cuốn sách còn có phần mục từ tra cứu ở cuối sách, khiến việc hệ thống qua từng thời kỳ, cũng như học hỏi thêm về các định nghĩa, thể loại, tư tưởng trong hội họa Trung Quốc trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Sách được phát hành bởi Omega Plus.
Nguyễn Tú Hằng - Hanoi Grapevine