[Review] - Một vài suy nghĩ phản tư khi đọc "Cuộc chiến kim loại hiếm"

Omega Plus Books
Thứ Bảy, 31/05/2025 4 phút đọc
Nội dung bài viết

Một vài suy nghĩ phản tư khi đọc "Cuộc chiến kim loại hiếm"

Khi nhắc đến phát triển bền vững hay năng lượng tái tạo, phần lớn chúng ta thường hình dung đến những hình ảnh tích cực: cánh đồng điện mặt trời lấp lánh, tua-bin gió quay giữa trời xanh, hay những chiếc xe điện lướt êm trong thành phố hiện đại. Trong những cuộc thảo luận học thuật hay truyền thông đại chúng, "xanh" gần như đồng nghĩa với "tốt". Nhưng rồi có những thời điểm ta phải dừng lại và tự hỏi: liệu mọi điều được gắn nhãn “bền vững” có thực sự vô hại như ta nghĩ?

Chính trong bối cảnh đó, cuốn sách Cuộc chiến kim loại hiếm của Guillaume Pitron đến như một sự tỉnh thức. Nếu "tăng trưởng xanh", "đổi mới công nghệ", hay "cách mạng năng lượng tái tạo" từng là những ánh sáng cuối đường hầm, thì Pitron khiến ta giật mình khi nhận ra: đôi khi chính những ánh sáng đó lại đến từ những hố sâu khác: những hố mỏ, vùng đất bị đầu độc, và cả những ảo tưởng nguy hiểm về "sự tiến bộ".

Cuốn sách không đơn thuần là một khảo sát địa chính trị hay phơi bày các hoạt động khai thác đất hiếm. Nó đặt ra một câu hỏi cốt lõi mà tôi từng đau đáu khi viết bài khóa luận tốt nghiệp vài năm trước về chủ đề “The fairy tale of green growth” (tạm dịch: Ảo tưởng về tăng trưởng xanh): Liệu có thực sự tồn tại một con đường phát triển kinh tế mà không làm tổn thương môi trường?

Pitron không trả lời thẳng. Nhưng anh chỉ ra rằng, để xây dựng một thế giới "xanh", ta cần một lượng lớn các nguyên tố hiếm như lithium, cobalt, neodymium – thứ chỉ có thể khai thác ở những vùng đất xa xôi, bằng những công nghệ gây ô nhiễm khủng khiếp. Trong khi các nước phát triển tự hào về việc "giảm phát thải", họ đang âm thầm đẩy toàn bộ gánh nặng vật chất như khai thác, ô nhiễm, bệnh tật sang các quốc gia nghèo hơn.

Điều này gợi tôi nhớ đến khái niệm “tách rời kinh tế với tổn hại môi trường” (decoupling) mà tôi từng đọc và phân tích. Về lý thuyết, ta có thể tạo ra của cải mà không làm hại đến hành tinh. Nhưng Pitron, và cả thực tiễn sản xuất năng lượng "xanh", cho thấy rằng đó có thể là một sự ngụy biện nguy hiểm: "xanh" không miễn nhiễm với bẩn.

Một ví dụ điển hình là xe điện. Thay vì giải phóng ta khỏi nhiên liệu hóa thạch, chúng tạo ra nhu cầu khổng lồ về pin lithium – thứ mà quá trình khai thác, tinh chế và vận chuyển cũng xả ra hàng triệu tấn CO2, chưa kể đến những hậu quả môi trường không thể phục hồi ở Bolivia, Trung Quốc hay Cộng hòa Dân chủ Congo. Cũng giống như hiện tượng “rebound effect” mà tôi từng trăn trở – sự tiết kiệm một nguồn lực lại dẫn đến việc tiêu dùng nhiều hơn ở chỗ khác, như người sở hữu xe điện giá rẻ có thể... bay nhiều hơn vì cảm thấy "mình sống xanh rồi".

Cuốn sách còn buộc tôi phải đặt lại câu hỏi về "chủ nghĩa vật chất bền vững": cái cảm giác dễ chịu khi mua túi tote, xe điện, hay panel năng lượng mặt trời vì nghĩ đơn giản rằng tôi đang thải ít chất độc ra môi trường hơn. Pitron nhắc tôi rằng: "sản phẩm bền vững" đôi khi chỉ là một lớp vỏ được đánh bóng kỹ càng để che giấu sự bất ổn trong cách ta tiêu dùng. Bởi vì nếu tôi đặt một chuyến bay đến Bali sau khi tái chế rất nhiều rác, thì hóa ra tôi vẫn là một phần của vấn đề – chỉ có điều, vấn đề đó nay đã được dán nhãn "bền vững".

Đọc Cuộc chiến kim loại hiếm thật sự khiến tôi nhớ lại khoảng thời gian nghiên cứu về chủ đề năng lượng xanh. Bằng sự điều tra kỹ lưỡng và giọng văn không nhân nhượng, Pitron không đưa cho tôi một câu trả lời dễ chịu nhưng có lẽ vì vậy, anh giúp tôi một lần nữa phản tư lại và dặn mình phải sống có sự hiểu biết hơn.

Sự hiểu đó không đến từ bi quan, mà từ việc hiểu rằng: giải pháp không nằm ở vật thể, mà ở lối sống và tư duy. Không có chiếc xe điện nào cứu được ta khỏi khủng hoảng khí hậu nếu ta vẫn tiếp tục tiêu thụ không ngừng. Không có chính sách "tăng trưởng xanh" nào đủ sức cứu Trái đất nếu ta vẫn nghĩ “mua thêm một thứ mới” là tự thưởng cho chính mình.

- Trang Lam - 

Cuộc chiến kim loại hiếm - Hiểu cái giá của XANH

Cuộc chiến kim loại hiếm - Hiểu cái giá của XANH

Thứ Ba, 10/06/2025 5 phút đọc

Đầu tiên, có thể tên sách sẽ khiến cho chúng ta có một chút hình ảnh không mấy vui vẻ nên mình cố ý chụp cuốn... Đọc tiếp

"Genesis - khởi nguyên" không chỉ đơn thuần là một cuốn sách về công nghệ

Thứ Ba, 03/06/2025 11 phút đọc

Gần đây Google vừa cho ra mắt một loạt những tính năng cũng như những model AI mới tại sự kiện Google I/O 2025, đã lại... Đọc tiếp

"Lịch Sử Mỹ Thuật Trung Hoa" – Hành trình trở về ngàn năm trong từng nét mực

Thứ Ba, 03/06/2025 6 phút đọc

Cầm trên tay cuốn "Lịch Sử Mỹ Thuật Trung Hoa", tôi như được cầm một thỏi ngọc cổ, chạm vào là thấy hiện lên cả chiều... Đọc tiếp

[Review] Khúc bi của gã dân quên

[Review] Khúc bi của gã dân quên

Thứ Năm, 08/05/2025 3 phút đọc

Giống như trên bìa sách đã ghi, đây là hồi ức về một gia đình và một nền văn hóa trong cơn khủng hoảng. Cuốn sách... Đọc tiếp

Nội dung bài viết