Tái định nghĩa con người trước khi định nghĩa AI
Omega Plus Books
Thứ Hai,
14/07/2025
6 phút đọc
Nội dung bài viết
“GENESIS” – HENRY KISSINGER & ERIC SCHMIDT & CRAIG MUNDIE
Tái định nghĩa con người trước khi định nghĩa AI
---
Đúng như tính chất của mình, AI xuất hiện một cách đột ngột và nhanh như vũ bão trở thành chủ đề được chú ý và tranh luận nhiều nhất hiện nay. Chúng ta vẫn không ngừng bất ngờ qua từng ngày bởi sự phát triển vượt bậc và những khả năng mà AI có thể làm được. Vô vàn cuốn sách viết về AI như một chủ đề không thể bỏ lỡ: từ phân tích, dự đoán cho đến dạy người ta cách sử dụng – áp dụng AI vào đời sống sao cho hiệu quả. Trong những năm tháng cuối đời, có một chính khách lỗi lạc trên thế giới vẫn không ngừng trăn trở về cái thứ mà chính loài người tạo ra nhưng lại dần trượt ra khỏi vùng kiểm soát của họ. Henry Kissinger qua đời đã để lại một tác phẩm cuối cùng đầy giá trị cho nhân loại - “Genesis - Khởi nguyên” - một công trình hợp tác cùng 02 nhà công nghệ nổi tiếng; chứa đựng hơi thở giao thoa giữa triết học, chính trị và công nghệ.
Trong khi rất nhiều tác phẩm về AI tập trung vào khả năng mạnh mẽ và dự đoán tương lai, “Genesis” lại nổi bật vì đi theo một con đường riêng - liệu con người sẽ tái định nghĩa lại mình như thế nào trong một xã hội mà AI có thể sẽ dẫn đầu. Chúng ta hào hứng khai thác những khả năng của AI, cho rằng mình đang sử dụng AI để phục vụ cho cuộc sống nhưng lại không nhận ra bản thân đang tiếp nhận một cách thụ động và không thể kiểm soát được chúng. Mở đầu “Genesis”, các tác giả không vội vàng phân tích AI quá nhiều, mà chậm rãi đưa con người điểm lại những gì mà chúng ta tự hào về loài của mình, về vị trí đứng đầu chuỗi, nhưng đang dần mất đi vị thế như thế nào. Nếu không thật sự nhìn nhận lại về bản chất con người cũng như của AI, chúng ta không thể nào ứng phó kịp với biến động đang ngày một đến nhanh hơn. Toàn bộ phần I của cuốn sách được viết cực kỳ chắc tay với nhiều góc nhìn giúp chúng ta vỡ lẽ ra thực trạng hiểm nguy giữa con người với AI ở thời điểm hiện tại.
Chính trị, an ninh, thịnh vượng (kinh tế) và khoa học là bốn lĩnh vực trụ cột mà cuốn sách đặt ra để khảo sát tác động của AI. Đối với mỗi lĩnh vực, các tác giả không chỉ đơn thuần chỉ ra cách mà con người đang áp dụng AI vào để giải quyết vấn đề, mà phân tích và đưa ra những góc nhìn sâu sắc hơn để trả lời cho câu hỏi: Khi con người phó mặc cho AI tham gia vào những vấn đề quan trọng đối với nhân loại thì hệ quả sẽ ra sao? Con người có còn là trung tâm, hay chỉ là vai phụ mờ nhạt bên cạnh thứ công nghệ mà chính mình đã từng tạo ra? Từ đó, các tác giả buộc người đọc phải suy ngẫm về bản chất của chính mình. Nếu AI trở nên toàn năng và có thể giải quyết được hết các vấn đề, vậy ý nghĩa tồn tại của con người là gì? Điều gì khiến cho con người khác biệt và đặc biệt hơn so với AI? Vừa phân tích vừa liên tục đưa ra vấn đề chất vấn, “Genesis” viết về AI, mượn AI làm nền nhưng cốt yếu để con người phải tự định hình lại chính mình.
Là một tác phẩm viết về công nghệ nhưng cũng chứa nhiều những tranh luận lịch sử, triết học, chính trị,… Tuy nhiên “Genesis” vẫn mang lại cảm giác đọc khá dễ chịu. Với lối phân tích gãy gọn, súc tích, giàu ý nghĩa và gợi nhiều suy tưởng, “Genesis” như dẫn người đọc vào một buổi đối thoại nhẹ nhàng cởi mở. Tác phẩm không tạo tâm lý áp đặt quan điểm hay giáo điều mà luôn tạo khoảng trống để người đọc tư duy và chiêm nghiệm. Lập trường được sử dụng trong sách cũng khá cân bằng và thận trọng. Nhìn chung lại, “Genesis” là tác phẩm cổ vũ con người nhìn nhận AI với một thái độ đúng đắn: không thần thánh hóa quá mức nhưng cũng không nên hoảng loạn và bài trừ. “Genesis” xứng đáng là một tác phẩm nên đọc đối với những ai đang hoang mang về sự xuất hiện của AI và danh tính của chính mình trong thời đại số.
-Phát Nguyễn-