Những lời bộc bạch của Thánh Augustine

Những lời bộc bạch của Thánh Augustine

Thánh Augustine (354-430) là tác giả của nhiều tác phẩm lớn về Kitô giáo, như The City of God (Thành phố của Chúa), The Trinity (Chúa Ba Ngôi)… và đặc biệt là tác phẩm đã trở thành kinh điển Confessions (Tự bạch).

Tự bạch vốn được coi là thiên tự truyện của Thánh Augustine, được ông viết khoảng mười năm sau khi được giám mục Milan, Thánh Ambrose, rửa tội, và một năm sau khi ông được chọn làm giám mục thành Hippo (hiện là một thành phố cảng ở Algeria, châu Phi).

Tự bạch được viết theo lối hồi ký tự sự, diễn giải một câu chuyện dài từ lúc Augustine chào đời ở châu Phi cho đến ngày được rửa tội ở Milan, được hoán cải, hay những bước đường tìm trở về với Chúa, tìm bình an trong tâm hồn, để trở thành con người mới với sự sống mới (chín quyển đầu)… Sau khi nhìn lại quá khứ, Augustine nói đến vấn đề của hiện tại, về nội tâm cũng như tâm trạng cá nhân mình, về cuộc tìm kiếm và cảm nhận Thiên Chúa trong nhận thức và cuộc sống, “đánh giá sự chuẩn bị của bản thân để giải quyết những bí ẩn trong Kinh Thánh” (quyển 10). Ông kết thúc quyển 10 bằng lời khẩn cầu, “xin đừng để những kẻ ngạo mạn chiến thắng con, bởi vì con biết ‘con đã được cứu chuộc bằng cái giá nào’”. Ba quyển cuối (11-13), ông dành cho học thuyết Ba Ngôi (Cha – Con – Thánh thần), hướng đến cái tương lai vĩnh hằng với sự an nghỉ đời đời trong Chúa.

Ở tuổi 33, Augustine – một nhà hùng biện – đã hoán cải và chịu phép rửa tội vào Lễ Phục sinh năm 387. Điều này bất chợt khiến chúng ta nhớ đến cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su, Ngài ở trần thế 33 năm, bị đóng đinh trên cây thập giá và phục sinh. Mọi thứ sau đó đã trở thành lịch sử, bởi “toàn bộ lịch sử giáo hội thời Trung cổ ở phương Tây đều nằm cả trong sự kiện [rửa tội ngày 25.4.387] này”. Về sau, Augustine trở thành một trong số các giáo phụ rường cột của Giáo hội Công giáo, một trong những học giả – nhà tư tưởng kiệt xuất của Hội thánh, một trong tứ đại tiến sĩ của Hội thánh Công giáo Tây phương.

Trước khi chịu phép rửa (Thánh Tẩy), Augustine tự nhận mình là “gã buôn ngôn từ” hay “một gã bán rong mồm miệng liến thoắng ngoài chợ” (quyển 9), nói một cách khác Augustine là một nhà hùng biện chuyên nghiệp khi còn đang “lầm lạc”. Một kẻ lầm lạc đang đi tìm chân lý của đời mình, tôi (hay con người) là ai, từ đâu đến và sẽ đi về đâu.

Sau khi được hoán cải, ông đã kết hợp nhuần nhuyễn khả năng hùng biện bẩm sinh của mình với trí nhớ siêu phàm để lưu giữ toàn bộ nội dung Kinh Thánh trong đầu. Thông qua Tự bạch, Augustine trò chuyện với độc giả thông qua “hai mạng lưới chằng chịt – sự đan xen liên tục của các trích dẫn Kinh Thánh trong kết cấu và một phong cách diễn đạt hùng biện rất con người của cuốn sách”. Ở vai trò mới, Augustine “giữ tất cả các mánh khóe nghề nghiệp cũ để sử dụng vào mục đích thiêng liêng” là rao giảng Tin mừng.

Augustine từng nói rằng, bổn phận của chúng ta đối với Kinh Thánh là “đọc, chú tâm và thừa nhận” và Kinh Thánh chính là tiếng nói từ bên trong mỗi chúng ta. Học giả Garry Wills, người dịch Tự bạch sang tiếng Anh, nhận định: “tinh thần mãnh liệt của Tự bạch xuất phát từ niềm tin không lung lay của Augustine rằng Thiên Chúa phải được tìm kiếm bên trong chúng ta, chứ không phải trong những lời thuyết giảng hay quan sát bên ngoài”.

Tự bạch được giới nghiên cứu xem là một cuốn sách về tâm lý, về triết học và thông diễn. Nhưng trên hết, Tự bạch là một cấu trúc thần học, thể hiện tất cả những suy tư nội tâm về triết học và thần học Kitô giáo của Thánh Augustine – một người tự đào tạo vốn ban đầu chịu ảnh hưởng của triết học Hy Lạp, và cuộc đời của ông trong Tự bạch như mở ra với nhiều người, vì thế câu chuyện Augustine được cứu rỗi cũng được xem như một ví dụ kinh điển cho sự cứu rỗi loài người.

Toàn bộ nội dung của Tự bạch là một cuộc trần tình của Augustine với Thiên Chúa và đích đến cuối cùng của tác phẩm là để tôn vinh Thiên Chúa. Những lời tự bạch của Augustine, vừa để xưng tội (thú nhận tội lỗi) vừa để tuyên xưng đức tin, trước và dành cho Đấng Duy Nhất, tức Thiên Chúa. Một cách khái quát, Tự bạch chính là “lời cầu nguyện văn chương dài nhất trong kho tàng những tác phẩm vĩ đại nhất của con người”.

Tự bạch là một hành trình tâm linh và thiêng liêng của Thánh Augustine, từ một kẻ lầm lạc, khốn cùng, không có Thiên Chúa đến tình yêu vô bờ dành để ngợi ca và ca tụng Thiên Chúa, dò dẫm đi tìm kiếm và đã gặp gỡ. Đan xen trong đó là hằng hà nỗi khắc khoải thường nhật sâu trong tâm hồn của một con người, như mọi con người, giữa tội lỗi và thánh thiện, giữa tài năng và tham vọng, giữa chân lý và tình yêu…

Vì thế, Tự bạch cũng được xem như một bức tranh kinh điển về tâm hồn con người, một cuốn sách “kêu gọi chúng ta trở lại với bản thân, trở lại với những chiều kích sâu thẳm bên trong chính mình”.

N.Q.D

Không có từ khóa

Bài viết liên quan

Top