#Cuocthireview Hiến Pháp Mỹ Được Làm Ra Như Thế Nào? | Bài dự thi 10 – Tác giả Huỳnh Thị Yến Như

“Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?”, đây hẳn là câu hỏi khiến cho nhiều người băn khoăn. Để lý giải cho câu hỏi này, Nguyễn Cảnh Bình đã viết nên cuốn sách “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?” để hiểu rõ hơn về quá trình tạo ra một trong những văn kiện quan trọng nhất của lịch sử nước Mỹ. Đây được xem là một tác phẩm đáng đọc, với nghiên cứu sâu sắc về quá trình hình thành Hiến pháp Mỹ, những bước quan trọng và những tư duy chính đằng sau việc lập ra văn bản quan trọng này. Nó đã được làm ra từ những cuộc tranh luận nảy lửa, những quan điểm bất đồng bởi những bộ óc vĩ đại nhất nước Mỹ.

Vậy rốt cuộc Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào? Đầu tiên tác giả đưa độc giả đến với bối cảnh lich sử Mỹ thời đó. Mỹ đã trải qua nhiều biến đổi và tranh chấp lịch sử quan trọng, tạo nên nhu cầu cần thiết phải có một Hiến pháp để quy định và bảo vệ quyền lợi của công dân. Sau đó là những cuộc tranh luận và ý kiến bất đồng của những nhà lãnh đạo trong quá trình soạn thảo bản Hiến pháp. Những cuộc tranh luận này đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình để xây dựng bản Hiến pháp Hoa Kỳ như ngày hôm nay. Qua những quan điểm đấy, dù là những luận điểm hậu thuẫn cho việc thành lập ra nhà nước Liên Bang với tên gọi thành lập ra Nhà nước Liên bang với tên gọi Hợp chúng quốc Hoa Kỳ như hiện nay hay những luận điểm chống lại sự hình thành này, dù tán thành hay phản đối thì những lập luận này cũng rất chân thành và đều chung một mong ước thiết lập một quốc gia thịnh vượng và bền vững. Có thể nói bản Hiến pháp Hoa Kỳ được xây dựng như ngày nay cũng một phần nhờ những chống đối đó, điển hình là Tuyên ngôn Nhân quyền. Quyển sách là công cụ giúp người đọc hiểu sâu hơn về quá trình xây dựng hiến pháp, từ việc các thành viên tranh luận như thế nào, quan điểm của họ khác nhau ra sao và làm thế nào để tìm được tiếng nói chung để hình thành Hiến pháp.

“Mọi xã hội văn minh tất yếu đều chia thành những tầng lớp khác nhau với lợi ích khác nhau, tất yếu sẽ tạo ra những con nợ và chủ nợ, người giàu và người nghèo, nông dân , nhà buôn hay người thợ sản xuất… Sự bình đẳng có nghĩa là các tầng lớp, phe phái và các nhóm lợi ích khác nhau đó phải có cơ hội và điều kiện tự bảo vệ mình và để kiểm soát lẫn nhau… Ước nguyện lớn lao nhất của một chính quyền là sự cân bằng đủ để trung lập những xung đột đó, để kiểm soát bộ phận dân chúng này không chiếm dụng quyền và áp bức các bộ phận khác, và tự kiểm soát chính mình khỏi việc ban hành những đạo luật đi ngược lại lợi ích chung của toàn xã hội.” – James Madison, Người Liên bang, năm 1787

Bên cạnh đó, sách còn đi sâu vào tư duy của các nhà sáng lập nền tảng chính trị, với việc phân tích các bài luận và thư từ của họ. Quyết định quan trọng như việc tạo ra hệ thống chính trị hai thượng viện, sự phân chia quyền lực, và việc bảo vệ quyền cá nhân được đề cập một cách tỉ mỉ. Cuốn sách không chỉ kể chi tiết và nghiên cứu sâu sắc mà còn phê phán và thách thức ý kiến. Tác giả không ngần ngại đặt ra những câu hỏi khó khăn, nhấn mạnh những khía cạnh tiêu cực của quá trình sáng tạo Hiến pháp Mỹ. Tác giả không ngần ngại chạm vào những đối lập và mâu thuẫn nội tại, giúp độc giả hiểu rõ về quá trình hình thành ý chính, điều mà nhiều sách khác chưa đạt được.

Điểm nổi bật của cuốn sách là cách tác giả trình bày quá trình soạn thảo Hiến pháp Mỹ một cách cặn kẽ và logic. Từ việc phân tích nguyên tắc lý thuyết và triết lý chính trị của thời kỳ đó, cuốn sách diễn tả rõ ràng các bước tiến tới việc soạn thảo và thông qua Hiến pháp. Bên cạnh đó, tác giả rất trau chuốt trong sử dụng ngôn ngữ, khiến cho những thông tin khô khan trở nên sống động và thú vị. Bản thân tác giả không phải là một luật gia hay nhà sử học, mà lại là một Thạc sĩ khoa học tự nhiên – chuyên ngành hóa học. Nhưng niềm đam mê mãnh liệt về Hiến pháp – Chính quyền của tác giả là không thể phủ nhận. Từ kho tư liệu đồ sộ về quá trình soạn thảo và làm ra bản Hiến pháp Mỹ được lưu trữ tại thư viên điện tử của Quốc hội Mỹ (mà tác giả ước tính nếu in ra có thể lên tới hàng chục nghìn trang), tác giả đã nghiên cứu, tổng hợp, phân tích và dịch để tạo nên một cuốn sách cô đọng, tinh gọn những vẫn cung cấp được một bức tranh toàn cảnh về quá trình soạn thảo và làm ra bản Hiến pháp Mỹ.

Thông qua tác phẩm, tác giả đã giải thích ý nghĩa của bản Hiến pháp Mỹ và giúp người đọc hiểu được quá trình xây dựng một đạo luật. Sự trau chuốt trong ngôn ngữ của tác giả là điểm nổi bật, khiến cho những thông tin khô khan trở nên sống động và thú vị.  Đôi khi hành trình chứ không phải đích đến mới là thứ mang lại cho con người nhiều điều có ý nghĩa. Bản thân Hiến pháp Mỹ đã và đang là một thành tựu vô cùng xuất sắc, đưa nước Mỹ vươn lên hàng đầu thế giới trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên việc nghiên cứu về quá trình hình thành nó đem lại cho ta một cái nhìn đa chiều về bối cảnh nước Mỹ thời bấy giờ, các khó khăn, mâu thuẫn mà các tiểu bang cũng như toàn liên bang gặp phải và cách những bộ óc vĩ đại nhất thế kỷ 18 cùng nhau thảo luận, tranh luận để giải quyết chúng mà vẫn dung hoà lợi ích chung và riêng. Qua đó ta có thể học cách nhìn nhận sự việc một cách đa chiều, phân tích những điểm lợi hại, trau dồi suy nghĩ phản biện để rồi áp dụng vào thực tế cuộc sống.

Tuy sách đã đóng lại, nhưng lòng tôi vẫn còn in đậm những hình ảnh, những sự kiện diễn ra trong quá trình hình thành Hiến pháp Mỹ. Tôi bị cuốn hút và ấn tượng với nhan đề, nội dung của sách. Có lẽ đối với nhiều người đọc sẽ nghĩ sách về hiến pháp có vẻ nhàm chán và nặng kiến thức chuyên môn của ngành luật, nhưng không, khi đọc tôi mới biết rằng mình có quá ít sự hiểu biết về đất nước Mỹ. Đến khi đọc xong, tôi mới biết được người dân đã nỗ lực, gắng sức đòi lại quyền tự do như thế nào, thấu được cảm giác của những đại biểu cũng như người dân Mỹ mong muốn có một chính quyền chung phù hợp với nhu cầu của các tiểu bang. Dẫu việc đáp ứng đầy đủ sự thuận lợi cho các tiểu bang hay đảm bảo quyền độc lập, bình đẳng của dân khi ấy rất khó khăn, chật vật, nhưng rồi cũng đến ngày cuối của buổi họp hội nghị, họ đã cùng nhau thống nhất được bản hiến pháp một cách tốt đẹp.

Tuy nhiên, để làm cho nội dung trở nên trực quan và hấp dẫn hơn, tác giả có thể tăng cường bằng hình ảnh minh họa và biểu đồ. Hình ảnh có thể giúp độc giả hình dung rõ hơn về các sự kiện và nhân vật lịch sử quan trọng, cũng như hỗ trợ trong việc hiểu các khái niệm phức tạp.

Cuốn sách sách này rất phù hợp với bất cứ ai có niềm yêu thích với hiến pháp, đọc sách để có cái nhìn bao quát hơn về quốc gia ấy, cũng như quá trình làm hiến pháp nói chung, đồng thời bản thân mình cũng sẽ có thêm những kiến thức bổ ích, hữu dụng và thông tin về các đại biểu nổi bật của nước Mỹ nói riêng. Với niềm đam mê và sự ham hiểu biết của tác giả Nguyễn Cảnh Bình, tôi tin rằng các độc giả khi tiếp cận với cuốn sách này sẽ dễ dàng hiểu rõ những sự việc diễn ra trong suốt quá trình các đại biểu đã dày công chuẩn bị, sửa soạn nên bản Hiến pháp Mỹ.

Tác giả: Huỳnh Thị Yến Như

Bài viết liên quan

Top