MẤY DÒNG SUY NGHĨ KHI ĐỌC QUYỂN HIẾN PHÁP MỸ ĐƯỢC LÀM RA NHƯ THẾ NÀO? CỦA NGUYỄN CẢNH BÌNH
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ra đời ấn bản đầu tiên của quyển Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào? (2003-2023), tôi xin được chấp bút nêu lên một vài cảm nghĩ của bản thân sau khi đọc quyển sách mà tác giả Nguyễn Cảnh Bình đã mất gần ba năm để biên soạn.
- Một công trình đầy tâm huyết của một người say mê nghiên cứu về nhà nước – hiến pháp và nặng lòng với đất nước
Ngay từ cái nhìn đầu tiên, tôi đã bị ấn tượng bởi độ dày của quyển sách (hơn 600 trang giấy). Bởi lẽ, độ dày của quyển sách đã nói lên phần nào sự dày công nghiên cứu của chính tác giả. Mặc dù quyển sách khá nặng (cả về nội dung lẫn hình thức), nhưng tôi tin rằng bạn đọc sẽ không cảm thấy mệt nhọc vì các bạn sẽ bị lôi cuốn bởi lối dẫn dắt tài tình, khéo léo, cùng với giọng văn chân thật và giàu cảm xúc của tác giả.
Đứng từ góc độ của một người làm nghiên cứu khoa học và biên dịch sách, tôi có thể cảm nhận được phần nào những khó khăn, thách thức đến từ quá trình thai nghén nên quyển sách này, nhất là hơn 20 năm trước, khi internet chưa phát triển, việc tìm kiếm thông tin là vô cùng vất vả. Nếu như tác giả không có một lòng đam mê nhiệt thành đối với chủ đề này, thì chắc có lẽ quyển sách đã không được ra đời vào thời điểm đấy. Đáng nói hơn nữa, tác giả không phải là một người xuất thân từ ngành chính trị học hay luật học, mà là một người theo học khối ngành tự nhiên. Thế nhưng, công trình này lại có giá trị tham khảo, gợi mở rất lớn đối với các chính trị gia, luật gia, những nhà nghiên cứu về lĩnh vực chính trị – pháp luật và bạn đọc yêu thích, quan tâm về nền chính trị của nước Mỹ. Chính vì vậy, tôi thực sự ngưỡng mộ và khâm phục tác giả vì đã dành nhiều tâm sức để tra cứu, sưu tầm tài liệu và biên dịch nên quyển sách này, nhằm đưa bạn đọc Việt đến gần hơn với bản Hiến pháp Mỹ nói riêng và nước Mỹ nói chung.
Như có chia sẻ trong phần “Lời mở đầu”, lý do mà tác giả biên soạn quyển Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào? là vì không chỉ muốn tìm hiểu tại sao nước Mỹ lại có một bản hiến pháp tồn tại trên 200 năm, mà còn vì muốn học hỏi từ quá trình soạn thảo bản Hiến pháp Mỹ để rút ra bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Chính lý do thứ hai đã cho thấy tác giả là một người có nhiều suy tư, trăn trở về sự hưng thịnh của đất nước. Tầm nhìn của tác giả về sự phát triển của quốc gia đã được thể hiện rõ nét qua một số bài báo phỏng vấn in trong phần “Phụ lục” của quyển sách. Qua đó, chúng ta có thể hiểu được quan điểm của tác giả về việc tiếp thu, kế thừa có chọn lọc những giá trị của bản Hiến pháp Mỹ để vận dụng sáng tạo vào tình hình thực tế của Việt Nam và niềm hy vọng của tác giả về tương lai của nước nhà. Đối với tôi, đây chính là phần đem đến nhiều cảm xúc nhất. Bởi lẽ, tôi cảm thấy có một sự kết nối sâu sắc với góc nhìn của tác giả, một sự đồng điệu trong cách nhìn nhận về vận mệnh của dân tộc. Mặc dù những bài viết đó đã được đăng trên báo Vietnamnet từ hơn 10 năm về trước, nhưng những gì tác giả bày tỏ vẫn còn có sức lay động và truyền cảm hứng cho các thế hệ hiện nay. Vì theo tôi, đó là niềm mong mỏi, nỗi đau đáu của một người con có tâm, có tầm đối với Tổ quốc.
- Quá trình soạn thảo bản Hiến pháp Mỹ hay cuộc hội ngộ giữa những con người có công tạo dựng nước Mỹ với lòng khát khao về một nhà nước dân chủ
Toàn bộ nội dung chính của quyển Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào? đã được tác giả chia thành năm phần. Phần thứ nhất, tác giả giới thiệu một số vấn đề chính yếu về quá trình soạn thảo bản Hiến pháp Mỹ, giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan về bản Hiến pháp. Đây là phần tiền đề để giúp chúng ta đi sâu vào những phần tiếp theo.
Phần thứ hai, tác giả trình bày một số vấn đề nổi bật được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Lập hiến, nơi diễn ra việc soạn thảo Hiến pháp Mỹ. Tác giả sẽ dẫn chúng ta đi vào những cuộc tranh luận đầy căng thẳng với rất nhiều ý kiến trái chiều. Qua đó, chúng ta như được tham dự trực tiếp tại Hội nghị Lập hiến và gần như cảm nhận được sức nóng ở nghị trường lúc bấy giờ.
Phần thứ ba, để làm sáng tỏ những ý kiến tranh luận tại Hội nghị Lập hiến, tác giả giới thiệu một số bức thư và bài phát biểu của một số vị đại biểu đã tham dự hội nghị. Đến đây, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về quan điểm, niềm tin của các vị đại biểu khi đưa ra lý lẽ để tranh luận và tâm tư, nguyện vọng của họ khi tham gia vào quá trình soạn thảo bản Hiến pháp Mỹ. Nhờ vậy, chúng ta mới hiểu được tấm lòng tận tụy với nhân dân, trung thành với quốc gia của họ.
Phần thứ tư, sau khi đã tìm hiểu về tư tưởng, tình cảm của “những người cha lập quốc”, tác giả tiếp tục mang đến cho chúng ta những thông tin cụ thể hơn về thân thế và sự nghiệp của 55 vị đại biểu đã tham dự hội nghị. Với những tư liệu, hình ảnh mà tác giả cất công sưu tầm, tổng hợp, chúng ta không những biết được chân dung của “những con người của Thánh Thần” ấy như thế nào, mà còn biết được cuộc đời của họ ra sao. Nếu như bạn có thần tượng một ai đó trong số các vị đại biểu ấy và muốn tìm hiểu thêm về họ, thì chắc hẳn bạn sẽ thích thú với phần này.
Phần thứ năm, để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về hệ thống văn bản Hiến pháp Mỹ, tác giả đã dịch toàn văn các văn kiện có liên quan để chúng ta thấy được thành quả sau cùng của những màn tranh luận kịch liệt, nảy lửa tại Hội nghị Lập hiến. Phần này sẽ thích hợp đối với các học giả, người làm công tác chuyên môn thuộc lĩnh vực chính trị – pháp luật khi có thêm tài liệu để tra cứu, tham khảo và học tập.
Khách quan mà nói, mỗi phần của quyển sách đều có cái hay riêng. Nhưng đối với cá nhân tôi, phần hai và phần ba của quyển sách là có sức hấp dẫn hơn cả so với các phần còn lại. Đọc phần “Các cuộc tranh luận tại Hội nghị Lập hiến”, chúng ta mới hiểu được quá trình soạn thảo ra một bản hiến pháp là không hề dễ dàng và không thể tránh khỏi những mâu thuẫn, xung đột về quan điểm. Tuy nhiên, quan điểm của các vị đại biểu có đối nghịch với nhau như thế nào đi chăng nữa, họ vẫn có chung một tình yêu nước, một lòng lo nghĩ cho nhân dân, một lý tưởng cao đẹp về một mô hình nhà nước dân chủ, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của mọi giai tầng trong xã hội. Và khi đọc đến những bức thư, bài phát biểu của một số vị đại biểu, chúng ta sẽ hiểu được lý do họ nêu ra đề xuất, ý kiến của mình. Có thể chúng ta sẽ đồng tình với người này, bất đồng với người kia nhưng nếu suy xét kỹ từng ý kiến, thì có lẽ chúng ta sẽ nhận ra mỗi người đều có cái lý của riêng họ. Tựu chung lại, cái lý mà tất cả các vị đại biểu hướng đến đó chính là một mô hình nhà nước thực sự dân chủ, có thể đảm bảo lợi ích chung cho toàn xã hội một cách công bằng, bình đẳng và bảo vệ lãnh thổ rộng lớn của nước Mỹ, chứ không phải vì lợi ích hẹp hòi của bất kỳ cá nhân nào.
Sau khi đọc và nghiền ngẫm những ý kiến tranh luận của các vị đại biểu trong quá trình soạn thảo Hiến pháp Mỹ, tôi cảm thấy thực sự mến mộ những con người đó vì thông qua cách họ phân tích, nhận xét và lập luận, tôi đã rút ra được nhiều bài học và ý tưởng quý báu cho bản thân về cách thức xây dựng một mô hình nhà nước dân chủ.
- Giá trị tham khảo và gợi mở từ lịch sử hình thành bản Hiến pháp Mỹ
Là một người được đào tạo từ chuyên ngành chính trị học, tôi cho rằng quyển Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào? của tác giả Nguyễn Cảnh Bình là một công trình nghiên cứu có những giá trị nổi bật nhất định. So với những công trình nghiên cứu trong nước đã được xuất bản về nền chính trị Mỹ nói chung và Hiến pháp Mỹ nói riêng, quyển sách này đã cung cấp cho chúng ta những thông tin mới mẻ, hữu ích về quá trình soạn thảo bản Hiến pháp Mỹ thông qua những tài liệu gốc. Với việc tập trung đào sâu vào quá trình soạn thảo hiến pháp để làm rõ những tư tưởng, lý lẽ và dẫn chứng của các vị đại biểu trong Hội nghị Lập hiến, tác giả đã tạo cho mình một lối đi riêng trong việc nghiên cứu về nhà nước – hiến pháp, và đó cũng chính là điểm sáng của công trình này.
Để bàn sâu hơn về giá trị của quyển sách, đầu tiên chúng ta phải thừa nhận công sức của tác giả trong việc sưu tầm và chuyển ngữ những tài liệu gốc từ tiếng Anh sang tiếng Việt, nhằm đem đến cho chúng ta một cái nhìn khách quan nhất có thể. Việc dịch những văn bản, tài liệu có tuổi đời trên 200 năm là một điều không hề đơn giản. Thế mà tác giả đã chuyển tải những tài liệu xưa cũ đó đến với chúng ta một cách hết sức gần gũi, dễ hiểu và sinh động.
Nếu bạn đọc nào muốn tìm hiểu về nền chính trị Mỹ hay muốn khám phá về nước Mỹ, thì tôi sẽ đề xuất bạn nên tham khảo quyển Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào? trước nhất. Bởi vì quyển sách này không chỉ bàn về lịch sử hình thành bản Hiến pháp Mỹ mà nó còn chứa đựng cả lịch sử – văn hóa của đất nước Mỹ. Trong cuộc tranh luận giữa các vị đại biểu, chúng ta hẳn sẽ nhận thấy những triết lý về chính trị, đạo đức, văn hóa, giáo dục, v.v. đã đi sâu vào nếp nghĩ của người dân Mỹ cho đến nay. Nếu chịu khó đọc kỹ, chúng ta có thể tìm thấy cả một nền văn hóa chính trị Âu – Mỹ trong tác phẩm này.
Bên cạnh đó, khi đọc quyển sách này và liên hệ với nước ta hiện nay, chúng ta có thể đúc kết được rất nhiều bài học kinh nghiệm cho việc soạn thảo hiến pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân ở Việt Nam. Những vấn đề mà các vị đại biểu Mỹ từng tranh luận tại Hội nghị Lập hiến cũng là những vấn đề mà chúng ta cần phải xem xét khi muốn xây dựng nhà nước pháp quyền ở hiện tại. Thậm chí, những vấn đề được tranh luận từ hơn 200 năm về trước ấy vẫn còn là những vấn đề nhạy cảm, nóng hổi trên chính trường và khiến cho giới học giả hiện nay ở nước ta phải tốn biết bao giấy bút để tìm kiếm câu trả lời. Tôi thiết nghĩ những điểm nhìn, cách kiến giải và phương thức giải quyết của họ có thể giúp gợi mở rất nhiều cho chúng ta về mặt tư duy.
Thêm nữa, trong lúc đọc quyển sách này, tôi có liên tưởng đến hai quyển sách khác có cùng chủ đề về nhà nước – hiến pháp do Omega Plus xuất bản: quyển Bàn về Quốc hội và những thách thức của khái niệm của TS. Nguyễn Sĩ Dũng (xuất bản năm 2017) và quyển Quyền lập pháp theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 do GS.TS. Nguyễn Đăng Dung chủ biên (xuất bản vào năm 2023). Cả hai quyển sách này đều do những học giả, chuyên gia trong lĩnh vực chính trị – pháp luật viết và cùng bàn luận về cơ quan lập pháp của Việt Nam. Nếu như bạn đã đọc qua một hoặc cả hai quyển sách vừa nêu và liên hệ nội dung trong đó với quyển Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?, chắc có lẽ không khó để nhận ra một số vấn đề được trình bày trong hai quyển sách đó đã được các vị đại biểu Mỹ tranh luận tại Hội nghị Lập hiến. Để biết được nhà nước ta đang thiếu gì, cần cải cách, đổi mới những gì, chúng ta có thể tham khảo những quan điểm, tư tưởng của những nhà lập quốc Mỹ. Họ đã nêu ra rất nhiều vấn đề hệ trọng như nguy cơ lạm quyền của một cá nhân hoặc của một cơ quan nhà nước, cách thức bầu chọn tổng thống, cơ chế đảm bảo sự công bằng giữa các địa phương, giai tầng xã hội trong việc bầu cử, vai trò của nghị sĩ, vân vân.
Tóm lại, quyển Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào? chẳng những giúp chúng ta có thêm hiểu biết về nước Mỹ trên phương diện chính trị, lịch sử, văn hóa mà còn giúp ta nâng cao nhận thức về vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam.
- Đôi lời chia sẻ đến tác giả
Sau những phân tích, nhận xét về giá trị của quyển sách, tôi xin phép có vài lời đóng góp để quyển sách có thể ngày một hoàn thiện hơn trong những lần xuất bản sau. Về phần nội dung, tôi cảm thấy với lượng thông tin hiện tại đã đủ để nắm bắt vấn đề. Nếu thêm một phần nào đó, tôi e rằng điều đó sẽ làm cho quyển sách dày và nặng hơn. Đồng thời, nó có thể phá vỡ bố cục của phần nội dung chính. Để hạn chế hai điều vừa nêu, tôi nghĩ tác giả có thể thêm một số nội dung – cần phải được làm rõ, lý giải thêm – dưới dạng bài viết và đưa vào phần “Phụ lục”.
Thực ra, tôi vẫn mong tác giả sẽ bổ sung vào phần “Phụ lục” những bài báo, bài viết gần đây của mình có liên quan đến chủ đề nhà nước – hiến pháp để cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình trong và ngoài nước. Bởi những bài báo hiện được in trong phần “Phụ lục” đã được viết từ hơn 10 năm về trước, lúc đó bản Hiến pháp năm 2013 của nước ta vẫn chưa được ban hành, nên bây giờ tôi muốn biết thêm quan điểm của tác giả về bản Hiến pháp năm 2013 và về quá trình đổi mới và hoàn thiện bộ máy nhà nước Việt Nam vừa qua. Hoặc là về cách vận hành của nhà nước Mỹ đương đại so với tôn chỉ của bản Hiến pháp Mỹ khi được khởi thảo. Liệu rằng sau 10 năm thì góc nhìn của tác giả có những chuyển biến gì hay không?
Cuối cùng, tôi hy vọng rằng trong tương lai, tác giả sẽ viết thêm một hoặc vài quyển sách tiếp nối chủ đề về nhà nước – hiến pháp. Vì sau khi khép lại quyển Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?, tôi không khỏi suy tư, chiêm nghiệm về khoảng trời tri thức mà mình vừa khám phá và thầm tự hỏi, không biết tác giả sẽ còn viết tiếp về chủ đề này như thế nào…
Tác giả Phạm Lê Hoàng Khánh