#Cuocthireview Hiến Pháp Mỹ Được Làm Ra Như Thế Nào? | Bài dự thi 7 – Tác giả Lê Ngọc Quỳnh

HIẾN PHÁP MỸ, BẢN HIẾN PHÁP THÀNH VĂN ĐẦU TIÊN CỦA THẾ GIỚI

Tôi đọc cuốn “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?” do Chủ tịch Nguyễn Cảnh Bình biên soạn vào một sáng mùa đông Hà Nội. Bên cốc cà phê nghi ngút khói, tôi tò mò về việc đặt nền móng Quốc gia, về niềm tự hào của người dân Mỹ, người dân của một Quốc gia non trẻ nhưng nhiều kỳ tích. Tôi muốn tìm hiểu thêm một phần nào đó về cái thể chế chính trị mà 4 năm một lần, cả thế giới đều dõi theo bầu cử của họ.

Đầu tiên ta đến với tác giả Nguyễn Cảnh Bình.

“Ông Nguyễn Cảnh Bình là Chủ tịch HĐQT, người sáng lập Công ty Cổ phần Sách Alpha (Alpha Books) và Omega Việt Nam. Ông cũng là Giám đốc Trung tâm hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC), đồng thời là người sáng lập Chương trình Đào tạo Lãnh đạo Trẻ ABG – ABG Young Leaders Program.” – Theo bizuni.vn

“Tác giả, dịch giả và tham gia biên soạn một số cuốn sách nổi bật gồm Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào? và một số tác phẩm khác. Có nghiên cứu về các vấn đề thiết chế, hiến pháp, tổ chức, lãnh đạo và giáo dục.” – theo store.alphabooks.vn

“Nguyễn Cảnh Bình là một người rất xa lạ với giới Luật học chúng tôi. Anh là một Thạc sĩ khoa học tự nhiên – chuyên ngành hóa học, nhưng rất lạ thay, anh có niềm say mê Hiến pháp – Chính quyền đến lạ lùng, niềm say mê mà ngay cả những người chuyên ngành chúng tôi cũng không thể có được.” – Theo PGS. TS NGUYỄN ĐĂNG DUNGKhoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Tiếp theo ta tìm hiểu vì sao Hiến pháp lại có tầm quan trọng đến vậy ở mỗi quốc gia và vì sao Hiến pháp Hoa Kỳ được coi là một trong những Hiến pháp kinh điển của thế giới và có giá trị vĩnh hằng. Vì sao “Nhiều sử gia Mỹ gọi thành công mà Hội nghị Lập hiến đã làm là ‘Điều kỳ diệu ở Philadelphia’”.

Cùng với sự thành lập của bất cứ Quốc gia nào thì ngay sau Tuyên ngôn độc lập sẽ là lập nên Hiến pháp. “Hiến pháp Hoa Kỳ là bộ luật tối cao của nước Hoa Kỳ. Nó là bản hiến pháp đầu tiên của thế giới được soạn thảo ngày 17 tháng 9 năm 1787 dựa trên tư tưởng tam quyền phân lập giữa ba nhánh lập pháp (Quốc hội), hành pháp (Tổng thống), tư pháp (tòa án) do Montesquieu, một triết gia người Pháp đề xướng. Nó được phê chuẩn sau các cuộc hội nghị tại 13 tiểu bang đầu tiên.” –  Theo Wikipedia. Tính đến nay Hiến pháp này đã có 27 lần tu chính án được công bố rộng rãi nhưng việc hình thành khó khăn ra sao, bối cảnh thế nào, những cân bằng quyền lợi, những nhượng bộ, làm sao để người dân ủng hộ, làm sao để duy trì Hiến pháp thì không mấy ai biết. Thật may mắn cho chúng ta, người Việt chúng ta có thể xem qua những thước phim lịch sử này thông qua cuốn “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?”

Mỹ thành lập Hiến pháp của mình trong “giai đoạn sống còn trong lịch sử nước Mỹ”, kinh tế suy yếu sau chiến tranh, lạm phát phi mã, nổi loạn và bất ổn chính trị trong nước. “Uy tín nền cộng hòa bị nghi ngờ và công chúng bắt đầu mất niềm tin vào chính quyền.” “Hiệp ước Hòa bình với Anh bị cả hai phía phớt lờ và hầu như không có hiệu lực.“ Hiến pháp đương thời là các điều khoản Hợp bang, chính quyền Hợp bang lúc bấy giờ không có nhiều quyền thế, không can thiệp trực tiếp và không có cả kinh phí hoạt động, “sợi dây bằng cát” liên kết 13 tiểu bang Bắc Mỹ “thật sự gặp nguy hiểm”. Lúc này, việc lập lên một Hiến pháp nhằm “trao thêm quyền lực cho Quốc hội” như quyền thu thuế lợi tức, quyền điều hành thương mại trở nên “không thể trì hoãn”.

74 đại biểu được các tiểu bang bầu chọn thì có 55 đại biểu tham dự, bao gồm những người được đánh giá là thông minh, kiệt suất và có uy tín lớn như George Washington – Chủ tịch Hội nghị Lập hiến, Tổng thống đầu tiên của Mỹ (1789-1797), James Madison –  Tổng thống thứ 4 của Mỹ (1809-1817), “Cha đẻ” bản Hiến pháp Mỹ, Benjamin Franklin, William Jackson (Thư ký), James Wilson, George Mason, John Dickinson, Gouverneur Morris, Alexander Hamilton … và một số nhân vật kiệt suất khác có mặt tại Hội nghị Lập hiến. Bên cạnh đó, “mọi con mắt của nước Mỹ đang hướng về hội nghị” để mong ngóng một chính quyền vững mạnh đưa họ vượt qua những khó khăn lúc bấy giờ, mang lại thịnh vượng và sự ổn định cho tương lai.

Trong cuộc họp đưa ra 3 mô hình chính quyền, mọi tranh cãi nảy lửa, mọi cuộc đấu trí cam go xoay quanh ưu và khuyết điểm của 3 mô hình này. Theo đó là những đấu tranh, những thỏa hiệp mà các đại biểu muốn bảo vệ và buộc phải nhượng bộ vì tiểu bang của mình và vì người dân của tiểu bang mình đại diện. Các tiểu bang nhỏ ít dân mâu thuẫn với những tiểu bang lớn nhiều dân hơn về số ghế vào thượng viện. Các tiểu bang miền Bắc mâu thuẫn với các tiểu bang miền Nam về cách tính thuế cho nô lệ và chế độ nhập khẩu nô lệ. Đã có lúc Hội nghị “đang ở bên bờ miệng vực của sự giải tán và sự đồng lòng của Hội nghị này chỉ như ngàn cân treo sợi tóc’’. Mọi tranh cãi cuối cùng cũng được thỏa hiệp và nhượng bộ một phần dựa trên mong muốn chung là đảm bảo một Hợp chúng quốc Hoa Kỳ vững mạnh, mang lại thịnh vượng cho mọi người dân.

Tuy vậy, sau nhiền ngày gian nan đấu tranh phản biện, khi Hội nghị Lập hiến thỏa hiệp xong bản Hiến pháp và đưa về các tiểu bang thông qua thì bản Hiến pháp này lại vấp phải sự phản đối từ phe chống đối. Lại một cuộc đấu trí, đấu tài, thỏa hiệp trên nhiều mặt trận nữa diễn ra, đánh dấu là sự ra đời của tác phẩm Người Liên bang, đã giải thích Hiến pháp một cách chi tiết và biện minh cho những ưu việt của một thể chế sẽ được xây dựng và việc bổ sung Tuyên ngôn Nhân quyền (The Bill of Rights)… Cuối cùng thì Hiến pháp cũng được phê chuẩn vào năm 1787, “mang đến cho thế giới một ví dụ đầu tiên về một thể chế cộng hòa liên bang rộng lớn được thành lập trên nguyên tắc đại diện.”

Tôi dường như nghẹn thở trong từng cuộc đấu trí, từng thỏa hiệp, từng cân nhắc như thể đang quan sát trực tiếp cuộc họp. Quả vậy, mỗi điều trong Hiến pháp đều là sự nâng lên đặt xuống, phản biện so sách được mất của các tinh hoa, đại diện của mỗi tiểu bang và được mang về mỗi tiểu bang phê duyệt. Điều đó lý giải vì sao Hiến pháp Hoa Kỳ dù là Hiến pháp đầu tiên trên thế giới, có 27 lần chỉnh sửa trong đó có 10 tu chính án đầu tiên về các quyền tự do cơ bản của công dân Hoa Kỳ được đề xuất vào cùng 1 ngày là 25/9/1789 và từ năm 2000 đến nay không hề có chỉnh sửa.

Để tăng uy tín cho việc hình thành Hiến pháp Hoa Kỳ, nửa sau cuốn sách là ghi chép tay của James Madison, thư tay tranh luận về những vấn đề đưa ra trong hội nghị Lập hiến của những người tham gia. Điều này cũng nói lên sự tâm huyết đầy trách nhiệm của họ đối với việc hình thành nên bản Hiến pháp này. Tác giả cũng không quên bổ sung thêm chân dung của các đại biểu và mội bản Hiến pháp Hoa Kỳ hoàn chỉnh cho những độc giả muốn tham khảo.

Cá nhân tôi thấy việc bố cục từ đơn giản đến phức tạp của cuốn sách, bắt đầu từ tóm tắt việc hình thành Hiến pháp Hoa kỳ đến bổ sung các chi tiết thực là các bản ghi tay, thư viết tay trao đổi thảo luận về các vấn đề trong Hội nghị Lập hiến sau đó đến chân dung các đại biểu và cuối cùng là bản Hiến pháp Hoa Kỳ hoàn chỉnh làm tôi rất dễ hình dung quá trình hình thành Hiến pháp Hoa Kỳ. Tôi thích cách tác giả đặt tên cho tác phẩm và các mục trong tác phẩm là Hiến pháp Mỹ nhưng khi đưa bản Hiến pháp hoàn chỉnh thì lại lấy tên “HIẾN PHÁP HỢP CHÚNG QUỐC HOA KỲ”, nó tạo nên sự thân quen và gần gũi làm cho một cuốn sách về Hiến pháp của một Quốc gia các ta nửa vòng trái đất thật gần, thật dễ tiếp cận hơn nhưng văn bản pháp luật thuần túy dành cho người học chuyên ngành Luật, ngành Chính trị. Và thật ngẫu nhiên, cứ mỗi 4 năm, mỗi lần các chính khách bên Mỹ vận động bầu cử lại nhắc tôi nhớ đến sự hình thành Thượng nghị viện và Hạ nghị viện đã được nêu trong cuốn sách này.

Cuối cùng tôi thấy thực sự cảm ơn tác giả. Với niềm say mê Hiến pháp – Chính quyền của Chủ tịch Nguyễn Cảnh Bình, anh đã biên soạn nên cuốn sách này, đưa ra một cách tiếp cận gần gũi cho những người không “trong ngành” như tôi có thể hiểu được sự gian nan, tính quyết đoán, sự hiểu biết, nhìn xa trông rộng của những lãnh tụ trong quá trình thành lập và gìn giữ một đất nước. Đối với tôi cuốn sách này không có đúng sai mà chỉ có sát với lịch sử hay không, có khách quan hay không. “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?” là tổng hợp của sự đấu tranh, tầm nhận thức, lòng yêu nước và những khát vọng lớn lao lúc bấy giờ của người dân Mỹ. Nó cũng là nền tảng cho các Hiến pháp của các nước khác sau này học hỏi.

Một lần nữa xin cảm ơn anh Nguyễn Cảnh Bình về sự kỳ công và tâm huyết anh dành cho cuốn sách này.

Hà Nội, mùa đông nhưng nồm và ẩm.

Tác giả Lê Ngọc Quỳnh

Bài viết liên quan

Top