Theo cuốn sách tiểu sử của tác giả Jack Weatherford, khi còn nhỏ, vị hoàng đế vĩ đại của Mông Cổ Thành Cát Tư Hãn từng bị bắt làm nô lệ cho bộ tộc Thái Xích Ô.
Jack Mciver Weatherford là Giáo sư ngành Nhân học tại Đại học Macalester, bang Minnesota, Mỹ. Trong cuốn sách tiểu sử Thành Cát Tư Hãn và sự hình thành thế giới hiện đại (NXB Khoa học Xã hội xuất bản năm 2018, Vũ Phương Linh dịch), ông đã khám phá ra nhiều điều bí ẩn về vị hoàng đế Mông Cổ, trong đó có việc Thành Cát Tư Hãn từng bị bắt làm nô lệ và trốn thoát thế nào.
Sự việc xảy ra khi vị đại hãn tương lai Genghis Khan (1162-1227) còn là một cậu bé tên là Thiết Mộc Chân. Trong một cơn giận dữ, cậu cùng người em ruột đã dùng cung tên giết chết người anh cùng mẹ khác cha hơn cậu một tuổi tên là Biệt Khắc Thiếp Nhi, khi mẹ con cậu đang nương náu trong vùng đất của bộ tộc Thái Xích Ô. Khi đó, cha của Thiết Mộc Chân đã chết, và Biệt Khắc Thiếp Nhi là người có quyền điều khiển mọi việc trong gia đình.
Tộc Thái Xích Ô coi mình là dòng dõi quý tộc vùng sông Onon, nên đã phái một toán lính đi trừng phạt Thiết Mộc Chân vì đã giết chóc trên lãnh thổ của họ, cũng như ngăn chặn những gì cậu có thể làm.
Sau khi bị bắt, Thiết Mộc Chân bị gông cổ với thứ gông như ách trâu bò. Cậu có thể đi lại được nhưng tay lại bị cùm nên không thể tự ăn uống mà phải có người giúp. Mỗi ngày có một gia đình nhận trách nhiệm canh gác và chăm sóc cậu.
Theo tác giả Jack Weatherford, Thiết Mộc Chân nhận được sự cảm thông ở những gia đình dòng dõi thấp kém trong tộc Thái Xích Ô. Khuất khỏi tầm mắt của những người đứng đầu tộc, những người này đã chia sẻ thức ăn với cậu.
Theo sách Bí sử của người Mông Cổ, một phụ nữ già đã dịu dàng chăm sóc các vết thương rỉ máu trên cổ cậu do bị gông cắt vào. Các đứa trẻ thì thuyết phục cha chúng bất tuân lệnh mà bỏ gông của cậu ra khi đêm tới, để Thiết Mộc Chân ngủ ngon hơn.
Giáo sư người Mỹ cho biết, câu chuyện Thiết Mộc Chân thoát khỏi cảnh giam cầm đã chứng minh rõ ràng tính cách của cậu, định hình nên con đường vươn tới quyền lực của cậu sau này.
Theo sử sách cổ, Thiết Mộc Chân khi bị sai chăm sóc một cậu bé yếu ớt và chậm phát triển, cậu đã xoay mạnh cái gông khiến nó đập vào đầu cậu bé kia và làm cậu bất tỉnh. Dù lẩn trốn sau bụi cỏ dại, cậu vẫn bị người cha của gia đình đã đối xử tử tế với cậu tìm ra. Thay vì rung chuông báo động, ông bảo cậu hãy đi trốn khi đêm xuống. Dù tính mạng bị đe dọa, những người chủ nhà vẫn bỏ gông của cậu ra và đốt nó. Sau khi giấu cậu bé lúc người Thái Xích Ô truy lùng, họ còn nấu cho cậu một con cừu và cho cậu một con ngựa để trốn thoát và tìm về với mẹ.
Giáo sư Weatherford cho rằng, sự giúp đỡ của gia đình ở đẳng cấp thấp đã khiến sau này, Thành Cát Tư Hãn thường đánh giá người khác theo cách họ hành xử với ông chứ không theo mối quan hệ họ hàng, một khái niệm hoàn toàn mới trong xã hội thảo nguyên.
Theo điển tích và các nguồn tư liệu từ Mông Cổ, Thiết Mộc Chân chỉ bị bắt làm nô lệ trong giai đoạn ngắn ngủi này. Nhưng một nhà chép sử đương thời đã viết rằng Thiết Mộc Chân đã phải làm nô lệ hơn mười năm.
Weatherford phân tích, có thể Thiết Mộc Chân đã bị bắt nhiều lần, hoặc sự kiện này kéo dài lâu hơn nhiều so với những gì được viết trong Bí sử. Một số học giả thì cho rằng vì Thiết Mộc Chân bị bắt làm nô lệ lâu như vậy nên mới có rất ít thông tin chi tiết về thời thơ ấu của ông.
Các học giả đều nhận định, thời kỳ làm nô lệ sẽ là một nỗi ô nhục với Thành Cát Tư Hãn, và nó còn là mối nguy hiểm vô cùng to lớn với con cháu những gia đình đã bắt ông làm nô dịch. Do đó, gần như tất cả những người liên quan tới sự việc này đều giữ yên lặng, và việc rút ngắn thời gian làm nô lệ của Thiết Mộc Chân là phù hợp với tinh thần của người Mông Cổ là chỉ nhắc sơ qua về chuyện xấu, còn luôn nhấn mạnh tính anh hùng của cuộc đào thoát. Các sự kiện này xảy ra trước năm 1178, khi Thiết Mộc Chân 16 tuổi.
Được tác giả viết bằng lối văn hấp dẫn, uyển chuyển vừa mang tính ký sự vừa mang tính sử thi, cuốn Thành Cát Tư Hãn và sự hình thành thế giới hiện đại đã miêu tả Thành Cát Tư Hãn dưới một góc nhìn hoàn toàn mới, cho thấy rằng ông là một nhà lãnh đạo thế tục xuất sắc. Cuốn sách cũng lý giải nguyên nhân vì sao đội quân của ông ta đã liên tục đánh bại các kẻ thù và làm chủ hoàn toàn cả khu vực rộng lớn kéo dài xuyên từ châu Á đến châu Âu.
Nhờ tác phẩm nghiên cứu giá trị về Thành Cát Tư Hãn, Jack Weatherford đã được trao Huân chương Polar Star, sự vinh danh cao nhất của Mông Cổ dành cho người nước ngoài.
Tờ tạp chí Happer’s, trong bài viết giới thiệu ấn bản tiếng Anh xuất bản năm 2004, đã nhận định: “Khó có người nào với khởi đầu bất hạnh đến thế lại có thể đạt đến những thành tựu lớn lao như vậy, ngoại trừ Chúa Jesus”.
Nguồn Zing.vn
Omega Plus hân hạnh chia sẻ cùng bạn đọc!