“Chàng hải âu kỳ diệu” là một trong những tác phẩm quan trọng và được đánh giá cao nhất của Richard Bach, mang đậm tính ngụ ngôn và chứa đựng nhiều triết lý Đông phương.
Richard Bach sinh năm 1936, là cháu trai của nhà soạn nhạc thiên tài Johann Sebastian Bach. Vốn là một tay lái phi cơ chiến đấu và cũng là thợ cơ khí máy bay người Mỹ, nên bầu trời và những chuyến phiêu lưu là niềm cảm hứng vô tận của ông. Với hơn 60 triệu cuốn sách bán ra trên toàn thế giới, ông ghi tên mình cùng Saint-Exupéry như người họa lại thế giới trẻ thơ đặc sắc.
Một chú hải âu tự do nhưng lạc loài
Chàng hải âu kỳ diệu kể về chàng hải âu tên là Jonathan Livingston – một sinh vật lạc loài và có hành vi khác lạ lệch khỏi “chuẩn mực” của đàn Breakfast. Trong khi phần lớn thành viên trong đàn kiếm ăn bằng việc bay theo những thuyền đánh cá, thì Jonathan chỉ chăm chăm mỗi một việc bay.
Chàng tập bay với nhiều tư thế khác nhau, bay với tốc độ cao, bay ở thế nhào lộn… Nhưng đàn hải âu lại không thích chàng làm như thế, chúng coi đó là nỗi nhục nhã, bỏ mặc chàng trong sự cô đơn. Ngay cả bố mẹ của Jonathan cũng tỏ ra lo lắng trước việc chú suốt ngày đơn độc một mình, hàng trăm lần tập đi tập lại những đường bay chậm là là mặt nước.
Qua cuộc hành trình của mình, chàng hải âu Jonathan học được một điều: “Thiên Đường không phải là nơi chốn, mà cũng không phải thời gian. Thiên Đường là trạng thái khi ta đạt được toàn thiện”.
Việc mượn loài vật để kể câu chuyện mang nhiều đặc trưng ngụ ngôn không còn xa lạ trong kho tàng văn chương. Với tác phẩm này, Richard Bach đã chọn hải âu như một đại diện cho loài tinh ranh và có cấu trúc xã hội đặc biệt. Đó là biểu tượng của biển cả và thường mang theo dáng vẻ hiền hòa, nhưng liệu chúng có bao giờ chán ghét cuộc sống lặp đi lặp lại và khá thụ động của bản thân mình?
Jonathan Livingston đã tách mình ra thoát khỏi bầy đàn và sau đó phải đối mặt với một truyền thống bầy đàn cố hữu. Cậu cũng bị đưa ra đến Hội đồng Ô nhục và cuối cùng trở thành một kẻ cô độc đã bị ruồng bỏ.
Mặc cho gầy còm “toàn xương với lông”, cậu vẫn luôn vui vì được bay lượn hoàn toàn tự do. Ở cậu, ta có thể thấy một sự vượt thoát để vươn đến sự hoàn hảo, không chấp nhận thể trạng xoàng xĩnh cũng như ngu muội, sống đời tầm thường…
Mang đậm tính triết lý phương Đông
Richard Bach không hề duy mỹ hay lý tưởng hóa loài sinh vật này. Trong những khó khăn ở bước khởi đầu, bởi vì “bản năng” ưa chuộng những điều dễ dàng nên Jonathan đã không ít lần có ý buông xuôi. Nhưng chính khát khao cũng như niềm tin vào bản thân mình đã cứu vớt cậu, từ đó làm nên một cá thể riêng, có ý chí cũng như trách nhiệm. Thông qua tác phẩm Chàng hải âu kỳ diệu, bài học theo đuổi ước mơ, không ngừng học hỏi và chịu trách nhiệm cho các lựa chọn của mình đã được thể hiện một cách sinh động.
Tuy là tác phẩm mang tính ngụ ngôn và dành cho thiếu nhi, thế nhưng ở khía cạnh khác, cuốn sách này cũng đã mở ra rất nhiều suy ngẫm đậm tính triết lý phương Đông. Yếu tố tôn giáo, tâm lý chữa lành cũng như thiền học… được thể hiện rõ ràng trong phần nửa sau của tác phẩm.
Vượt lên trên sự bình thường, mỗi loài sinh vật sẽ vươn đến sự hoàn hảo bằng nhân từ và yêu thương. Do đó nhân vật Hải âu Jonathan để lại cho mỗi người đọc bài học tích cực về việc nhìn thấy cái đẹp trong mỗi con người, sự vật, hiện tượng…
Ngoài phần văn bản đậm tính ngụ ngôn, cuốn sách còn bao gồm nhiều bức ảnh về loài hải âu của nhiếp ảnh gia Russell Munson. Từ những bài báo của Richard Bach về ngành hàng không mà hai nghệ sĩ đã gặp được nhau, tìm thấy niềm đam mê chung hướng về bầu trời, từ đó tác phẩm có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hình ảnh cũng như ngôn từ đã kịp ra đời.
Bằng thứ văn chương đẹp đẽ và nghệ thuật nhiếp ảnh ấn tượng, tác phẩm này cũng từng khiến cho nhiều thủ thư “đau đầu”, khi không thể biết phải phân tác phẩm vào thể loại nào, tiểu thuyết, nhiếp ảnh, kỹ năng hay là tôn giáo…
Nhưng dù xếp nó vào phân loại nào, câu chuyện về chàng hải âu Jonathan Livingston vẫn là một tác phẩm truyền nhiều cảm hứng cùng cách viết dễ gần, dễ cảm.
Thanh Trần|Báo Zing