Với Picasso, “Những cô nàng ở Avignon” là một dạng “bùa ngải” ông dùng để chiêu gọi, chế ngự những “con quỷ” trong mình. Tác phẩm có vai trò quan trọng trong sự nghiệp danh họa.
Picasso thường được biết đến như một thiên tài, một bậc thầy sáng tạo của thế kỷ 20. Tên tuổi ông gắn liền với sự ra đời của trường phái lập thể, bước chuyển đột phá trong dòng chảy nghệ thuật nói chung và nghệ thuật hiện đại nói riêng.
Chủ nghĩa lập thể phá vỡ nguyên tắc tạo hình truyền thống của hội họa từ hàng thế kỷ trước, khiến những hình khối, mảnh ghép và góc cạnh của đối tượng được trưng bày dưới lăng kính không gian, thời gian trên mặt phẳng tranh. Bức tranh Những cô nàng ở Avignon đầy táo bạo đã đánh dấu thời khắc phá vỡ nguyên tắc tạo hình truyền thống ấy.
Bức tranh trừ tà của danh họa lập thể
Mọi người thường biết đến một Picasso đầy tài năng và có phần kiêu ngạo, là người hiểu rõ sức mạnh nghệ thuật và sự quyến rũ của bản thân; nhưng có lẽ ít ai hiểu rõ những khía cạnh nhạy cảm, phức tạp, những góc tối ẩn giấu sâu trong tâm hồn ông.
Cuốn sách Picasso và bức tranh khiến thế giới sửng sốt của Miles J. Unger đã dẫn ta quay ngược thời gian khám phá cuộc sống luôn nằm giữa hai thái cực và những mâu thuẫn của người họa sĩ: Tuổi thơ ông được bao bọc bên gia đình nhưng trưởng thành sớm vì áp lực; đời sống lãng tử được thỏa mãn tinh thần mà túng thiếu về vật chất. Ông là người luôn quan sát, ít nói nhưng ánh mắt toát ra năng lượng thu hút; tình bạn song hành với sự cạnh tranh cùng những tài năng đương thời; thờ ơ trước danh tiếng nhưng luôn tin sứ mệnh của mình là người dẫn đầu làn sóng tiên phong.
Trong bức tranh toàn cảnh về cuộc đời của Picasso, Unger đã xoáy sâu vào hành trình sáng tạo nên tác phẩm Những cô nàng ở Avignon. Unger đã dành nhiều thời gian để ghi lại một cách chặt chẽ lịch sử đầy đau đớn nhưng mang tính giải phóng của Picasso, các yếu tố xã hội và thẩm mỹ góp phần tạo nên nó, chủ nghĩa lập thể mà nó đã sinh ra.
Năm 1906, Picasso bắt đầu tạo ra kiệt tác Những cô nàng ở Avignon. Theo Unger, đây là bức tranh đầu tiên Picasso thực sự là chính mình.
Pablo Picasso mô tả Những cô nàng ở Avignon (Les Demoiselles d’Avignon) là một bức tranh trừ tà. Với Picasso, đây là một bức tranh mang tính gột rửa, một lời kêu gào của nhục dục cùng sự giận dữ, đớn đau và giải tỏa, một dạng “bùa ngải” ông dùng để chiêu gọi những “con quỷ” trong chính ông để có thể chế ngự chúng.
Bức tranh gây sốc đến mức bạn bè cũng cho rằng Picasso sắp phát điên. Chỉ có người đồng nghiệp George Braque mới hiểu Picasso đang cố gắng làm gì. Trong vài năm sau đó, hai người đã hợp tác để tạo ra chủ nghĩa lập thể, phong trào cách mạng và có ảnh hưởng nhất trong nghệ thuật thế kỷ 20.
Trên thực tế, Picasso bị một số môn đệ xa lánh, họ đã kinh hoàng khi ông tuyên bố bức tranh là “phép trừ tà” huy hoàng của mình. Henri Matisse, đối thủ chính của ông trong số các nghệ sĩ tiên phong ở Paris, đã tố cáo Những cô nàng ở Avignon là tội ác chống lại nghệ thuật, một trò lừa bịp phức tạp và một sự sỉ nhục cá nhân. Các đại lý và nhà sưu tập bỏ chạy, tỏ ra ghê tởm bức tranh.
Một mô tả đặc sắc về Picasso
Miles J. Unger ở góc nhìn cận cảnh đã phân tích một cách chi tiết quá trình sáng tạo của Picasso để tạo nên bức tranh táo bạo Những cô nàng ở Avignon. Sự điên dại, ám ảnh, đen tối và bạo liệt trần trụi đều là nguồn kích thích sáng tạo của vị họa sĩ.
Tác giả đã nắm bắt một cách tuyệt vời lịch sử cá nhân, tính khí và sự phát triển thẩm mỹ của Picasso kết hợp với các trào lưu cách mạng trong nền văn hóa Paris của thế kỷ để thuật lại khoảnh khắc quan trọng này trong lịch sử nghệ thuật.
Cũng là một tác phẩm tiểu sử nhưng thay vì kể về câu chuyện cuộc đời theo dòng chảy thời gian một cách đơn thuần, tác giả chọn một điểm quy tụ (là thời khắc sáng tạo nên bức Những cô nàng ở Avignon) để thêu dệt nên những tình tiết quy chiếu có tác động đến thời khắc đó.
Từ đó, Unger từng bước kiến tạo các mặt lập thể cho hình tượng người họa sĩ là tác giả của điểm tụ đó.
Unger không chỉ nghiên cứu Picasso dựa trên nguồn kiến thức sâu rộng và đam mê của bản thân mà còn chọn lọc tài liệu đa dạng từ một loạt tạp chí, hồi ký, tiểu sử… Từ những điều này, ông tạo nên một cuộc thăm dò lịch sử và tâm lý phong phú về Picasso thời trẻ cùng các đồng nghiệp của ông ở Barcelona và Paris.
Ngôn ngữ sắc sảo, dữ dội và thấm đẫm chất thơ của tác giả Unger đã phần nào thể hiện được các mặt đối lập phức tạp trong tâm lý sáng tạo và đời sống của Picasso.
Cuốn sách Picasso và bức tranh khiến thế giới sửng sốt đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ các tác giả, cũng như các nhà phê bình nghệ thuật.
Walter Isaacson, tác giả cuốn sách Leonardo da Vinci, đã viết: “Sự ra đời của chủ nghĩa hiện đại một thế kỷ trước là một trong những thời khắc lịch sử vĩ đại nhất của quá trình phân nhánh sáng tạo, cũng như vật lý của Einstein, âm nhạc của Stravinsky, và các văn phẩm của Joyce và Proust. Một điểm sáng lớn là bức tranh đáng kinh ngạc của Picasso, Miles Unger thể hiện đồng thời sự kịch tính và vẻ rực rỡ của sáng tạo đó trong cuốn sách này”.