Phơi bày sự thật về Thế chiến thứ hai

Tái hiện cuộc chiến khốc liệt trong thế kỷ XX, phơi bày sự thật khủng khiếp của chiến tranh, sách “Thế chiến thứ hai” chứa đựng lời kêu gọi khẩn thiết cho hòa bình thế giới.

Trong thế kỷ XX, nhân loại phải trải qua một cuộc chiến tàn khốc nhất và hủy diệt nhất mà thế giới từng biết tới: Chiến tranh thế giới thứ hai. Cuộc chiến này đã kết thúc gần 8 thập kỷ, nhưng vết thương của nó vẫn còn hằn sâu trong tâm thức của nhiều quốc gia trên thế giới và nó tiếp tục “ám ảnh các thế hệ kế tiếp hơn hẳn bất kỳ cuộc xung đột nào khác trong lịch sử”.

The chien thu hai anh 1

Sự tàn khốc của chiến tranh

Cuộc đại chiến bắt đầu từ năm 1939 và kết thúc năm 1945, với sự tham gia của nhiều quốc gia trên thế giới (có hơn 100 triệu người đến 30 quốc gia trực tiếp tham gia), bao gồm tất cả cường quốc, tạo thành hai liên minh quân sự đối lập: Phe Đồng Minh và Phe Trục. Họ đã dồn toàn bộ nguồn lực kinh tế, quân sự, khoa học, công nghiệp để tạo nên “khối mâu thuẫn tàn khốc nhất và hủy diệt nhất mà thế giới từng biết tới”.

Trong trận đại chiến đó, những vụ thảm sát kinh hoàng, những cuộc tấn công đẫm máu đã dẫn đến hậu quả khôn lường: Số người thiệt mạng lên tới 70-80 triệu người, hàng trăm triệu người dân bị mất nhà cửa, nền kinh tế các quốc gia sụp đổ. Sau tất cả, nỗi đau chiến tranh ấy vẫn còn nhức nhối trong nhiều thế hệ.

Antony Beevor là một trong những nhà sử học hàng đầu thế giới, chuyên nghiên cứu về Thế chiến thứ hai với các đầu sách đoạt nhiều giải thưởng như Stalingrad: Trận chiến định mệnhBerlin: Cuộc sụp đổ năm 1945. Với tác phẩm Thế chiến thứ hai ra mắt lần này, ông tập trung tái hiện lại toàn bộ sự kiện đẫm máu và bi thảm nhất của thế kỷ XX.

Tác phẩm đưa chúng ta vào một giai đoạn để lại nhiều hệ lụy nhất trong lịch sử thế giới hiện đại, bắt đầu từ cuộc xâm lược Ba Lan của Hitler đến ngày Phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện và hậu quả mà toàn bộ cuộc đại chiến này để lại.

The chien thu hai anh 2
Hình ảnh trong Hacksaw Ridge – một bộ phim về Thế chiến hai. Ảnh: poembook.

Beevor đã mô tả cuộc xung đột và phạm vi toàn cầu của cuộc đại chiến này ở mọi ngóc ngách, diễn biến, tình hình và nước đi chiến lược của từng bên. Những trận chiến ở Moscow, Trân Châu Cảng, Philippines, chiến dịch Blau – mở lại Barbarossa hay trận đánh trả trên Thái Bình Dương cũng được kể lại chi tiết.

Là một người lính từng tham gia phục vụ quân đội Anh và Đức, Antony Beevor tái hiện bức tranh về thế chiến thứ hai như một phóng viên chiến trường thực thụ. Ông khắc họa chân thực đến mức khốc liệt, đau thương và ám ảnh.

Điểm đặc biệt của Beevor là ngòi bút của ông hướng vào những con người, câu chuyện cụ thể đã cấu thành nên cuộc chiến đó bằng sự đồ sộ, chi tiết và đa chiều của tư liệu (bao gồm tư liệu lưu trữ cùng các cuộc phỏng vấn, ghi chép, câu chuyện của những nhân chứng) và để cho chính nguồn tư liệu đó lên tiếng.

Qua đó, bộ mặt chiến tranh hiện lên đa dạng và đa chiều tột cùng. Bên cạnh kết quả hùng tráng, bi thảm từ cái nhìn chính trị, giới quân sự cấp cao bao giờ cũng đi kèm thảm cảnh trực tiếp mà người dân, từ mọi bên, phải gánh chịu: nạn đói, nạn hãm hiếp, mất nhà cửa, mất lương thực, phải di tản, trẻ nhỏ lạc mất cha mẹ…

Đặc biệt là thảm cảnh diệt chủng chia thành từng đợt, được tổ chức nghiên cứu và triển khai cực kỳ hệ thống, mà người Do Thái cùng nhiều sắc dân thiểu số ở châu Âu phải gánh chịu.

Vấn đề khẩn thiết nhất cho hòa bình trên thế giới

Thế chiến thứ hai gồm hơn 1.000 trang, bắt đầu bằng lá thư từ biệt vợ của Georgy Zhukov vào tháng 6/1939 và kết thúc bằng câu chuyện về vợ của một nông dân Đức có quan hệ với một tù binh Pháp được chỉ định đến làm việc tại một nông trại Đức trong khi chồng cô đang ở mặt trận phía Đông.

Trong sách, độc giả có thể bắt gặp rất nhiều câu chuyện man rợ và khủng khiếp mà nhiều người muốn quên đi. Nhưng công việc của các sử gia là làm cho những ký ức đau thương ấy luôn sống mãi và trở nên có ý nghĩa trong xã hội hiện đại. Do đó, cuốn sách cũng là lời đặt vấn đề khẩn thiết nhất cho hòa bình trên thế giới.

 

The chien thu hai anh 3

Dịch giả Trịnh Huy Ninh vốn là một sĩ quan quân đội. Do đó, ông không gặp quá nhiều khó khăn trong việc chuyển ngữ tác phẩm đồ sộ này.

Chia sẻ với Zing, ông cho biết tác phẩm của Antony Beevor là công trình nghiên cứu công phu từ kho lưu trữ quốc gia của nhiều nước, những quyết định, mệnh lệnh và thư từ của binh lính. Tác giả đã cố gắng phân tích mọi sự việc một cách khách quan để cho chúng ta thấy được cách tiếp cận đối với cuộc chiến này của các bên.

“Cuốn sách đem lại những bài học xương máu, hữu ích cho mọi thời đại. Sách mang tính bao quát với nguồn tư liệu được tìm tòi công phu, cho ta thấy được diễn biến, mức độ tàn khốc và những cuộc đấu trí điển hình nhất lúc bấy giờ”, ông Ninh nói.

Trong sách, Mussolini bị chính dân của mình xét xử, trong khi Hitler phải tự xử vì sợ “bị đóng gông giải về Moscow”. Qua chuyện này, độc giả sẽ tự đặt câu hỏi: Tại sao những ý tưởng tham vọng điên rồ như vậy lại có thể lôi kéo bao người lao vào liên tiếp những thảm họa?

Cũng theo dịch giả Trịnh Huy Ninh, trong tác phẩm này, châu Á là một chiến trường khốc liệt không kém gì châu Âu. Vào đầu cuộc chiến, quân Nhật cũng hoành hành như chỗ không người chẳng kém gì quân Đức ở châu Âu. Đông Dương và Việt Nam ngay từ đầu đã bị quân Pháp đầu hàng dâng cho Nhật. Tuy không phải là chiến trường, ảnh hưởng của cuộc chiến đến vùng này là không hề nhỏ.

Không có từ khóa

Bài viết liên quan

Top