Nhà văn chuyên viết truyện cho thiếu nhi là người yêu thích di chuyển và khám phá. Những trải nghiệm đó cho ông chất liệu phong phú để sáng tác.
Hans Christian Andersen (1805-1875) – tác giả của những câu chuyện quen thuộc như Nàng tiên cá, Chú lính chì dũng cảm, Vịt con xấu xí, bà chúa tuyết… Cây đại thụ làng văn có nhiều tác phẩm gắn bó với tuổi thơ nhiều thế hệ. Nhưng tác giả người Đan Mạch không chỉ có các câu truyện cổ. Sự nghiệp trải rộng trên nhiều lĩnh vực của ông, cuộc đời phong phú của ông trong thế kỷ XIX được kể trong tự truyện Chuyện đời tôi.
Bao thế hệ độc giả gắn bó với những câu chuyện thần tiên của Andersen. Ảnh: Đỗ Thu.
Những khía cạnh độc đáo trong cuộc đời văn hào
Những năm đầu văn nghiệp, Andersen nổi tiếng ở Đức hơn ở quê hương Đan Mạch. Năm 1846, một tuyển tập tác phẩm của ông được ấn hành tại Đức. Nhà xuất bản Carl B. Lorck đề nghị Anderson viết về cuộc đời mình. Cuốn tự truyện được dịch và xuất bản tại Đức với tên Das Marchen meines Lebens (Chuyện thần tiên của đời tôi).
Tác phẩm được dịch sang tiếng Anh năm 1947 với tên The True Story of My Life (Câu chuyện thật về đời tôi). Năm 1855, khi một tập hợp tác phẩm của Andersen được xuất bản ở quê hương Đan Mạch, ông đã viết lại tự truyện của mình. Nhà văn giữ nguyên phần nội dung bản tiếng Đức, bổ sung thêm nhiều chi tiết, hồi ức, tư liệu, thư từ. Ông cũng cập nhật thêm nội dung về quãng đường 10 năm kế tiếp.
Một thời gian sau, nhà xuất bản Hurd & Houghton ở New York muốn xuất bản các tác phẩm của Andersen tại Mỹ. Đơn vị này đã đề nghị nhà văn bổ sung cuốn tự truyện. Tác giả Đan Mạch đã bổ sung những việc xảy ra trong đời ông từ năm 1855 đến năm 1867. Sách được phát hành năm 1871. Bốn năm sau, nhà văn qua đời.
Qua cuốn tự truyện, bạn đọc biết Andersen không chỉ viết những câu chuyện thần tiên cho thiếu nhi. Ông từng sáng tác thơ, là một kịch tác gia, tiểu thuyết gia trước khi nổi tiếng với truyện cổ tích.
Trong tự truyện, Andersen thuật lại tuổi thơ, những bước ngoặt trong sự nghiệp, cuộc đời. Câu chuyện hậu trường sáng tác cũng được nhà văn tiết lộ. Độc giả cũng được thưởng thức một số bài thơ của Andersen. Đây là những sáng tác ca ngợi phong cảnh, thơ viết tặng bạn… được nhà văn đưa vào để minh họa cho một sự việc nào đó.
Cuốn sách chứa đựng nhiều chi tiết thú vị, tiết lộ tâm hồn một tác giả lãng mạn, giàu lòng nhân ái. Tự truyện là một cánh cửa dẫn bạn đọc vào thế giới nội tâm một nhà văn, chìa khóa để người đọc thêm hiểu những câu chuyện mà ông đã viết.
Andersen viết trong tự truyện: “May mắn và đầy biến cố, đời tôi là một câu chuyện thú vị. Nếu như lúc tôi còn nhỏ, bước vào đời trong cảnh nghèo khó và cô đơn mà có một bà tiên hiện ra bảo rằng: ‘Bây giờ con hãy chọn đường đời của con, và mục đích con muốn gắng công đạt tới, sau đó, tùy theo sự phát triển trí tuệ của con và khi thấy hợp lý, ta sẽ dẫn dắt và bảo vệ để con đạt được điều ấy’, thì dẫu như vậy, số phận của tôi cũng không thể nào được định hướng sao cho vui vẻ hơn, thận trọng hơn hay tốt đẹp hơn”.
Trong tự truyện, Andersen kể về những chuyến du hành của mình. Ảnh: Đỗ Thu.
Những chuyến đi xuyên châu Âu
Tự truyện cũng tiết lộ Andersen là người ham khám phá. Ông thực hiện nhiều chuyến du ký qua các vùng đất, thành phố châu Âu, từ đó thu thập chất liệu dồi dào cho các trang viết.
Ở phần thứ hai của tự truyện, Andersen viết: “Tôi có bản chất của một loài chim thiên di bay khắp châu Âu”. Ông thường được bạn bè ở các nước châu Âu mời đến chơi, sống. Bên cạnh đó, văn hào cũng có sự chuẩn bị cho những chuyến đi.
Hành trình qua các xứ sở được ông kể tường tận. Năm 1943, nhờ dựng kịch, Andersen tích cóp được một khoản tiền nhỏ cho chuyến đi tới Paris. Ông kể: “Cuối tháng 1/1843, tôi rời Copenhagen. Tôi đi theo ngã Funnen, qua Schleswig và Holstei. Đó là một hành trình mệt mỏi và khó nhọc cho đến khi tôi đến Itzehoe và Breitenburg”.
Sau Paris, Andersen lên đường tới Đức. Để thỏa đam mê xê dịch, ông không quản hành trình khó, ngồi trên chiếc xe ngựa phải đi chậm chạp suốt ngày đêm qua những con đường xấu. Bù lại, văn hào kịp tới một lễ hội hóa trang ở Dusseldorf vào ngày cuối.
Nhà văn tiếp tục đặt chân đến Bỉ: “Tôi đã lặng lẽ đi bằng xe ngựa và tàu hỏa – đường sắt chỉ mới làm xong một phần – đến Brussels, qua ngả Cologne và Luttich”.
Tại mỗi nơi đặt chân đến, Andersen kể lại ấn tượng của ông về phong cảnh, con người, món ăn, văn hóa… Ông kinh ngạc trước kiến trúc của những thánh đường, xúc động trước vẻ đẹp thiên nhiên, thăm thú bảo tàng, thư viện, khám phá lâu đài, dinh thự của những người mời ông tới…
Trong những chuyến đi, Andersen đã gặp gỡ nhiều nhân vật nổi tiếng thế kỷ XIX ở các quốc gia như Đức, Pháp, Italy, Hà Lan, Thụy Điển, Anh. “Tôi thường đến nhà Victor Hugo và được đón tiếp rất ân cần”, Andersen kể.
Còn tác giả Ba chàng lính ngự lâm được miêu tả như một người vui tính: “Tôi thường gặp nhà văn vui tính Alexandre Dumas hay nằm trên giường, thậm chí lúc trời đã xế chiều; anh ta nằm cùng với giấy, bút và mực, viết vở kịch mới nhất của mình”.
Nhà văn Đan Mạch gặp nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng khác như: Balzac, Lamartine, kịch tác gia Áo Franz Grillparzer, nhà điêu khắc Pháp David d’Angers, kịch tác gia Đức Geibel…
Thông qua cuốn sách, bạn đọc nhận thấy Andersen là một “phượt thủ” chính hiệu. Những trải nghiệm mà ông kể lại trong tự truyện, giờ đây trở thành tư liệu quý về việc văn hóa nghệ thuật được châu Âu quan tâm như thế nào, địa lý của châu Âu ở thế kỷ XIX, vai trò của kịch nghệ ở châu Âu…
Đỗ Thu | Zingnews