cuoc-doi-ly-ky-mau-thuan-cua-nguoi-viet-tuyen-ngon-doc-lap-nuoc-my

Cuộc đời ly kỳ, mâu thuẫn của người viết ‘Tuyên ngôn Độc lập’ nước Mỹ

Cuộc đời Thomas Jefferson là một chuỗi những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn, đặc biệt được tác giả Joseph J. Ellis khai thác dưới những góc nhìn đối lập.

Cuốn sách Thomas Jefferson: Nhân sư Mỹ của Joseph J. Ellis được xuất bản năm 1996 và giành được Giải thưởng Sách quốc gia Mỹ năm 1997.

Thomas Jefferson là tổng thống thứ ba của Mỹ, ông là người đã viết nên bản “Tuyên ngôn Độc lập” nổi tiếng năm 1776.

Trong cuốn sách của mình, hình ảnh Jefferson được tác giả cố gắng tái dựng bằng những giai đoạn cuộc đời quan trọng nhất của ông. Đó là giai đoạn soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập ở Philadelphia (1775 – 1776); Chứng kiến cuộc Cách mạng Pháp trong những năm 1780 ở Paris khi ông là Công sứ (1784-1789); Chống lại phe đối lập chống Liên bang từ trang trại quê hương ở Monticello (1794-1797); Trong nhiệm kỳ đầu tiên là Tổng thống Mỹ (1801-1804); và dành những năm cuối của ông ở quê nhà với những nỗ lực xây dựng Đại học Virginia (1816-1826).

Cuộc đời ông là một chuỗi những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn, đặc biệt được tác giả Joseph J. Ellis khai thác dưới những góc nhìn đối lập giữa cuộc đời riêng tư và sự nghiệp chính trị của ông.

Lý tưởng Tuyên ngôn độc lập Mỹ năm 1876

Thomas Jefferson, sinh năm 1743, là con của một chủ đồn điền khá giả ở Virginia. Ông học đại học William & Mary vào năm 1760. Ông nổi tiếng chăm chỉ và nghiêm túc.

Thời trẻ, ông được biết đến là người thanh niên chỉ thích lắng nghe và quan sát. Ông không thoải mái khi phải đứng trước ánh đèn sân khấu. Nhưng ông lại có khả năng tuyệt vời về ngôn ngữ khi ngồi trước bàn viết. Đây cũng là điều tác giả J.Ellis nhấn mạnh nhiều lần trong cuốn tiểu sử về Jefferson.

Tài năng ngôn ngữ xuất sắc của Jefferson cùng với khả năng nghiên cứu chủ động, sáng tạo của ông chính là một trong những nguyên nhân khiến giới lãnh đạo Quốc hội chọn ông là người soạn thảo bài phát biểu mà sau này được đặt tên Tuyên bố về những nguyên do và sự cần thiết của việc cầm vũ khí, có nội dung “cung cấp một mạch truyện trong đó tập hợp tất cả các thuộc địa Mỹ như những nạn nhân vô tội”.

Những nguyên do và sự cần thiết có thể xem là nền tảng của Tuyên ngôn Độc lập.

Jefferson viết Tuyên ngôn Độc lập chỉ trong một vài ngày, với những ý tưởng đã trở nên bất hủ, trở thành văn kiện quan trọng bậc nhất trong lịch sử nước Mỹ: “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên; rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng; rằng Tạo hóa đã ban cho họ những quyền bất khả xâm phạm; trong đó có quyền sống; tự do và mưu cầu hạnh phúc; rằng để đảm bảo những quyền này, các chính phủ được lập ra trong nhân dân và có được những quyền lực chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của nhân dân”.

Đây là giai đoạn Jefferson đang là chàng thanh niên nhút nhát, lặng lẽ, và lý tưởng. Tuyên ngôn Độc lập đã thể hiện “ham muốn nắm bắt một xã hội lý tưởng” từ sâu thẳm con người Jefferson. Đó là xã hội sự tự do, độc lập và bình đẳng. Ngôn ngữ của Jefferson trong Tuyên ngôn Độc lập luôn biến hóa đầy màu sắc, nhưng những thông điệp luôn được thể hiện một cách rõ ràng, sắc nét.

Cũng chính bản Tuyên ngôn Độc lập đã thể hiện những mâu thuẫn giữa lý tưởng và đời sống thực của Jefferson. Dân chúng lên án ông khi ông kêu gọi tự do, xóa bỏ chế độ nô lệ thì bản thân ông lại là một điền chủ sở hữu đến hơn 150 nô lệ. Ông kêu gọi bình đẳng nhưng bản thân ông lại sống trong sự xa hoa mang đậm màu sắc quý tộc phong kiến với biệt thự riêng tại Monticello.

Bài diễn văn nhậm chức Tổng thống năm 1801

Diễn văn nhậm chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ đầu tiên của Jefferson được phát biểu vào ngày 4/3/1801, “là một tuyên bố hùng hồn về sự khiêm tốn phù hợp với sự thông tuệ toàn diện chúng ta tìm kiếm ở một Tổng thống mới”.

Tác giả J. Ellis dùng nhiều thời gian để phân tích, bình luận về bài diễn văn của Jefferson, bởi theo ông, “bên cạnh bản Tuyên ngôn Độc lập thì bài diễn văn được xem là tài liệu hùng hồn và nghệ thuật nhất Jefferson từng chế tác”.

Ở bài diễn văn nhậm chức, chúng ta một lần nữa được tiếp cận với tinh thần tư tưởng sâu thẳm của Jefferson. Không còn là cậu thiếu niên nhút nhát năm xưa, nhưng Jefferson vẫn giữ sự tĩnh lặng, quan sát, lý tưởng của mình như trước. Những câu chuyện về tự do, công lý, bình đẳng tiếp tục được ông đào sâu.

Giọng nói của ông khi đọc bài diễn văn vẫn “khẽ khàng và khó nghe tới mức chỉ ít người ở hàng đầu tiên mới có thể nghe thấy những gì ông nói”, nhưng lần này “mọi từ ngữ đều của ông, không bị chỉnh sửa bởi các ủy ban hoặc những vị đại biểu thích can thiệp”. Ông đã thỏa sức mình, tạo tác nên một văn bản ngôn ngữ tuyệt vời, một lần nữa, thể hiện khả năng ngôn ngữ siêu việt.

Suốt hai nhiệm kỳ Tổng thống, Jefferson chỉ hai lần trình bày trước công chúng, chính là hai bài phát biểu nhậm chức, còn lại “công việc chính của ngành hành pháp dưới thời Jefferson được thực hiện gần như hoàn toàn bằng văn bản”. Tác giả J. Ellis gọi ông là “Tổng thống văn bản”.

Hai nhiệm kỳ Tổng thống của Jefferson, cũng là hai giai đoạn Jefferson trải qua tâm trạng vừa ở cực đỉnh thành tựu, lại vừa rơi vào hố thẳm tệ hại, với nhiều vụ bê bối.

Những vụ bê bối trong lịch sử của Jefferson được lướt qua trong cuốn sách, không phải để bày tỏ thái độ bình phẩm, phê phán. Với lối viết đậm chất trữ tình, khoan thai, J. Ellis đã gợi mở nhiều bí ẩn sâu kín trong tâm tư Jefferson.

Độc giả theo dõi cuốn sách Thomas Jefferson: Nhân sư Mỹ sẽ dễ dàng nhận thấy sự ưu ái của tác giả J. Ellis dành cho Jefferson, nó không chỉ là sự ngưỡng mộ của thế hệ sau, mà còn ẩn chứa rất nhiều những nỗ lực thấu hiểu, đồng cảm với con người vĩ đại này.

Đời sống riêng tư nhiều mất mát

Thomas Jefferson: Nhân sư Mỹ đã xây dựng hình ảnh Jefferson không phải chỉ là hình mẫu chính trị huyền thoại. Ông được tái dựng đậm chất con người.

Theo những tài liệu tác giả thu thập được, Jefferson khi còn trẻ là người rất dễ bị tổn thương, “quen xây dựng thế giới nội tâm đầy những hấp dẫn tưởng tượng tuyệt vời mà chắc chắn sẽ xung đột với thực tại”. Từ nhỏ ông chỉ yêu thích việc đọc sách, và sáng tạo nên thế giới của riêng mình.

Khi trưởng thành, ông kết hôn với Martha, và đặt rất nhiều kỳ vọng vào việc xây dựng một gia đình gắn kết hạnh phúc. Nhưng vào tháng 9/1782, vợ ông đã mất sau lần sinh nở thứ 7, vì sức khỏe suy kiệt.

Đó là nỗi đau lớn nhất đời ông. Cho đến tận sau này, dù có sự qua lại với những người phụ nữ khác, ông đã không bao giờ tái hôn.

Chính nỗi đau này đã khiến ông nhận chức vụ ngoại giao ở Paris để “chạy trốn ký ức về Martha”.

Vì lý tưởng kết nối gia đình, ông mong muốn con gái Patsy và Maria khi kết hôn vẫn có thể ở cùng nhau tại Monticello. Nhưng Maria cũng giống như mẹ cô, đã mất khi còn rất trẻ, vì sinh con.

Trong khi kỳ vọng về “hạnh phúc gia đình” không thành, thì tài chính của Jefferson cũng là một vấn đề nghiêm trọng.

Những khoản nợ ngày càng gia tăng, gia đình ông đối diện với nguy cơ phải sống trong cảnh nghèo nàn, buộc ông phải đi đến những quyết định “phủ nhận” chính những lý tưởng ông đã từng theo đuổi, được thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776.

Sáu tháng sau khi ông mất, vào ngày 15/1/1827, bất động sản và nô lệ thuộc sở hữu của ông đã buộc phải đem bán đấu giá. Khi kết thúc “số tiền thu về chỉ đủ trang trải một phần khoản nợ khổng lồ của Jefferson để lại”.

Ông đã không phải chứng kiến cảnh “chia cắt và phá hủy” này. Ông đã ra đi, nhưng những câu chuyện về ông vẫn luôn được lưu truyền khắp nước Mỹ cho đến tận hôm nay, về một con người, một cuộc đời vĩ đại, đầy những mâu thuẫn, tranh cãi.

Joseph J. Ellis, là sử gia uy tín nghiên cứu về giai đoạn thành lập nước Mỹ. Ông cũng tác giả của một số cuốn sách về lịch sử Mỹ, trong đó có cuốn Nhà thông thái nhiệt huyết: Tính cách và di sản của John Adams và Các nhà Lập quốc: Thế hệ Cách mạng.

Thủy Nguyệt/Nguồn Zing.vn

 

Bài viết liên quan

Top