#Cuocthireview Hiến Pháp Mỹ Được Làm Ra Như Thế Nào? | Bài dự thi 5 – Tác giả Trần Hà Trang

Review sách “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?”

Hiến pháp là Hệ thống các quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất quy định những vấn đề cơ bản nhất về chủ quyền quốc gia, chế độ chính trị, chính sách kinh tế văn hóa, xã hội, tổ chức quyền lực nhà nước, địa vị pháp lý của con người và công dân.

Sách “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào” do tác giả Nguyễn Cảnh Bình biên soạn và xuất bản lần đầu tiên năm 2004, sau đó được tái bản nhiều lần và lần tái bản gần nhất vào năm 2018. Qua cuốn sách, chúng ta thấy được tác giả đã có sự tìm hiểu miệt mài, sâu sắc về nước Mỹ, về lịch sử hình thành và phát triển thành một cường quốc như ngày nay.

Chúng ta có thể tóm tắt quyển sách thành những mục sau:

  1. Hiến pháp đương thời và những nhược điểm của nó

Hiến pháp đương thời là các điều khoản Hợp bang, được phê duyệt năm 1781 đã chỉ ra rằng 13 bang thuộc địa tập hợp trong một thể chế hợp bang lỏng lẻo khi chỉ có một cơ quan chính quyền duy nhất là Quốc hội hợp bang điều hành mọi vấn đề của đất nước. Chính phủ Hợp bang khi đó không điều hành trực tiếp với người dân mà thông qua trung gian là các chính quyền bang. Không có nhánh hành pháp, cũng không có tòa án tối cao, cơ quan này hầu như chẳng có chút quyền hành nào và cũng chẳng có ngân sách để hoạt động. Khắp nơi tràn ngập sự lộn xộn, không có một quy định chung về thương mại, thuế khóa và thậm chí, mỗi bang còn có một loại tiền riêng

  1. Hoàn cảnh ra đời của Hiến pháp Mỹ

Hội nghị Lập hiến được triệu tập trong bối cảnh được xem là giai đoạn sống còn trong lịch sử nước Mỹ. Khi ấy nước Mỹ vừa trải qua một cuộc chiến đầy cam go với nước Anh và làm cho đất nước bị tàn phá nặng nề, các tranh chấp liên tục giữa các thống đốc và hội đồng khiến người dân thuộc địa ý thức được những khác biệt ngày càng gia tăng về lợi ích giữa người Anh và người Mỹ. Và đất nước chỉ vừa mới bắt đầu giai đoạn phục hồi kinh tế từ đống đổ nát với một nền kinh tế “dị dạng” do việc tách khỏi vương quốc Anh: tiền giấy ở khắp mọi nơi, gây ra tình trạng lạm phát nghiêm trọng. Bên cạnh đó suy thoái kinh tế đang lấy đi sinh mạng của nhiều nông dân và chủ đất nhỏ => 1 số buộc phải vào tù vì nợ nần, ruộng đất bị tịch thu. Vì thế năm 1786, một số nông dân có vũ khí đã nổi dậy chống lại chính quyền và người dân thì lo âu về một tình trạng vô chính phủ.

Khi ấy nước Mỹ chỉ là một liên minh lỏng lẻo của 13 tiểu bang, các tiểu bang ngày càng ít phụ thuộc vào nhau như George Washington từng nhận xét rằng các bang chỉ được liên kết với nhau “ bằng một sợi dây bằng cát”.

Trước tình trạng hậu quả của chiến tranh, nền kinh tế bị suy yếu và sự yếu đuối của các tổ chức chính trị làm lung lay chính quyền, vì thế thứ 6 ngày 25/05/1787, tại tòa nhà Hạ Viện bang Pennsylvania, trên đường Chestnut, 55 đại biểu tham dự Hội nghị liên bang được các bang cử đến với nhiệm vụ sửa đổi những thiếu sót của chính quyền đương thời-còn gọi là điều khoản Liên bang. Tuy nhiên khi bắt tay vào làm việc, các đại biểu mới thấy một khó khăn rất lớn của Hội nghị Philadephia là chỉ sửa đổi và bổ sung những điều cần thiết cho các điều khoản Hợp bang chứ không phải xây dựng một bản Hiến pháp hoàn toàn mới. Tuy nhiên nhiều đại biểu đều cho rằng nếu cứ theo những điều khoản cũ thì sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì, vì thế họ đi đến quyết định là xây dựng lại từ đầu điều khoản Liên bang, và bản Hiến pháp mới của nước Mỹ được ra đời như thế.

  1. Những đại biểu tham dự Hội nghị Liên Bang để soạn thảo Hiến pháp Mỹ

74 đại biểu được các bang bầu chọn để tham dự Hội nghị nhưng chỉ có 55 đại biểu thực sự có mặt tại các cuộc họp. Họ là những nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước, những con người thông minh kiệt xuất và có uy tín lớn lao. Họ đại diện cho thế hệ lãnh đạo nước Mỹ trong thế kỷ XVIII và đều có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng nhà nước Cộng hòa Mỹ non trẻ. Đó là một thế hệ tài năng với lòng quả cảm, thông minh và chính trực mà nhân dân Mỹ sau này gọi họ là “Những người cha lập quốc”

  1. Ba phương án được đưa ra để bàn bạc tổ chức chính phủ liên bang: phương án Virginia, New Jersey và Hamilton

Phương án Virginia: Nền tảng của mô hình chính quyền theo phương án Virginia chủ yếu do Jame Madison thiết kế và được Edmund Randolph – thống đốc bang Virginia đưa ra để tranh luận vào ngày 29 tháng 5. Phương án Virginia đề xuất phương án cải tổ bao gồm 15 điểm và trong hai tuần tiếp theo, ngày 13 tháng 6, văn bản sửa đổi được đệ trình lên Hội nghị để tất cả đại biểu thảo luận. 15 điểm đề xuất ban đầu trong phương án Virginia đã trở thành nền tảng cho bản báo cáo 19 điểm về mô hình chính quyền Quốc gia bao gồm ba nhánh: Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp

+ Lập pháp: tức là Quốc hội Liên bang, bao gồm hai viện được lựa chọn theo quy mô dân số là Hạ nghị viện và Thượng Nghị viện. Hạ nghị viện do người dân trực tiếp bầu, Thượng Nghị viện được Hạ nghị viện lựa chọn.

+ Hành pháp: tức là Tổng thống – được hai viện bầu chọn

+ Tư pháp: bao gồm Tòa án tối cao và Tòa án các cấp do Lập pháp va Tư pháp bầu chọn

Phương án New Jersey: ngày 15 tháng 6 phương án New Jersey được đưa ra để tranh luận.

William Paterson đề xuất phương án New Jersey với 9 điểm bao gồm một cơ quan Lập pháp duy nhất và Quốc hội một viện

Phương án New Jersey thực chất chỉ là những sửa đổi của các điều khoản Hợp bang trước đó chứ không phải là một đề xuất mô hình chính quyền quốc gia mới.

Alexander Hamilton đệ trình mô hình chính quyền của riêng ông vào ngày 18 tháng 6. Ông cho rằng chính quyền Anh là tốt nhất trên thế giới nên đề nghị một mô hình chính quyền tương tự: một Tổng thống phục vụ suốt đời, một Thượng viện với các thành viên phục vụ suốt đời và cơ quan Lập pháp có quyền thông qua bất kỳ đạo luật nào. Tuy nhiên mô hình của Hamilton không được ủng hộ vì người dân Mỹ vừa từ bỏ chế độ quân chủ Anh nên không hào hứng gì với một mô hình tương tự.

  1. Thời gian hoàn thành bản Hiến pháp

Hội nghị lớn ở Philadelphia họp từ ngày 25 tháng 5 đến ngày 17 tháng 9 năm 1787 và trải qua nhiều cuộc tranh luận gay cấn giữa các đại biểu về ba phương án xây dựng Hiến pháp là phương án Virginia của James Madison, phương án New Jersey của William Paterson và phương án của Alexander Hamilton. Sau cùng, Hội nghị chọn phương án Virginia làm nền móng của chính phủ mới và gọi James Madison là ‘’cha đẻ’’ của bản Hiến pháp.

Bản Hiến pháp từ Hội nghị kêu gọi thành lập một Chính phủ liên bang, với các đặc tính:

  • Phạm vi hoạt động hữu hạn
  • Không lệ thuộc các tiểu bang,
  • Có quyền hạn cao hơn tất cả tiểu bang trong một số lĩnh vực
  • Có quyền thu thuế
  • Được quyền lập ra ba ngành gồm Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp

Như vậy, Hiến pháp Mỹ được soạn thảo năm 1787, được phê chuẩn năm 1788 và có hiệu lực từ năm 1789 là bản Hiến pháp lâu đời nhất và nổi tiếng nhất với trên 200 năm lịch sử. Hiến pháp Mỹ không chỉ là một bộ luật cơ bản định rõ quyền lực và tự do của công dân, mà còn là tài liệu lịch sử phản ánh hành trình đầy thách thức để xây dựng nên một quốc gia tự do và dân chủ.

Kết luận: Hiến pháp Mỹ là bộ luật tối cao của Mỹ được soạn thảo ngày 17 tháng 9 năm 1787 dựa trên tư tưởng tam quyền phân lập giữa các nhánh Lập pháp (Quốc hội), Hành pháp (Tổng thống), Tư pháp (Tòa án). Nội dung chủ yếu của bản Hiến pháp là đặt quyền của người dân lên trên hết, quyền hạn của Chính phủ được người dân ủy nhiệm. Vì thế Hiến pháp đưa ra nhiều hạn chế quyền hạn của các viên chức này. Các đại biểu chỉ được tiếp tục phục vụ nếu họ được tái bầu cử trong các cuộc bầu cử định kỳ, các viên chức bổ nhiệm chỉ được phục vụ khi người bổ nhiệm cho phép, các thẩm phán của Tòa án tối cao đươc Tổng thống bổ nhiệm trọn đời.

Tác giả: Trần Hà Trang

Bài viết liên quan

Top