(Ngày Nay) – Với “Đông Dương: Một nền thuộc địa nhập nhằng giai đoạn 1858-1954”, Pierre Brocheux & Daniel Hémery đã vượt khỏi bối cảnh sử học mang tính chất sử liệu đơn thuần của nước Pháp, đưa cuốn sách đạt đến ngoại lệ hiếm hoi về tầm vóc của tư duy sử gia cũng như giá trị của công trình nghiên cứu.
Pháp thuộc là giai đoạn lịch sử quan trọng đối với tương lai của các xã hội trên bán đảo Đông Dương, dù nó chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi. Là trụ cột chính trong hệ thống thuộc địa Pháp, Đông Dương bao gồm Việt Nam, Campuchia và Lào hiện nay. Sau năm 1945, đây là một trong những nơi diễn ra phi thực dân hóa quyết liệt nhất, trước khi lại khơi mào cho xung đột vũ trang của cuộc Chiến tranh Lạnh và cuộc đối đầu giữa thế giới thứ ba với phương Tây.
Dựa trên tư liệu, tác phẩm và các công trình cũ-mới, cuốn sách “Đông Dương: Một nền thuộc địa nhập nhằng giai đoạn 1858-1954” của hai tác giả Pierre Brocheux & Daniel Hémery đã cung cấp một cái nhìn tổng quan thời sự về tiến trình lịch sử mà Đông Dương đã trải qua từ khi được người Pháp tạo lập ở nửa sau thế kỷ XIX cho tới cuộc khủng hoảng cuối cùng trong những năm 1945-1954. Tác phẩm vô song này, được cập nhật đầy đủ kể từ lần xuất bản đầu tiên năm 1994, đã trình bày những kiến giải mới mẻ và đặt nghi vấn lịch sử về một khu vực văn minh vốn có tầm quan trọng không thể đo đếm trong vận mệnh của thế giới.
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Hạnh, Phó Trưởng Khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao (Học viện Ngoại giao), ngay từ lời tựa của cuốn sách, Pierre Brocheux & Daniel Hémery đã cho thấy họ không muốn đi vào lối mòn của các nghiên cứu tiền bối.
Sự xuất hiện của người Pháp đã làm biến đổi bộ mặt Việt Nam trong khoảng thế kỷ XIX đến XX. |
Trước đó, cần phải nhìn nhận, sử học Pháp vốn là một nền sử học Thuộc địa, nghĩa là phần đa các sử gia đều ủng hộ và tán đồng công cuộc khai thác thuộc địa của người Pháp, cũng như chịu ảnh hưởng từ học thuyết Âu tâm luận. Tuy nhiên, sau khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, một xu hướng nghiên cứu đối lập, có phần hơi thái quá đã xuất hiện, kéo theo những nhà sử học phi thực dân. Các nghiên cứu của họ lúc này quay trở lại, chê trách những chính sách Pháp từng đưa ra.
Chính trong bối cảnh “nhập nhằng” giữa hai xu hướng thuận nghịch đó, Pierre Brocheux & Daniel Hémery đã hướng đến lối tiếp cận vấn đề dựa trên phương pháp cũng như cơ sở dữ liệu mới. Đó là đưa ra bức tranh tổng quan, vô cùng khái quát về Đông Dương – một khái niệm vô cùng tranh cãi.
“Với ‘Đông Dương: Một nền thuộc địa nhập nhằng giai đoạn 1858-1954’, Pierre Brocheux & Daniel Hémery đã vượt khỏi môi trường sử học mang tính chất sử liệu đơn thuần của nước Pháp, đưa công trình của mình chạm đến tầm tư duy sử học quốc tế. Các tác giả đã đặt những phân tích sắc sảo của mình trong sự so sánh giữa những va chạm của một trật tự cũ là trật tự Trung Hoa với trật tự mới của Phương Tây, rồi cố gắng lý giải trên phông nền đó”, PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh nhận định.
Bức tranh vô song về Đông Dương
“Đông Dương: Một nền thuộc địa nhập nhằng giai đoạn 1858-1954” đề cập đến những nhập nhằng trong xung đột và trong tiếp xúc giữa thực dân và dân bị trị. Nó đặt vấn đề về quá trình đô hộ của Pháp trên bán đảo, những cấu trúc và vận hành của bộ máy quyền lực cũng như bộ máy khai thác kinh tế, sự rạn nứt của xã hội thuộc địa và các xã hội bị trị, những động lực bất cân xứng của phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp, những chủ nghĩa quốc gia và các biến động xã hội trên toàn cõi Đông Dương. Cuối cùng, nó tập trung làm rõ sự phi thực dân hóa và cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất.
Về bố cục, ngoài phần Dẫn nhập và Kết luận thì tác phẩm này được chia thành 8 chương rõ ràng, trong đó:
Daniel Hémery viết ba chương đầu (chương 1-3), tập trung nghiên cứu sự hình thành hệ thống thuộc địa trước khi Paul Doumer sang Đông Dương nhậm chức Toàn quyền (1897-1902), tác giả cũng nêu bật được những thiết chế chính trị, hành chính của cấu trúc bộ máy cai trị và công cuộc phát triển kinh tế của Đông Dương giai đoạn từ năm 1897 đến thập niên 1930-1940.
Bìa cuốn sách “Đông Dương: Một nền thuộc địa nhập nhằng giai đoạn 1858-1954” được Omega Plus phát hành trong thời gian qua. |
Pierre Brocheux viết hai chương 4 và 5, bàn về mối quan hệ ở xã hội thuộc địa giữa tầng lớp thực dân cai trị và kẻ bị trị bản xứ, và về những biến đổi văn hóa bao gồm những sáng kiến văn hóa của người Pháp cũng như những sáng kiến đề xuất của người bản xứ.
Tiếp theo, Daniel Hémery viết chương 6 và 7 để phân tích những bế tắc của công cuộc phát triển thuộc địa và hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế (Đại Suy Thoái) đối với dân chúng thuộc địa, về những cuộc nổi dậy chống chế độ thực dân, sự xuất hiện và phát triển của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam thập niên 1930, cùng với đó là biến động xã hội và sự khủng hoảng của chế độ thực dân.
Pierre Brocheux viết chương 8, nói qua về sự suy tàn và hồi kết của đế chế thuộc địa Pháp tại vùng Viễn Đông giai đoạn 1939-1954, và trình bày cuộc Chiến tranh Đông Dương 1945-1954 trong một diễn biến tổng thể.
Cuối cùng, theo hai tác giả, Đông Dương thuộc Pháp trước hết và trên hết là một công cuộc cai trị, là một vùng đất sinh lợi, một trong những bánh răng mà thực dân sử dụng để điều chỉnh những vấn đề trong sự vận hành nội tại xã hội và chủ nghĩa tư bản ở chính quốc. “Đông Dương: Một nền thuộc địa nhập nhằng giai đoạn 1858-1954” được viết ra như một tổng kết về lịch sử Đông Dương thuộc Pháp, tuy nhiên vẫn khó để đưa ra đánh giá tổng kết một cách thỏa đáng.
Năm 1995, Hiệp hội các nhà văn Pháp ngữ (L’Association des écrivains de langue française, ADELF) đã trao “Giải thưởng Á châu” (Prix de l’Asie) cho ấn bản đầu tiên của công trình nghiên cứu Indochine, la colonisation ambiguë, 1858-1954 (Đông Dương: Một nền thuộc địa nhập nhằng, giai đoạn 1858-1954) (Éditions La Découverte, Paris, 1994). Bản tiếng Việt do Omega+ xuất bản năm 2022 được dịch từ ấn bản chỉnh sửa và bổ sung năm 2001.
Cuốn sách là công trình kinh điển trong mảng sách nghiên cứu về Đông Dương, một công trình nghiên cứu mẫu mực, khoa học và toàn diện nhất về công cuộc thực dân hóa của Pháp ở Đông Dương dành cho những sinh viên, và cả giáo viên, đang theo học và nghiên cứu về chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa dân tộc và về lịch sử Đông Dương nói chung.
Tác phẩm nằm trong Tủ sách Hiểu về Việt Nam qua tư liệu Pháp ngữ của Omega Plus.
|Nguyệt Linh|báo Ngày nay