Điều giúp loài người hưởng mức sống vượt trội hơn sinh vật khác

Sách “Hành trình nhân loại: Nguồn gốc của thịnh vượng và bất bình đẳng” của Oded Galor tìm cách giải đáp bí ẩn của sự phát triển và hệ quả của bất bình đẳng.

Kể từ khi Homo sapiens ra đời như một loài khác biệt cách đây gần 300.000 năm, cuộc sống con người chủ yếu xoay quanh hai vấn đề: sinh tồn và duy trì nòi giống. Và trong suốt một thời gian dài, mức sống của con người gần như không đổi, chúng ta vẫn chỉ mấp mé vừa đủ để tồn tại.

Nhưng rồi, phương thức sống của con người có sự chuyển mình đột ngột, chất lượng được cải thiện đáng kể. Sự biến đổi chất lượng sống về mặt sức khỏe, tiền tài và giáo dục, đã lấn át mọi thay đổi khác trên các phương diện này. Kể từ đầu thế kỷ 19, tuổi thọ đã tăng hơn gấp đôi và thu nhập bình quân đầu người đã tăng 20 lần ở những vùng phát triển nhất thế giới, và tăng 14 lần nếu tính chung cả Trái Đất.

Tuy nhiên, sự thịnh vượng tăng vọt này chỉ xảy ra ở một vài nơi trên thế giới, dẫn đến sự biến đổi lớn thứ hai chỉ có ở loài người chúng ta: tình trạng bất bình đẳng sâu sắc giữa các xã hội.

Sách Hành trình nhân loại: Nguồn gốc của thịnh vượng và bất bình đẳng của Oded Galor tìm cách giải đáp 2 câu hỏi: “Tại sao chúng ta là loài động vật duy nhất trên hành tinh thoát được khỏi cạm bẫy sinh tồn và tận hưởng mức sống vượt trội hơn những sinh vật khác?” và “Tại sao sự tiến bộ của nhân loại chúng ta lại diễn ra song song với sự bất bình đẳng trên toàn thế giới, dẫn đến sự chênh lệch lớn về sự giàu có của các quốc gia ngày nay?”.

Chiều 1/10, buổi tọa đàm ra mắt cuốn sách với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong ngành đã bàn luận kỹ hơn về những vấn đề được cuốn sách đặt ra.

sach nghien cuu anh 1
Sách “Hành trình nhân loại: Nguồn gốc của thịnh vượng và bất bình đẳng” của Oded Galor. Ảnh: Omega+.

Giải thích lịch sử qua góc nhìn kinh tế

Nói về Hành trình nhân loại: Nguồn gốc của thịnh vượng và bất bình đẳng, ông Vũ Trọng Đại – chủ tịch HĐQT công ty Omega Plus – cho biết cuốn sách được xuất bản với mong muốn cập nhật những tri thức mới ở Việt Nam. Bản dịch được giới thiệu đến độc giả Việt Nam chỉ sau 6 tháng kể từ khi cuốn sách ra mắt, mang tới những cái nhìn mới về hành trình nhân loại và đặc biệt là giới thiệu lý thuyết mới chưa từng xuất hiện về lịch sử loài người: Lý thuyết tăng trưởng thống nhất.

Lý thuyết này tìm cách thấu hiểu toàn bộ hành trình tăng trưởng, nhận ra những trở ngại mà các nền kinh tế nghèo hơn ngày nay phải đương đầu, nguồn gốc của sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc giữa các quốc gia trong nhiều thế kỷ qua, truy vết những dấu chân của quá khứ xa xôi trong số phận của mỗi nước.

Oded Galor chia sẻ rằng khung khái niệm của lý thuyết tăng trưởng thống nhất được ông dày công xây dựng trong nhiều thập niên, lấy cảm hứng từ những tri thức của lý thuyết rẽ nhánh trong toán học.

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Hoàng Linh cho rằng Oded Galor đã kết hợp được nhiều ý tưởng của các tác giả trước, đưa được vào một mô hình cô đọng, giải thích thuyết phục bước tiến lịch sử của loài người.

TS Phạm Sỹ Thành nhận định rằng thời gian gần đây, có nhiều tác giả cố gắng giải thích lịch sử qua góc nhìn kinh tế. Đến với Hành trình nhân loại: Nguồn gốc của thịnh vượng và bất bình đẳng, độc giả vẫn được giới thiệu tới một thế giới quan rất riêng. Ông Thành cho rằng phần lớn các lý thuyết kinh tế trước đây chỉ tập trung giải thích được 0,05% tổng thời gian phát triển của loài người, chứ không động tới 99,95% còn lại. Lý thuyết tăng trưởng thống nhất của Galor nỗ lực để giải thích toàn bộ hành trình nhân loại

TS Đào Nguyên Thắng cho biết quá trình 300.000 năm được phân ra thành rất nhiều thời kỳ, với nhiều lý thuyết giải thích. Galor sử dụng một lý thuyết mới hoàn toàn, kết nối đủ giai đoạn của loài người, cho ta thấy sự tác động giữa dân số và công nghệ. Galor chỉ nhìn, quan sát và giải thích, kết nối các giai đoạn phát triển ở một mô hình toán. Ông xuất phát từ hành vi của con người, chứng minh lý thuyết bằng các thực nghiệm công phu, đáp ứng mọi điều kiện để cho thấy độ thuyết phục.

Theo ông Vũ Trọng Đại, cuốn sách cho người đọc một cái nhìn mới, những suy nghĩ mới. “Thông thường, chúng ta ít khi rời khỏi suy nghĩ về cơm áo gạo tiền. Khi ta thoát ra khỏi nhịp sống để nghĩ về những chuyện khác, đọc được những ý tưởng vĩ mô, chúng ta mới thấy tò mò mà tìm hiểu”, ông nói.

sach nghien cuu anh 2

Oded Galor, tác giả sách Hành trình nhân loại: Nguồn gốc của thịnh vượng và bất bình đẳng. Ảnh: Tom Jamieson.

Bất bình đẳng là hệ quả tất yếu của sự thịnh vượng?

Bàn luận thêm về những chủ đề Hành trình nhân loại: Nguồn gốc của thịnh vượng và bất bình đẳng đề cập tới, TS Phạm Sỹ Thành đặt ra câu hỏi: “Xã hội nhất thiết phải tăng trưởng kinh tế không? Áp lực năm sau phải làm ra nhiều của cải hơn năm trước có phải là một cái bẫy không? Nếu không làm được thì ta có hạnh phúc không?”.

Trong sách, Galor chỉ ra rằng chất lượng cuộc sống gần như không thay đổi trong suốt nhiều thập kỷ tiến bộ, thậm chí, những người sống trước thời cách mạng đồ đá còn có độ hạnh phúc cao hơn con người sau cách mạng nông nghiệp. Những tiến bộ của xã hội không đồng nghĩa với tiến bộ của mức sống.

TS Đỗ Ngọc Kiên nhận định về phương diện tiến hóa, lượng luôn đi sau chất. Đến thời điểm bước ngoặt, tốc độ tăng trưởng dân số giảm đi, người ta tập trung đầu tư vào chất, vào giáo dục để bắt kịp công nghệ.

“Sự tiến bộ của thời đại này diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó gắn bó rõ rệt nhất với hiện tượng công nghiệp hóa chính là sự tăng tốc phát triển công nghệ vượt bậc, chưa từng thấy trong lịch sử”, Oded Galor viết trong Hành trình nhân loại: Nguồn gốc của thịnh vượng và bất bình đẳng.

Theo TS Đào Nguyên Thắng, sự phát triển của khoa học công nghệ cũng tạo ra sự bất an, yêu cầu con người ta phải học hỏi phải nâng cao tri thức, bắt kịp công nghệ phức tạp.

Nhưng từ đây, ta quan sát được sự thịnh vượng tăng vọt. Từ sự thịnh vượng tăng vọt, độ chênh lệch giàu nghèo, sự bất bình đẳng cũng gia tăng.

TS Đào Nguyên Thắng cho rằng sự bất bình đẳng là một điều không thể tránh, vì nó tập trung được nguồn lực, nguồn tinh nhuệ để thúc đẩy xã hội phát triển. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung khi không phân bổ được nguồn lực đồng đều.

TS Đỗ Ngọc Kiên cho rằng Galor chỉ cố gắng bóc tách các lớp vỏ, để giải thích cho sự bất bình đẳng trên thế giới, chứ không tuyên bố sự bất bình đẳng là cần thiết. Galor cố gắng nhìn sâu hơn để tìm ra bản chất và chỉ ra nền móng xa xưa ảnh hưởng đến hiện tại, từ địa lý, khoảng cách, tích hợp vào thể chế văn hóa chính trị, định hình nên các hướng phát triển khác nhau.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa ta không thể điều chỉnh được cán cân định mệnh, Galor cũng có nhắc đến việc dung hợp thể chế văn hóa chính trị là bước đệm để tác động, thay đổi định mệnh.

Trong sách, Oded Galor viết: “Việc nêu bật những tiến bộ đáng kinh ngạc trong 2 thế kỷ qua không có nghĩa là xem nhẹ tầm quan trọng của nỗi khốn khổ và bất công đang tiếp tục ảnh hưởng đến phần lớn nhân loại, mà cũng không thoái thác trách nhiệm cấp bách của chúng ta phải giải quyết tình trạng đó”.

Galor bày tỏ hy vọng rằng hiểu biết về nguồn gốc của bất bình đẳng sẽ giúp con người có những hướng tiếp cận tốt hơn để giảm thiểu tình trạng đói nghèo, giúp nhân loại cùng nhau thịnh vượng.

“Nhận thức nguồn gốc của bất bình đẳng sẽ giúp chúng ta bắt tay vào việc thiết kế tương lai. Biết rằng những bánh răng vĩ đại của lịch sử nhân loại vẫn tiếp tục xoay vần trong những thập niên gần đây và góp phần vào sự lan tỏa thịnh vượng kinh tế trên toàn cầu sẽ thôi thúc lòng khao khát nắm bắt những gì trong tầm tay của chúng ta”, trích nội dung cuốn sách.

|Minh Hùng|Báo Zing

Không có từ khóa

Bài viết liên quan

Top