Hành Trình Nhân Loại: Đi tìm nguồn gốc của bất bình đẳng và sự thịnh vượng

Bìa quyển sách. Ảnh: DL

Đây cuốn sách mới nhất của Giáo sư kinh tế Oded Galor – một trong những nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực tăng trưởng và phát triển.
Ông được đánh giá là ứng cử viên danh giá cho giải Nobel Kinh tế và là một trong những bộ óc xuất chúng của TK 21.

Kể từ khi xuất bản đầu tiên bằng tiếng Hebrew năm 2020, cuốn sách trở thành tác phẩm bán chạy nhất tại Israel. Và chỉ trong vòng 3 tháng, tác phẩm đã bán được bản quyền cho hơn 20 quốc gia và 30 vùng lãnh thổ trên thế giới.

Gần 300.000 năm trước, khi Homo sapiens ra đời như một loài khác biệt, cuộc sống con người chủ yếu xoay quanh hai vấn đề sinh tồn và duy trì nòi giống. Trong nhiều thiên niên kỷ và trên khắp hoàn cầu, mức sống của con người hầu như không đổi, chỉ mấp mé vừa đủ để tồn tại. Nhưng chỉ trong vài thế kỷ qua, phương thức tồn tại của loài người đã biến đổi ngoạn mục.

Sự biến đổi về chất lượng sống về mặt sức khỏe, tiền tài và giáo dục đã lấn át mọi thay đổi khác trên các phương diện này. Kể từ TK 19, tuổi thọ con người đã tăng hơn gấp đôi và thu nhập bình quân đầu người đã tăng 20 lần ở những vùng phát triển nhất thế giới, và tăng 14 lần nếu tính chung cả Trái đất.

Tuy nhiên, sự thịnh vượng tăng vọt trong những thập niên gần đây hầu như chỉ xảy ra ở một vài nơi trên thế giới, dẫn đến sự biến đổi lớn thứ hai: bất bình đẳng sâu sắc giữa các xã hội.

Hành Trình Nhân Loại: Nguồn Gốc Của Thịnh Vượng Và Bất Bình Đẳng là tổng hợp phần lớn thành quả nghiên cứu của tác giả với lý thuyết mới chưa từng xuất hiện về lịch sử loài người: Lý thuyết tăng trưởng thống nhất – góp phần làm sáng tỏ những động lực chi phối quá trình chuyển đổi từ kỷ nguyên trì trệ sang kỷ nguyên tăng trưởng ổn định về mức sống; đồng thời lý thuyết này cũng khai quật những dấu chân của quá khứ trong số phận của các quốc gia. Những nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế đã xuất hiện từ hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng triệu năm trước. Tầm ảnh hưởng của những nhân tố đó vẫn hiện hữu rất rõ trong sự bất bình đẳng toàn cầu.

“Đây là một điểm rất quan trọng vì nếu muốn tạo ra những chính sách nhằm giảm thiểu bất bình đẳng, chúng ta cần phải nắm được lịch sử phát triển của từng quốc gia. Và cần có những biện pháp đặc thù theo tiến trình phát triển của mỗi quốc gia nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng từ quá khứ” – GS. Galor chia sẻ.

Cuốn sách được bổ sung bằng những nghiên cứu thực nghiệm và định lượng, với nhiều dữ liệu mới; nhiều bảng biểu số liệu hấp dẫn.

Liệu học thuyết có giúp giải đáp bí ẩn lâu đời về quá trình phát triển nhân loại?

GS. Galor chia sẻ, Lý thuyết Tăng trưởng Thống nhất (Unified Growth Theory) được ông đề ra từ nhiều năm trước nhằm lý giải những quy luật tuần hoàn của sự thay đổi trong lịch sử nhân loại. “Trong quá trình phát triển học thuyết, động lực chính của tôi là tìm hiểu những thế lực chi phối phần lớn sự bất bình đẳng thế giới trong quá khứ là gì. Việc này chỉ có thể thực hiện bằng cách phát triển một học thuyết thống nhất về phát triển kinh tế nhằm liên hệ những tiềm lực kinh tế trong quá khứ với hiện tại, với mục tiêu giải mã được nguyên căn của sự bất bình đẳng, từ đó đề xuất chính sách giảm thiểu sự bất bình đẳng trên toàn thế giới.”

Giáo sư Oded Galor. Ảnh: Brooklyn Public Library
Giáo sư Oded Galor. Ảnh: Brooklyn Public Library

Theo lý thuyết, sự phát triển về công nghệ đã góp phần tạo ra nhiều của cải vật chất hơn cho con người trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn, sự phát triển về dân số sẽ bào mòn dần các nguồn lực có sẵn, khiến nguồn lực trên đầu người sẽ trở lại mức của nền kinh tế trước đó. Xét toàn thể lịch sử con người, có thể dễ thấy được mỗi tương quan giữa dân số, công nghệ và sự thích nghi của con người. Công nghệ càng phát triển, dân số sẽ gia tăng, kéo theo nhu cầu thúc đẩy quá trình phát triển công nghệ nhằm đảm bảo cuộc sống cho nhiều người hơn nữa.

Vì vậy, 99,99% khoảng thời gian tồn tại của loài người đều bị kẹt trong “cái bẫy” theo cách gọi của Malthus. Nói cách khác, chất lượng cuộc sống gần như không có sự thay đổi lớn. Điều chúng ta trong khoảng thời gian này là sự thay đổi to lớn về tốc độ phát triển của công nghệ cũng như dân số thế giới, bên cạnh đó là sự thích nghi của dân số loài người nói chung. Nhưng trong khoảng thời gian 300.000 năm này, sự tương tác giữa công nghệ, dân số và sự thích nghi của con người đã đẩy tốc độ phát triển công nghệ tới mức bão hòa. Để thích nghi, cha mẹ phải đầu tư vào việc nâng cao trình độ giáo dục cho con cái. Hơn nữa, gánh nặng chi phí buộc họ phải giảm số lượng con cái. Giai đoạn này, sự phát triển công nghệ giúp cho con người trở nên giàu có hơn. Với tỉ lệ sinh giảm, quá trình phát triển được giải thoát khỏi đối trọng về gia tăng dân số để tiến tới một thời kỳ hiện đại hơn.

“Tóm lại, Lý thuyết Tăng trưởng Thống nhất cố gắng “hợp nhất” tri thức về quá trình phát triển dưới góc nhìn lịch đại, thay vì dưới góc nhìn đồng đại với những lý thuyết đơn lẻ cho mỗi thời kỳ như lý thuyết của Malthus. Dựa trên những tìm tòi, tôi chỉ phát triển duy nhất một học thuyết nhằm kết nối giữa quá khứ và hiện tại để giải đáp câu hỏi cho sự bất bình đẳng xuất phát từ những tiềm lực từ trong quá khứ.”

T.S. Đào Nguyên Thắng nhận xét Lý thuyết Tăng trưởng Hợp nhất đã gói gọn một nền tảng, một cái khung để phân tích sự tiến hóa của con người cũng như xã hội trong suốt chiều dài lịch sử. “Quan trọng hơn, theo tôi, học thuyết còn được phát triển và bổ sung bởi một hệ thống hơn 200 trường hợp cụ thể trong thực tế.”

Về nguyên nhân gây ra bất bình đẳng giữa các quốc gia trên thế giới, GS. Galor cho rằng, nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ chênh lệch về thời gian chuyển đổi kinh tế trên toàn cầu. Thời gian chuyển đổi chênh lệch này liên quan đến những rào cản các quốc gia phải đối mặt trong quá trình tích lũy và tiến bộ công nghệ. Ở một số xã hội, trong suốt quá trình lịch sử, các thể chế và đặc điểm văn hóa đã phát triển theo hướng hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng. Và ngược lại. Kết quả là, vào đầu TK 19, một số xã hội đã sẵn sàng đột phá về kinh tế, trong khi một số xã hội khác thì không.

“Chính các đặc điểm về thể chế, văn hóa, địa lý và sự đa dạng của yếu tố con người được hình thành trong quá khứ dẫn đến thời điểm chuyển đổi sang quá trình tăng trưởng khác nhau trên khắp thế giới. Đây là nguyên nhân chủ yếu cho sự bất bình đẳng toàn cầu” – G.S. Galor chia sẻ.

Việt Nam cần làm gì để đạt được sự thịnh vượng bền vững?

GS. Galor gợi ý rằng các xã hội như Việt Nam, hay nói chung là các xã hội đang phát triển, nên nhấn mạnh các yếu tố nhất định để đảm bảo tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng về lâu dài. 

Thứ nhất, đầu tư cho giáo dục. Một nền giáo dục có thể cho phép người lao động linh hoạt chuyển đổi môi trường và công việc. Nhờ đó, người lao động có thể dễ thích nghi hơn, có thể đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp khác nhau, và trở nên kiên cường trước một môi trường đầy biến động.

Thứ hai, liên quan đến việc duy trì tỷ lệ sinh thấp. Ông nhận ra rằng, trong thời gian qua, tỷ lệ sinh ở Việt Nam đã giảm một cách đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn ở mức sinh nở thay thế, cho thấy một số tiến bộ đạt được về công nghệ đang bị kìm hãm lại bởi sự gia tăng dân số.

Thứ ba là thúc đẩy bình đẳng giới. Bình đẳng giới có hai khía cạnh quan trọng. Đầu tiên là cho phép phụ nữ tham gia lực lượng lao động. Điều này sẽ nâng cao năng suất một cách tự nhiên, nâng cao tính đa dạng của các ý tưởng đột phá trong lực lượng lao động. Ngoài ra, điều này cũng giúp giảm thiểu chi phí cơ hội khi có con, và giúp giảm thiểu tỷ lệ sinh nở xuống sâu hơn nữa.

Cuối cùng, trong một xã hội tương đối đồng nhất như Việt Nam, điều quan trọng là phải thiết kế chương trình giáo dục thúc đẩy sự đa dạng trong xã hội. Cần phải nỗ lực để đảm bảo rằng, tính linh hoạt văn hóa, tính đa dạng văn hóa, và tính đa nguyên phải được tôn trọng.

Cũng trong buổi đối thoại, GS. Galor khẳng định học thuyết của ông không cho Lịch sử là định mệnh. “Sự thịnh vượng toàn cầu không phải là điều viễn tưởng. Một quốc gia có quá khứ nghèo khó và cơ cực, không có nghĩa là sẽ mãi nghèo đói và cơ cực như vậy. Trên thực tế, bằng cách hiểu hơn về lịch sử, mỗi quốc gia sẽ ngày càng có nhiều lợi thế trong việc thiết kế ra những chính sách thay đổi những khó khăn trong quá khứ. Từ đó, con người có thể bất chấp những hoàn cảnh về địa lý và xã hội để tăng trưởng dựa trên những chính sách phù hợp. Con người cũng có thể thiết kế các chính sách giáo dục tốt hơn, giảm thiểu tối đa những mặt trái mà sự đa dạng về nhân chủng học mang lại.”

|Minh Anh| Báo Nhịp cầu đầu tư

Bài viết liên quan

Top