Lát cắt bổ sung cho lịch sử mỹ thuật, thời trang Việt Nam

Cuốn khảo cứu Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ 20 (NXB Dân trí) của Trần Minh Nhựt vừa phát hành gợi cho người đọc hôm nay nhiều ý tưởng và suy ngẫm về nghệ thuật minh họa, ứng dụng của Việt Nam một thời.

Sách tập trung nghiên cứu 54 bức tranh trong Grande tenue de la Cour d’Annam (tạm dịch: Đại lễ phục triều đình An Nam) của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân, một bộ tranh giao thoa giữa mỹ thuật Đông và Tây, ra đời trước mỹ thuật Đông Dương. Bộ tranh có 3 giá trị lớn: Mỹ thuật, lịch sử, văn hóa xã hội.

Để tránh nhầm lẫn dẫn đến việc tranh cãi, trong giới thiệu sách, tác giả nói rằng đây là tác phẩm mà anh nghiên cứu về nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn, chứ không phải áo mũ thời Nguyễn.

Lát cắt bổ sung cho lịch sử mỹ thuật, thời trang Việt Nam - Ảnh 1.

Tác giả Trần Minh Nhựt

Với chuyên môn của mình, Trần Minh Nhựt – thạc sĩ ngành lý luận và lịch sử mỹ thuật – đã có những phân tích khá vững vàng về ngôn ngữ đồ họa, bao gồm đường nét, mảng, hình, màu và nhịp điệu của bộ tranh cũng như tính thời đại của bộ tranh Đại lễ phục triều đình An Nam, vốn đã tồn tại trên 120 năm.

Trần Minh Nhựt cũng là một cử nhân ngành thiết kế thời trang và đang giảng dạy bộ môn này ở Đại học Hoa Sen, nên thông qua bộ tranh, anh đã cung cấp được cho người đọc kiến thức về màu sắc, họa tiết và phụ kiện như mũ mão, ngọc bội, cách đới, hia hài… của những bộ triều phục từ vua, hoàng hậu, phi tần, hoàng tử, phò mã, công chúa, các cấp quan… khác nhau như thế nào.

Lát cắt bổ sung cho lịch sử mỹ thuật, thời trang Việt Nam - Ảnh 2.

Cuốn khảo cứu “Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ 20” vừa phát hành

Một đóng góp khác của cuốn sách là cái nhìn công bằng hơn về tranh minh họa và họa sĩ vẽ tranh minh họa – vốn thường bị đặt thấp hơn so với những dòng tranh khác. Điều này có thể thấy được qua những phản biện của anh với cái nhìn của người Pháp về họa sĩ và hội họa Việt Nam qua những tài liệu mà họ đã ghi chép. Theo anh, ông Nguyễn Văn Nhân là họa sĩ có kỹ thuật và tư duy kết hợp giữa mỹ thuật phương Đông và phương Tây.

Trong buổi giới thiệu cuốn sách, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cho rằng trước ông Nguyễn Văn Nhân, Việt Nam chỉ có tranh dân gian với mục đích phục vụ triều đình, tín ngưỡng chứ chưa có tranh mỹ thuật. Bộ tranh minh họa này nằm giữa tranh dân gian và tranh mỹ thuật. Hiện nay, chưa có tài liệu nào cho thấy ông Nguyễn Văn Nhân học ở đâu và học từ ai, nhưng ông có ý niệm kết hợp Đông Tây khá rõ.

“Tranh minh họa thấy từ thời ông Nam Sơn, vẽ trên các bộ sách giáo khoa, nhưng không có phối họa nhiều. Nguyễn Văn Nhân có lẽ là người đầu tiên có tác phẩm vừa minh họa, vừa mỹ thuật. Ông Lê Văn Miến là một trong những người Việt Nam đầu tiên học vẽ sơn dầu tại trường thuộc địa ở Pháp và là người đầu tiên ký tên vào tranh của mình, nhưng trước đó ông Nguyễn Văn Nhân đã ký tên trên minh họa. Ông là một nhân vật quan trọng, đứng chênh vênh giữa tranh minh họa và tranh mỹ thuật. Tranh của ông vượt hẳn tranh minh họa và chưa hẳn là tranh mỹ thuật, nhưng rõ ràng có tính chất hàn lâm của hội họa” – nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi khẳng định.

Lát cắt bổ sung cho lịch sử mỹ thuật, thời trang Việt Nam - Ảnh 4.Hai nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi và Trần Minh Nhựt

Trần Minh Nhựt cho biết: “Ông Nguyễn Văn Nhân không chỉ ký tên, mà còn đặt tên cho tranh của mình. 54 bức tranh ấy còn là sự kết hợp giữa vẽ minh họa và vẽ thiết kế trang phục”.

Trong một bài phỏng vấn, Trần Minh Nhựt nói: “Khi bắt đầu nghiên cứu, tôi tìm thấy thông tin rằng bộ tranh đang trong tình trạng lưu lạc ở nước ngoài và cũng có rất nhiều tranh cãi về tính chân xác của bộ tranh này. Điều mà tôi đặc biệt quan tâm trên bộ tranh này đó chính là nghệ thuật vẽ tranh truyền thần cũng như là nghệ thuật vẽ trang phục triều Nguyễn. Nhưng quả thật, lúc đó tôi cũng chưa định hình được rằng mình sẽ nghiên cứu về khía cạnh nào của bộ tranh bởi vì các tài liệu nghiên cứu về Nguyễn Văn Nhân cũng như bộ tranh này quá ít, nhiều nhất là từ nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn mà thôi”.

Lát cắt bổ sung cho lịch sử mỹ thuật, thời trang Việt Nam - Ảnh 5.
Buổi ra mắt thu hút khá nhiều người nghe

Nhưng rồi, với nhiều lẽ đã phân thích rõ ràng trong sách này, Trần Minh Nhựt đã kết luận rằng bộ tranh Đại lễ phục triều đình An Nam xứng đáng được công nhận hơn là bác bỏ, vì nó là một lát cắt bổ sung vào phần còn thiếu của lịch sử mỹ thuật và thời trang Việt Nam thời cận hiện đại.

Tuy là một cuốn sách khảo cứu, nhưng Trần Minh Nhựt viết khá lôi cuốn, dễ đọc. Anh đi từ hành trình tìm kiếm bộ tranh bị lưu lạc cho đến những phân tích cho biết vì sao bộ tranh được giữ gìn hơn 120 năm và được định giá khá cao.

Hành trình tìm kiếm tư liệu cũng như nhân chứng để làm sáng tỏ thân thế của Nguyễn Văn Nhân, cụ thể là giữ chức vụ gì trong triều đình và xuất thân, gia đình dòng tộc như thế nào… là một nỗ lực của tác giả.

Tuy có tìm được những dữ liệu khá trùng khớp để chứng minh ông Nguyễn Văn Nhân/ Nguyễn Khắc Nhơn/ Nguyễn Văn Nhơn có thể là một người, nhưng anh không dám xác tín, vì vậy vẫn để ngỏ.

Lát cắt bổ sung cho lịch sử mỹ thuật, thời trang Việt Nam - Ảnh 7.

Cuốn sách này chưa khép lại việc tìm hiểu về bộ tranh Đại lễ phục triều đình An Nam và họa sĩ Nguyễn Văn Nhân. Nó có rất nhiều thông tin gợi mở cho người muốn tiếp tục nghiên cứu ở các công trình khác, chẳng hạn về sự lưu lạc của bộ tranh, về việc học vẽ và các tác phẩm khác trong sự nghiệp hội họa của ông Nguyễn Văn Nhân. 

Không có từ khóa

Bài viết liên quan

Top