Tác phẩm nổi tiếng ‘Sapiens lược sử loài người’ của Yuval Noah Harari vừa ra mắt phiên bản truyện tranh, bản Việt dịch của Trân Trí
Sapiens: Lược sử loài người (Sapiens: A Brief History of Humankind) đến nay đã bán được 16 triệu bản trên toàn thế giới.
Sách Sapiens: Lược Sử Loài Người bằng Tranh
Năm 2020, tác giả Harari cùng nghệ sĩ truyện tranh nổi tiếng người Pháp David Vandermeulen và biên kịch người Bỉ Daniel Casanave đưa ra ý tưởng và xây dựng phiên bản truyện tranh cho bộ sách Sapiens lược sử loài người. Dự kiến loạt truyện tranh này sẽ có 4 tập, hiện tập 1 vừa ra mắt ở Việt Nam có nhan đề: Khởi đầu của loài người.
Đây cũng là một trường hợp cho thấy nền xuất bản Việt Nam đang có những bước tiến đáng kể, khi tập sách tranh nguyên tác vừa ra mắt vào tháng 10-2020 và bản dịch tiếng Việt ra mắt vào tháng 5-2021.
Ngôn ngữ truyện tranh sẽ là một cách tiếp cận thú vị để công trình của Yuval Noah Harari đến với bạn đọc theo cách khác, hài hước hơn nhưng cũng thông minh và trực quan dễ nắm bắt hơn.
Ý tưởng cho loạt truyện tranh này là tác giả Harari sẽ trở thành nhân vật dẫn truyện, một số nhân vật sẽ xuất hiện như cô bé Zoe hay giáo sư Saraswati, xen vào đó là cách chuyển tải các nội dung “khó nhằn” trong bộ sách Sapiens lược sử loài người bằng các hình thức kiểu trò chơi trên truyền hình hoặc các game show với phần minh họa sinh động, dí dỏm.
Ba nhà bác học Einstein, Marie Curie, Darwin trong Lược sử loài người bằng tranh.
Do vậy, phiên bản truyện tranh của Sapiens lược sử loài người có sức quyến rũ lớn không chỉ với trẻ ở tuổi 13+ như quy định, mà nội dung và hình thức của sách còn có sức hấp dẫn với cả phụ huynh và thậm chí những nhà nghiên cứu dù đã đọc bản truyện chữ hay chưa.
Chẳng hạn hình ảnh 3 nhà khoa học Einstein, Marie Curie, và Darwin xuất hiện rất “nhí nhảnh” trong phần cắt nghĩa thế nào là vật lý, hóa học và sinh học.
Cùng với tranh vẽ, các tác giả đã rất có ý khi chọn lọc những chi tiết đắt giá nhất trong công trình của mình để xây dựng nên tác phẩm truyện tranh.
Ví dụ, “50.000 năm trước không có người Pháp hay người Đức, không có người Kitô giáo hay người Hồi giáo. Ngay cả người da đen và da trắng cũng không”, sẽ là một chi tiết khiến người đọc ấn tượng và có sức gợi mạnh mẽ.
Không phải tất cả người cổ đại đều cùng một loài.
Đi kèm đó, các tác giả lồng vào những kiến thức quan trọng của sách – cũng là nội dung khoa học hữu ích – để làm chất liệu cho truyện tranh. “Các nhà khoa học dùng tên Latin gọi các sinh vật theo 2 phần: đầu tiên là chi, sau đó là loài. Chúng ta thuộc chi Homo nghĩa “con người”, và loài Sapiens tức là “thông minh”.
Theo đó, có những chi tiết đắt giá từ trong lịch sử tiến hóa có thể gây tò mò cho nhiều giới, như cùng một chi Homo, chúng ta từng có đến 6 loài người; và rồi bằng một lý do nào đó, loài Sapiens đã vươn lên thống lĩnh tất cả.
Không chỉ thế, các tác giả đã khéo léo trong dẫn dắt và phân tích, kiểu như khi chỉ ra đặc điểm của loài người khi sinh ra yếu hơn hẳn so với các loài khác, thì cũng chính điều này trở thành lý do để loài người “được giáo dục và xã hội hóa nhiều hơn bất kỳ loài nào khác”.
Con người có mức độ xã hội hóa nhiều hơn bất kỳ loài động vật nào khác.
Hay việc khám phá ra Homo Sapiens đột ngột vọt lên chiếm vị trí đỉnh tháp của chuỗi thức ăn đã đánh dấu bước tiến hóa đặc biệt hơn các loài khác.
Nhưng từ chi tiết có vẻ thuần túy khoa học đó, tác giả đã phân tích chính quá trình Homo Sapiens vươn lên đỉnh chuỗi thức ăn này “thực sự giúp chúng ta hiểu được lịch sử và tâm lý của con người”, và thậm chí “nó giải thích tại sao chúng ta rất căng thẳng và luôn hoảng sợ về vị trí của mình”…
Ý niệm về tâm linh tôn giáo của loài người cũng là nội dung quan trọng trong công trình của Yuval Noah Harari.
Cứ như thế, theo lời Harari thì với phiên bản truyện tranh này, “chúng tôi kể lại lịch sử loài người từ một góc nhìn hoàn toàn mới mẻ… Cuốn sách trở thành một trải nghiệm thực sự thú vị”.
Phần 2 nguyên tác truyện tranh dự kiến sẽ ra mắt trong năm nay, hi vọng bạn đọc Việt Nam sẽ được tiếp tục khám phá công trình khoa học đầy hấp dẫn này.
Lam Điền | Tuổi Trẻ