“Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa”

TTH.VN – Nhân dịp ra mắt tác phẩm “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa – Huyền thoại đỏ và Huyền thoại đen”, chiều 17/12, Omega+ kết hợp với Viện Pháp Huế tổ chức buổi nói chuyện “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa”.

TS. Lê Đức Quang chia sẻ những thông tin thú vị về cuốn sách

Cuốn sách “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa – Huyền thoại đỏ và Huyền thoại đen” là luận án của TS. Nguyễn Thụy Phương, Phó Giám đốc Mạng lưới Giáo dục EduNet.

Tác phẩm là tổng hợp những nghiên cứu của tác giả về di sản giáo dục thực dân. Dựa trên những tài liệu và văn bản khai thác được từ các trung tâm lưu trữ nước ngoài, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền thuộc địa Pháp, tác giả cố gắng phân tích một cách hệ thống về giáo dục Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung thời thuộc địa. Từ đó, tác giả rút ra những thành tựu và hạn chế của nền giáo dục thời kỳ này.

Tại buổi nói chuyện, TS. Lê Đức Quang, giảng viên tiếng Pháp của Viện Pháp Huế chia sẻ những thông tin thú vị về cuốn sách. TS. Trần Đình Hằng, Phân viện Trưởng Phân Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế cũng trò chuyện về giáo dục dưới thời thuộc địa tại Huế với những minh chứng thực tế sinh động.

Dịp này, Omega+ trao tặng Viện Pháp Huế tủ sách Pháp ngữ giai đoạn 1 “Góc nhìn sử Việt” với 15 tác phẩm về lịch sử. Đồng thời, giới thiệu tên gọi mới của tủ sách trong giai đoạn 2: “Hiểu Việt Nam qua tư liệu Pháp ngữ”. Tủ sách sẽ đưa đến độc giả những nghiên cứu mới nhất về văn hóa, lịch sử Việt Nam được xuất bản bằng tiếng Pháp, như: giáo dục thuộc địa và hậu thuộc địa, dân tộc học, dân tộc học tôn giáo, nhân vật – hồi ký, Việt Nam: đô hộ thực dân và kháng chiến dân tộc.

Minh Hiền | Báo Thừa Thiên Huế

Bài viết liên quan

Top