Phát hành tác phẩm “Quyền lập pháp”

Cuốn sách chuyên khảo “Quyền lập pháp theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013” sẽ là tài liệu hữu ích dành cho những ai đang quan tâm đến chủ đề này; đặc biệt là nhà hoạch định chính sách và giới chuyên gia nghiên cứu về Luật hành chính – Hiến pháp; những độc giả, sinh viên quan tâm tới hành trình ra đời, phát triển lý luận về quyền lập pháp trên thế giới cũng như Việt Nam.

Lập pháp là một trong ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp, một thiết chế được sinh ra trong lòng nhân loại một cách muộn màng nhất nhưng lại được giao trọng trách nặng nề nhất và cũng khó khăn nhất trong việc tạo nên hiệu năng cho mọi quyết sách của quốc gia. Nhìn lại lịch sử của quyền lập pháp là một vấn đề rất lớn cả trong lý thuyết và trên thực tiễn, đòi hỏi không những phải phân tích được các dòng tư tưởng khác nhau của các tư tưởng gia, mà còn cả thực tiễn hình thành quyền lập pháp, sự tác động qua lại giữa thực tiễn và tư tưởng, và cả chiều ngược lại, sự tác động giữa tư tưởng đến thực tiễn áp dụng tại các quốc gia.

Tác phẩm “Quyền lập pháp theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013” do GS. TS Nguyễn Đăng Dung là chủ biên – một chuyên gia đầu ngành của Việt Nam chuyên nghiên cứu về Luật Hiến pháp – Hành chính, hiện đang nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển, giảng dạy tại khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

z4161898907017_55658dbbcaffd1a54a19927cd36619a5

Mặc dù lập pháp là một trong những chức năng cơ bản của Nhà nước, gắn liền với sự ra đời và phát triển của Nhà nước nhưng mô hình của lập pháp cùng những thành tựu của lập pháp hiện đại có được như ngày nay là bắt đầu từ thời xa xưa đến cách mạng dân chủ tư sản, mà khởi đầu bằng tư tưởng của thời Hy Lạp cổ đại đến của những nhà lý thuyết phân quyền J. Locke và S. Montesquieu và của rất nhiều tác giả khác sau này.

Quyền lập pháp trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, từ tư tưởng cho đến thực tế, và cho đến khi nền dân chủ tư sản ra đời, quyền lập pháp mới được tách ra khỏi sự tập quyền của nhà vua cũng như tập quyền của các thể chế độc tài khác và giao cho thể chế dân chủ do dân trực tiếp bầu ra, với tên gọi rất khác nhau là Quốc hội, Đại hội công dân, tùy theo quy định của các quốc gia, nhưng tên gọi chung nhất vẫn là Nghị viện.

Quyền lập pháp được Hiến pháp của các quốc gia dân chủ trao cho cơ quan đại diện được nhân dân bầu ra thực hiện. Mặc dù không theo nguyên tắc phân quyền nhưng trong các Hiến pháp Việt Nam vẫn có một thiết chế do dân bầu ra có nhiệm vụ quan trọng nhất là làm luật. Khác với trước đây, Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam là bản Hiến pháp đầu tiên quy định rõ quyền lập pháp thuộc về Quốc hội (Điều 69). Quyền lập pháp không chỉ giản đơn được hiểu là quyền ban hành các đạo luật, mà cần phải được hiểu rộng hơn nữa, bao gồm tất cả các hoạt động của Quốc hội, từ việc thảo luận, tranh luận, thông qua các dự thảo luật, đến quyền thành lập và giám sát các cơ quan nhà nước khác.

Cuốn sách “Quyền lập pháp theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013” là sự tổng hợp từ nhận thức, khái niệm cho đến những đặc điểm, cơ cấu, hình thức của hoạt động Quốc hội theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Những điều đó đã và đang được tổng hợp thành văn hóa nghị trường – những thứ mà chúng ta cần phải học hỏi, cần phải trao đổi và cần phấn đấu làm cho bằng được trong tương lai.

Không có từ khóa

Bài viết liên quan

Top