#Cuocthireview Hiến Pháp Mỹ Được Làm Ra Như Thế Nào? | Bài dự thi 3 – Tác giả Võ Ngọc Bảo Hân

Alexis de Tocqueville từng nhận định rằng: “Nếu như có một quốc gia duy nhất nào trên thế giới ở đó ta có thể hy vọng đánh giá đúng giá trị của tín điều nguyên lý nhân dân tối thượng, nghiên cứu nó ngay trong sự vận dụng vào mọi công việc của xã hội và thấy hết các thuận lợi cũng như hiểm nguy nó gây ra, chắc chắn cái quốc gia đó phải là nước Mỹ”. Thật vậy, điều đó như một lời tuyên ngôn đặc biệt của Cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp dành cho nước Mỹ – một siêu cường của thế giới ngày nay. Vậy điều gì đã khiến nước Mỹ trở thành quốc gia hùng mạnh nhất thế giới? Qua cuốn sách “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?”, ta có thể khẳng định rằng nhờ Hiến pháp Mỹ mới có sự ổn định của đất nước đó. Hiến pháp Hoa Kỳ là một trong những hiến pháp kinh điển, với sự nổi tiếng và lâu đời của nó đã thành công đánh thức sự tò mò của Nguyễn Cảnh Bình – người sáng lập và là Chủ tịch Alpha Books. Chính cảm giác mơ hồ, tò mò ấy đã chuyên chở tâm hồn ông vùi đầu trong đống tư liệu về quá trình làm ra bản Hiến pháp Mỹ trong thư viện điện tử của Quốc hội Mỹ.

Qua từng trang giấy được gấp lại, tôi thấy được quá trình xây dựng Hiến pháp Mỹ rất khó khăn và luôn dấy lên nhiều luồng ý kiến trái chiều từ các tiểu bang và người dân. Hiến pháp được soạn nên vào thời điểm mà nước Mỹ đang rơi vào giai đoạn sống còn, người dân phải trải qua thời chiến tranh đầy rẫy cam go và chết chóc. Lúc ấy, nền kinh tế chỉ vừa mới phục hồi, khấp nơi tràn ngập sự lộn xộn với nạn lạm phát, nợ nần, tình trạng kinh doanh suy thoái do tách khỏi mẫu quốc. Chính điều đó đã trở thành một bối cảnh kì diệu cho cuộc hội tụ những nhân vật kiệt xuất thời bấy giờ. Nhưng ngạc nhiên hơn cả, dù đây là cuộc quần tụ của những bộ óc vĩ đại của thế kỉ và có những đại biểu vô cùng trẻ, tuy nhiên quá trình soạn thảo bản hiến pháp không suôn sẻ, đều vướng những ý kiến cho rằng hiến pháp không bảo đảm quyền tự do của dân, không thuận tiện cho những tiểu bang. Điều mà tôi khâm phục ở đây đó là các cuộc tranh luận sôi nổi của một thế hệ tài năng, thông minh cùng với những quan điểm vô cùng sâu sắc và đầy triết lý. Họ đã phản biện, đưa ra ý kiến, dung hòa lợi ích chung và lợi ích riêng và cùng nhau hoàn thiện bản hiến pháp, tất cả sự nỗ lực, công sức họ bỏ ra chỉ để thống nhất một bản hiến pháp hoàn hảo, ít khuyết điểm, phù hợp với nhu cầu chung lúc bấy giờ. Thủ tướng Vương quốc Anh William Ewart Gladstone đã từng miêu tả hiến pháp này là “tác phẩm tuyệt vời nhất từng được sinh ra vào một thời điểm nhất định bởi trí tuệ và mục đích của con người”. Không ai có thể phủ nhận nhận định này.

Sơ lược tổng quát cuốn sách “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?” nổi bật rõ ở phần mục lục, từ tóm tắt quá trình xây dựng hiến pháp cho đến các cuộc tranh luận điển hình, những bức thư về Hiến pháp Mỹ, theo sau đó là chân dung đại biểu và hệ thống văn bản Hiến pháp Mỹ. Tất cả những sự kiện, sự việc đều được ghi chép một cách cẩn thận bởi James Madison, người được mệnh danh là “Cha đẻ của Hiến pháp Mỹ”, điều này trở nên thuận tiện hơn cho tác giả có thể tiếp cận với nguồn thông tin đồ sộ này. Bên cạnh những sự việc liên quan đến Hiến pháp Mỹ, còn có những bài viết của tác giả Nguyễn Cảnh Bình được trích vào phần Phụ lục. Những câu trả lời của tác giả rất dễ hiểu và mang đậm cái nhìn sâu sắc của ông về Hiến pháp Mỹ cũng như quan điểm sống. Trong đó, tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả về tinh thần tôn trọng sự khác biệt. “Nếu người khác tôn trọng bạn, hãy tôn trọng họ. Nếu họ không tôn trọng bạn, vẫn cứ tôn trọng họ, đừng để hành động của người khác ảnh hưởng đến nhân cách tốt đẹp của bạn. Bởi lẽ, bạn chính là bạn chứ không phải là một ai khác.” – Khuyết danh. Danh ngôn này khiến tôi ấn tượng và làm tôi phải có cái nhìn sâu sắc về nhân sinh quan. Mỗi cá nhân đều có giá trị riêng, mang đến thế giới một màu sắc riêng biệt không thể hòa lẫn vào đâu được. Bất luận ta có đồng quan điểm hay không, thì vẫn hãy dành sự tôn trọng cho người khác, những người xứng đáng được nhận nó. Ngay trong chính các cuộc tranh luận của những đại biểu tài ba, xuất sắc, vẫn không thể không có sự bất đồng quan điểm, nhưng dẫu sao đến cuối cùng họ vẫn thống nhất với nhau một bản hiến pháp không thể hoàn hảo hơn nữa. Điều này là bởi vì họ dựa trên tinh thần xây dựng, biết lắng nghe, chia sẻ, đưa ra ý kiến của mình để góp phần cho bản hiến pháp hoàn thiện hơn. Các đại biểu xuất hiện trong hội nghị đều là những cá nhân ưu tú, tài ba, chính trực, họ đều mang một đặc trưng riêng với tích cách riêng, nhờ sự tinh tế, khéo léo của Washington trong các buổi hội nghị đã thành công dung hòa được những ý kiến, quan điểm của những con người xuất chúng này. Tôi ngưỡng mộ sự tài năng của những đại biểu này và tôi cũng dành cho họ sự tôn trọng nhất định. Thông qua từng dòng chữ, hình ảnh của tác giả, tôi dường như mường tượng được sự việc, sự kiện, cả thế hệ đó trong một khung hình. Nơi đó hội tụ những tinh hoa, cũng là sự khởi nguồn của một siêu cường quốc của thế giới sau này.

Tác phẩm “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?” là bộ sách bao gồm đầy đủ thông tin, chi tiết đến từng bức thư, từng buổi họp của Hội nghị. Tôi thấy được sự tâm huyết, nỗ lực bao ngày đêm chuyên tâm nghiên cứu của tác giả Nguyễn Cảnh Bình dành cho quyển sách. Quyển sách này như là đoạn thước phim quay chậm về lịch sử nước Mỹ, những hiện thực xã hội và đồng thời bày tỏ lòng kính trọng đối với 55 đại biểu tham dự Hội nghị lập hiến. Phần đặc biệt nhất của sách cũng như làm tôi thích thú, ấn tượng nhất là Phụ lục: Tổng hợp các bài viết trên báo VietNamNet của tác giả Nguyễn Cảnh Bình. Những bài viết này đồng thời khiến độc giả hiểu rõ hơn về quan điểm của ông, những lập luận sắc sảo, những chiêm nghiệm, những câu trả lời thú vị làm một người như tôi không có nhiều quan điểm, hứng thú trong lĩnh vực buộc phải công nhận và say sưa với từng bài viết. Tôi vẫn sẽ rất hào hứng và đón đọc thêm những bài viết mới từ tác giả nếu được bổ sung thêm vào lần tái bản sau. Ngoài ra, điều mà bản thân tôi nhận ra được từ sách đó là tinh thần quyết tâm dành được tự do từ Đế quốc Anh của dân Mỹ, không chỉ vậy họ còn khát khao một chính quyền chung, vững mạnh có thể bảo vệ họ và đưa đất nước đến sự phồn thịnh. Suy cho cùng, người dân Mỹ ưa chuộng quyền tự do, độc lập, bình đẳng và đồng lòng hướng đến mục tiêu cao cả, cùng nhau thống nhất và thành công trong việc chống lại một vương quốc hùng mạnh nhất trên thế giới. Phải trong hoàn cảnh, điều kiện ấy, ta mới thấm được niềm khao khát, ước mơ tự do trong tâm tư của hết thảy những người dân ấy như những gì Tocqueville từng viết: “Tự do là một thứ gì đó mà chúng ta phải cảm thấy… Đó là một đặc quyền của những tinh thần quý tộc được Thượng Đế ban cho khả năng nhận ra, và nó truyền cho họ một lòng nhiệt thành to lớn. Đối với các tâm hồn thấp kém, họ không thể chạm được với ngọn lửa linh thiêng, và dường như không thể hiểu được.” Điều đó, phần nào tôi cũng cảm nhận được sự tha thiết của người Mỹ khi đứng trên mảnh đất họ buộc phải bảo vệ. Cũng chính tuyên bố hùng hồn, đầy quả cảm ấy được xem như cơ sở cho lập luận của Tocqueville trong cuốn sách Nền dân trị Mỹ: “Chỉ có những người sâu sắc và sáng suốt mới thấy những nguy hiểm mà bình đẳng gây đến cho chúng ta, nhưng những yếu kém mà tự do mang lại thì có thể thấy ngay lập tức.” Để đảm bảo quyền tự do, độc lập của dân Mỹ, không ít người mong muốn bản Tuyên ngôn nhân quyền Hoa Kỳ sẽ được đưa vào bản Hiến pháp Mỹ. Điều đó cho tôi thấy được những con người xuất sắc, tài ba ấy luôn mong bản thân mình có thể đóng góp, đem lại những điều tốt đẹp cho người dân, cho đất nước đến nhường nào.

Tuy sách đã đóng lại, nhưng lòng tôi vẫn còn in đậm những hình ảnh, những sự kiện diễn ra trong quá trình hình thành Hiến pháp Mỹ. Tôi bị cuốn hút và ấn tượng với nhan đề, nội dung của sách. Có lẽ đối với nhiều người đọc sẽ nghĩ sách về hiến pháp có vẻ nhàm chán và nặng kiến thức chuyên môn của ngành luật, nhưng không, khi đọc tôi mới biết rằng mình có quá ít sự hiểu biết về đất nước Mỹ. Đến khi đọc xong, tôi mới biết được người dân đã nỗ lực, gắng sức đòi lại quyền tự do như thế nào, thấu được cảm giác của những đại biểu cũng như người dân Mỹ mong muốn có một chính quyền chung phù hợp với nhu cầu của các tiểu bang. Dẫu việc đáp ứng đầy đủ sự thuận lợi cho các tiểu bang hay đảm bảo quyền độc lập, bình đẳng của dân khi ấy rất khó khăn, chật vật, nhưng rồi cũng đến ngày cuối của buổi họp hội nghị, họ đã cùng nhau thống nhất được bản hiến pháp một cách tốt đẹp. Cuối cùng, các nhân vật xuất chúng thuộc thế hệ đó của nước Mỹ đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Ngoài ra, tôi cũng hy vọng các bạn trẻ hay bất cứ ai có niềm yêu thích với hiến pháp có cơ hội được tiếp xúc với sách để có cái nhìn bao quát hơn về quốc gia ấy, cũng như quá trình làm hiến pháp nói chung, đồng thời bản thân mình cũng sẽ có thêm những kiến thức bổ ích, hữu dụng và thông tin về các đại biểu nổi bật của nước Mỹ nói riêng. Với niềm đam mê và sự ham hiểu biết của tác giả Nguyễn Cảnh Bình, tôi tin rằng các độc giả khi tiếp cận với cuốn sách này sẽ dễ dàng hiểu rõ những sự việc diễn ra trong suốt quá trình các đại biểu đã dày công chuẩn bị, sửa soạn nên bản Hiến pháp Mỹ.

Tác giả: Võ Ngọc Bảo Hân

Bài viết liên quan

Top