Tại sao tiếng Anh lại trở nên phổ biến trên thế giới?

Tại sao tiếng Anh lại trở nên phổ biến trên thế giới?

“Ngôn ngữ làm nên con người và chính ngôn ngữ khiến chúng ta siêu phàm”.

Đây là lời mở đầu của Các đế chế ngôn từ – một cuốn sách đồ sộ hơn 800 trang không khác gì cuốn bách khoa toàn thư cả.

Nội dung chính của Các đế chế ngôn từ là một câu chuyện kể về lịch sử loài người qua thế giới ngôn ngữ. Trong thế giới ngôn ngữ, dân số thay vì là 6 tỷ người mà là 6 nghìn ngôn ngữ (số liệu được tổng kết năm 2005).

Trong 6 nghìn ngôn ngữ này thì hơn một nửa chỉ có khoảng 5000 người sử dụng, và có hơn 1 nghìn ngôn ngữ có ít hơn… 12 người sử dụng.

Từ 6 nghìn ngôn ngữ này chỉ có 20 ngôn ngữ trên 60 triệu người sử dụng. Tiếng Hoa xếp hàng đầu. Tiếp theo là tiếng Anh. Tiếng Việt của chúng ta xếp thứ 19 với hơn 68 triệu người sử dụng. Nhưng vì đây là số liệu Các đế chế ngôn từ dẫn nguồn từ năm 2005, nên vào hiện tại số người nói tiếng Việt còn gia tăng hơn nữa.

Điểm thú vị và hấp dẫn nhất mà cuốn Các đế chế ngôn từ đem tới là cuốn sách nói về ngôn ngữ này không giống một cuốn từ điển khô khan. Trái lại Các đế chế ngôn từ có tính kể chuyện dựa trên lịch sử và số liệu được tác giả Nicholas Ostler phô diễn bằng một văn phong rất mềm mại, uyển chuyển khiến cho những độc giả ít quan tâm đến lịch sử hay ngôn ngữ cũng cảm thấy thuyết phục.

Thông qua Các đế chế ngôn từ, Nicholas Ostler và các cộng sự đã chứng minh những luận điểm rất logic và thuyết phục khi nhận định ngôn ngữ có lịch sử như một sinh vật tiến hoá. Sự phát triển của ngôn ngữ đến từ những lý do cơ bản, pha cả những bất ngờ chứ không phải là ép buộc về mặt quân sự và văn hoá.

Nicholas Ostler cũng đưa ra những lý khách quan và thuyết phục tại sao tiếng Anh lại là một ngôn ngữ được ưa chuộng trong cả văn hoá lẫn thương mại cũng như có chỗ đứng vững chắc là một trong số ít các ngôn ngữ thông trị thế giới trong ít nhất nửa thế kỷ tới.

Tại sao tiếng Anh lại trở nên phổ biến trên thế giới? 1

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TIẾNG ANH SAU CHIẾN TRANH VÀ ĐẠI DỊCH

“Bắc Mỹ nói tiếng Anh”.

Nhà quân phiệt và cũng là thủ tướng của nước Phổ Bismarck khi được hỏi rằng đối với ông sự kiện nào đang diễn ra là điểm nhấn quan trọng nhất của thế giới lúc bấy giờ. Đó là vào năm 1898.

Cuối thế kỷ 19, là thời điểm từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, từ phương Tây tới phương Đông cho tới những đất Bắc Phi và Nam Phi con người đều sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giao tiếp chính.

Bismarck vốn là một quân nhân và một nhà dân tộc chủ nghĩa, câu cảm thán “Bắc Mỹ nói tiếng Anh” gần như là một lời tiên tri cho việc tiếng Anh sẽ chinh phục thế giới theo một cách mà quân đội và vui khí sẽ không thể làm được. Và Bismarck đã đúng.

100 năm sau, tiếng Anh đã thống trị thế giới trong mọi mặt cuộc sống. Từ kinh tế, giải trí cho tới cả tôn giáo khi giáo hội Công giáo đưa ra chỉ huấn Vatican cùng tất cả các nhà thờ khác trên khắp thế giới có thể cử lễ bằng tiếng Anh như một lựa chọn khác bên cạnh tiếng La tinh và ngôn ngữ sở tại.

Tuy nhiên, thời điểm ban đầu của tiếng Anh lại không hề hứa hẹn về sự bùng nổ và dẫn đầu đó. Trái lại, tiếng Anh thời kỳ non trẻ chỉ được coi là một ngôn ngữ bình dân và có phần thấp kém. Trong Các đế chế ngôn từ đã chỉ ra rằng, lịch sử của tiếng Anh chia thành hai giai đoạn: hình thành và truyền bá.

Sự hình thành của tiếng Anh câu chuyện bắt đầu từ sự sụp đổ của Đế quốc La Mã dẫn tới sự thống nhất của các phe nhóm trên quần đảo Anh. Tiếng Anh bắt nguồn từ những nhóm phương ngữ German và trong hai thế kỷ tiếp theo, từ thế kỷ 9 tới 11 tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ chính quần đảo Anh ngay cả khi sự xâm lược của người Norman dưới sự dẫn dắt của William – “Nhà chinh phục” cũng không thể thay đổi được điều này.

Trong thời kỳ nước Anh nằm dưới sự trị vì của các nhà vua Norman thì tiếng Pháp dành cho tầng lớp quý tộc và tri thức, tiếng Latinh được giáo hội sử dụng trong tôn giáo, còn tiếng Anh là ngôn ngữ dành cho tầng lớp thường dân. Nhưng chính nhờ sự phân cấp này đã hạn chế tiếng Pháp trở thành một ngôn ngữ phổ biến ở Anh, và các tầng lớp cấp cao người Pháp hay nói tiếng Pháp phải dựa vào những người bản địa nói tiếng Anh để giao tiếp.

Kết quả là tiếng Anh được bảo tồn và vẫn là ngôn ngữ chính ở Anh dù cho nằm dưới quyền cai trị của những nhà vua Norman đến từ Pháp. Mọi chuyện đột ngột đổi chiều vào giữa thế kỷ 14 khiến tiếng Anh thay thế tiếng Pháp trở thành quốc ngữ cho hoàng tộc cho tới thần dân. Lần này không phải là binh đao mà là dịch bệnh.

Trong giai đoạn này, nước Anh chịu ảnh hưởng ít nhất 3 trận đại dịch hạch – Cái chết Đen ở quy mô lớn. Hậu quả là dân số nước Anh giảm xuống một nửa, điều này chẳng khác gì một cú đấm nốc ao chế độ phong kiến người Norman đang áp đặt lên Anh Quốc. Trong các trận đại dịch, rất nhiều quý tộc cũng đã chết, một yếu tố gián tiếp khiến cho Khi đại dịch qua đi, nhân lực lao động tay chân và trí thức trở thành khan hiếm. Các thành thị của nước Anh phải tiếp nhận một lượng lớn con người đến từ các làng quê để bù đắp vào sự thiếu hụt về nhân lực mà đại dịch gây ra, khiến cho số người nói tiếng Pháp càng trở thành thiểu số trong xã hội Anh.

Kết quả giờ đây trên khắp nước Anh, để có được công việc tốt và vị trí trong xã hội mọi công dân phải có khả năng đọc và viết bằng tiếng Anh như một điều kiện cần phải có. Giờ đây, sau trận đại dịch, tiếng Anh đã thay thế tiếng Pháp của người Norman trở thành quốc ngữ. Các nhà vua Anh trong thời điểm này khi đăng quang sẽ tuyên thệ bằng tiếng Anh cũng như sử dụng tiếng Anh trong hành chính và các lễ nghi quan trọng.

200 năm sau, vào thế kỷ 16, tiếng Anh một lần nữa hội tụ được “Thiên thời địa lợi” khi hưởng lợi từ một phát minh và tôn giáo.

Thời điểm này, nước Anh bước vào thời kỳ cải cách tôn giáo được khởi xướng bởi Henry VIII. Vị vua này đã biến nước Anh từ một quốc gia Công giáo chịu sự ảnh hưởng Roma thành một nhà nước Tin Lành. Một trong những thành tựu đột phá trong lịch sử đã xuất hiện trong thời điểm này là máy in. Máy in đã tạo ra vô số cuốn Kinh Thánh để đem lời Chúa đến với tất cả mọi người chứ không chỉ là số ít những người được chọn. Và nước Anh đã đi tiên phong khi xuất bản Kinh Thánh bằng ngôn ngữ của riêng mình.

Nổi tiếng nhất là cuốn Kinh Thánh của vua James – được coi là cuốn sách quan trọng nhất của các nước Thiên Chúa giáo nói tiếng Anh. Cuốn Kinh Thánh này cũng góp công không nhỏ trong việc truyền bá tiếng Anh ra khắp thế giới trong 300 năm sau.

Từ đây, tiếng Anh đã bước ra khỏi giai đoạn hình thành, phát triển và giờ là truyền bá.

TỪ MỸ TỚI ANH QUỐC VÀ THẾ GIỚI NẰM DƯỚI SỰ THỐNG TRỊ CỦA TIẾNG ANH

Giống như tôn giáo, để truyền bá một thứ ngôn ngữ hiệu quả nhất phải có một vùng đất mới. Nước Anh đã tìm ra được vùng đất đó, ở bên kia Đại Dương.

Khác với các đế quốc Châu Âu thời điểm đó như Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha, người Anh tìm đến Châu Mỹ không tìm kiếm vàng, truyền bá tôn giáo mà chỉ đơn giản là định cư lâu dài. Tầng lớp bình dân nước Anh lúc đó đã quá chán nản và mệt mỏi với các cuộc nội chiến và kiệt quệ về tài chính. Họ muốn một nơi có thể bắt đầu lại từ đầu để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Khi đã ổn định được cuộc sống và làm quen thổ nhưỡng. Người Anh bắt đầu sử dụng những chiến lược vô cùng hiệu quả để phát triển về mặt vật chất. Nhưng những chiến lược này lại vô tình phổ biến tiếng Anh trở nên rộng rãi hơn.

Thứ nhất là việc phát triển thương mại với dân bản địa vốn là những dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc lại nói một ngôn ngữ khác (có ít nhất hơn 30 ngôn ngữ trên Bắc Mỹ thời điểm đó) thành ra dân địa lại thiếu đi sự đồng nhất trong ngôn ngữ. Để làm ăn với người Anh tới định cư, các dân tộc bản địa đã học cách nói tiếng Anh và dần dần chịu sự đồng hoá. Sau này, Anh và Mỹ đã mở rộng đất đai bằng cách dồn ép dân bản địa vào các vùng hẻo lánh và đồng hoá họ qua ngôn ngữ và văn hoá.

Thứ hai nước Anh nhận ra rằng mình có thể làm giàu bằng trồng trọt chứ không phải đào vàng như các nước khác. Để trồng trọt quy mô lớn phải có những lực lượng lao động lớn. Lao động chính là dân bản địa và người da đen bị bắt làm nô lệ đều phải học và nói tiếng Anh để giao tiếp với đại chủ.

Kết quả chính hai điều này đã khiến cho tiếng Anh kết nạp được đông thành viên hơn và phát triển ở mức vượt ngoài tưởng tượng. Từ năm 1600 cho tới 1890, đã có thêm khoảng 50 triệu người nói tiếng Anh chỉ tính riêng ở Bắc Mỹ.

Tiếng Anh giờ đây trở thành một công cụ rất thực dụng : Kinh doanh và phát triển thương mại.

Nhưng tiếng Anh không chỉ thành công và thuộc địa hoá Bắc Mỹ, mà còn ở một khu vực khác cũng rộng lớn không kém là Ấn Độ.

Khác với Bắc Mỹ, tiếng Anh được sử dụng không phải là thương mại hay đồng hoá mà là phát triển giáo dục ở Ấn Độ. Ấn Độ giống với Bắc Mỹ, có quá nhiều ngôn ngữ được sử dụng mà mỗi ngôn ngữ lại không có sự tiện lợi và hữu ích như tiếng Anh.

Tiếng Anh trong thời gian Anh đô hộ Ấn Độ đã thành tiếng Ba Tư trở thành ngôn ngữ dành cho quý tộc và trí thức. Bản thân Anh quốc cũng đầu tư vào các trường học tiếng Anh và cho phép truyền bá đạo Tin Lành bằng tiếng Anh khắp Ấn Độ. Chính những mục sư nói tiếng Anh này đã góp công lớn trong việc phát tán tiếng Anh đến mọi tầng lớp Ấn Độ

Ngay cả tầng lớp cao cấp ở Ấn Độ đua nhau cho con cái đi học tiếng Anh và qua Anh làm việc. Mahamat Gandhi lãnh tụ sau này của Ấn Độ cũng đã học ở Anh. Tương tự như Gandhi là Krisnamusti –  một người có ảnh hưởng lớn trong triết học Ấn cũng đã sống ở Anh.

Sau này khi Ấn Độ độc lập, tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ quan trọng trong tầng lớp trí thức.

Tương tự Ấn Độ là các nước Nam Á, Đông Nam Á cũng chịu sự ảnh hưởng lớn của tiếng Anh trong văn hoá và giáo dục khi các quốc gia này có mối quan hệ thương mại với Anh và Ấn Độ, ví dụ như Miến Điện, Hongkong, Malaysia, Singapore… Kết quả là năm 1987, số người trẻ nói tiếng Anh ở Singapore lên tới hơn 87 phần trăm. Tính ra, hơn 150 triệu người nói tiếng Anh không phải người Anh và Mỹ.

Cuốn sách "Các đế chế ngôn từ - Lịch sử thế giới từ góc nhìn ngôn ngữ"
Cuốn sách “Các đế chế ngôn từ – Lịch sử thế giới từ góc nhìn ngôn ngữ”

CHỖ ĐỨNG CỦA TIẾNG ANH TRONG THẾ KỶ 21

Tiếng Hoa hiện tại vẫn là ngôn ngữ nhiều người sử dụng nhất thế giới.

Nhưng tiếng Hoa chỉ thông dụng ở Trung Quốc và một số quốc gia láng giếng. Sự ảnh hưởng của tiếng Hoa trong cộng đồng người Hoa và gốc Hoa là có, nhưng vẫn chưa thay thế tiếng Anh là ngôn ngữ chủ đạo trong ít nhất nửa thế kỷ tới.

Lý do bởi tiếng Anh có sự phổ thông trong thương mại và văn hoá rất lớn. Ví dụ trong ngành hàng không, tiếng Anh được coi là chuẩn mực để viết ra các thông lệ hàng không.

Tiếp theo là sự phát triển của công nghệ thông tin. Như tác giả Nicholas Ostler đã chỉ ra, mọi phát minh quan trọng nhất trên thế giới hiện đại đều xuất phát từ các quốc gia nói tiếng Anh. Các công nghệ này đã giúp cho tiếng Anh trở nên gần gũi khi xuất hiện trên truyền thông, lối sống, đồ ăn uống… Ngay tới khu vực Châu á – Thái Bình Dương mọi cuộc hội thảo được tổ chức tầm quốc tế thì tiếng Anh chiếm tới 90 phần trăm.

Thế kỷ 21, khi công nghệ và các phát minh khiến cho con người trên khắp thế giới trở nên gần nhau hơn thì ngôn ngữ chính là thứ gắn kết các dân tộc và màu da ngồi lại cùng nhau. Bản thân tiếng Anh là một ngôn ngữ thực dụng, đại diện cho cơ hội và giàu có. Giờ đây tiếng Anh sẽ không còn được biết tới như một công cụ cho tôn giáo hay nhà vua nữa, đó là ngôn ngữ của kinh doanh, thương mại, kết nối, truyền đạt thông tin và văn hoá ở mức toàn cầu. Ít nhất trong 50 năm nữa sẽ như vậy.

Tác giả: Đức Nhân

Không có từ khóa

Bài viết liên quan

Top